Con chim sơn ca đã về trời

Con chim sơn ca đã về trời

           Viết cho chị, nhân ngày tuần bảy.

          Nếu không đi đưa cơm cho người làm hái cà phê bên rẫy (điều mà chẳng mấy khi tôi làm), chắc gì tôi biết, chị đã “một cõi đi về” (vì đi ngang nhà chị, mới thấy cờ tang). Tôi tự hỏi, chị ra đi khi nào mà mình không hay? Chẳng nghe chuông nhà thờ gõ nhịp 9 tiếng báo tin chị mất sáng nay. Chẳng nghe xôn xao một ai nói về cái chết của chị. Nếu như mình không biết để cáo phó cho chị lên web site, thì sẽ ân hận biết mấy.

             Ký ức về con sơn ca ấy lại hiện về trong tôi những năm tháng xa xưa…(trích trong bài viết “Một cái chết làm chổi dậy một miền ký ức…”, viết về bà Lục, mẹ của chị Hương, nhân tuần bảy ngày bà mất).

        Ngày ấy, những năm cuối thập niên 60, tôi đang học cấp hai…Trong giáo xứ thường hay rước sách trọng thể đi quanh làng. Đến chặng đầu làng, tôi bỗng ấn tượng một người đàn ông trung niên cõng một cô gái dị tật, đang đứng đợi đoàn rước đi qua để nhập vào hàng. Thực ra, hồi đó, sự lạ kỳ khiến tôi tò mò hơn là ấn tượng. Và mãi sau này, có đám rước nào là ông ấy cứ cõng con đi theo…

Chị Hương, chắc cũng phải sinh năm 1948, 1949, hơn tôi chừng ba, bốn tuổi. Là một người con gái dị tật bẩm sinh. Xin mượn lời nhà văn Vũ Trọng Phụng để tả về chị: “Chị là người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không mấy đẹp trai”. Quả thế, ban đầu tôi tưởng chị là con trai, vì tóc chị luôn húi ngắn. Chị bị tật không đi lại được, chỉ ngồi xoay xở trên “giang sơn một mảnh gường”. Nhưng chị có đôi chân khéo léo, có thể làm được những việc tự phục vụ bản thân mình, như ăn uống…Những khi vui vẻ, phấn kích, chị trô lên líu lo như tiếng chim hót, mà thực sự chẳng ai hiểu chị biểu đạt điều gì? Mà cần gì phải hiểu phải không các bạn. Chỉ cần mỗi ngày, nơi vuông cửa sổ đó, có tiếng hót của con chim Sơn ca líu lo góp vui cho đời, là quá tốt rồi phải không các bạn!

         Thời gian lặng lẽ trôi…Và dòng đời với nhịp sống hối hả, tất bật với nợ cơm – áo – gạo – tiền…để lòng người cũng vô tình lãng quên con chim sơn ca bên khung cửa sổ đó.

          Bẵng đi một độ, không còn nghe tiếng chị ở bên khung cửa ấy nữa. Tôi nghĩ: hay là chị mất lâu rồi mà mình không biết? Hỏi là hỏi thế, nhưng rồi dòng đời như “vô tình mang đi tất cả”, chỉ để lại một sự thờ ơ vô cảm với một thân phận hẩm hiu mà thôi. Thói đời, người ta chỉ thích niềm nở đón tiếp những vị khách sang trọng, những Việt kiều về làng; bởi vì ở đó, mọi công quả đều được trả bội hậu!!

Có lần Quỹ tấm lòng vàng đến thăm chị…Lúc này, chị không còn ngồi dậy được nữa. Chị nằm sóng soải bất động như một cái xác vô hồn…Một sự thương cảm vô cùng mà tôi không thể bày tỏ được: vì sao một con người phải sống lây lất như thế này!? Chị nhìn chúng tôi và ứa nước mắt. Tôi không hiểu chị khóc vì mừng khi có người đến thăm, hay khóc cho thân phận côi cút: mẹ một giường, con một chiếu, cùng một nhà mà dường như chẳng còn có sự liên hệ nào với nhau. Mẹ tuổi già, con tật nguyền, cả hai, dường như đang lặng lẽ gậm nhấm niềm đau mỗi ngày!!!

          “Cảm thương cho chị lắm thay

          Trời sinh một kiếp đọa đày ai hay

          Có ai thấu hiểu đắng cay

          Một mình gánh lấy nỗi đau phận người”

          Gia đình chị đơn chiếc lắm! Người em gái lập gia đình phải trẩy đi phương xa cầu thực. Người em trai lập gia đình, và kém may mắn đường con cái. Hai chị em chia nhau nuôi mẹ và chị Hương. Nghe đâu, người chị thấy mẹ yếu, kịp thời đưa mẹ về để gửi tấm thân già nơi làng xóm quê mình thân thương. Bà vẫn muốn nán lại để lo cho chị Hương mọi bề đã, nào ngờ!!!

          Chúa gọi mẹ chị về trước, và để ở lại chị tật nguyền côi cút…Nhưng thôi bà ơi, xin bà cứ yên tâm mà đi, mọi sự đã có Chúa lo, bà khỏi phải bận lòng…

        Như một cái dớp, mẹ chị chết chiều thứ sáu, thì cũng may, chị lại chết sáng thứ sáu, nếu không phải dời qua sáng thứ hai an táng như mẹ chị. Và vì hoàn cảnh đơn côi, họ hiếu An Tôn đã lo tống tang cho chị vào sáng hôm sau thứ bảy, ngày 29.11…

          Nghĩ về chị, tôi có cảm nhận, không ai trong GX Châu Sơn:

        Sống âm thầm lặng lẽ của một tỷ phú thời gian, để trong tâm tưởng có thể đếm từng thời khắc, từng nhịp sống, từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày và từng năm tháng bồng bềnh trôi như chị. Vì chị không hề vướng bận một điều gì trên cõi đời này. Chồng con ư? Không. Cuộc tính toán mưu sinh ư? Không? Và kể cả nỗi ước mơ, tôi e rằng, với thân phận tật nguyền như thế, chị cũng chẳng dám mơ ước hão huyền chi cho uổng công.

         Chị sống nhục nhằn của một cuộc đời 65 năm trên cõi trần ai này. Sống, tồn tại mà tưởng như không còn hiện hữu trên cõi đời này. Từng ngày, từng năm tháng đi qua, chị sống bên lề cuộc đời, để không ai nhắc nhở, không ai nhớ để quan tâm chị còn sống hay không? Ngay cả bản thân tôi, đã có những lúc tôi tự hỏi: “con chim sơn ca” hót tiếng líu lo bên cửa sổ nhà ông bà Lục ngày nào có còn nữa không, sao mà lâu nay vắng bặt tiếng?!!

        Chị sống tật nguyền 65 năm, mà giang san của chị chỉ là một mảnh giường bên cửa sổ, nhìn ra bầu trời thu hẹp trong đôi mắt mơ màng của một kiếp người. Cái tật nguyền chỉ để chị có thể leo lên song cửa sổ để nhảy múa mỗi ngày, rồi sau đó chị nằm xoài trên mảnh chiếu lạnh lẽo cô quạnh của một kiếp người. Và mỗi ngày như mọi ngày, chị sống gặm nhấm nỗi đau trong từng tháng năm lê thê…phận người!!

         Không có ai sống một đời đơn côi như chị. Cha mất sớm, ở với mẹ già, các em ra cửa nhà, phận ai nấy lo cho gia đình không hết, còn sức đâu lo cho chị, cho mẹ nữa đây. Một thời gian, mẹ cũng già yếu, nằm một nơi, không thể đi lại chăm sóc cho chị, tất cả nhờ người em trai chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh…Ngày này qua ngày khác, chị nằm một nơi bất động với căn nhà tối om, và vắng lặng…

        Với tuổi 65 như mọi người, lẽ ra, chị đã lên bậc bà ngoại, bà nội với con cái cháu chắt đầy đàn để hưởng niềm vui hạnh phúc bên con cháu rồi. Nhưng không, chị đã thánh hiến để sống một đời “thánh nữ đồng trinh” tại tu viện nhà…Một cõi tu mà, chưa có tu viện nào lại có “một nữ tu nhục nhằn” cam chịu số phận như chị Hương.

            Và chị Hương ơi! Khi nghe tin Chúa gọi chị về, ai cũng mừng cho chị, vì chị đã hoàn thành hành trình 65 năm cực nhục, đớn đau cả thể xác lẫn tinh thần, để về bên Chúa, tắm gội nhục nhằn trong ánh sáng phục sinh. Chưa có cái chết nào mà người ta chúc mừng như cái chết của chị. Họ mừng vì Chúa đã đem chị về hưởng dung nhan ngài, sau 65 năm nhục nhằn ở cõi dương thế này. Họ mừng vì khỏi phải bận tâm, vướng bận về một thân phận quá bi thương của một kiếp người, mà không sao giúp cho chị vượt qua được số phận. Tưởng như từng ngày chị sống, không bằng chết, thì mọi người cảm thấy có lỗi với chị lắm! Và cái chết, là một sự giải thoát viên mãn nhất cho cuộc đời chị vậy, phải không chị! Bằng lòng đi nhé chị, dù cả một đời, chị đã phải sống âm thầm đớn đau trong một thể xác bất lực.

            Viết những dòng này cho chị, như một lời trần tình gửi đến con dân GX Châu Sơn trong cũng như ngoài nước. Xin hãy dành một khoảng lặng để ngậm ngợi về một số phận bi ai, như một lời tiễn đưa chị về nơi an nghỉ trong lòng đất mẹ GX Châu Sơn.

Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng xót thương, đón chị vào lòng người cha Apbraham nhân từ, ở đó, chị sẽ được vui hưởng vinh phúc bên Chúa muôn đời.

             Và con chim sơn ca đã về trời.

Nguyễn Vĩnh Căn

 

 

 

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …