NHÂN DUYÊN, MỘT CUỘC ĐÁNH BẮT XA BỜ

NHÂN DUYÊN,

MỘT CUỘC ĐÁNH BẮT XA BỜ

          Thuật ngữ “Đánh bắt xa bờ” được thánh kinh ghi nhận cách đây hơn 2000 năm, để chỉ việc đánh cá ở hồ Tiberia của thầy trò Giêsu và các môn đệ. Và cụm từ này, cũng đã nói lên nghĩa bóng “đánh bắt người” trong cuộc rao truyền đạo Chúa đến với dân ngoại.

A1         Cũng thuật ngữ “Đánh bắt xa bờ”, nhưng cha nguyên quản xứ Châu Sơn – Vũ Thanh Lịch lại ví von chuyện nhân duyên của thanh niên nam nữ GX Châu Sơn, đang có khuynh hướng tìm vợ tìm chồng ở ngoài GX, ngày càng nhiều hơn. Nhưng có lẽ, ý của cha nguyên QX cũng như tác giả Ngài Vẫn Thế trong bài viết “Đánh bắt xa bờ” đã đăng trên web: tienducchauson.net, muốn nói về con gái Châu Sơn, hơn là phái nam. Cũng như MC Ngọc Huân từng ca ngợi, con gái Châu Sơn trẻ đẹp, duyên dáng và xinh xắn, để các chàng trai ở khắp mọi miền đất nước và Hải Ngoại, “anh đưa nàng dzìa dinh”. Tuy nhiên, cũng không kém phần tiếc nuối, khi những bông hoa kiều diễm lại được hái đưa về xứ lạ.

 

đam cưới 2

          Xét ra, lúc này, thuật ngữ “đánh bắt xa bờ” chẳng còn dành riêng cho con gái xứ Châu, mà còn rất đúng với các chàng trai nữa rồi, bởi các cô nàng nhà ta “đỏng đảnh” để “kén canh chọn cá”? khiến các chàng trai xứ Châu phải hát lời ca thống thiết: “Sao không lấy chồng gần mà lấy chồng xa, để con chim đa đa ngậm ngùi bay xa…”. Và trước sự di dân ồ ạt của “chị em nhà ta” ra xứ ngoài, thì các chàng trai nhà ta cũng “trả thù dân tộc”, “đánh bắt xa bờ”, để đón đưa những đóa hoa xinh đẹp về xứ Châu, là chuyện công bằng đấy chứ!

          Và câu chuyện “Nhân duyên, một cuộc đánh bắt xa bờ” của một trong các chàng trai xứ Châu là như thế! Mời các bạn xem tiếp hồi sau sẽ rõ…

a vuong hung

          Nghe đâu, có một dòng họ, thuộc nhà Hán, còn sót lại và lưu lạc về Châu Sơn sau năm 1975. Chuyện sinh con đẻ cháu làm ăn phát đạt là lẽ thường tình của cuộc sống. Nhưng chuyện đáng nói ở đây là, có một chàng trai dòng họ Hán lên kinh thành ăn học…

          Và nghe đâu, có một hậu duệ của dòng dõi Trần Đạo Vương cũng lưu lạc về xứ Quảng Ngãi…Chuyện dòng dõi Trần Vương không biết có xác thực không? nhưng chuyện gia đình này, nền nếp, gia phong tôn ti bậc thứ trên dưới là có thừa. Nhà, có một cô nàng, quê miền Trung vào tận đất Sài thành để dùi mài kinh sử học hành…

Ngờ đâu, sau khi tốt nghiệp, chàng và nàng, trời xui đất khiến, đã cùng làm việc với nhau trong một công sở. Và chuyện đi lại thân quen giữa nam thanh, nữ tú là chuyện muôn thủa của hoa thơm bướm lượn là khỏi phải nói…Cuối cùng, “ông tơ bà nguyệt đã se duyên mối này”. Còn chuyện tình duyên: trời trăng mây gió như thế nào? có trời mới biết được, nhưng khổ nỗi, trời biết lại không nói ra, còn người viết thì bótay.com. Biết chết liền!! Nên đành phải gác bút ở đoạn này.

Chuyện nhân duyên nghĩ cũng lạ, một bên tiếng Quảng: “Quảng Nôm (Nam) hưa (hay) cữa (cãi), Quảng Ngữa (Ngãi) hưa (hay) cưa (ca)” và bên Nghệ Tĩnh: “Mô rú mô ri mô nỏ chộ”, rứa mà hòa hợp được nhau mới thật là tài tình. Cho hay, tình yêu có ngôn ngữ riêng của trái tim là thế đấy!

          Ngặt một nỗi, hai người hai tôn giáo khác nhau. Một bên theo đạo Ông Bà cúng vái ngày rằm, một bên thờ Đức Chúa giăng tay trên cây Thánh giá cứu độ chúng sinh, bên nào cũng dạy ăn ngay ở lành, đạo nào cũng tốt cả. Nếu vào thập niên 60 thiên niên kỷ trước thì rắc rối to, nhưng sau công đồng Vaticano II, mọi việc trở nên dễ dàng: đạo ai nấy theo. Nhưng đàng họ Hán vẫn muốn cầu toàn, “thuyền theo lái, gái theo chồng”, mong muốn cô dâu quy về một mối tôn giáo, để thuận tiện trong việc giữ đạo và giáo dục con cái sau này.

Nói dễ dàng là thế, nhưng vào việc nhân duyên thật không đơn giản một chút nào, ngay cả người trong đạo cũng phải trải qua bao cửa ải, để lo chạy đủ các thủ tục giấy tờ: Giấy Rửa tội, Sổ gia đình Công giáo, học giáo lý hôn nhân, lại còn phải xin cha xứ giấy chứng nhận chưa kết hôn, rồi mới được rao, chứ chẳng phải chuyện đùa! Giáo hội kỹ là thế, vậy mà vẫn cứ bị “bé cái lầm”. Bởi cũng đã có lắm đôi bạn ca bài: Con thờ lạy Chúa Ba Ngôi – con lấy được vợ con thôi nhà thờ, là “chuyện thường ngày…”.

          Còn chuyện người ngoại theo đạo, cũng kỳ công không kém: phải học giáo lý Công giáo, tùy theo Giáo phận, có GP học một năm, có GP 6 tháng hoặc 3 tháng, thậm chí là chỉ mấy tuần, tùy theo nhu cầu và tình thế…Học xong mới được rửa tội theo đạo. Nhưng rồi, có khi học giáo lý lâu quá, có anh chị không nín nổi, bèn “phá giới” để ngày Hôn lễ, “hài nhi liền nhảy mừng trong lòng” khi nghe bố mẹ làm lễ cưới. Thành ra, Giáo hội luôn ở cái thế khó xử, “cho cũng dở, để ở vậy cũng không xong”. Cho nên, đôi khi Giáo hội cũng đành phải “lỏng tay” linh động khi “gặp thời thế, thế thời phải thế!!” là vậy.

          Nghe đâu, cô gái cũng ngoan ngoãn, răm rắp tuân thủ điều kiện nhà chồng quy đạo Công giáo. Nhưng lại quá nhiệt tình để “cầm đèn chạy trước ô tô”, theo đạo cả năm nay thuần thục, nên không bị các LMQX hành về thủ tục theo đạo nữa.

          Tiếng là quen biết nhau và se duyên kết tình ở đất Sài Thành, nhưng quê cô nàng lại ở tít ngoài “Quảng Ngữa”, nên chuyện trai gái không cứ hễ phải lòng nhau là “xong phim” một cách dễ dàng được đâu. Còn phải chuyện của người lớn hai bên cha mẹ nữa chứ! Thế là cánh họ đàng trai phải khăn gói quả mướp, trèo đèo lội suối ra tít miền Trung xa xôi, sắm sính lễ để kết mối nhân duyên cho con cái.

Đàng trai vất vả đã đành

Đưa dâu đàng gái, muôn vàn nhiêu khê…

Họ Gái cũng lình xình đánh đường vào tận GX Châu Sơn, để tham dự hôn lễ và tiệc cưới của hai con.

phuc trang

Ban Mê Quảng Ngãi hai miền

Đất trời se kết nên duyên vợ chồng

Gioan Baotixita Hán Duy Quốc Phúc

Con ông bà Hán Duy Ái

Kết duyên với

Maria Trần Thị Phan Trang

Con ông bà Đỗ Quang Lâm

Châu Sơn Quốc Phúc sánh duyên

Phan Trang Quảng Ngãi nối liền nhân duyên

          Hình như những đôi hôn nhân theo đạo, cha xứ có vẻ ưu ái hơn, để dành những lời có cánh và đầy trân trọng đón chào cô dâu về xứ nhà.

Trong hôn lễ, cha kể câu chuyện: có một anh chàng nọ, hễ yêu cô nào, đem về ra mắt nhà chồng cũng bị người cha can ngăn: “Con không được lấy cô này, vì đây là con rơi của cha, cùng cha khác mẹ…”. Bà mẹ thấy thế, bức mình cũng xổ toẹt ra luôn: “Con cứ yên tâm mà lấy, vì chính con cũng đâu có phải là con của ông ấy!!”., Kể câu chuyện này, cha muốn răn dạy đôi bạn phải chung thủy với nhau, một vợ một chồng, chứ không được rắc rối “ông ăn chả, bà ăn nem” như ngoài đời vẫn thường thấy.

Cầu chúc cho hai họ Hán-Trần luôn nối kết nghĩa tình sui gia đằm thắm, để vun trồng cây đời hạnh phúc cho hai cháu.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho đôi bạn Quốc Phúc và Phan Trang: Vẹn nghĩa sắt cầm – Suốt đời thủy chung – Trăm năm hạnh phúc.    

Châu Sơn Choa

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …