NHỚ MỘT NGƯỜI CHA, RẤT ĐỖI DUNG DỊ VÀ THÂN THƯƠNG!

NHỚ MỘT NGƯỜI CHA,

RẤT ĐỖI DUNG DỊ VÀ THÂN THƯƠNG!

(Nhân lễ giỗ 3 năm của Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, nguyên LMQX Châu Sơn 1960- 1966)

đc1

Có một người cha, mà hình ảnh đó, cứ mãi trong tôi khi nhớ về ngài.

Một ngày năm 1960, có một người đàn ông thân hình hộ pháp thô mộc, đầu tóc húi cua, đi guốc mộc, mặc áo vải nâu sòng, bước vào nhà xứ trước sự ngỡ ngàng của giáo dân. Trước đó, giáo dân Châu Sơn nghĩ rằng, một ông cha Bắc Kỳ gốc Hà Nội, phải có cốt cách lịch lãm của dân Hà thành chứ! “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Có đâu lại mộc mạc đến dung dị như thế!

Đó chính là hình ảnh thân thương của người cha Giuse Trịnh Chính Trực, nguyên LMQX Châu Sơn vào năm 1960.

Cái hình ảnh này, ắt hẳn buổi đầu không được người dân khu tư Châu Sơn mến mộ cho lắm! Tâm lý con người, ai chẳng muốn đón một ông cha ăn mặc lịch lãm, sang trọng…Quen sợ dạ, lạ sợ áo mà lị!! Rồi hình như dư luận ấm nước mới cũng không buồn nhắc đến cái ông cha Bắc Kỳ thô mộc đó nữa.

Nhưng rồi mấy ngày sau…Khi mọi người đang quây quần tán chuyện quanh ấm nước mới, thì bỗng đâu, ông cha Bắc Kỳ lại guốc mộc lọc cọc bước vào. “Chào các ông, chào các bà. Xóm ta uống nước mới buổi sáng đông vui thật. Cho tôi nhập xóm với bà con”. Mọi người đồng loạt: “Chúng con mời cha vào uống nước ạ!”.

Như một người thân quen từ bao giờ, để “tự nhiên như người Hà Nội”, ông cha bước vào một cách đỉnh đạc, tỏ ra thân thiện và hòa đồng với mọi người một cách hết sức gợi mở, khiến cho bà con ai cũng bỡ ngỡ, lúng túng để không ngờ gặp ông cha trong tình huống khó xử như thế. Cha hỏi thăm người này đến người kia: Ông được mấy cháu rồi? Bà năm nay bao nhiêu rồi mà trông còn khỏe lắm? Mùa màng nhà làng ta năm nay thế nào? Mấy năm nay thời tiết có thuận mưa nắng cho mùa màng nhà mình không?

Xưa nay, chưa từng có một ông cha nào, kể cả mấy ông cha GP Vinh đồng hương đồng khói cũng chưa ngồi uống nước chung với làng xóm con dân xuề xòa bình dân như thế. Và những ngày sau đó, cha đi uống nước mới hết xóm trên, xuống xóm dưới, vào xóm trong ra xóm ngoài, không nơi nào mà cha không tới. Vẫn cái áo bà ba nâu sòng bạc màu với hai chiếc túi lớn, đựng hai bửu bối: lạc rang (đậu phụng) và khoai deo là nông phẩm của giáo dân (biết khẩu vị cha thích, nên dân làng thường đem vào cho cha). Sau này, cha lại cặp kè thêm một cái Radio để nghe đài BBC, VOI…Nói về đài cặp nách, sau 75, bộ đội thường dùng, phải gọi cha là ông tổ mốt đài cặp nách mới phải.

Phải nói, hình ảnh ban đầu của một ông cha không mấy ấn tượng đó, đã bắt đầu thay đổi trong tâm tưởng của giáo dân, bằng hình ảnh một người cha mộc mạc, chân chất, thân thương, gần gũi và dễ mến chi lạ! Cha không khéo léo trong lời nói, cha cũng không lụa là trong cách ứng xử, nhưng ở nơi cha toát ra một người cha rất dễ hòa đồng, bình dân và thân thiện với con dân. Điều này, chưa từng có một người cha nào từ xưa tới nay.

Chẳng những thế, cha còn quan tâm đến đời sống làm ăn nông nghiệp của bà con. Thấy bà con phải bán lúa do mình làm ra, để mua gạo…Cha liền xây dựng hai nhà máy xay lúa ở đầu làng và cuối làng, rất thuận tiện cho người dân đi xay lúa, khỏi bị bán lúa non mua gạo. Thấy nông dân phải vất vả với con trâu kéo cày, đổ mồ hôi sôi nước mắt trên cánh đồng…Cha đã sắm hai chiếc máy cày về cho GX, để người dân bớt đi nỗi cực nhọc lao tác.

Đây quả là một nhà kinh bang tế thế, vượt lên chức năng của một cha xứ, vì đã đem tài năng thao lược ra, để làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp của GX, và đem lại lợi ích thiết thực cho giáo dân. Sau này, ngài còn tham vọng mở mang đất nông nghiệp vùng 700 mẫu cho giáo dân canh tác theo nông nghiệp trang trại. Rủi thay, thời thế binh loạn đã không cho ngài cơ hội hiện thực hóa ước mơ.

Về mặt tinh thần thì khỏi phải nói, cha Giuse là người rất đạo đức, đi đâu cũng tràng hạt cầm tay. Ngay cả khi trò chuyện với ai, ngài cũng lẩm nhẩm được hạt kinh, đúng là ngài đã dùng chiêu “vừa nói chuyện vừa đọc kinh, phân tâm nhị dụng” của Châu Bá Thông trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Về hội đoàn, cha củng cố các đoàn thể vững mạnh lên. Đặc biệt, cha luôn nhắc nhở các gia đình đọc kinh tối, đó là chiếc cầu nối hiệp thông với Chúa mỗi ngày. Sau 3 năm về GX, năm 1963, Cha dựng tượng Chúa Kitô Vua trên núi Ngọc và tượng Đức Mẹ Ban Ơn đầu làng, quả là một thành tích vô tiền khoáng hậu đối với GX Châu Sơn.

Về giáo dục, cha đã xin được sách vở giáo khoa của hiệp hội giáo dục Unesco để phát cho con em học sinh có sách vở đầy đủ để học. Cha khuyến khích các em tổ chức cấm trại, đi dã ngoại để đi một ngày đàng bằng học một sàng khôn…

Về giáo dục thể chất, cha là người ham lao động, thích trồng cây…Những cây xanh trong sân trường ngày đó, phần đa là do bàn tay của cha vun trồng và tưới tắm. Cha khuyến khích học sinh trước giờ học buổi sáng, tập thể dục, để cho thân thể cường tráng và học hành sẽ được hiệu quả hơn.

Cha đang tiến hành xây dựng nhà thờ…thì có bài sai về làm LMQX Thánh Tâm. Ngày cha đi, giáo dân tiếc nuối lắm! rất nhiều giáo dân ngậm ngùi khóc thương, để cha phải vỗ về: “Tôi đi rồi, có cha khác về thay thế, chứ tôi có chết đâu mà các bà lại khóc!”.

Ai mà không thương khóc cha chứ! Một người cha suốt 6 năm trời luôn vun xới, xây đắp cho con dân và cho giáo xứ cả tinh thần đạo đức lẫn của cải vật chất, bảo sao lại quên ơn ngài được!

dc2Sau này, khi cha lên Đức Giám Mục Giáo Phận, con người của ngài vẫn giản dị mộc mạc, không vì có chức quyền rồi xa rời giáo dân. Những dịp ghé thăm cha ở Tòa Giám Mục, cha vẫn ôn tồn thăm hỏi những người cha thân quen ngày xưa ở GX Châu Sơn: Ông…còn sống không? Bà…còn khỏe không? GX có gì thay đổi không?

Mặc dầu đã xa rời Châu Sơn, nhưng Cha vẫn luôn trăn trở, suy tư về giáo dục cho GX: “Các anh thử nhìn lại 50 năm văn hóa, người Châu Sơn đã thâu hoạch được những gì trong lĩnh vực văn hóa? Có bao nhiêu: Tiến sĩ, Thạc Sĩ, Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ…và thậm chí có bao nhiêu người tốt nghiệp cấp ba. Hay cái nôi văn hóa chỉ sinh sản ra các ông anh, bà chị “Hai lúa”, có của ăn của để, nhưng tâm hồn lại rỗng tuếch văn hóa”.

Lời nhận định có thể phủ phàng, nhưng lại là bài học lớn để phụ huynh hôm nay cùng điều chỉnh, sửa chữa những sai lầm.

Ngày cha “một cõi đi về”. Trời mùa thu, mây buồn giăng mắc, mưa sầu nhỏ lệ…như để tang và thương khóc cha. Những người con dân Châu Sơn cũng ngày đêm túc trực bên linh cửu cha, như để bày tỏ chút tình hiếu nghĩa của người con thảo, và để phần nào đáp đền lại những công lao to lớn của cha với GX.

Nhân ngày giỗ 3 năm của Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, chúng con thành kính tri ân Cha, vì những công nghiệp lớn lao mà cha đã đóng góp cho GX, để hôm nay, GX có những thành tựu nhất định, cũng nhờ bàn tay Cha vun trồng cho cây đời GX luôn được xanh màu tương lai, nhờ đó, thâu hái được những hoa thơm trái ngọt như ngày nay.

Xin nhớ ơn cha muôn đời. Một người cha rất đỗi thân thương.

Xin cha rũ tình thương, tha thứ những lỗi lầm mà con dân Châu Sơn đã bao lần làm phiền lòng đến cha trong suốt 6 năm ở GX.

Nguyện xin Chúa giàu lòng xót thương, sớm đưa Cha về hưởng Thánh nhan Chúa, an vui muôn đời.

Thiên Lương

 

 

 

          

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …