SƠ YẾU LÝ LỊCH CÁC LỚP NIÊN KHÓA: 1957 – 1958, 1960 – 1961, 1961 – 1962
tienducchauson
20/01/2016
Diễn Đàn Bạn Đọc, Tư liệu Châu Sơn
449 Views
SƠ YẾU LÝ LỊCH CÁC LỚP:
Niên Khóa: 1957 – 1958, 1959 – 1960, 1960 – 1961
Sơ yếu lý lịch các lớp, là những nét chấm phá diện mạo độc đáo đặc thù của mỗi lớp. BBT dựa vào những chi tiết dữ liệu của các lớp cung cấp để gia vị mắm muối, hành tỏi…xào, rán lại cho món “sơ yếu lý lịch” thêm thơm ngon và khoái khẩu hơn mà thôi. Nếu bạn nào bị BBT gia vị hơi quá tay “hài tiếu” thì cũng xin vui lòng bỏ quá và thông cảm cho BBT vậy; Bởi “Tứ hải giai huynh đệ” anh em chung một nhà, “chọc quê” một tí cho vui thôi mà!!
BBT xin cáo lỗi, bởi một ít lớp không gửi chi tiết về lớp mình đầy đủ, nên BBT không thể minh hoạ được. Xin các lớp vắng mặt Sơ yếu lý lịch trên đăng đàn kỷ yếu thông cảm cho.
BBT chúng tôi đã niêm yết danh sách các lớp trước nhà thờ, để các lớp xem và bổ sung hoặc điều chỉnh…Nhưng BBT không nhận được một sự đóng góp bổ sung, sửa sai nào cả. Vậy nếu Danh sách các lớp có sai sót, thiếu vắng bạn nào…thì BBT chúng tôi cũng xin botay.com mà thôi.
Chúng tôi sẽ đăng mỗi kỳ 3 lớp
BBT
Sơ yếu lý lịch
Lớp Nhì niên khoá 1957-1958
Một lớp có kỷ lục ít thành viên nhất, với 14 học sinh, nhưng lại có hai thầy dạy học là thầy Nguyễn Đình Hiệp và thầy Trần Xuân Tuệ. Niên khoá 57-58, lớp đang học lớp Nhì, rồi nửa cuối niên khoá ôn luyện thi Tiểu học. Một cuộc vượt vũ môn đầy ngoạn mục với kết quả thi đậu Tiểu học gần hết. Đây là lớp đầu tiên của thời tiền trường Tiến Đức có học sinh thi Tiểu học năm 1958.
Lớp chỉ khiêm tốn có 14 thành viên, nhưng cũng có những nét nổi trội: có một linh mục được chọn làm một trong 10 gương mặt tiêu biểu của Tiến Đức; đó là Linh mục Nguyễn Thanh Tâm, học giỏi, xuất thân từ Giáo Hoàng học viện. Nghiệp binh đao cũng có người xuất thân từ sĩ quan CTCT Đà Lạt, làm tùy viên cho Tỉnh Trưởng VNCH, đó là anh Nguyễn Văn Di (chết). Người có đa tài: biện thuyết giỏi, kỹ thuật máy móc cơ khí rất rành rọt, tán gái cũng rất dẻo miệng và khá đào hoa…Đó là anh Nguyễn Tiến. Lớp đó, còn có người có cái miệng vàng – kim khẩu, đấu lý cả ngày khiến cho đối biện phải nản lòng là anh Nguyễn Khắc Tùng; ngoài ra anh còn là một tay võ nghệ cao cường, môn sinh của thầy Nguyễn Huynh, một thời tài danh ở đất Sài Thành.
Một “anh” Đoàn Trưởng Đoàn Phụ huynh, nhưng vẫn còn độc thân, và đang “trưng cầu kén…”; đó là anh Đoàn Võ Trang. Nhưng độc đáo của lớp nhất đó, là chỉ có một bông hoa Trần Thị Minh Thư. Chỉ một năm sau Tiểu Học chị đã gắn bó cả đời mình với nghề “gõ đầu trẻ”, và điều đặc biệt hơn nữa là, thầy Nguyễn Đình Hiệp đã “ve” được cô học trò nhỏ nhắn, xinh xắn để làm “ý trung nhân”.
Sau 75, có hai người cao chạy xa bay qua bên kia bờ đại dương là Nguyễn Văn Quý (chết) và Nguyễn Văn Chương, dáng người cao lớn, hộ pháp như Mỹ.
Ngoài ra, các thành viên lớp cũng đều là những “lão nông tri điền” lên chức “thượng toạ” ông bà nội ngoại cháu con đùm đề!
Lớp Nhì niên Khóa 1957-1958
Sơ yếu lý lịch
Lớp Nhất niên khoá 1960-1961
Lớp Nhất niên khoá 60-61, gồm có 24 thành viên, do thầy Nguyễn Thái Hoàn phụ trách dạy.
Đây là một lớp có thiên hướng đi tu, đông trên 10 người, nhưng Chúa lại chỉ chọn có hai bông hoa thanh tịnh. Đó là Sơ Helena Nguyễn Thị Nhung đã từng là Tổng Phụ trách Dòng ĐMNVHB hai khoá. Sơ Maria Bùi Thị Quang, đã từng là bà Nhất ở nhóm NVHB GX Châu Sơn. Khi xưa, o Quang rũ áo đi tu để anh Trí Pho phải ngậm ngùi với câu hát “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.
Lớp này có một người đi lính, chưa lên đến Đại uý mà đã có “ba hoa” rồi, chắc nhà ở gần kho đạn nên nổ dữ! Nhưng đặc biệt “ngoại đạo” – không bà con gì với Tu sĩ, Giáo sĩ cả, nhưng lại được vinh dự mời gọi làm việc tông đồ giáo dân trong Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn! Đó là anh Đoàn Trung Chính; Tuy ở xa quê, nhưng khi nào gặp người quê nhà cũng tay bắt mặt mừng niềm nở.
Không có “duyên với nhà Chúa” là anh Nguyễn Quang Thanh (chết). Đi tu CVK, học giỏi, xuất thân từ Giáo Hoàng Học Viện ra, là thầy giảng giúp xứ, những tưởng đã lọt vào “trận chung kết” để được lên thiên chức “múa như bướm đực trên bàn thờ”, ai ngờ…Một người khác từng “vang bóng một thời” với Đoàn trưởng Đoàn Huynh trưởng GX Châu Sơn, là anh Nguyễn Xuân Tĩnh. Một người làm bên Giáo họ, thích “mua hột mà nót” với việc chung nhà dòng, GX…Chắc là Chúa sẽ cho “lên thiên đàng cả dép”; đó là anh Hoàng Biên.
Người hùng một thời “thiên thần mũ đỏ”, sĩ quan lính dù VNCH là anh Lê Thế Bích. Ngang bướng đến mức được phong tặng danh hiệu “Thiếu uý muôn thủa”. Lớp đó còn có một nguyên HĐGX anh Trần Văn An.
Và bên kia bờ đại dương là những nhà “ta ru” Nguyễn Liên, Đậu Quang Toàn.
Những thành viên khác của lớp cũng là những ông bà nội ngoại với cuộc sống của một cõi “nửa đời đi về”.
Lớp Nhất niên khoá 60-61
Sơ yếu lý lịch
Lớp Nhất niên khoá1961-1962
Một lớp có 31 thành viên do thầy Trần Đức Thiện phụ trách dạy lớp Nhất.
Mặc dầu lớp không có ai xuất sắc nổi trổi, có lẽ là do năng lực của lớp quá đồng đều, quá năng lực để khó có ai vượt trội lên chăng? Tuy nhiên, sau khi rời Tiến Đức, lớp cũng đã có những cánh Thiên Nga trên bầu trời cuộc đời.
Một Cử Nhân Anh văn vào tuổi “ngũ thập niên” là một sự đáng biểu dương; đó là anh Bùi Đình Kỳ; Bởi hầu như sau 75, mọi người buông tay súng để về cầm cày mà quên cái nợ cầm thư mất rồi. Lớp đó còn có một “lý thuyết gia” về giáo dục và nông nghiệp đó là anh Đoàn Viết Hùng. Một viên chức bám trụ được với nhà nước kể từ sau 75 đến nay, với chức vụ Phó Chủ nhiệm công ty xe khách Thành Công, cũng khá đáng khen (nếu có Đảng, có lẽ, anh còn tiến xa hơn rồi); đó là anh Bùi Văn Tiến. Một người có cái tật “cà lăm”, nhưng lại làm nên cơ nghiệp lớn của một đại gia thành đạt ở TP BMT; đó là anh Phạm Hồng Minh. Không thể quên một nhà “thơ vườn” có cái văn chương mộc mạc, dung dị đậm chất miền quê; đó là chị Lê Thị Danh. Một bông hoa đẹp của lớp, có cái dáng tân kỳ của nữ ca sĩ Silvie Vartan (Bungari) Thập niên 60; đó là chị Trần Thị Bình.
Hai thành viên ở bên kia bờ đại dương là chị Nguyễn Thị Lan, người đẹp “yểu điệu thục nữ” và anh Đoàn Văn Quyền một người tự “lưu đày biệt xứ “ ở Mỹ.
Ngoài ra, các thành viên khác đều đã lên chức ông bà nội ngoại, và là những “hai lúa” có cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp!
Lớp Nhất niên khoá 61-62
Mời các bạn xem tiếp các kỳ sau của các lớp…BBT