Đèn Trung Thu Hà Nội 1915 (Albert Kahn)
Ngày xưa, mỗi năm gần đến gần ngày rằm tháng Tám, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng thấy háo hức khi những cửa tiệm quanh chợ bắt đầu trang trí, bầy biện các mặt hàng để sửa soạn cho Tết Trung thu, còn được biết đến với tên khác là Tết Nhi đồng. Mặc dù đồ chơi Tây phương đã phổ biến trong nước từ lâu, trẻ em Việt Nam thời tôi còn bé vẫn bị cuốn hút bởi các thú vui truyền thống, mộc mạc nhưng tinh tế của dịp lễ cổ truyền này. Những đầu lân, các đèn lồng nan tre phết giấy bóng kính, làm theo các hình con thỏ, con cá, ông sao, bánh ú. Ngoài ra còn đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn kéo quân… Rồi những con giống, làm bằng bột tẻ cắm lông gà nhuộm mầu sặc sỡ, cũng là nét đặc thù của Tết Trung thu của người Việt.
Truyện cổ kể rằng hồi thời Đường (618-907), bên Trung Quốc, có con cá chép thành tinh. Mỗi năm đến đêm rằm tháng Tám thì nó cùng lâu la hiện ra bắt người để ăn thịt. Vua Đường nghĩ ra một kế, là sức cho dân chúng làm thật nhiều đèn hình cá chép, ngoài phất lụa hay giấy. Rồi đến đêm Trung Thu thì đốt nến bên trong đèn cho sáng và đem ra treo trước nhà. Bọn tinh cá chép thấy đèn ở trước nhà nào thì tưởng rằng đồng bọn đã đến làm ăn ở nhà đó và không quấy nhiễu nữa. Tục lệ này được truyền cho đến ngày nay. Nhân đèn cá chép, người ta còn làm cả đèn con thỏ ngọc và con thiềm thừ (con cóc ngọc 3 chân), tức là các con vật sống với Hằng Nga trên cung Quảng, có liên quan đến trăng tròn Trung thu.
Đèn con cá
Từ mấy ngày trước Tết, mẹ tôi đã lo mua sắm các thứ cần thiết cho mâm cỗ tháng Tám. Mỗi nhà có cách sửa soạn mâm cỗ khác nhau, nhưng một cỗ Trung thu cổ truyền bắt buộc phải có mâm ngũ quả, với các hoa trái thời trân như na (mãng cầu), bưởi, cam, quít, lựu. Quan trọng nhất vẫn là hồng, cốm và chuối tiêu chín nám trứng cuốc. Món không thể thiếu khác trên mâm cỗ là các loại bánh nướng, bánh dẻo đi cùng với trà ướp sen. Và còn phải có bánh con lợn, con cá nho nhỏ cho trẻ con.
Bánh con lợn
Ngày xưa bánh ngọt nhân hạt sen phổ biến khắp nơi bên Trung Quốc. Nổi tiếng nhất là bánh ở vùng Tô châu. Khoảng đầu tháng 8 Âm lịch năm 1368 có lời đồn loan truyền quanh kinh thành Đại đô của nhà Nguyên, là ám hiệu về thời điểm tổng khởi nghĩa của nghĩa quân kháng Nguyên sẽ được ẩn báo qua bánh hạt sen. Sau đó người ta thấy trong bánh hạt sen có 1 lòng đỏ trứng vịt muối. Dân tình hiểu rằng việc tổng khởi nghĩa lật đổ nhà Nguyên sẽ xảy ra vào đêm Rằm Trung Thu năm đó, và mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy. Từ đấy người ta làm bánh nhân hạt sen lòng trứng mỗi rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện này, và nhân đó gọi là Trung thu nguyệt bính, tức là bánh trăng Trung thu. Với thời gian, các loại nhân bánh Trung thu khác được tạo thêm ra cho phong phú, xa xỉ hơn, như ta thấy ngày nay, nhưng bánh Trung thu truyền thống, và đúng vị nhất, bao giờ cũng chỉ đơn giản là bánh nhân hạt sen một lòng trứng. Và bánh này luôn được tăng vị bằng trà ướp sen.
Đĩa giò ốc nhồi lá gừng là món nấu độc nhất của cỗ Trung Thu. Ốc nhồi giã hoặc băm nhỏ, để cho ráo nước (vì nếu ướt thì giò sẽ bở, và nếu thấm khô thì ốc mất vị ngọt), trộn với giò sống đã được nêm sẵn. Có người còn trộn thêm vào đó ít nấm mộc nhĩ ngâm mềm, để khô, thái nhỏ cho thêm độ giòn. Viên giò ốc cho vừa đủ miếng, lót bằng lá gừng trước khi nhồi lại vào vỏ ốc rồi hấp. Ngoài ra, người lớn còn có món gỏi cá trắm hay cá mè, với nước chấm làm từ tương Cự Đà pha chế rất công phu, để thưởng trăng. Giò ốc và gỏi cá thường được thưởng thức với rượu Mai Quế Lộ. Nhưng các món này chỉ được dọn ra hạn chế, tùy gia đình, vì chủ nhân ông của đêm nay là giới nhi đồng.
Đĩa ốc nhồi
Cỗ Trung thu nên được bầy ở ngoài vườn. Nhưng do điều kiện sinh sống chật hẹp ở thành thị, cỗ thường được dọn ra trên sân thượng, ngoài hiên, hoặc gần cửa sổ để có thể ngắm được trăng. Khi trăng đã tỏ, thường là khoảng tám giờ tối, và sau khi mẹ tôi đã cúng rằm xong, lũ trẻ bắt đầu phá cỗ. Cho đến lúc cỗ được bầy ra chúng tôi mới biết trên mâm con giống có những gì, và việc phá cỗ đối với chúng tôi đồng nghĩa với việc tranh dành những con giống ưa thích mà mình đã ngắm, nghé từ trước. Khác với tò he bây giờ làm bằng bột nếp dẻo, con giống làm bằng bột tẻ ngày xưa cứng cáp, giữ được nhiều năm.
Đĩa con giống bột tẻ
Sau khi nhấm nháp sơ qua ít bánh trái cho phải phép, mỗi đứa chúng tôi vơ vội một ít nến nhỏ và cái đèn của mình để chạy vù ra rước với các bạn hàng xóm, cùng phố. Các đám rước đèn Trung thu của con em thường được phụ huynh thay nhau giám sát. Dù thế, thường cũng có gần nửa số đèn bị cháy, tương đương với từng ấy số miệng mếu xệch. Đây cũng là cách luyện cho trẻ tính cẩn thận. Chúng tôi có nhiều tự do hơn khi rước đèn ngoài trời. Nhưng nếu gặp năm trời mưa phải chơi trong nhà, thì đèn được treo ở chỗ an toàn nhất, và trẻ con chỉ được ngắm đèn mà thôi.
Cùng với rước đèn, trẻ em ngày xưa còn có thú vui múa sư tử vào dịp Trung thu. Hiện nay tục lệ trẻ em múa lân dưới trăng vẫn còn được lưu truyền ở vài tỉnh miền Trung. Đầu lân đủ cỡ, đủ loại, và hình dáng hơi khác nhau tùy địa phương. Múa cùng với lân là ông thổ địa bụng phệ phe phẩy cái quạt nan. Nhiều khi các đầu lân, đầu ông địa được các em tự làm lấy.Thích nhất là được phép gõ trống ồn ào thỏa chí mà không bị mắng. Có thấy cảnh các em nhỏ đốt đuốc múa lân thấp thoáng dưới tàn đa, rặng tre trong ánh sáng trăng ngoài làng quê, mới cảm được nét nên thơ trong sáng của đêm Rằm tháng Tám Việt Nam. Trong khi thiếu nhi rước lân với niềm vui hồn nhiên, thì các anh lớn ở tuổi mười ba, mười bốn họp nhau lại thành từng đoàn múa lân lấy thưởng. Từng khu phố náo loạn cả lên…
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải tàn. Trẻ con lại mau mệt. Khi trăng đã ở trên cao, nhỏ và thầm lặng hơn, thì tiếng gọi trẻ bắt đầu vẳng lên gần xa. Dù sao thì tay gõ trống đã mỏi, và đèn cũng cháy gần hết. Đành buồn bã chia tay với đám bạn vẫn gặp mỗi ngày, để hẹn đến Trung thu sang năm.
Mâm ngũ quả
Đi họp Lân
Lân hè phố
Lân dưới làng
Đầu sư tử
Đèn Trung Thu Hà Nội 1915 (Albert Kahn)
Phố bán đèn Trung thu ngày nay
Chọn trống
Thử trống