Ráng Chiều Đẹp Hơn Nắng Bình Minh
tienducchauson
25/02/2015
Hoa thơm cỏ lạ
79 Views
Ráng Chiều,
Đẹp Hơn Nắng Bình Minh
Nhận lời uỷ thác của người linh mục lãng tử, tôi đến thăm một nơi như nắng đang dần tắt, những người cha già ở đó khi đời xế bóng trong âm thầm mà rất bình an. Niềm bình an chỉ có được khi họ tin tưởng phó thác vào lòng thương xót của Chúa, chứ không phải vào những ảo ảnh phù phiếm thế gian…
Chỉ cách thế thôi, một hàng rào, mà thế giới hình như đã chia hai. Kể từ khi đặt chân vào và chạm hai gốc sứ với nhiều hoa trắng đang tỏa hương, tôi lạc vào một thế giới khác. Thế giới của những người như nắng đang dần tắt.
Tĩnh lặng. Tĩnh lặng tưởng như không người. Cái yên tĩnh khiến chính bản thân khách lạ cũng không dám bước bình thường, phải rón rén nhẹ nhàng, kẻo làm vỡ mất một bầu khí rất mỏng manh, rất bình lặng.
Có một căn phòng cửa mở, có lẽ cả tòa nhà ba tầng cổ xưa này duy nhất có một phòng này mở cửa, khiêm nhu phía trên gắn hai chữ xanh cũng quá cũ theo thời gian : Văn Phòng.
Không có người chăng ?À có !Một sơ đang lúi húi làm một việc gì đó. Màu áo xám động đậy theo cử động đôi tay. Hóa ra khi làm cái việc tỉ mỉ ấy, người nữ tu đã bỏ lại sau lưng mình cả một cuộc đời. Mới đó mà cũng đã mấy chục năm với màu áo xám này. Sơ đã quên đi đời thiếu nữ để trở thành một“người mẹ” vô cùng đặc biệt.
Khi phát hiện ra khách, sơ mỉm cười nhẹ nhàng : “Con ngồi chờ chút nhé ! Để sơ đóng nốt chỗ sữa chua này cho xong. Phải làm luôn chứ thứ thực phẩm này ngưng lại bỏ ngang là hỏng ăn luôn con ạ !”
Chút kiên nhẫn của tôi có đáng là bao so với sự kiên nhẫn của đôi vai gầy tưởng như rất nhỏ nhắn của sơ. Người nữ tu ấy đã gắn bó với mái ấm này cùng với hai cộng sự để chăm sóc những người “đặc biệt”. Những người làm “cha”, có “con”, mà vĩnh viễn không bao giờ lập gia đình !
– Đấy con à ! Cha T. mới mất, còn cha H. thì vừa nhập viện. Sơ vừa giặt xong áo cho ngài. Coi nè, sạch không? Để chiều còn đem vào viện.
Mặt bàn khách, dưới tấm kiếng dày, có nhiều ảnh các linh mục rạng rỡ cười, là các cha hưu dưỡng tại đây. Các ngài đã ra đi bình an hoan hỉ trong Chúa.
– Hiện giờ ở đây chỉ còn 12 cha già thôi con ạ ! Cha lớn tuổi nhất là cha V. Thiếu một năm nữa là đầy trăm tuổi rồi đó ! Ờ… Con nhận xét rất đúng. Ở đây tĩnh lặng quá đúng không ?Thì già cả rồi mà ! Có cha giờ ở luôn trong phòng, chẳng còn bước xuống cầu thang được nữa, nói chi ngó ra đời sống ngoài kia. Chúa sắp đặt rồi con. Ừ, đợi sơ, sơ sẽ dắt con đi thăm từng cha. Chắc các ngài mừng lắm đấy !
-
Như hoa rã cánh rơi không tiếng-chẳng hái mà hoa cũng hết dần
Tôi muốn mượn hai câu thơ của Xuân Diệu để viết tiếp về nơi này, “Như hoa rã cánh rơi không tiếng – chẳng hái mà hoa cũng hết dần.” Theo chân người nữ tu, tôi lần lượt vô thăm một số cha già. Gõ cửa cho đúng phép tắc vậy thôi, khi nghe tiếng mời vào là khách chủ động đẩy cửa vô vì nhiều cha rất yếu, chỉ mấy bước chân từ ghế ra cửa cũng đã là rất khó.
Cha già đầu tiên tôi gặp, đầu cạo trọc, móm mém rất dễ thương. Cha mặc sẵn áo chùng đen.“Để lỡ có ai vào mình phải chỉnh tề, không làm xấu danh Chúa!”Cha cho biết thế. Rồi cha tự xoa cái đầu láng o,cười móm mém : “Ởnhà Chúa mà làm một sư cụ xem sao. Nói đùa con đó. Cha mới đi bệnh việnvề. Người ta cạo đầu truyền nước biển và tiện chăm sóc cho đỡ cực vậy mà!”
Tôi xúc động chẳng biết nói gì, khi chính người mục tử 96 tuổi đời ấy nhắc tôi : “Con ráng đi thăm từng cha nha ! Ông này thì điếc. Ông kia thì mắt mờ rồi nè. Còn cụ kia thì không nói được nữa, cấm khẩu rồi. Chắc vài hôm nữa Chúa đón về thôi con ạ…”
Khi tôi nói người linh mục dòng không về nơi này được, có ý ủy thác tôi tới thăm các cha già, thì cha rưng rưng lệ và nói : “Ừ, trước đây ông đó ghé cha hoài. Cha biết ông đó vẫn được người ta gọi là linh mục lãng tử, thế thì nhắc ổng phải ráng ra đi. Đức Giêsu cũng là lãng tử vì Người phiêu bạt khắp chốn, không có nơi tựa đầu. Lãng tử là người sống “an nhiên tự tại”, không bám trụ vào cái gì, không bám vào chức tước địa vị, vào quyền lực thế gian, cũng không bám vào ai cả ngoại trừ Thiên Chúa. Cả chúng con cũng phải rađi. Phải để tình Chúa xót thương đến với nhiều người, nhất là người nghèo khổ. Muốn cách nào thì cách !”
Có những căn phòng cửa đóng, sơ cho biết cha mệt, đang ngủ rồi. Chúng tôi lặng lẽ đi qua. Người già giấc ngủ hiếm hoi, để các ngài chợp mắt…
Tôi vô phòng thăm cha V. là người lớn tuổi nhất trong nhà hưu dưỡng này. Cha không thể nằm được mà ngồi trên một ghế được chế tạo như một cái giường. Nửa nằm nửa ngồi thế mới duy trì được hơi thở mong manh như sương khói.
Tôi run run nắm tay cha già. Bàn tay gần như đã khô, làn da chẳng khác nào loại giấy gió mà người ta vẽ tranh đông hồ, mỏng đục và trong suốt, nhìn rõ từng tĩnh mạch. Cha nằm đó bất động, không thể nói được gì nữa, chỉ nằm thế thôi. Cha sống đời thực vật, để duy trì sự sống cho cha, các sơ phải cạy miệng nhỏ từng giọt sữa.
Tôi khóc.Vâng, tôi đã khóc. Để những giọt lệ lăn trên gò má, tôi cố ngăn tiếng nấc nghẹn ngào. Chẳng phải trước mặt tôi là những con người đã từng “một thời vang bóng” đó sao ? Có những cha đã xây bao nhiêu nhà thờ, trường học, coi sóc bao nhiêu giáo xứ, nhà trường, bệnh viện, trung tâm. Có những cha đã từng đi du học nhiều nước, từng đọc thiên kinh vạn quyển,viết bao nhiêu sách, dạy bao nhiêu học trò. Có những cha bước chân truyền giáo đã đi khắp vùng đất nước, lặn lội hang cùng ngõ hẻm, đưa bao nhiêu người vào Đạo, thực hiện biết bao chương trình bác ái xã hội. Học trò của các cha bây giờ có người làm giám mục, bề trên, giám đốc, cha sở… Giáo dân của các ngài bây giờ nhiều người thành danh, con đàn cháu đống, nhà cao cửa rộng, nắm chức vụ cao cấp trong nước cũng như tản mạn ở nhiều nước trên thế giới. Bây giờ có mấy người còn nhớ đến người thầy, người cha của mình năm xưa ? Bao tinh hoa học vấn cùng sức khỏe các cha đãvắt hết, vắt cạn, đã dâng trọn để làm vinh danh Chúa. Những người mục tử đã sống hết mình vì đoàn chiên, hết lòng với giáo hội, giờ biết mình tuổi già sức yếu lặng lẽ rút vào bóng tối để cho lớp đàn em tiến lên. Những ngọn đèn dầu leo lắt ấy vẫn tiếp tục đóng góp cho giáo hội bằng lời cầu nguyện âm thầm, bằng những hy sinh chịu đựng đau ốm bệnh tật và nỗi cô đơn quạnh hiu…
Muốn tôi vơi bớt nỗi xúc động trào dâng, sơ đưa tôi tới một phòng khá đặc biệt. Phòng toàn sách là sách, lọt thỏm trong nhà sách tựa như cái kho đó là một cụ già đôi mắt tinh anh. Cụ có thói quen rất lạ lùng : 89 tuổi nhưng có thể đứng trò chuyện với khách cả tiếng đồng hồ. Ngay cả khi tôi lấy ghế mời cha ngồi, cha vẫn không chịu mà đứng thế như một cách rèn bản thân. Cha đã 89 tuổi.
