SUY NGHĨ VỀ GIỚI TRẺ HÔM NAY
tienducchauson
15/09/2014
Diễn Đàn Bạn Đọc
2,344 Views
SUY NGHĨ VỀ GIỚI TRẺ HÔM NAY
Có một thế hệ sau này sẽ làm chủ và là nòng cốt của tương lai mà ai cũng biết đó là giới trẻ. Tục ngữ có câu “tre già măng mọc” nói lên sự kế tục tiếp quản tương lai của đất nước và giáo hội. Vậy, quan niệm và suy nghĩ về giới trẻ hôm nay như thế nào? Một câu hỏi mà khi trả lời mang nhiều ưu tư nhức nhối của các bậc cha anh và những người đảm nhận công tác giáo dục!!!
Ngày xưa kinh tế còn nghèo nàn, thông tin còn lạc hậu, Việt Nam đóng cửa sau “bức màn tre” tất cả mọi cái đều tự cung tự cấp, thanh niên từ lớp tuổi U40 trở lên (khoảng năm sinh 1965 trở về trước ) đều nếm đủ mùi cảnh khổ, được đi học nhưng chỉ với một cái quần tây, muốn học thêm thì rủ mấy bạn và tự học với nhau không có thầy, nhịn ăn sáng và tranh thủ cuốc bộ tới trường, tan học về nhà ném sách vào kệ để lên nương phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng tối mịt mới về, qua loa bữa cơm tối rồi học bài với cái đèn “Hoa Kỳ” nhỏ xíu cho đỡ tốn dầu, cái cảnh nhà quê tối mịt mù quanh năm vì không có điện!!! và không phải là chuyện nói điêu!! Nhậu nhẹt bia bọt là quá xa xỉ! Chẳng mấy khi được giải trí và cũng chẳng có phương tiện gì để giải trí, những thanh niên thời ấy giỏi giang, mọi công việc nặng nhẹ trong nhà đều trên vai gánh vác. Con gái cũng vậy, “đầu tắt mặt tối”, “thức khuya dậy sớm” “ăn uống thì rau cháo qua ngày”, nhắm nhe mãi mới may được bộ đồ mới!!! Thanh niên thời ấy biết khổ biết lo, nếu là một người anh chị cả trong nhà chỉ biết lo cho tương lai cho đàn em, cho gia đình hy sinh bản thân kể cả không dám lập gia đình sớm! Có những trường hợp quá đà đã không còn cơ hội lập gia đình!!! Ế rồi…ở vậy luôn…! Rất tội nghiệp !!! (Quả là một hy sinh to lớn mà đôi khi lại không được ghi nhận và bù đắp chưa được thỏa đáng của một số gia đình!!!).
Động lực ở đây là gì? Theo tôi đó là hoàn cảnh tạo nên những nghị lực phi thường đó, trào lưu đua đòi học tập lẫn nhau, thi đua để chứng tỏ bản lĩnh, cố gắng làm những việc khác thường để gây ấn tượng dám nghĩ dám làm không sợ khó sợ khổ, lao động với cả sự say mê và đầy ý thức!!! Làm việc để có cái ăn và thoát nghèo, làm việc miệt mài mà không bao giờ biết đòi hỏi, làm việc với 100% sức của mình để cho người thân trong gia đình đỡ khổ!!! Làm việc từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt mới nghỉ!!!. Có những công việc mà giờ nói ra với thời buổi này hơi khó tin nhưng là sự thật. Có những người đào giếng một mình, trèo bậc xuống đào, xúc đầy giỏ, lại trèo lên quay…hoặc ngày lên rẫy, tối đánh tranh hay trộn hồ đúc gạch tap lô một mình có khi làm đến 1, 2 giờ sáng mới nghỉ, sáng mai lại tiếp tục lên rẫy… Mới đây thôi, cái cảnh đi tưới một mình rải 6,7 cuộn dây bắt cu roa bản, tưới xong cũng lại một mình dọn dẹp cuộn dây chất lên xe về!!! Công việc từ A đến Z cũng chỉ một mình!!! Sức chịu đựng, không ngại khó ngại khổ, tôi đã từng nghe rất nhiều người nói rằng: “mình dừ thả mô cũng sống được hết, khi xưa khổ cỡ đó mà vẫn tồn tại được! dừ thì nghĩa lý chi!”, câu nói có vẻ hơi quá tự tin và hơi “nổ’’ nhưng cũng không phải là vô căn cớ. Những con người đã từng trải, đã từng kinh qua gian khổ, thời gian đã tôi luyện cho họ có được cái bản lĩnh, kinh nghiệm, sự chịu đựng giống như lõi cây gỗ quý dù nắng mưa cũ kỹ nhưng đẽo lớp vỏ ra vẫn sáng ngời!!!
Hằng ngày đăng trên báo, mạng, tivi những tin rất “hot” nhưng toàn là tin chẳng lành: lừa đảo, cướp của, giết người, hiếp hiếp, tham nhũng, thuốc lắc, ma túy, mại dâm…! Chẳng lẽ xã hội bây giờ suy thoái đến vậy sao! Hay con người thời đại bây giờ sống vô cảm như vậy!! Xã hội thì rõ ràng đang phân ra hai cấp rõ rệt: “giới giàu tỷ, giới nghèo kiết”, xu hướng thời đại hôm nay thiên về hưởng thụ, thế hệ trẻ ngày nay được thừa hưởng thành quả tích lũy của xã hội và cha ông để lại! Kinh tế phát triển, nhu cầu hiện nay không còn phải là “ăn no mặc ấm nữa” mà là “ăn ngon mặc đẹp”. Xét ra đây là điều hay, điều tốt. Cái đáng buồn ở đây là những hệ lụy mà nó mang lại.
