TÂM SỰ CỦA MỘT GIÁO SƯ NHÀ VĂN MỸ GỐC CHÂU SƠN!!

TÂM SỰ CỦA MỘT GIÁO SƯ

NHÀ VĂN MỸ, GỐC CHÂU SƠN!!

Nguyễn Thanh Việt sang Mỹ định cư với gia đình từ năm 1975. Lúc đó anh mới 4 tuổi, còn anh trai anh mới 10 tuổi. Cha mẹ anh mở một cửa hàng tạp hóa, công việc kinh doanh phát đạt và hai anh em Việt liên tục theo đuổi việc học và trở thành các giáo sư đại học thành công. Nghe như một câu chuyện Giấc mơ Mỹ điển hình. Nhưng sự thực không đơn giản như vậy.

Trong bài phỏng vấn lần này với Tạp chí  Culture, Việt chia sẻ trải nghiệm của anh khi là một người Việt lớn lên ở bang California vào những năm 1970. Anh cũng chia sẻ về động lực giúp anh chắp bút cuốn tiểu thuyết mới nhất: The Sympathizer (NXB Grove Press, 2015) viết về một điệp viên với những giằng xé nội tâm trong Chiến tranh Việt Nam.

thanh-viet

Anh là giáo sư đại học và gần đây nhất còn là tác giả của cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Người cảm thông). Giảng dạy và viết sách có luôn là niềm mơ ước của anh không? Anh có thể mô tả hành trình tới thành công hôm nay của mình?

Tôi viết cuốn sách đầu tiên trong đời vào năm lớp 3, cũng ngắn thôi. Đến khi vào đại học, tôi luôn có ước ao mình sẽ trở thành nhà văn và thi thoảng có viết lách đôi chút trong suốt những năm đại học. Tới khi tốt nghiệp, tôi nhận ra mình không đủ tài để đánh cược tương lai mình vào nghiệp viết văn, thay vào đó tôi tiếp tục học sau đại học để lấy bằng tiến sĩ văn học. Tôi có lẽ có năng khiếu nghiên cứu học thuật và viết lách, nhưng không có chút khái niệm nào về việc dạy học. Tôi bắt đầu trau dồi kĩ năng giảng dạy ở bậc sau đại học và thấy hóa ra mình cũng có chút năng lực. Đây cũng là khởi đầu con đường làm giáo sư của tôi. Mặc dù tôi yêu thích công việc giảng dạy và viết văn, tôi đã tự nhủ rằng khi nào được vào biên chế, tôi sẽ quay lại chặng đường viết văn và tận tụy với nó hơn. Và khi tôi ngoài 30, điều ấy đã xảy ra. Tôi đã giành những năm tuổi 30 nghiên cứu để viết một cuốn sách về Chiến tranh Việt Nam và những kí ức về nó, và viết một tuyển tập truyện ngắn. Dù kinh nghiệm có được khi viết tuyển tập ấy không là bao, nhưng nó cũng dạy tôi cách trở thành nhà văn. Ý tôi là tôi đã học được các kĩ thuật, và quan trọng không kém là đối sách cần thiết để chống chọi với nỗi cô đơn trên hành trình viết văn. Tôi không xuất bản tuyển tập này, nhưng những gì nó dạy tôi giúp tôi hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình trong vòng 2 năm.

tv1

Viet in Harrisburg PA about 1976

Viet with his older brother Tung in the only photo their father had with him when the family fled Vietnam, date sometime in the early 1970s

Anh sinh ra tại Việt Nam, nhưng mới 4 tuổi đã lênh đênh trên thuyền viễn xứ. Đó có phải năm 1975 không? Anh có thể chia sẻ cảm giác lúc đó không?

Vâng, đó là tháng Tư năm1975, nhưng đã là lần thứ 2 chúng tôi chạy trốn. Lần đầu tiên là vào tháng Ba năm 1975, lúc đó gia đình tôi sống ở Ban Mê Thuột, một thị trấn nhỏ và cũng là nơi đầu tiên bị chiếm trong cuộc tấn công của phe cộng sản. Lúc đó chỉ có mẹ tôi, anh trai, chị nuôi và tôi trong khi ba tôi lúc đó đang đi công tác ở Sài Gòn. Do các phương tiện liên lạc bị cắt, mẹ tôi quyết định sẽ chạy trốn cùng tôi và anh trai và giao cho chị nuôi tôi ở lại trông nom tài sản của gia đình. Mẹ tôi tin rằng cuộc chiến sẽ không kết thúc, và chúng tôi sẽ trở lại. Thực tế không xảy ra như vậy, và tôi đã không được gặp lại chị mình cho tới gần 30 năm sau. Mẹ tôi, anh trai tôi và tôi dắt díu nhau cuốc bộ khoảng vài trăm kilomet tới Nha Trang. Thực sự cảnh tượng rất kinh khủng, có quá nhiều người tị nạn và xác lính. Anh trai tôi đã viết về trải nghiệm này trong một câu chuyện. Chúng tôi đón tàu vào Sài Gòn, nơi tôi gặp lại ba. Tôi chẳng nhớ gì về chuyện này. Kí ức của tôi bắt đầu ở Harrisburg, bang Pennsylvania nơi cả nhà tôi tái định cư. Tất cả người Việt tị nạn phải có người bảo trợ mới được rời khỏi trại tị nạn, nhưng trong trường hợp của chúng tôi thì không ai nhận bảo trợ được cho cả gia đình. Ba mẹ tôi sau đó được một người bảo trợ nhận, anh trai tôi được một người khác nhận và tôi lại được bảo trợ bởi một người khác nữa. Lúc đó tôi mới 4 tuổi. Dù chỉ sống xa ba mẹ vài tháng, nhưng tôi cảm giác thời gian sao mà dài đằng đẵng. Nỗi đau đớn phải chia ly đã thành vết ký ức in hằn trong tôi sau này. Đó cũng là cách chiến tranh định hình một đứa trẻ.

tv-2

Vậy cảm giác của anh thế nào khi lớn lên ở San Jose, California?

Chúng tôi dời tới đó vào cuối những năm 1970 bởi lẽ cơ hội làm ăn ở Harrisburg quá hạn chế. Cách đây vài năm khi quay trở lại Harrisburg, tôi nhận thấy khu vực nơi mình ở lần cuối giờ là khu ổ chuột, không giống trong trí nhớ của tôi chút nào. Lúc đó tôi chỉ thấy hạnh phúc khi ở bên ba mẹ. Thời tiết ở San Jose ấm hơn và dân cư cũng đa sắc tộc hơn. Tôi lớn lên cùng những người Mỹ gốc Việt, gốc Mễ, rộng ra là tầng lớp lao động, dân nhập cư, dân tị nạn, và giáo dân. Người Việt Nam là một cộng đồng lớn ở đây, luôn cố gắng tồn tại và vươn lên. Ba mẹ tôi mở cửa hiệu tạp hóa thứ 2 của người Việt ở thành phố này (cái đầu tiên là do một người bạn của ba mẹ mở). Suốt những năm 1980, ba mẹ tôi quanh năm suốt tháng làm việc quần quật 12 đến 14 tiếng đồng hồ một ngày, chỉ trừ lễ Phục Sinh, Giáng sinh và Tết. Tôi theo học một trường công lập, rồi một trường Thiên chúa giáo. Đến tối tôi phụ việc kế toán cho hiệu tạp hóa. Tôi sắp xếp các tấm séc, tem phiếu thực phẩm và voucher phúc lợi rồi cộng ra kết quả. Tôi còn thuộc nằm lòng những con số trên máy tính. Ba mẹ tôi bảo nếu giờ này tôi còn ở Việt Nam, thể nào tôi cũng bị gọi tòng quân sang chiến đấu ở Campuchia. Ông bà tôi lần lượt qua đời ở quê nhà, và tôi không sao hiểu được nỗi đau buồn của ba mẹ, hay vì sao mình phải chít cái dải khăn trắng lên đầu. Bố mẹ tôi có lần bị bắn trong một vụ cướp có vũ trang ở cửa hiệu đúng đêm Giáng sinh. Hồi tôi học trung học, một tay súng đột nhập vào nhà và chĩa súng lục vào mặt tôi. Mẹ tôi chạy ra đường tri hô, nhờ thế mà cả nhà được cứu sống. Sau vụ đó tôi chỉ muốn rời nhà thật nhanh đến học ở một trường đại học thật xa. Đó là quá trình tôi lớn lên ở San Jose, California.

New Saigon Market owned by Viet’s parents in the early 1980s

tv3Viet with his family in Harrisburg, Pennsylvania, soon after coming to the United States and being resettled from the refugee camp at Fort Indiantown GAP, 1976

Anh đã chứng kiến rất nhiều nỗi đau trong cộng đồng người Việt do chiến tranh gây ra, đồng thời cũng trải nghiệm nhiều điều tích cực như gia đình và tình bạn. Anh có thể cho biết những điều tích cực ấy ảnh hưởng tới cuộc đời mình thế nào không? Anh làm cách nào để hòa nhập (hoặc giữ bản sắc dân tộc) vào đời sống Mỹ?

Cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng phức tạp như cộng đồng bản xứ ở Việt Nam thôi. Một mặt, người Việt rất hiếu khách và cởi mở. Họ luôn chào đón bạn vào nhà, mời bạn đồ ăn thức uống. Người Việt đề cao tình bạn lâu dài và lòng trung thành. Máu mủ là trên hết, gia đình luôn là nơi ta nương nhờ. Tôi đã thấu hiểu được những giá trị đó. Nhưng mặt khác, người Việt thường tọc mạch và hay lừa dối. Họ biết tính xấu này của mình nhưng cũng không làm gì để thay đổi được. Họ lừa cả người thân lẫn người dưng, họ ngồi lê đôi mách cả về kẻ thù lẫn người họ yêu quý. Máu mủ vẫn cứ là máu mủ, nhưng ngay đến gia đình cũng lừa dối nhau. Tôi không thể phân định rạch ròi tốt xấu khi nói về người Việt Nam, cũng như người Mỹ. Giống như người dẫn chuyện trong tiểu thuyết của mình, tôi nhìn nhận cả 2 mặt của vấn đề. Điều đó có nghĩa là tôi không bao giờ thấy mình hoàn toàn thuộc về một quê hương, kể cả cả khi tôi sống trong nền văn hóa Mỹ mà tôi từ lâu đã hòa nhập. Giống nhân vật người dẫn chuyện, nếu bạn nghe tôi nói qua điện thoại, bạn sẽ cảm tưởng tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Mỹ là nhà của tôi. Đồng thời, tôi cũng luôn nhận thức được những thất bại và thói đạo đức giả ở Mỹ.

tv6

Anh đã làm việc tại trường Đại học Nam California bao lâu rồi? Anh có nhiều sinh viên Việt Nam hay người Mỹ gốc Việt không?

Tôi đã cống hiến mười chín năm – toàn bộ sự nghiệp của mình – cho ĐH Nam California. Thật buồn là tôi không có nhiều sinh viên Việt Nam hay người Mỹ gốc Việt, kể cả khi tôi giảng dạy về chiến tranh Việt Nam. Hầu hết họ  trong các ngành khoa học và họ rất thực tiễn. Đề tài chiến tranh Việt Nam có lẽ quá căng thẳng, hoặc đơn giản là không liên quan tới họ. Đồng thời, tôi có cảm giác họ cũng không mấy quan tâm tới các môn khác của tôi là Mỹ – Á học, và Văn hóa & Văn học Mỹ. Ở những lớp này tôi có nhiều sinh viên người Mỹ gốc Á hơn, cũng như có nhiều du học sinh châu Á trong lớp học của tôi về Chiến tranh Việt Nam hơn.

tv5

Vậy ở trong trường đại học thì thái độ của mọi người với di sản Việt Nam như thế nào? Cộng đồng người Việt ở đó ra sao?

Có một nhóm nhỏ các sinh viên quan tâm tới văn hóa Việt Nam. Họ có hẳn Hội Sinh viên Việt Nam. Tôi nghĩ đối với họ văn hóa Việt Nam có hai điều. Thứ nhất là truyền thống, tôi vẫn thấy họ phô diễn điều đó trong các chương trình văn hóa thường niên. Truyền thống ở đây đồng nghĩa với áo dài, múa dân gian, dân ca và ẩm thực. Một phần khác của di sản Việt Nam trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tức là Khu Little Saigon gần đó, là lá cờ của Việt Nam Cộng hòa. Trước đây cũng từng có Hội Du học sinh Việt Nam dành cho sinh viên nước ngoài. Bây giờ vẫn còn hay sao đó. Hai nhóm này không liên hệ gì với nhau và theo như tôi được biết, họ chỉ giáp mặt nhau đúng một lần khi đề tài quốc kỳ trở thành chủ đề gây tranh cãi. Khu học đường đang treo cờ đỏ sao vàng, thế rồi một nhà vận động của cộng đồng người Việt đến thay ghim lên bằng cờ vàng ba sọc. Hai hội sinh viên lập tức nhảy vào tranh luận về quốc kì, chiến tranh, và lịch sử. Các du học sinh nói họ hiểu nhãn quan của những người Mỹ gốc Việt, nhưng họ muốn vượt lên quá khứ và hòa giải. Những người Mỹ gốc Việt khẳng định là họ không sao quên được quá khứ, và nỗi đau của cha mẹ họ vẫn làm họ nhức nhối. Bằng cách này, các sinh viên Việt Nam ở trường tôi – cả du học sinh lẫn người gốc Việt, biểu trưng cho những căng thẳng giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và Việt Nam. Điều này cũng là một phần của di sản Việt Nam và nó trở thành định nghĩa về cộng đồng người Việt.

tv4

Viet and family 1988

Nothing Ever Dies cover, forthcoming from Harvard University Press, March 2016

Viet with his brother Tung and his parent in San Jose, Califonia, circa 1982

Cuốn sách của anh hấp dẫn và day dứt đồng thời cũng hơi hài hước. Có nhân vật nào trong đó dựa trên người thực không?

Nhiều lắm! Francis Ford Coppola Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Phu nhân Nhu, Hoàng Cơ Minh, Lynda Trang Đài và Nguyễn Ngọc Ngạn là nguồn cảm hứng cho các nhân vật của tôi.

Tội lỗi và bội phản là chủ đề trọng tâm trong tiểu thuyết của anh. Anh có nghĩ đây cũng là bản chất của con người nói chung không?

Có chứ. Mọi nền văn hóa đều có một lịch sử đầy tội lỗi và phản trắc. Người Việt và người Mỹ không hề là ngoại lệ. Vậy nên tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết không chỉ tập trung vào Chiến tranh Việt Nam, những gì người Mỹ và người Việt đã làm với nhau và làm với chính họ. Những câu hỏi họ phải đối diện, những hành động họ làm, chính là biểu hiện của tình cảnh con người nói chung mà ở đó họ buộc phải chọn lựa và sống với hậu quả của nó.

Dự án tiếp theo của anh là gì? Anh có định viết một cuốn sách mới không?

Tôi đang hiệu đính luận cứ cho cuốn sách mới Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War(Chưa từng chết đi: Việt Nam và Hồi ức chiến tranh). Sách sẽ được Nhà xuất bản Đại học Harvard vào tháng 3/2016. Tôi nghĩ cuốn sách này là bạn đồng hành chí cốt cho tiểu thuyết của tôi. Ngay khi hoàn thành xong các luận cứ, tôi sẽ bắt tay viết ngay phần tiếp theo của The Sympathizer. Tôi rất phấn khích, tôi đã mất tới 13 năm để viết Nothing Ever Dies..

Bác sĩ kiêm nhà văn người Canada gốc Việt Vincent Lam đã nhận xét tiểu thuyết của anh “đáng nể và xuất sắc”. Anh có lời khuyên gì cho những ai muốn tiếp bước mình, với tư cách hoặc là nhà văn hoặc giáo sư học thuật?

Hãy tìm một thứ bạn tin tưởng. Sau đó, phải kiên trì. Những gì thực sự quan trọng với bạn là có thể không đạt được chỉ trong 5 năm, 10 năm hay 20 năm. Đó là sự khác biệt giữa nghiệp vụ và nghề nghiệp. Nghiệp vụ giúp bạn giành được nhiều cơ hội và phần thưởng bên ngoài, do người khác định ra. Còn nghề nghiệp và giá trị của nó thì chỉ có bạn mới quyết định được.

This content is also available in: English

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Như một lời chia tay!!!

Sáng nay bầu trời có chút nắng hiếm hoi xuất hiện sau cả tuần mưa …