VÀI CẢM NHẬN, SAU CHUYẾN ĐI ĐẠI HỘI ĐỨC MẸ LA VANG

VÀI CẢM NHẬN,

SAU CHUYẾN ĐI ĐẠI HỘI ĐỨC MẸ LA VANG

          Một người bạn, từng nhiều lần đi đại hội La Vang, rủ tôi đi và bảo: “Đi La Vang để củng cố niềm tin”. Tôi hơi chột dạ: Mình bị lung lạc đức tin hay sao, để phải đi củng cố? Như biết ý, người bạn giải thích: “Củng cố là tăng thêm niềm tin, chứ không phải bị lung lạc mà củng cố. Ai dám tự hào mình có đủ đức tin. Có lý! có lý! Nhưng chí lý hơn là, được bao trọn gói một chuyến đi hành hương, ngu chi mà không nhận lời, mặc cho mục đích rủ đi, nghe có phản cảm thì cũng cố “chịu đấm ăn xôi” mà đi vậy.

          Có lẽ, hành hương về Đại hội Đức Mẹ La Vang là niềm ước mơ và là niềm vinh dự chung của muôn người Công giáo chứ chẳng riêng gì tôi. Và nay, niềm ước mơ đó, đang có cơ hội trở thành hiện thực, bảo sao tôi không vui!

          LV2

          Khi chúng tôi đến quảng trường Mân Côi, quang cảnh đang dần nhộn nhịp lên. Những người hành hương đang lũ lượt bồ đoàn thê tử, già trẻ, gái trai chen lấn vai ba lô, túi xách, va li xoăn xoái tiến bước vào khu trung tâm lễ đài. Một số khá đông đã đến trước, dựng lều bạt an vị dưới những bóng cây xanh ở hai bên lối đi vào lễ đài. Những nhà tiền chế do trung tâm La Vang dựng sẵn, cũng được kéo tăng bạt lợp lên cho những đơn vị đăng ký trước…Khung cảnh  người càng lúc càng đông dần lên với lều trại choán hết khắp sân bãi khuôn viên La Vang. Thanh âm từ loa phóng thanh về những bài hát Đức Mẹ cũng lan tỏa rân vang khắp quảng trường. Đan xen chương trình, phát thanh viên lược dẫn lịch sử đại hội và hướng dẫn cho mọi người vào khu vực đóng trại…cũng làm cho bầu khí thêm phần náo nức hưng phấn lên.

         LV12 Lúc này, hàng rào đã được thiết lập bởi những: thiếu nhi, hướng đạo sinh và đội ngũ ban trật tự đã thắt chặt lối vào lễ đài để không một ai qua lại. Một lễ đài bài trí khá đơn giản nhưng trông rất trang trọng và đẹp mắt, được dựng lên trước tháp nhà thờ cũ nối liền giữa nhà hành hương và Linh đài Mẹ La Vang bằng một lối đi thoáng đãng. Ca đoàn cũng hòa trong tiếng nhạc du dương, đã bắt đầu hợp xướng lên bài thánh ca trang trọng và hân hoan để đón bước Đoàn rước tiến về Linh Đài với hàng trăm tu sĩ nam nữ, hàng trăm linh mục và rất nhiều Đức Giám Mục tham dự.

LV20Đúng 17g00, nghi thức khai mạc Đại Hội Hành Hương La Vang lần thứ 30 bắt đầu. Cha Micae dẫn lễ trân trọng kính mời Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng Giám Mục Sài Gòn – Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – Tổng Giám Mục Huế – Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tiến lên dâng hoa cho Đức Mẹ. Cộng đoàn hành hương vỗ tràng tay thật dài tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ và các Giám mục. Các Giám mục cắt những khối cầu ba màu. Màu đỏ tượng trưng cho Giáo Phận Hà Nội với dòng sông Hồng màu mỡ. Màu xanh tượng trưng cho Giáo phận Huế với dòng Hương Giang thơ mộng. Màu vàng tượng trưng cho Giáo phận Sài Gòn, như những cánh đồng lúa mênh mông hứa hẹn một mùa bội thu…

Cha dẫn lễ mời cộng đoàn sốt sắng đi vào Thánh lễ khai mạc Đại Hội La Vang lần thứ 30 do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc Chủ tế với ý lễ: Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu…LV21Sau phần hiệp lễ, Đức Tổng Giám Mục Phaolô ban phép lành cho tất cả mọi người tham dự Thánh lễ”. Trích trong web site Tổng Giáo Phận Huế.

Với tôi, đây là vinh dự lớn lao để có mặt trong một thánh lễ long trọng của Đại hội La Vang lần thứ 30, gồm một cộng thể lớn: cộng đoàn giáo dân ước tính hàng trăm ngàn người, tu sĩ, linh mục, các phẩm trật lớn trong GHVN có cả hàng trăm. Tất cả được thâu tóm ở 6 từ: đông vui, hoành tráng và trang trọng. Nhưng lạ thay, cảm xúc về Đại hội La Vang vẫn chưa đến trong tôi. Tôi nghĩ, nếu không có cảm xúc với Mẹ, thì tất cả 6 từ trên cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Và tôi cầu xin Đức Mẹ hãy cho con có được chút biểu cảm của một người con từ phương xa, về ấp ủ trong bàn tay mẹ nồng ấm, chứ không thể đến với mẹ mà tâm hồn vô cảm, hờ hững…

Và Chúa đã nhận lời, để vẽ một đường thẳng, bằng những đường cong tuyệt vời trong tôi…A6Tối đến, sau khi cơm nước xong, đến trà dư tửu hậu…Đây là lúc mọi người “nối vòng tay lớn” để chia sẻ tình thân với nhau của những người con chung một mẹ hiền.

Có những người con từ khắp mọi miền đất nước và hải ngoại đã về tham dự Đại hội. Những người con đất Bắc: Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định…. Các tỉnh kề cận, đông nhất vì nhờ lợi thế sân nhà: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quãng Bình, Quảng Trị, Huế…Những người con “có cái nắng, có cái gió tây nguyên” cũng góp mặt: BMT, Kontum, Lâm Đồng…Rồi những người con ở tận sông nước miền tây cũng hòa nhập: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp…Và không quá xa xôi: Sài Gòn, Đồng Nai, Phan Thiết…Tất cả đã quây quần trong những lán trại kế cận nhau với những tâm tình tự bạch rất chân thật. Tìm hiểu ra, mới thấy mỗi người đến với Đại hội La Vang với những thao thức, với những trăn trở, những suy tư khác nhau.A33Nhưng có một vài trải nghiệm của các bạn đã khiến chạm đến tâm hồn tôi để cảm xúc dâng tràn. Có cô bé đến đây mỗi năm như để trả nợ cho Mẹ: “Bác biết không, cách đây 10 năm, con đến đây trong tuyệt vọng, khi gặp cảnh chồng ăn chơi rượu chè, rồi lại còn bạo lực trong gia đình đến khốn khổ…Thế là con đưa ba đứa con vào La Vang và khấn nguyện mẹ: Xin Mẹ cho gia đình con cơm lành canh ngọt, êm ấm hạnh phúc như thủa nào, nếu không thì con không thể sống nổi nữa mẹ ơi! Một tháng về bên quê ngoại, và anh ấy đã tìm đến con và hứa xin sẽ hối cải, chừa bỏ rượu chè, cờ bạc…Đến nay đã 12 năm gia đình hạnh phúc. Một trung niên chia sẻ: Vợ con máu me cờ bạc, số đề làm tán gia bại sản, nhờ các cha khuyên ngăn thế nào cũng không được, nhân có người bạn rủ đi đại hội La Vang…Chỉ một lời xin thiết tha: Lạy mẹ, xin cho vợ con chừa cải cờ bạc, đề đóm, con hứa với mẹ năm nào con cũng sẽ hành hương đến với mẹ…Quả thật, 2 tháng sau vợ con bị một tai nạn xe máy, tưởng chết..Mấy tháng trời con chăm sóc nuôi nấng, và con nghĩ nhờ mẹ tác động để sau vụ tai nạn đó, vợ con cảnh tỉnh và bỏ cờ bạc và lo làm ăn. Vợ con đây bác. Tôi thật sự xúc động và gửi lời chúc mừng đến hai bạn trẻ…Một cô gái tuổi 30, “gái ba con trông vẫn còn mòn con mắt”, cũng chia sẻ: Con lỡ có thai với bạn trai trước khi cưới, và đúng lúc đó, người bạn trai ruồng bỏ con. Quá tuyệt vọng, con tìm cái chết, nhưng may được người bạn cứu, và bảo với con: Mi đi La Vang với tau một chuyến, cầu xin mẹ mi sẽ được mẹ cứu giúp cho mà coi. Thực sự, cháu chỉ nghỉ, đi chơi cho khuây khỏa…nào ngờ một lời cầu xin, một năm sau, anh ấy về xin lỗi và hứa sẽ mãi mãi thương yêu con, và kết quả là đến chừ, con được ba đứa rồi…Đang lúc cao trào cảm xúc tuôn trào là thế, mà bỗng đến giờ chầu bên linh đài Mẹ, tất cả đã đứng dậy để hướng về Mẹ. Đó là điều làm cho tôi hổ thẹn, vì mình cũng đã U 70 mà xem ra cảm xúc về Mẹ thì thua xa với các bạn trẻ. Từ đó, trong tôi bừng cảm xúc về mẹ La Vang, tưởng như dòng suối đang tuôn chảy…Đúng là các bạn trẻ đã khai tâm cho tôi khi đến với mẹ, bằng một tình yêu và lời cầu nguyện, như xưa nay mẹ đã từng hứa: Mẹ chẳng để ai về không, khi đến với Mẹ.A48Và đêm đó, đúng 23 giờ, tôi đã tham dự thánh lễ do cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót dẫn lễ rất sốt sắng. Tiếng ca đoàn cất lên những bài hát về mẹ cũng thật chan chứa thánh thót niềm yêu thương, hòa thanh bên tiếng vỹ cầm réo rắt, cùng tiếng đàn Guitar thùng Classic đầm ấm, làm cho thanh âm hòa quyện như một dòng suối chảy ngọt ngào và tươi mát, tưởng như tim tôi chạm đến tơ vàng tâm linh.

Cảm xúc đó được nối tiếp bởi buổi thuyết trình về đề tài: Phúc âm hóa đời sống gia đình do Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Khảm- Giám Mục GP Mỹ Tho, thuyết trình. Đã từng nghe tiếng Đức Cha là một diễn giả có tài diễn thuyết kim khẩu, và bây giờ được mục thị, quả là thú vị lắm đây! Bằng một giọng trung nam với âm lượng đầy đặn trong giọng bắc kỳ diễn cảm, diễn giả đã cuốn hút người nghe say sưa từ đầu đến cuối.A25Đề tài Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình (TPAHGĐ) chẳng còn là mới lạ, nhưng với cách diễn giải ngắn gọn súc tích, khiến người nghe tiếp thụ rất dễ dàng: TPAHGĐ là gì? Là làm mới cuộc sống, bằng sự nhiệt tình, bằng cách diễn tả mới để đưa Chúa hiện diện vào gia đình mỗi ngày. TPAHGĐ qua 3 đối tượng: Cho chính gia đình mình. Cho người theo đạo đã chịu phép rửa nhưng không còn giữ đạo nữa. Và giới thiệu Đức Kitô đến với mọi người ngoại giáo.

Sau đó, cha Louis Tuấn Anh diễn tiếp phần thực hành: Muốn hiện thực hóa được TPAHGĐ, chúng ta phải nhờ chiếc cầu: cầu nguyện để đưa chúng ta về bến bờ tình yêu của Đức Kitô. Cầu nguyện chính là để sạc lại năng lượng Đức Kitô vào tâm hồn mỗi người mỗi ngày, để luôn có Chúa hiện diện mà tránh khỏi chước ma quỷ cám dỗ.

