ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG… Phần II
tienducchauson
12/08/2014
Diễn Đàn Bạn Đọc
102 Views
ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG…
Phần II
Xe đến nhà dì tôi, Khối 4, huyện Đức Trọng – vào lúc chập choạng tối. Những đứa con của hai bà dì ở Ban Mê lên hòa nhập với con bà dì ở Đà Lạt, bảo sao không vui “gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng…” được. Và, làm sao “hoãn được cái sự sung sướng” để không chén thù chén tạc đây! Nhưng cái sung sướng đó cũng chẳng thể kéo dài, vì một ngày giam mình trên chiếc hộp sắt di động lắc lư thì, tưởng một giấc ngủ là thượng sách hơn cả.
Thức dậy sau một giấc ngủ dài, quả là khoan khoái, nhưng bị cậu bắt lần 50 chuỗi hạt thì không dễ dàng một chút nào. Trong Nam ta, đọc kinh sáng tối vốn đã là khó, hình như chẳng mấy gia đình còn giữ truyền thống đó nữa. Mà nếu có đọc thì cũng chỉ mấy kinh hằng ngày quen thuộc và một chục hạt là hết đát…Nhưng không hiểu sao, hôm nay có cậu nên đứa nào cũng đọc to giọng và soăn soái lắm, hình như để biểu dương tinh thần đạo đức trong Nam chẳng kém miền Bắc là mấy thì phải?!!
Sau buổi đọc kinh, cậu chia sẻ những tâm tình cậu cháu, những triết lý sống đạo đời rất nhân bản. Ví như Salomon là vị vua minh triết, có đủ uy quyền và phồn hoa là thế, mà phải thốt lên: Cuộc sống chỉ là phù du, là hư không chóng qua mà thôi. Quả đúng thật, mới ngày nào, cậu vào còn gặp gỡ những người thân ông này, bà nọ, tay bắt mặt mừng, mà nay đã ra đi…Vì thế, của nả vật chất chẳng nghĩa lý gì. Có ông vua Pie Đại Đế bên Nga, quyền bính, cung đình nguy nga là thế, vậy mà khi chết di chúc: Bảo quan thần khoét hai bên quan tài, để ông đưa tay trắng ra cho thần dân xem. “Khi sống ta có đủ thứ trên đời, vậy mà khi ra đi, ta chẳng có chi ngoài hai bàn tay trắng”. Các con cũng thế, phải cố gắng sống với nhau cho thật tình nghĩa yêu thương trong Chúa Kitô, thì mới có ý nghĩa, kẻo sau khi chết cũng chỉ trắng trơn mà thôi…
Sau đó, mấy đứa em con dì đánh hai xe con đi ăn sáng, tiệm tàu nổi tiếng ở Đà Lạt, Ngọc Hạnh? Nhưng trước mỗi bữa ăn, cậu thường chia sẻ: “Chúng ta dùng bữa, cũng nên nhớ đến những người nghèo đang thiếu thốn, không có bữa ăn như chúng ta. Cầu xin Chúa cho họ lương thực hàng ngày dùng đủ”.
Quán sá buổi sớm rất đông khách đến thưởng ngoạn. Quả là nước lèo mì Hoành thánh béo ngậy và ngọt dịu vị giác quán này là không chê chỗ nào được, nhưng sợi mì mềm nhũn thì thua mì tôm…Có thể là cà cuống đem cho kẻ tịt mũi chăng? Nhưng phải thành thật ghi nhận tấm lòng của mấy đứa em hiếu khách.
Trưa về bà dì cũng chiêu đãi những của ngon vật lạ ê hề. Với tấm lòng thì không thể đong đếm hết được, mà chỉ có sự cảm nhận để biết ơn mà thôi…Sau khi men nồng bia rượu đà đà, cậu cháu mới mạn đàm một đôi điều. Khi được hỏi một anh bạn, sếp của nhà hàng Đà Lạt: “Theo anh, những đặc sản nào tiêu biểu cho Đà Lạt?”. Có thể vì đột xuất nên anh đớ ra không trả lời được. Qua đó, cậu tiếp lời: “Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta quá hời hợt, sống không định hướng, sống không tìm cho mình một ý nghĩa thì cuộc sống đâm ra nhạt nhẽo, mất hết thi vị …”. Nhân bàn đến chuyện rượu bia, tôi mới hỏi ông thầy trẻ: “Rượu và linh mục có tương quan nào?”. Thầy trẻ trả lời rất thần học: “Rượu đối với Lm là Thánh thể của Đức Kitô, là thân xác của ngài, nhưng chỉ khi Lm tác động vào rượu nho và bánh thì tất cả mới trở nên Mình Máu Thánh Chúa”. Cậu tiếp lời, “Người xưa đã nói: vô tửu bất thành lễ. Rượu trong cuộc tiệc nhậu ở đời cũng làm phấn kích cho món ăn thêm ngon. Tuy nhiên, uống rượu bia phải có chuẩn mực thì mới đạt được tiên tửu, chứ không lại ra dâm tửu, cuồng tửu thì khốn!”. Khi được hỏi: “Xin cậu cho một vài nhận xét về việc sống đạo giữa hai miền Nam và Bắc?”. Hình như câu hỏi này khá tế nhị, để cậu có chút tránh né: “Miền Bắc trọng hình thức, đọc kinh, đi lễ nhiều hơn, còn trong Nam xem nhẹ hình thức, và trọng ý thức hơn, bên nào cũng có cái hay của nó, nhưng có hình thức thì mới chuyển tải được nội dung, mà thừa nội dung mà không có hình thức chuyển tải thì cũng thiếu vậy…”.
Sau đó, cả nhà đi hát karaoke gia đình vui vẻ! Nhưng lại không dám rủ ông cậu linh mục đi, vì sợ dị ứng. Karaoke là một hình thái giải trí rất thịnh hành vào những năm 1990. Ban đầu, nó là một môn giải trí ca hát vui vẻ gia đình, rất lành mạnh, nhưng về sau, biến tướng ra hát karaoke ôm (tiếp viên nữ), karaoke hát mỏi tay, karaoke H1R5 (hát một rờ năm), khiến cho khi nghĩ đến hát karaoke, ai cũng có ấn tượng xấu về nó, mượn gió bẻ măng, mua bán dâm. Vậy mà khi đi về cậu bảo: “Sao không bảo cậu đi cho biết!” Không biết câu này là thật, hay để nhắc nhở thầy trẻ nhà mình đây?!! Phải nói, cha bố rất thoáng để tạo điều kiện cho con (thầy trẻ nhà ta) hòa nhập với các cuộc vui: ăn nhậu, cà phê, karaoke…một cách thoải mái.
Thầy trẻ tỏ ra rất dễ thương, chân chất và thân thiện với hết mọi người. Qua những đêm nằm chuyện trò trao đổi thì quả là, trẻ người mà không non dạ một chút nào, thậm chí là khá sâu sắc. Nửa đùa nửa thật, tôi bảo thầy: : “Thầy có biết thầy có hai ưu điểm trẻ và đẹp trai không? Nhưng trong con đường tu trì, đó chính là nhược điểm để con đường đến với Chúa gai gốc và khó khăn hơn?”. “Cám ơn anh đã cho em biết về điều đó. Em nghĩ, khi mình đã biết về nhược điểm của mình, thì mình chính sẽ cố gắng để khắc phục được nó, dĩ nhiên là không thể chủ quan được”. “Trong vui chơi đời thường, có bao giờ thầy nghĩ là, chính mình đang tự thử thách mình chăng?”. “Nhờ anh nhắc nhở, em sẽ cẩn trọng và tự khắc kỷ với bản thân hơn. Cám ơn anh nhiều”. Trong tranh luận, thầy luôn tỏ ra dè dặt, khiêm tốn và biết trân trọng ý kiến của người khác. Với chuyện nhà đạo, thầy luôn đưa ra chính kiến dựa trên nền tảng thần học Kitô giáo một cách vững chắc, chứ không phô trương cái tôi của mình, khiến cho người nghe dễ cảm và gần gũi.
Và một đêm về ngon giấc nơi “trời quen đất lạ” là không phải nói nữa rồi.
Đà Lạt ngày nay, xét ra cũng chẳng lạnh hơn Ban Mê là mấy, khiến nỗi lo hen suyễn của tôi là thừa. Dì tôi ở trong một khu dân cư nhà cửa cũng loại tầm tầm, chẳng khác Châu Sơn là mấy. Cũng có vườn trồng những luống khoai, đậu, lạc…nhưng nhiều nhất vẫn là những nhà bịt kín trồng nấm, phơi nấm mèo dọc hai bên đường… Vì là “dân góp tứ chiếng”, nên không có được tình thân đi lại như ở Châu Sơn, nhưng ngược lại, ở đây có quán nhậu và karaoke đầy.
Nhà dì tôi nuôi “6 con vịt trời”, lấy chồng quây quần cùng một xóm với nhau vui lắm! Chỉ cần hê một tiếng là có đủ ngay quân số tửu hữu vào trận, vui đáo để. Lại có một bà dì rất tuyệt vời, khi nào cũng muốn con cháu ngồi ăn nhậu đông vui là thích. Vì dì không có quý tử, nên trọng mấy đứa rể như con trai trong nhà, chính dì đã tài trợ “mồi mè” thường xuyên để các tửu hữu có cớ xông trận, nhưng lại rất nghiêm nhặt với những đứa nát rượu, say sỉn lè nhè, lơ mơ là bà phang ngay. Phải nói, dì tôi tuổi đã xấp xỉ 80, nhưng tính bà vẫn luôn vui vẻ và xuề xòa với con cháu. Với tuổi trẻ, bà ứng xử rất tâm lý: lúc khoan, lúc nhặt để trị mấy đứa rể ngang ngạnh, chuyện cũng lắm nhiêu khê chứ chẳng phải chơi. Có lẽ, còn nhiều điều đáng nói về dì lắm, nhưng sợ rằng các bạn lại bảo: “khổ lắm biết rồi nói mãi”, vẫn cái điệp khúc “dì hát cháu khen”, nên đành phải chuyển sang chuyện Đà Lạt…
Mời các bạn đọc xem tiếp hồi sau sẽ rõ…