CÒN CÁI ẤY THÌ…CÒN CÁI NÀY

CÒN CÁI ẤY THÌ…CÒN CÁI NÀY

Thỉnh thoảng tôi tìm ra được một hai thứ chân lỳ vững như đinh đóng cột, thứ chân lý không sao lay chuyển, kéo sang bên này, lôi sang bên kia được.

Phổ Chiêu thiền sư, một tay nhậu có  hạng, thất tình Trương Quỳnh Như đã giải thích chuyện đi đâu cũng cặp cái be rượu của mình rằng “Còn trời còn nước còn non, còn cô bán rượu, anh còn say sưa”. Ngay cả lúc  xuống âm phủ gặp Diêm Vương mà cái be cũng không rời chàng (*) . Lập luận của Tiêu Sơn tráng sĩ tức Chiêu Lỳ Phạm Thái là trời còn, đất còn, cô bán rượu vẫn còn thì không thể bỏ nhậu được. Chàng tráng sĩ với mối tình quá đẹp ấy chỉ với hai câu lục bát đã khiến cho bao nhiêu bàn tay ngần ngừ phân vân cầm cái tire-bouchon  có thêm được  can đảm rút những cái nút liège ra khỏi những cái chai đỏ để … uống tiếp.

Còn  ba thứ trời, đất, núi non, lại còn cô bán rượu thì cứ rót. Cứ như  trong “hồ trường” Nguyễn Bá Trác. Cứ “tương tiến tửu” như Lý Bạch, cứ “tuý hậu cuồng ngâm” như Vũ Hoàng Chương …

Những biện minh cho chuyện khui chai rượu đỏ nghe cũng được.

Bây giờ quay sang một chuyện văn học nghệ thuật hơn. Ông Phạm Quỳnh, một nhân vật mà tới nay vẫn chưa có bao nhiêu người hiểu hết những việc làm của ông trong cương vị một nhà văn, một vị thượng thư của triều Nguyễn đã nói một câu mà nhiều người nghĩ là sẽ còn ở với cùng ta ít ra cũng phải  thêm vài ba thế kỷ nữa. Đó là câu

 “Truyện Kiều còn tiếng ta còn.
Tiếng ta còn, nước ta còn
”.

Tiền đề, trung đề và kết luận  chắc nình nịch, không ai có thể bẻ gẫy được. Câu nói đó có từ gần một trăm năm nay,  nhưng vẫn chưa có một phản bác nào đủ sức thuyết phục ngược lại. Tố Như không cần một giọt lệ nào để khóc ông nữa, vì câu của Phạm Quỳnh. Và Phạm Quỳnh  cũng chỉ cần một câu nói đó cũng đủ để giữ một chỗ cho ông trong tâm thức và văn học  người Việt.

Theo Phạm Quỳnh, truyện Kiều gắn liền với tiếng Việt. Mà theo ông, nếu tiếng nói của chúng ta còn, thì sẽ vẫn mãi còn nước Việt. Lập luận của ông vừa là một tiên đoán, vừa là một xác định, một quyết đoán có tính cách bất di bất dịch không thể tranh cãi được. Câu nói khẳng định  rõ ràng những liên quan  khắng khít, vững chắc dính liền không thể tách rời.

Xin tạm hết chuyện văn  học ở đây.

Mới đây, tôi được xem hình chụp một tấm bảng dựng  ở trước trụ sở của bộ Công An  số 44 phố Yết Kiêu Hà Nội. Trong tấm bảng, có hình của hai viên công an cầm súng, bên cạnh có  hàng chữ CÔNG AN NHÂN DÂN CHỈ BIÊT CÒN ĐẢNG CÒN MÌNH. Tấm bảng được dựng lên nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam (3 tháng 2 năm 1930 / 3 tháng 2 năm 2010). Phía trên cùng của tấm bảng là hàng chữ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM. Dưới là hình búa liềm.

Bức ảnh chụp đã có từ mấy năm chắc nay không còn nữa nhưng  những hàng chữ trên tấm biển thì vẫn còn. Đó là một câu nói của Lê Duẩn trong lần phát biểu nhân đại hội công an toàn quốc lần thứ 13 năm 1959. Đoạn phát biểu đó có một câu nguyên văn : “Đảng lựa chọn công an trong  những người trung thành nhất với đảng, những người chỉ biết sống chết với đảng, chỉ biết còn đảng thì còn mình.”

À thì ra là như thế. Tưởng công an nhân dân là vì dân, vì nước, vì tổ quốc trên hết, bảo vệ quốc gia hết lòng, vì an nguy của dân tộc chứ có ai ngờ là công an chỉ biết có đảng, vì đảng, bảo vệ đảng  hết mình, còn đảng thì còn mình mà thôi.

Mà đảng thì không  bao giờ là tổ quốc, đất nước cả. Quốc gia có bao giờ cần phải có đảng đâu. Các đời Đinh, Lê, Lý, Trần … có bao giờ có cái… con đảng nào đâu. Trước đây không có nó, dân tộc, đất nước của chúng ta vẫn sống, vẫn tươi đẹp biết là bao nhiêu đó chứ. Và nhất là có bao giờ đất nước lại đã rơi vào cảnh khốn khổ khốn nạn như ngày nay đâu.

 

Check Also

Tiền bạc có thể mua cả triệu thứ, nhưng tiền bạc không mua nổi một thứ!!!!

Xin hãy ghi nhớ, bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày Trên …

Hai mảnh đời – Hai thái độ sống!!!

Cơn gió chiều mùa Thu Sài Gòn nhảy nhót trên những ngọn cây cao vun …