Ngày đầu tiên đi học…Thánh kinh

Ngày đầu tiên đi học…Thánh kinh

          May mắn cho GX Châu Sơn chúng ta, có được một ông cha đồng hương đi Tây, học Thần học Thánh kinh về cho Giáo Phận. Hiện, cha đang trực thuộc nhân sự Tòa Giám Mục, và vì ở gần chốn quê nhà, nên cha ngỏ ý muốn góp chút thiện tâm cho GX trong việc học hỏi thánh kinh, như hương hoa đầu mùa của cây nhà lá vườn, để khỏi mang tiếng “làm phúc nơi nao mà để cầu ao rách nát”.

        Và thiện ý của cha đã được Ban Huấn Giáo vui mừng đón nhận để phổ biến rộng rãi cho giáo lý viên các cấp: Thiếu nhi, Cộng đoàn trưởng, Thanh Niên, Thanh Tráng niên, Cộng đoàn dân tộc…Nghe đâu, các cấp GLV hồ hởi phấn khởi đăng ký hơn 100 người. Chẳng những thế, cha chính Gioan còn động viên giáo dân: “Đây là cơ hội hiếm có của cha đồng hương về giảng dạy thánh kinh cho người dân GX quê nhà, mà không phải nơi đâu muốn có là được. Tôi mong bà con các giới của các Đoàn thể tham gia học thánh kinh một cách đông đủ để “hữu tri tất mộ” mến đạo hơn”.

          a1   

       Tuy nhiên, nghe đâu trong dư luận giáo dân: học thánh kinh cao siêu như thế chỉ dành cho những giới chuyên môn có năng lực cao, chứ sức đâu những người nông dân như chúng tôi, mà có khả năng tiếp thụ. Quả là đáng ái ngại thật, vì từ bao giờ, việc học thần học thánh kinh chỉ dành cho cha cụ…những người ăn cơm Đức Chúa Trời chứ đâu phải cho giáo dân. Có người lại cho rằng: Sống theo đạo gần hết đời người, học thánh kinh cả đời rồi, còn học cái nỗi gì nữa?!! Thôi thì để nhường cho lớp trẻ vậy.

         Và những điều trên, quả đã phản ánh đúng thực trạng, để giáo dân chỉ có ít người tham gia buổi học thánh kinh tối ngày 03.09. Nhưng rất may, số đông, hơn trăm người GLV và Ban Huấn Giáo đã rất phấn khởi để có mặt rất sớm từ lúc 19 giờ tại nhà Sinh hoạt.

          A6

          Nấn ná mãi cũng đến 19 giờ 15, cha GB Nguyễn Quốc Hưng ra mắt khán phòng trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Sau lời cám ơn và giới thiệu của BHG về cha GB là lời ngỏ của cha xứ Gioan.

          Cha GB xuất hiện trong trang phục áo sơ mi quần tây, xem ra trẻ trung hơn,  đời thường hơn, nên cũng tạo cảm giác gần gũi và thân thiện hơn, chứ không như trong suy nghĩ của mọi người: Một diễn giả đi học Thạc sĩ Thánh Kinh và Thần Học ở Tây về, chắc phải cao đạo và xa cách lắm đây! Sau lời chào hỏi, cha GB đã dẫn nhập vào: LỊCH SỬ CỨU ĐỘ.

       A2         

        Không ồn ả thao thao bất tuyệt, cũng không hùng hồn biện thuyết, mà chỉ có sự ôn tồn nhẹ nhàng, nhưng không kém phần cuốn hút. Bằng một giọng thủ thỉ đầy tâm tình, cha GB đã dẫn nhập vào Lịch Sử Cứu Độ rất lớp lang và bài bản.

       Chung chung thì mọi giáo dân chúng ta ít nhiều cũng đã có khái niệm về Lịch Sử Cứu Độ, nhưng ở đây, với góc độ chuyên môn của một chuyên gia thánh kinh, ngài đã gợi mở cho mọi người bằng cái nhìn khái quát về bối cảnh lịch sử: chính trị, xã hội và tôn giáo, để mọi người có cái nhìn toàn cảnh của tiến trình Lịch Sử Cứu Độ thống quát hơn. 

        A3       

        Và nhân vật chính, Chúa Giêsu lần lượt xuất hiện trong các diễn tiến lịch sử, trải dài 33 năm đời người cho đến khi chịu chết nhục nhã trên cây thập giá và phục sinh trong vinh quang. Phải đến năm 49, một nhân vật phản diện xuất hiện, người đã một thời cuồng nhiệt đi bắt đạo, và sự cố “ngã ngựa” để trở về với Chúa trong tiến trình ơn cứu độ, đó là Thánh Phao Lô. Người sau đó, rao giảng tin mừng đắc lực trong việc truyền giáo.

A4

       Rồi những tin mừng xuất hiện: trước năm 70, tin mừng của thánh sử Mac Cô đầu tiên, viết để giảng cho dân ngoại đã theo đạo không phải gốc Do Thái. Đến thánh sử Mathêu và Lu Ca vào những năm 80 – 90, đã khắc họa nên hình ảnh lòng Chúa thương xót cho hết thảy dân ngoại chưa theo đạo. Và sau cùng là thánh sử Gioan khoảng năm 110, người có cái nhìn sâu sắc khi viết về sứ mạng và mầu nhiệm Chúa Giêsu trong tương quan giữa Chúa Giêsu và nhân loại…

A5

       Tất cả đã khái quát nên 4 thánh sử với bốn gam mầu khác biệt nhau, nhưng cùng chung một mối về Đấng Giêsu Ki Tô mà mỗi người mỗi khía cạnh, mỗi cảm nhận, mỗi màu sắc…Bốn thánh sử đã vẽ nên một bức tranh toàn bích về cuộc đời và con người của Chúa Giêsu, một con người lớn lao, một con người cao cả của Đấng Messia, để viết nên Lịch Sử Cứu Độ.

      Ngày nhỏ, tôi đã được học lẽ đạo và lớn lên được nghe diễn giải thánh kinh, nhưng lúc này ở tuổi lục thập lại được đi học thánh kinh…bảo sao ngày đầu tiên đi học, lại không bồn chồn lo lắng: Không biết mình thuộc U 70 rồi, liệu có tiếp thụ được những điều cao siêu chăng? Nhưng rồi sau buổi đầu, qua cách diễn giải lớp lang của cha GB, thánh kinh với mọi người có vẻ gần gũi và dễ hiểu hơn, chứ không cao siêu như mọi người nghĩ. Và với tôi, quả đã mở mang thêm những góc cạnh thánh thiêng của Lịch Sử Cứu Độ, để càng hiểu biết, càng thêm mộ đạo.

A7

       Xin cám ơn cha GB đã tạo một bầu khí học đạo mới cho GX chúng con. Cầu mong chương trình giảng dạy Thánh Kinh của cha ngày càng được nhiều người hưởng ứng, để giúp giáo dân có thêm nền tảng thánh kinh và giữ đạo một cách mộ mến hơn.

Ghi nhận – Châu Sơn choa

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG PHÊRÔ PHẠM ĐỨC CẢNH (Khang)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

CÁO PHÓ: ÔNG AN TÔN ĐOÀN QUANG VĨNH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …