CHÂU SƠN XƯA VÀ NAY PHẦN II: TÌNH QUÊ LƯU LUYẾN
tienducchauson
21/08/2016
Diễn Đàn Bạn Đọc, Thời Sự Châu Sơn, Tư liệu Châu Sơn
437 Views
CHÂU SƠN XƯA VÀ NAY
PHẦN II: TÌNH QUÊ LƯU LUYẾN
Ngày xưa ấy, một buổi mai mùa Thu, trời trong lành và không khí thoáng đãng. Mặt trời hãy còn đơn sơ, chưa biết đỏng đảnh, cáu kỉnh, nắng hạn gay gắt như bây giờ. Ngày hai buổi lên xuống cho em thơ sớm mai cắp sách đến trường và chiều về cho những người nông dân, và những đứa trẻ cưỡi trên lưng trâu bò về làng.
Và vì thế, nắng vẫn còn nhạt màu rắc vàng trên mái tranh nghèo, và rơi vãi khắp hiên nhà, khiến chú Cún ngỡ vàng đâu uổng phí rắc đầy thềm. Xào xạc bên khóm chuối, gió vẫn còn hoang sơ, thoảng đưa mùi rơm rạ từ cây rơm trước nhà với mấy chú gà đang bươi nhặt và gióng tiếng gáy xao xác vang trong buổi mai yên lành.
Và người mẹ đang bận rộn củi đun nồi cơm sáng khói toả lan mái bếp; bên cạnh mấy chú heo eng éc đòi ăn.
Ngoài sân nhà, người chị đang gom quét những chiếc lá vàng rơi rụng đêm qua, và bỗng vương vấn tơ lòng mênh mang nỗi nhớ về một người, mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Ở vườn sau, tiếng huýt sáo yêu đời của chàng trai mới lớn đang dõng dạc bửa củi, làm vui lây chú Chào Mào trên cành líu lo hót vang góc vườn, cũng vừa lúc báo hiệu cho người cha vai cày tay Trâu ra đồng.
Rồi bất chợt, cơn mưa rào rạt, lốp đốp trên mái nhà tôn nghe ấm cúng và rộn rã chi lạ. Không như ngày nay, mưa dồn thác lũ, nắng cháy gay gắt. Trông chờ những cơn mưa đầu mùa đỏ mắt, đến khi Tiêu, Điều, Cà phê, Thanh long… rụng rời héo úa, thì cơn mưa đổ xuống sầm sập liên tục, trôi hết ruộng đất đường sá và làm Tiêu, Cà úng ngập.
Nhưng làm người nông dân thì dù là cây trồng nông nghiệp: Màu mè, đậu lạc, ngô khoai…hay cây công nghiệp Tiêu, Cà phê… thì thời nào cũng có những nỗi truân chuyên vất vả cực nhọc của thời đó.
Ngày đó, nương rẫy và ruộng đất với những hoa mầu: Lúa, Ngô, Khoai, Đậu, Lạc…được canh tác sát gần kề xóm làng. Chiều về trong trong tiếng chuông ngân vang vọng xa.
Và bên hiên, lời mẹ ru con à ơi, êm ả tiếng võng đưa quyện theo khói lam chiều, từ mái tranh nghèo lan toả khắp xóm làng, báo hiệu một ngày tàn cho đêm rũ màn buông xuống, cho muôn người đoàn viên bên bếp lửa hồng,
với bữa cơm có phần đạm bạc, thì những câu chuyện vui làm ấm lên sự sum họp và ấm áp một niềm yêu thương gia đình. Bây giờ rẫy nương xa ngái ở 384, Buôn Ba, Cầu 6, Buôn Ki…
Ngày ấy, những đêm Trăng đẹp cho đàn em thơ đùa vui hát đồng dao khắp lối xóm. Xa xa vọng tiếng sáo êm nghe mênh mang nỗi nhớ về những đêm trăng trên bến nước sông La, Hà Tĩnh ngày xưa.
Đêm tĩnh lặng, một bờ luỹ thành trì ấp chiến lược bao quanh, làm cho làng quê thêm chút đầm ấm yên vui hơn.
Và ngày nay, đâu rồi những mái nhà tranh thấp lè tè vách đất, nứa tre, cột cọc chống đỡ. Mái rèm trước thềm che chắn nắng sớm mưa chiều. Đâu rồi những áo tơi kết lá che mưa. Đâu rồi những ngôi nhà ngang rộng thoáng cho tất cả mọi sinh hoạt gia đình: ăn cơm, uống nước tán gẫu, ngồi kẹp hành ngò…
Đâu rồi những chuồng trâu, bò, mái nhà dựng che chảo và lò nấu đường mật kề cận sum vậy.
Đâu rồi những con đường làng quê nhỏ hẹp phủ bóng cây xanh, gập ghềnh trắc trở ngõ về tối om;
Mùa mưa về lầy lội trơn trượt, đất dính bám chân người và mùa khô, đất đỏ bụi bay mù trời.
Đâu rồi những trò chơi Khăng, Gụ, Bắn tên, Cướp tù, Nhảy dây, Ô quan, Rồng rắn…của tuổi thơ ngày xưa ấy.
Tất cả đã trở thành những hoài niệm dấu yêu của một thời xa vắng.
Vẫn ở chốn đó, nhưng cảnh cũ đã biến đổi ra một gam mầu đầy lạ lẫm. Châu Sơn đang từng ngày thay da đổi thịt để trở thành phố phường của TP BMT. Và vì thế những yêu cầu về Điện, Đường, Trường, Trạm và Nước sạch là rất cấp thiết. Tất cả đang trên đà phát triển đến hoàn thành.
Điện thắp sáng trong nhà ngoài ngõ, cho máy nhạc CD, DVD, TV, Tủ lạnh, Máy giặt…đã có hơn mười năm nay.
Đường sá thông thoáng mương máng. Đường dọc đổ cấp phối đá sỏi đang từng bước trải nhựa 50 – 50 Nhà nước và Nhân dân cùng làm (2006).
Đến những năm 2014 thì các đường dọc được láng nhựa và đường ngang đổ bê xi măng mùa mưa đi lại rất an toàn và sạch sẽ. Nhà nước hổ trợ xi măng và người dân tiếp tay đóng góp công sức và cát đá.
Một sự kiện được xem là kỳ diệu đối với người Châu sơn, khi bỗng dưng con đường vành đai được thiết kế cắt ngang qua làng, gần như tách rời thôn 2 và thôn 3 ra.
Điều đó, làm cho làng Châu Sơn không còn bế tắc như ngày xưa. Bây giờ tuyến đường vành đai thông thương ngược xuôi đi Sài Gòn, Gia Lai, Kon tum…chỉ cần ra ngoắt xe là đi ngay, rất thuận lợi. Điều này cũng mở ra vận hội làm ăn kinh doanh và đô thị hoá cho người Châu Sơn.
Trước mắt là giá vườn nhà, rẫy nương tăng vùn vụt. Những người có đường vành đai đi qua, bán vườn rẫy bạc tỷ…Nhưng mặt trái là, một số vùng đất lớn bị nằm vào quy hoạch treo, không bán buôn rẫy mạc được. Mặt khác, khi đô thị hoá thì sẽ kéo theo những tệ nạn xã hội: Trộm cướp, hút chích, cờ bạc…vào làm ô nhiễm cho con em GX nhà là khó tránh khỏi.
Trường học cũng đang được tái thiết và xây dựng mới, phòng ốc rộng rãi và khang trang hơn. Nước sạch Đan Mạch cũng được thiết kế lắp đặt đường ống dẫn nước chính xong. Những ngôi nhà mê, nhà mái Thái đang chen lấn những ngôi nhà xây cấp 4, có phòng lồi, đổ ô văng dấu mái tôn.
Thổ cư đang dần thu hẹp lại cho 3, 4 nhà chung một vườn; Và vì thế những cây trồng ăn quả đang dần biến mất, nhường cho thú chơi cây cảnh phát triển. Những cổ xe bò cọc cạch năm xưa đã được thay bằng xe độ, xe càng, Huyndai, xe máy kéo…
Những gia súc Trâu Bò, gia cầm Gà Vịt nuôi thả, được thay thế bằng Nai, Gấu, Ong, Heo, Dê và Gà Vịt Công nghiệp được quy hoạch chuông trại hẳn hoi. Dẫu có tiếc nuối, cũng chẳng thể ngăn nổi quy luật phát triển tất yếu của xã hội đang đi lên nữa rồi.
Ngày ấy, thiên nhiên liền kề với xóm làng một cách thân thương lắm. Và bây giờ, đâu rồi những luỹ tre xanh trĩu nặng tình quê bao quanh thôn làng.
Những cây Xạng cổ thụ vươn dài cành lá ấp ủ một miền quê đã mỏi mòn chết lặng lẽ trong sự lãng quên.
Và đâu rồi những cây Kè, cây Cọ xoè tròn liêu xiêu đầm lầy ông Khoa.
Cây Dứa rừng xum xuê màu xanh gai góc lầy ông Thông. Cây Roi thơm trái chín mọng ngọt lầy bà Uyên.
Cây xoài quéo ngọt bùi rẫy ông Yên. Cây Trâm trái chín mọng màu mực tím vườn ông Đàn. Mà một thời đã dành cho tuổi thơ rong chơi và trèo hái mỗi ngày. Không còn chờ nổi cho đến ngày 50 năm, cây Bằng lăng góc khuôn viên nhà xứ cũng âm thầm ra đi mà chẳng ai tiếc nhớ!
Và rừng xưa đã khép lại một thời hồng hoang, cây rừng xanh lá phủ kín núi đồi, cho đồi thêm cao và núi thêm hùng vĩ trong tiếng chim trời về hót xôn xao bốn mùa. Giờ đây tất cả chỉ còn lại trong ký ức của sự tiếc nuối. Rừng xưa đã bị xuống tóc nhẵn thín như để đi tu.
Và chim trời không bến đậu, đã bay đi từ độ nào. Tất cả chỉ để đổi lấy những cây vườn mùa sầu riêng thơm ngát, những hàng chôm chôm trĩu trái, những mùa Na ngọt bùi…đã thay cho trái cây rừng.
Những con chim cảnh hót trong lồng vẫn không thể thay thế tiếng chim hót hồn nhiên trong sáng ngoài bờ Mận hảo.
Châu Sơn Choa