Cha già nói với tôi : “Con ạ ! Uống nước phải nhớ nguồn. Không có cha mẹ là không có mình. Các con phải nhớ điều đó !”
Cha cập rập lấy ra bức ảnh phụ mẫu của ngài tặng cho tôi và tiếp lời : “Nghe cha dặn nè. Đi đâu thì đi. Làm gì thì làm. Vào nhà thờ là giản dị, dùng tiếng mẹ đẻ của mình. Cha vẫn nhắc các linh mục trẻ rằng giảng dạy bớt pha tạp tiếng Tây. Nếu trích dẫn bằng tiếng nước ngoài là phải chú giải ngay cho bà con người ta hiểu. Giảng gì thì phải đơn giản thực tế dễ hiểu. Ờ, mà cha quên… Con là giáo dân, đâu có phải là linh mục chớ !”
Rồi cha đọc cho tôi một câu thơ cổ, chắc là thơ từ thuở người ta còn học tam tự kinh :
“Trai thì chữ hiếu làm đầu,
Gái thì đức hạnh làm câu sửa mình.”
Bỗng như là khói sương, cha dặn tôi : “Con ghé hết các cha chưa ? Nhớ ghé cha Xuyên. Ngài không được khỏe.”
Tôi cắn chặt môi, nén tiếng khóc nức nở : “Cha ơi!Cha Xuyên mới qua đờirồi !…” Hóa ra con người tinh thông, tài giỏi trước mặt tôi dù có thể đứng cả tiếng đồng hồ không mỏi lại không thể đi lại bình thường, không thể xuống ba tầng cầu thang bộ, và trí nhớ đã lẫn khi quên mất người bạn mới qua đời.Thế giới của cha là kho sách nhuốm bụi này với bao tinh hoa trí tuệ. Cha rất vui khi ai đó tới chơi để cha có dịp trò chuyện.
Khi tôi chuẩn bị ra về, sau khi đã gửi lại đầy đủ các phần quà do người linhmục lãng tử ủy thácđến từng người trong tòa nhà cổ kính này, thì có một anh giáo dân ghé thăm.
Sơ mừng rỡ: “Ồ may quá! Sơ đang đợi anh đây. Chịu khó vào giúp sơ một tay, chứ mình sơ loay hoay không làm được!”
Thì ra có những món đồ bị hỏng : vài cái bàn long chân, những vòi nước cũ kỹ hoen rỉđã hư mục, mấy bóng đèn chập chờn, ổ khoá bị hóc, cây quạt bị hỏng…
Vâng, nơi này không chỉ là nỗi cô đơn của người già. Nơi này còn là khó khăn của những người phục vụ phải loay hoay nuôi các cha già, mà tuổi tác bệnh tật giờ giống như trẻ thơ, rất và rất cần được nâng niu chăm sóc kỹ lưỡng.
Thầm lặng trước đài Đức Mẹ, tôi ao ước. Một ao ước rất giản dị là có nhiều giáo dân và các mục tử tới nơi này như con cháu về nhà thăm viếng chính cha mẹ mình, để những nơi cô tịnh này được rộn ràng bước chân, tíu tít lời thăm hỏi và rộn rã nụ cười. Đó là cách tri ân những hạt lúa đang chấp nhận mục nát dần đi để cánh đồng truyền giáo trổ sinh nhiều hoa trái. Sự mục nátấy thật có giá trị và rất đáng nâng niu.
Cảm ơn ông, người linh mục lãng tử, cảm ơn một tấm lòng lặng lẽ sẻ chia.Rời nhà hưu dưỡng, khi nắng chiều đang dần tắt, vài cánh hoa sứ rơi rụngtrên vai, vẳng nghe tiếng kinh từ trong ngôi nhà nguyện, thấy những bóng hình già yếu, run run tay chắp, mắt nhắm nguyện cầu, tôi chợt thấy “đôi khi ráng chiều đẹp hơn nắng bình minh…”
THU HƯƠNG