Cha Louis còn đưa ra phương cách hiện thực hóa PAHGĐ là gia đình phải siêng năng đọc kinh tối, đó là chiếc cầu nối giữa chúng ta và Thiên Chúa, nhờ ngài trợ lực và  nối kết mỗi người trong gia đình, để vượt qua khó khăn, muộn phiền trong cuộc sống. Hãy lắng đọng tâm hồn bằng một khoảng lặng của “phút hồi tâm” giữa mọi người trong gia đình, để cùng chia sẻ nỗi vui buồn trong cuộc sống, cùng cầu nguyện cho nhau nghe những thao thức, những trăn trở, những ước nguyện đời thường, và để nhận biết lỗi lầm đã xúc phạm đến nhau và đưa ra lời xin lỗi, cũng như cám ơn nhau đã giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cuối buổi đọc kinh tối, mỗi người chúng ta không quên tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta cuộc sống an vui và cũng sẵn sàng đón nhận những bất trắc trong đời, vì tất cả đều là hồng ân Thiên Chúa…A23Bài thuyết trình còn nhiều mẫu chuyện đời thường phụ họa vào với những ý chủ lực trên, làm cho bài giảng gần gũi, và hiện thực hóa giữa ý tưởng và chuyện đời thường hòa nhập vào nhau làm một, để mọi người có thể thực hành mỗi ngày trong cuộc sống. Đó cũng là điều mong mỏi của Đức Cha Phê Rô vậy.

Một dấu lạ…Tôi đã từng được nghe rất nhiều người nói về dấu lạ tại các Đại hội La Vang lần trước, nhưng tôi không mấy tin và cho rằng, đó chỉ là ảo giác do lòng sùng kính Đức Mẹ tạo nên mà thôi. Tôi thầm thì kêu cầu: xin Đức Mẹ cho con được trông thấy dấu lạ, để đánh tan cái “nghi ngờ cố hữu Thoma trong con”. Và Đức Mẹ đã khai nhãn cho tôi.

Đó là trong thánh lễ bế mạc Đại hội, vào khoảng 9 giờ – lúc cho rước lễ, thấy mọi người ồ lên với dấu lạ, và tôi đã nhìn lên mặt trời: một vòng mây mù đen phủ lên mặt trời, để cho mọi người nhận thấy một cách rõ ràng là, mặt trời đang nhảy múa. Sau đó, đám mây mù tan đi, để cho những vầng quang đủ sắc màu: xanh, đỏ, tím, hồng nhảy múa chung quanh mặt trời. Tôi nhắm mắt lại, rồi nhìn lên mặt trời nhiều lần, để thử xem, có phải mình bị ảo giác đánh lừa chăng? Nhưng không, lần nào tôi cũng thấy như vậy, và nửa giờ sau khi bế mạc thánh lễ, tôi nhìn lên mặt trời thì không còn thấy dấu lạ đó nữa. Với tôi, qua trải nghiệm dấu lạ, tôi hoàn toàn tin rằng, đó là dấu chỉ do Đức Mẹ tạo nên, để nói lên sự hiện diện của Mẹ giữa đoàn con mẹ trong Đại hội La Vang này.

Có lẽ, còn nhiều điều tôi cảm nhận được nơi Đại Hội Đức Mẹ La Vang này, nhưng với khuôn khổ bài viết nhỏ này, sẽ khó lòng chuyển tải hết được.

Đại Hội Đức Mẹ La Vang khép lại, nhưng trong tôi mở ra một khung trời mới…A36Hành hương về Đại hội La Vang để cho mỗi người chúng ta có dịp củng cố lại niềm tin trong Đức Kitô và Mẹ Maria được luôn vững bền trong cuộc lữ thứ trần gian này, với tôi, quả là rất đúng.

          Cám ơn Mẹ đã cho chúng con một mùa Đại hội La Vang đầy thánh thiêng và cũng không kém phần ngoạn mục đời thường.

A8A10

Nguyễn Vĩnh Căn

 

 

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …