LĂN THEO BÓNG TRÒN…Phần II
tienducchauson
08/07/2014
Diễn Đàn Bạn Đọc
135 Views
LĂN THEO BÓNG TRÒN…
VUI BUỒN CÙNG WORLD CUP 2014
Phần II
Ngày nay, các chuyên gia thường đưa ra ba tiêu chí cho bóng đá hiện đại: Kỹ thuật, Chiến Thuật, Thể lực…tương ứng với ba châu: Châu Mỹ thiên về Kỹ thuật – Châu Âu thiên về chiến thuật – Châu Phi thiên về thể lực…
Một HLV Châu Âu đã xếp hạng 3 tiêu chí trên như sau: Đối với bóng đá hiện đại, tiêu chí hàng đầu phải là Thể lực, rồi mới nói đến Kỹ thuật, Chiến thuật. Quả rất đúng với các đội Châu Âu như: Ý, TBN, BĐN…là những đội có thừa kỹ năng và chiến thuật, nhưng họ thiếu mất yếu tố thể lực, bị các đội bóng Châu Phi và Châu Mỹ lấn lướt qua mặt, đành phải ngậm ngùi ra về.
Gần đây, các nhà chuyên môn đã đưa ra những con số thống kê khá lý thú của một cầu thủ chạy trên sân cỏ trong một trận đấu, qua các thời kỳ:
– Thời kỳ những năm 1950 thiên niên kỷ trước, mỗi cầu thủ chỉ chạy trên sân khoảng 3 – 4 Km.
– Đến thời kỳ những năm 1980, mỗi cầu thủ trên sân cũng chỉ chạy khoảng 6 -7 Km.
– Ngày nay, mỗi cầu thủ phải di chuyển trên sân với những bước chạy của một VĐV điền kinh trải dài 10 – 12 Km. Theo thống kê trong world cup 2014, cầu thủ Mỹ Jermaine Jones , trong 4 trận chạy 54 km, trung bình mỗi trận cầu thủ này chạy 13,5 Km.
Xem thế thì, tiêu chí hàng đầu của bóng đá hiện đại là thể lực của một VĐV điền kinh. Vì phải có sức bền dẻo dai, thì mới có thể vận dụng được tính năng: kỹ và chiến thuật được.
Có người lại đưa ra tiêu chí 3 K: Khỏe, Khôn, Khéo. Cho thấy, thể lực vẫn là yếu tố hàng đầu của bóng đá hiện đại, rồi tiếp đến khôn ngoan và khéo léo sau.
Chúng ta lấy làm lạ: tại sao bóng đá Châu Âu trọng thị thể lực hơn là kỹ thuật, vậy mà qua FiFa World cup 2014 này, các đội bóng Châu Âu đã hút hơi. Ngay cả đội Đức thể lực hàng đầu, cũng bị đội Ganna lấn lướt, hành ra bã suốt hai hiệp đấu, may lắm mới cầm hòa được 2-2. Đội Ý cũng hết hơi với đội Costa Rica với tỷ số 1-2…Phải chăng vì khí hậu khắc nghiệt của Nam Mỹ, để các đội Châu Âu không thích ứng được?
Chỉ được một ngày nghỉ, ai nấy khoan khoái để xã hơi trước khi bước vào vòng đấu loại trực tiếp vòng 1/8. Nhưng đến lúc này, tưởng cũng nên nhìn lại sau 48 trận, nhà làng đã thua thắng cá độ như thế nào?
Ở GX chúng ta, nói cá độ bóng đá cho oai, chứ cũng chỉ là loại cò con, một vài xị chơi cho vui thôi. Thông thường là một chầu cà phê sáng, hoặc một chầu ăn sáng. Anh em trong nhà thì bắt một gói mì, hoặc thắng thì được người khác nấu mì đưa lên hầu…Lên đến cá độ “chai” thì hơi bị hiếm, chỉ dành cho những dân máu me cờ bạc mà thôi. Nhìn chung, dân càng sành bóng đá càng thua cháy túi, vì thường bắt kèo trên chấp nửa trái, hoặc một trái rưỡi là đi đong ngay. Những trận nhà làng thua là bắt kèo các ông lớn Châu Âu, Châu Mỹ: Ý, Đức, TBN, BĐN, Anh, Brazil, Argentina…là thua trắng máu!!
Trước khi vào vòng 1/8 với trận đấu đầu tiên giữa Brasil và Chi Lê, người ta đã không đánh giá cao đội chủ nhà, vì ở vòng bảng Brazil hòa Mêxico 0 – 0 trong một trận đấu tẻ nhạt. Đúng như dự đoán, Chi Lê đá sòng phẳng ngang ngửa và thậm chí là ở hiệp hai lấn sân đội chủ nhà. Cuối cùng hai đội phải bước vào cuộc đấu súng may rủi…Brazil hú hồn để thoát chết với tỷ số 3-2. Ở một trận khác, đội Columbia hiên ngang bước vào vòng tứ kết với một tỷ số thuyết phục 2-0 trước Uraguay.
Nhưng gay cấn và kịch tính nhất vẫn là trận Hà Lan và Mexico. Mexico chơi pressing toàn sân và lấn lướt đội Hà Lan. Vào hiệp 2, MXC tăng tốc ghi bàn trong tiếng reo hò của cổ động viên…Sau đó, hầu như đội MXC phong tỏa mọi lối vào cầu môn, để Đội Hà Lan bế tắc trong tấn công…CĐV Hà Lan tưởng như cầm chắc một trận thua trông thấy, khi những lo âu hiện rõ trên khuôn mặt xinh tươi của những cô gái màu da cam.
Đội Hà Lan mướt mồ hôi với nguy cơ trắng tay. Phút 88, bước ngoặc đã xảy ra như một phép màu cho đội Hà Lan, Sneider tỏa sáng với một cú đá kung fu búa bổ hạ gục thủ thành MXC trong tiếng reo hò vang dậy của CĐV đội Hà Lan…Và rồi ai cũng nghĩ, hai đội phải bước vào hiệp phụ. Bỗng đâu phút 90+4 Roben dê rắt bóng trong vòng cấm, và bị đốn ngã trong tiếng reo hò mừng rỡ của CĐVHL. Hunterlaar bước lên chấm 11 để ghi bàn thắng, đội HL thoát hiểm một cách ngoạn mục. Đây là trận đấu đầy cảm xúc với những hồi hộp, những âu lo, chen lấn nỗi hân hoan vui mừng của đội đang dẫn bàn.
Và đùng một cái, ngã ra đội thua, bỗng thắng trận trong gang tấc, khiến cho nỗi đau của đội dẫn bàn trước phải thua trong tức tưởi tuyệt vọng và cay đắng đến tốt cùng. Bất ngờ của bóng đá là, luôn tạo ra kịch tính đến phút cuối cùng, để gây cảm xúc: vui buồn, hân hoan và đắng cay…lẫn lộn, nghịch chiều nhau trong chân tơ kẻ tóc khôn lường, khó ai có thể biết trước được.
Chỉ ít giờ sau, trận thư hùng giữa Hy Lạp và Costa Rica diễn ra kịch bản căng thẳng không kém. Hy Lạp bị dẫn bàn đến nửa hiệp 2, và một thẻ đỏ cho cầu thủ Costa Rica, khiến cho Hy Lạp hưng phấn, bừng lên gỡ hòa. Hai đội phải bước vào loạt đấu luân lưu…. May mà đội Costa Rica thắng cuộc, biểu dương cho bóng đá tấn công, không uổng công hạ Ý, Anh, lẽ nào lại để ngã gục trước đội Hy lạp với lối đá xấu xí, phòng thủ ăn may thì oan uổng lắm!!
Qua loạt trận hôm sau, hai đội Châu Âu: Pháp, Đức lại tiễn chân hai đội Châu Phi Nigeria và Algerie về nước trong sự nhọc nhằn và trầy trật. Mặc dầu Pháp đá hào hoa, tấn công nhanh, một chạm, nhưng Nigeria cũng kiên cường không kém, ăn miếng trả miếng sòng phẳng, phải đến cuối trận, bản lãnh của đội bóng đẳng cấp lên tiếng mới hạ gục với tỷ số 2-0. Đội Đức, hiệp một chơi vật vờ trước một cơn lốc đen áp sát, nhanh nhẹn mang tên Algerie và phải đến hiệp phụ mới có nổi tỷ số 2-1
Thêm một trận đấu phải bước vào hiệp phụ. Đó là Bỉ và Mỹ, kịch tính và gay cấn của một đội bóng tấn công như vũ bão, đã chịu thua một con bạch tuộc thủ môn Tim Howard của Mỹ, phải đến hiệp phụ thứ hai Bỉ mới thắng Mỹ tỷ số 2-1 một cách nhọc nhằn. Đáng khen cho đội quân chú Sam American, mới tập chơi bóng mà ngoan cường bất khuất không kiêng nể ai, để xả thân đá một trận cầu hay. Tiếc rằng lực bất tòng tâm.
Trận đấu Argentina và Thụy Sĩ cũng căng thẳng không kém, phải đến phút 118 mới phân thắng bại Argentina và Thụy Sĩ 1-0, nhờ sự tỏa sáng của Mesi và Di Maria. Nhưng cũng phải dành hết lời khen ngợi cho đội bóng Thụy Sĩ đã chiến đấu ngoan cường đến phút thứ 118 mới chịu gục ngã.
Vào đến vòng tứ kết, đội bóng Colombia là đội thuyết phục nhất, toàn thắng từ vòng bảng đến vòng 1/8 đến, hứa hẹn sẽ gây khó dễ cho đội chủ nhà trong trận tứ kết.
Thêm những kỷ lục FIFA World cup 2014, vòng đấu 1/8 có tới 5 trận phải bước vào hiệp phụ, trong đó có hai trận phải phân thắng bại bằng loạt penaty. Lần đầu tiên 8 đội đứng đầu sau lượt 16 đều vào tứ kết. Xem ra bóng đá đã có sự bão hòa, trình độ xích lại gần nhau để các trận đấu quyết liệt, chỉ phân thắng bại ở những phút cuối trận.
Bước vào vòng tứ kết, tương quan anh tài được lập lại giữa hai thế lực của hai châu lục, mỗi bên 4 đội. Châu Âu: Đức – Pháp – Hà Lan – Bỉ và Châu Mỹ: Brazil – Argentina – Costa Rica – Colombia. Có lẽ, cái tên Costa Rica là gây ấn tượng nhất, khi đội được xem là lót đường, lại hiên ngang góp mặt anh tài trong vòng tứ kết. Hy vọng 8 anh tài sẽ cống hiến cho người xem những trận đấu thư hùng mãn nhãn.
Xem tiếp phần III:
Lăn theo bóng tròn…vui buồn cùng world cup 2014
Thiên Lương