Thế hệ con cái trong gia đình bây giờ nói sao nhỉ? Thế này nha, muốn ăn sung mặc sướng, nhưng làm việc trong gia đình thì giống như như người làm công ăn lương! Con cái bây giờ ở trong gia đình làm việc gì thì cứ phải có tiền thưởng mới làm, thậm chí còn ra giá! Thúc dục quá mới làm một cách miễn cưỡng, nên khi làm thì hết sức thụ động, không có sáng tạo trong việc làm. Mặc dù biết rằng trong tương lai tài sản rẫy nương, nhà cửa của ba mẹ, mình sẽ là người thừa kế vậy mà chẳng thể hiện được sự trân trọng và biết ơn!! Những tài sản mà ba mẹ đã phải tần tảo và chắt chiu một đời mà có!!! Mà có phải là tầng lớp bây giờ vô học đâu! Hy sinh cho con học hết bằng này cấp nọ, nhưng chữ trả thầy không hết! không biết từ cấp học nào mà nảy sinh ra thói vô cảm này! Nói nhiều thì con cái cho là chì chiết, chua chát, mà nếu không nói ra thì trở thành bất lực, nuông chiều! Cái cảnh đi chơi ngày này sang ngày khác xảy ra thường xuyên, ngoài tầm kiểm soát của gia đình, có những bậc phụ huynh cả ba mẹ anh em phải cất công nhiều ngày đi khắp nơi để triệu con về, giáo dục đủ các kiểu, nói nặng dỗ nhẹ, có những trường hợp giam lỏng chế tài!!! Nhưng bất thành, có nóng mấy đi nữa rồi cũng phải nương theo với con như diều nương theo gió!!! Mục đích để mà kiểm soát chúng!
Có rất nhiều điều bất cấp đã làm đau đầu không ít cha mẹ cũng như các nhà giáo dục xã hội cũng như tôn giáo! Phải nhìn nhận rằng gia đình là nơi phải chịu trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất! Cái nôi đầu tiên này đã chưa giáo dục đúng và đủ. Vì hoàn cảnh kinh tế, cha mẹ phải lo cơm áo gạo tiền, lo cho con ăn học, lo sao cho được bằng bạn bằng bè để người ta khỏi khinh! Đủ thứ lo, và chỉ ngơ đi một chút, xao nhãng đi một chút và khi phát hiện ra được thì…con đã hư!!! Ở đời có nhiều cái nghịch lý oái oăm. Anh có thể là một nhà giáo giỏi giang dạy dỗ biết bao nhiêu thế hệ thành tài, nhưng có thể anh không dạy nổi đứa con ở nhà! Mà phải nhờ đến người khác, xã hội bây giờ là vậy mà! “tiên nộp lễ, hậu học văn”. Ngay cái bước đầu tiên đến trường, con trẻ đã được nghe cái mà chúng đáng lẽ không nên nghe, và nhìn những cái mà chúng đáng lẽ không nên thấy, đó là sự tha hóa về đạo đức, tham nhũng, của một số quan chức, phải cố chạy một số tiền lớn mới được vào trường này, trường nọ!! Phải nhờ thầy này cô kia lo chạy cửa trước cửa sau mới hy vọng được vào, được tồn tại! giai cấp “con cha cháu ông”. Con nhà giàu có thì cô thầy sẽ ưu ái hơn (tôn giáo đôi khi cũng không ngoại lệ). Từ đó nảy sinh cái vòng luẩn quẩn, muốn tốt thì phải đầu tư, đầu tư rồi phải thu hồi vốn!! Bi kịch này xảy ra những thập niên gần đây khá là khốc liệt! Ngay cả những ngành nghề nhạy cảm như y tế, giáo dục… phần nổi của tảng băng thì trinh trong bóng sáng rực rỡ, nhưng phần chìm của nó thì gai nhọn âm u, sẵn sàng đâm thủng những con tàu va vào nó!
Nhưng bên cạnh những màn sương mờ cuộc đời lại có những điểm sáng đáng trân trọng, có những người con của gia đình, giáo xứ, xã hội đã thành đạt như một mốc son chói lọi, có những em được ví như ngọn hải đăng làm rạng danh quê hương xứ sở, có những gia đình tất cả con cái đã đi hết chặng đường gian khổ và đã thành đạt giờ đây họ được hưởng hạnh phúc an nhàn, gia đình họ được ví như hạt ngọc trong đá. Gia đình họ như những cái đích cái gương mẫu để cho người ta học tập và noi theo, nhờ có gia đình họ mà bao nhiêu người được hưởng danh theo, bớt xấu hổ! Họ là những người lành của thành Sô đô ma!!
Xin tri ân những bậc tiền nhân đức độ đã nghỉ yên trong lòng đất mẹ, những bậc cha anh còn sống và đương nhiệm. Xin cảm ơn những người con ưu tú của thế hệ trẻ đã làm rạng danh cho giáo xứ, những người đang và sẽ kế tục xây dựng những nền móng giáo dục cho tương lai của xứ nhà. Và niềm hy vọng gởi gắm nơi giới trẻ là sự năng nổ, lòng nhiệt thành phục vụ, cuộc đời sẽ ngày càng hoàn thiện hơn tốt đẹp và đáng sống hơn.
Ga.namhong