CẢM NHẬN CỦA MỘT GIÁO DÂN VỀ KINH NGUYỆN
tienducchauson
08/01/2016
Diễn Đàn Bạn Đọc
111 Views
CẢM NHẬN CỦA MỘT GIÁO DÂN
VỀ KINH NGUYỆN
Có người nói: Tôn giáo không có kinh nguyện thì không phải là tôn giáo. Ví như đạo Ông bà, đạo Khổng, đạo Lão…hầu như không có lời kinh nguyện một cách bài bản cụ thể, nên cũng chỉ là tôn giáo đạo đức luân lý, đạo làm người ở xã hội trần thế mà thôi. Ví như: hiếu thảo cha mẹ, tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức… Thực sự những đạo này không có cao vọng hướng đến một thế giới siêu hình về một đấng thượng đế tối cao. Thật vậy, tôn giáo muốn tồn tại vững bền thì luôn phải đi liền với lời kinh nguyện như: Kinh Phật, Kinh Koran, Kinh Mân Côi…
Kinh nguyện của mỗi tôn giáo, giống như nhịp cầu nối liền giữa con người với thượng đế. Chính lời kinh nguyện là phương tiện để con người tỏ bày nỗi niềm: vui buồn, sướng khổ trong cõi đời dâu bể này, và cũng để cho con người luôn được gần gũi với thượng đế.
Và đạo Công giáo chúng ta cũng không là ngoại lệ.
Một đời theo đạo từ thời cha ông đến nay, tôi cũng đã bước qua tuổi “lục thập nhĩ thuận” để có đôi cảm nhận về những lời kinh nguyện mà mình thường hay đọc mỗi ngày, mỗi tuần.
Có lẽ, lời kinh gây ấn tượng nhất với tôi phải là, Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ khi cầu nguyện. Tôi cho rằng, đây là bản kinh mẫu mực thuộc hàng kinh điển. Lời kinh ngắn gọn súc tích và đầy đủ ý nghĩa: “Danh Cha cả sáng, nước cha trị đến…Xin tha nợ chúng con…Xin lương thực hằng ngày…Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…”. Tưởng chẳng có lời kinh nào của người trần gian lại hàm súc được như thế!
Kinh Mân Côi. Ngày xưa nghe ông bà cha mẹ đọc rân vang như ngô rang, tôi cảm thấy nhàm chán và vô vị…hễ mỗi lần đọc lên là ngủ gà ngủ gật. Nhưng càng trưởng thành, càng am hiểu, tôi mới thấy: đây là một bản kinh thấu tóm công cuộc cứu chuộc của Chúa vào 15 sự mầu nhiệm…nay có thêm 5 sự sáng thì trọn vẹn hành trình của Chúa Cứu Thế. Kinh mân côi được xem như nhịp cầu trung gian mật thiết giữa Đức Mẹ và loài người để biểu đạt mọi lời nguyện cầu lên Chúa. Vậy mà phải đợi đến tuổi 60, tôi mới cảm thấy hơi bị ghiền lần hạt…Có thể muộn màng, nhưng con nghĩ: chắc Chúa cũng chẳng chấp nhất sự trễ tràng của con. Vì dù sao, muộn màng nhưng có còn hơn không, phải không thưa Chúa!?
Kinh Manificat, lời tán dương Thiên Chúa của Đức Mẹ. Đây là lời kinh thánh thiêng, đẹp cả lời lẫn ý. Tôi trộm nghĩ, Đức Mẹ ngày xưa chắc hẳn phải có trình độ đại học mới thốt lên được những lời ca ngợi Chúa đẹp một cách văn vẻ đến thế! Chứ học sinh cấp 3 bây giờ, làm gì mà có được một bài tán thán tuyệt vời đến vậy. Nếu không thì lại phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, Đức Mẹ mới thốt lên được những lời cao rao xuất thần đến thế! “Người hạ bệ những lũ phương kiêu căng…Người giàu có trở về tay không…”. Và thích nhất là câu: “Người nghèo khó Chúa ban dư đầy ơn phúc….”. Chắc chắn là có mình trong đó.
Kinh Tin Kính. Theo tôi, đây là một bản tuyên ngôn hùng tráng, đầy lòng xác tín của người Công giáo. Mỗi khi cất lên, người Công giáo như cảm thấy hãnh diện về đức tin của đạo mình. Tôi nghĩ, nếu ai thật tâm tin vào lời kinh này, ắt hẳn sẽ có vé vào thiên đàng là cái chắc! Có điều, tôi cứ mãi suy nghĩ: Một bản kinh thuộc hàng tuyên ngôn quan trọng bậc nhất như thế, tại sao lại đưa tên ông quan Philatô vào được nhỉ?!! Mà Philatô vốn có tốt đẹp chi với Chúa cho cam, chẳng những thế, lại còn bạc nhược, sợ quân dữ để trao Chúa Giêsu cho bọn họ đưa đi đóng đanh. Đành rằng là giáo hội có dụng ý lấy quan Philato làm nhân chứng lịch sử cho cuộc tử nạn của Chúa, nhưng tôi nghĩ: ví như bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ mà cho tên sát nhân John Wilkes Booth giết Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln vào, xem phản cảm làm sao!?
Một góc khuất của Kinh Tin Kinh, khi có người ngoại giáo cho rằng: Hội thánh duy nhất, tông truyền, công giáo thì được, làm sao giáo hội là người phàm mà có được thánh thiện đây? Tôi trộm nghĩ: Bản chất của giáo hội là thánh thiện, vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu – người sáng lập ra hội thánh, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các thánh…cùng Thánh kinh, lời Chúa đều mang phẩm chất thánh thiện, và mặc dầu giáo hội thế gian là người phàm, nhưng cũng đang sống trong thánh thiện đấy chứ! Nếu có lỗi lầm thì cũng chỉ là lỗi lầm của thân phận con người “nhân vô thập toàn”, nhưng cùng đích vẫn là hướng thiện đấy thôi. Thế thì gọi Hội thánh Công giáo là thánh thiện cũng không có gì là quá.
Kinh Hòa Bình, lời kinh của thánh Phancicô Assisi, Lm nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc không chê vào đâu được. Đây là một bản kinh mà mỗi lần hát lên, tôi cảm thấy xúc động lạ thường! Vì lời kinh quá triết lý, quá nhân văn, nhưng lại rất gần gũi với đời sống giáo dân. Bằng một lối văn điệp ngữ phản biện: “an ủi để được ủi an, thứ tha để được tha thứ…hiến thân để được nhận lãnh…”. Nhưng khi tìm hiểu về bài hát này, tôi hết sức cảm phục nhạc sĩ Kim Long đã gia cố thêm phần sau, không có trong nguyên bản: “Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban, xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình”.
Kinh Vực Sâu. Đây là một bản kinh mà khi đọc lên có giọng điệu lên xuống trầm bỗng, giống như một bài hát nói…Mỗi lần đọc kinh này khiến cho tôi có đôi chút sợ hãi, nhưng sau cùng cũng được trấn an: “Bởi Chúa hằng có lòng lành, cùng vì lời Chúa phán hứa, con đã trông cậy Chúa con…”. Lời kinh này cũng đánh động vào sâu thẳm tâm thức tôi về đời sau…khiến cho tôi phải lo tích đức mỗi ngày, để kiếm chắc tấm vé vào nước trời mai sau nữa chứ!
Và gần đây, nhân ngày mở cửa năm thánh Lòng Thương Xót, tôi lại được nghe Kinh Lòng Chúa Thương Xót. Lúc mới đầu thoạt nghe, tôi cảm thấy kinh này “không giống ai”, nhưng càng nghe càng thấy thấm thía sự mới mẻ và độc đáo.
Ngay câu mở đầu, phải chăng, đây là một sự gợi mở? Vì xưa nay, khái niệm về “Lòng Thương Xót” chỉ dành cho Chúa với nhân loại mà thôi, bây giờ lại: “Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như cha trên trời…”. Quả là một ý tưởng canh tân của giáo hội?!! Thêm một minh xác: “Chúng con biết ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha…” điều này, giáo hội gợi mở thêm những mạc khải mới chăng!?
Nhưng điều tâm đắc nhất với tôi là, kinh năm thánh Lòng Chúa thương xót đã đưa một loạt những tên tuổi tội lỗi nhất như: Gia Kêu, Matthêu, người đàn bà ngoại tình và Madalena, tên trộm lành…điều này, khiến cho người giáo dân chúng ta có thể an tâm sống đạo, vì hy vọng có được vé vào cửa thiên đàng; bởi những kẻ tội lỗi như thế mà Chúa còn xót thương, huống chi là chúng ta, một đời theo đạo, há lẽ Chúa lại bỏ quên sao đành. Nhưng phải nói, ấn tượng nhất là Thánh Phê Rô cũng được đưa vào “danh sách đen” với câu “vì trót phản bội Chúa”. Điều này khiến chúng ta giữ đạo một cách tự tin hơn, vì đến như thánh Phê Rô mà còn phạm tội, huống chi là chúng ta. Phải nói, Đức Thánh Cha Phanxicô bạo gan thật!! Dám đưa một thủ lĩnh bậc nhất của giáo hội như Thánh Phê Rô vào hàng “tội phạm”, quả là độc đáo!!
Có điều, tôi không thể hiểu đoạn văn sau: “Đã giúp người đàn bà ngoại tình và Madalena không còn tìm kiếm “hạnh phúc nơi thụ tạo”? Tại sao lại không viết là “hạnh phúc nơi trần gian” thì có rõ nghĩa hơn không? Bởi, theo tôi, từ “thụ tạo” là được tạo sinh, mà hưởng hạnh phúc nơi thụ tạo do Chúa tạo sinh thì đâu có gì là không nên?! Chỉ có tìm hạnh phúc nơi trần gian, là do trần gian tạo nên những hạnh phúc phù phiếm tội lỗi thì không nên mà thôi.
Chắc chắn là Đức Thánh Cha chúng ta phải là đấng bậc sáng suốt và am hiểu câu chữ, để cân nhắc khi viết nên lời kinh này. Tiếc rằng, một giáo dân tầm thường như tôi chưa thể hiểu thấu đáo hết những hàm ý sâu xa nào đó! Nhưng tôi không ngại để rất chân thành bày tỏ những cảm nhận nông cạn và hời hợt của tôi về bản kinh! Bởi có câu châm ngôn rằng: “Không hiểu, hỏi một lần, thì chỉ ngu một lần. Không hiểu, không dám hỏi, thì tưởng ngu cả đời”.
Trên đây chỉ là một số ít kinh nguyện…tôi cảm nhận, và còn nhiều kinh nguyện lợi ích cho linh hồn mà vì khuôn khổ giới hạn của một bài viết, tôi không thể kể hết ra được. Mỗi kinh mỗi vẻ, “mười phân vẹn mười” giống như mỗi cây mỗi hoa, mỗi lời kinh nguyện sẽ có những tác dụng riêng cho từng hoàn cảnh, từng con người, từng cảm nhận…
Kinh nguyện đối với đời sống đạo đức của mỗi giáo dân cũng giống như việc tưới tắm, chăm bón cho cây trồng linh hồn chúng ta được luôn tươi tốt. Và hơn thế nữa, kinh nguyện cũng giống như lương thực nuôi dưỡng cho linh hồn chúng ta được sống an lành trong ân sủng của Chúa Kitô. Khi nào chúng ta bỏ đọc kinh cầu nguyện, chính là lúc chúng ta tự bỏ đói linh hồn chúng ta vậy.
Trên đây là một vài cảm nhận của tôi về những bài kinh nguyện trong đời sống đạo đức của một giáo dân, trên lộ trình dương thế về nhà cha. Chắc chắn sẽ có những cảm nhận mang tính chủ quan, cảm tính hời hợt riêng tư…là khó tránh khỏi.
Rất mong được các bậc cao kiến chỉ giáo thêm, để tôi có được những cảm nhận tốt đẹp hơn về những bài kinh nguyện.
Nguyễn Vĩnh Căn