Tôi được diễm phúc hành hương Mẹ Măng-đen tại Kontum trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và cũng là những ngày trung tuần của tháng Năm- tháng Hoa kính Mẹ.
Từ Saigon đi mất khoảng 16 giờ đồng hồ với 700 cây số, vì quốc lộ 14 quá xuống cấp với nhiều ổ voi và ổ trâu.
Trung tâm hành hương Mẹ Măng-den của Gp. Kontum cách thành phố Kontum khoảng 50 km về hướng đông bắc.
Đường đi xấu và hiểm trở, tuy nhiên nỗi lòng nao nức khi được đến viếng mẹ đã chiến thắng được sự say xe, mệt mỏi của mọi người. Qua ngọn đèo Măng-đen là tới chân Mẹ !
Vừa tới nơi, chúng tôi được tham dự thánh lễ do cha Thịnh- dòng Chúa Cứu Thế- phụ trách trung tâm hành hương chủ tế.
Thánh lễ với khoảng gần 200 khách hành hương ngồi chung nhau dưới những tấm bạt che tạm giữa bạt ngàn núi rừng, giữa tiếng gió đại ngàn và nhưng cơn mưa rừng có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Mẹ đứng đó với khuôn mặt tiều tụy, với đôi tay không có bàn tay. Chẳng nơi nào có Đức Mẹ xấu thế này ( con xin lỗi Mẹ !), nhưng Mẹ vẫn lôi cuốn người ta chạy đến với Mẹ. Tôi không có diễm phúc ở bên Mẹ hàng ngày để thống kê số khách hành hương về với Mẹ, và cũng rất xa xôi để ở bên Mẹ lâu giờ. Tuy nhiên, những tấm bảng tạ ơn Mẹ đã làm bằng chứng hùng hồn cho những người được ơn của Mẹ.Ngoài những tấm bảng đựơc gắn dưới chân của Mẹ, tôi bắt gặp hơn 12 tấm bảng gắn các bảng tạ ơn khác nữa, mà mỗi bảng cũng khoảng 20 bảng tạ ơn lớn nhỏ khác nhau. Rồi bảng tạ ơn gắn chung quanh vườn hoa, các dây hoa uốn quanh, lấp lối. Có hai bảng tạ ơn để lại ấn tượng cho tôi thật nhiều đó là tấm bảng một gia đình tạ ơn cho một em bé gặp tai nạn, hôn mê 3 tháng và nằm một chỗ 2 năm, nhờ lời cầu nguyện mà Mẹ đã cho lành bệnh. Tấm thứ hai, chẳng giải nghĩa gì ngoài một câu: “con tạ ơn Mẹ” trên một phiến đá trắng. Nhìn vào đó người ta nhận biết ngay là không phải thợ làm, có lẽ chính người được ơn của Mẹ đã ngồi khắc lên những dòng chữ này. Tuồng chữ rất mộc mạc, nhưng để khắc được trên đá như thế này, lại không phải là thợ thì người này phải mất rất nhiều thời gian và trong lúc khắc những lời tạ ơn như thế thì tâm tình của người khắc phải yêu mến Mẹ là nhường nào, với ơn lành mà anh hay chị đã nhận được từ nơi Mẹ. Bức tượng trắng giản đơn với hai bàn tay cụt mà lôi kéo dân chúng đến rất đông. Bao nhiêu ghế đá chung quanh tượng của Mẹ, cũng là những bảng ân nhân của những gia đình được ơn, những ân tình của các gia đình được khắc trên lưng ghế đá, dâng kính Mẹ.
Nhìn những chàng thanh niên, những cụ bà, những thiếu nữ và những bà mẹ bế con trẻ lần lượt bước lên mấy bậc thang để vuốt vào tà áo Mẹ rồi áp lên mặt của mình, những cử chỉ thành kính ấy cũng đủ làm cho những người hiện diện thấy mình đang được chứng kiến những giây phút linh thiêng nhất, ngọt ngào nhất và diễn tả niềm tin cao vời nhất.
Ai cũng muốn dâng Mẹ những khắc khoải của lòng mình, của những người thân của mình. Ai cũng muốn vòng tay của Mẹ hướng đến gia đình mình. Ai cũng muốn Mẹ lắng nghe lời thầm thĩ van nài của mình…
Lời cầu xin, những tiếng thì thầm, những thánh vịnh, những tràng chuỗi Môi Khôi, những lời nguyện tắt, những bài thánh ca ngày mỗi ngày dát vào khu rừng, âm vang trong những thanh âm của rừng núi và chắc chắn đọng lại trong tâm hồn của Mẹ, tâm hồn thương xót kẻ khốn cùng.
Không chỉ Mẹ lôi cuốn được những người Công Giáo mà cả những người trước nay chưa từng biết đạo là gì cũng đến thành kính thắp nhang khấn vái với Mẹ. Anh tài xế chở chúng tôi nói: cứ nhìn thấy người nào thắp nhang cầm bằng hai bàn tay úp lại với nhau là biết người không Công Giáo. Quả đúng là như vậy. Đang trong thánh lễ, tôi thấy có những người tới trước tượng đài Mẹ thắp nhang và vái như thế. Tôi còn thấy họ mang theo trái cây để dâng Mẹ nữa. Con nhà có đạo không mang theo trái cây dâng cúng bao giờ và chỉ cầm nhang bằng hai đầu ngón tay trỏ và ngón cái.
Mẹ không chỉ là Mẹ của người Công Giáo mà Mẹ chung của mọi người. Ai có lòng tin vào Mẹ thì Mẹ sẽ chúc phúc và nhậm lời. Có lẽ vậy mà từ Quảng Ngãi, Gia Lai, Kontum, Quy Nhơn, ồng nai, Buôn Mê Thuột, Saigon… xa xôi hay từ khắp mọi nơi trên mọi nẻo đường đất nước, hễ ai có dịp lên vùng truyền giáo Kontum, hoặc có lòng yêu mến, đều tìm về hành hương bên Mẹ.
Hoa ở bên Mẹ có lẽ còn nhiều hơn cả hoa ở chợ Kontum gộp lại. Hoa ở chung quanh tượng đài Mẹ, rải rác các bình hoa trong khuôn viên của Mẹ.
Tôi chưa từng thấy một trung tâm hành hương nào như trung tâm hành hương Mẹ Măng-den. Trung tâm hành hương không nhà nguyện, không một nếp nhà, Mẹ đứng lồng lộng giữa gió trời, với những lán bạt sơ sài, với những bảng tạ ơn để khắp nơi, với những lời tạ ơn rất chân tình từ trái tim, và đặc biệt với một tượng Đức Mẹ chưa từng thấy ở nơi nào giống như thế…. vậy mà với một trái tim vô biên, Mẹ đã gọi mời được bao nhiêu người về với Mẹ. Câu nói vui mà người ta hay nói về Măng-đen là: “ ruồi vàng, bọ chó, gió Măng-đen”. Gió trên đại ngàn là như thế, mà Mẹ cứ chơ vơ giữa rừng thông, đứng chờ hết lớp người này đến đoàn con khác. Quả là một nơi hành hương của Mẹ có một không hai trên thế giới ! Tuy nhiên, dù hoang sơ và giữa núi rừng đại ngàn như thế mà không có một cái rác nào, một hình ảnh đẹp và văn minh!
Tạ ơn Chúa đã cho con được diễm phúc hành hương bên Mẹ trong những ngày cuối tháng Hoa của Mẹ. Xin cho con cái Mẹ khắp nơi luôn tìm được sự bình an trong bóng từ mẫu của Mẹ, và xin cho chúng con trở nên những cánh tay còn dang dở của Mẹ, để giúp đỡ những anh chị em bên cạnh chúng con. Amen
Maria Nguyễn Thị Minh Du
Congregation of Dominican Sisters of Saint Rose of Lima VIET NAM |