THÚ NUÔI NAI Ở CHÂU SƠN
tienducchauson
29/05/2014
Thời Sự Châu Sơn
676 Views
THÚ NUÔI NAI Ở CHÂU SƠN
Nai là một loài thú hoang dã. Nó sống theo từng bầy đàn trong rừng già và thường xuất hiện ở những trảng cỏ lớn ven bờ suối nước trong hay những hồ thiên nhiên.Trong tâm khảm của con người, nai là một hình ảnh dễ thương, hồn nhiên và nhẹ nhàng thanh thoát. Nó xuất hiện trong thơ văn, trong hội họa và thậm chí cả trong kinh thánh từ ngàn xưa.
Còn gì đẹp bằng lời thơ của Lưu Trọng Lư mà các văn nhân, thi sĩ đã tốn rât nhiều giấy mực để phân tích và ca tụng.
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Trong hội họa hình ảnh của bầy nai hiền từ, vô tư uống nước dưới trăng mà ngỡ như uống cả ánh trăng vàng lung linh mới đẹp đẽ và huyền nhiệm làm sao?
Còn trong kinh thánh ở thánh vịnh 42 hình ảnh con nai luôn quy hướng về Chúa như một biểu tượng khát khao mong tìm về suối nước vĩnh cửu .
Như nai vàng tìm suối nước trong, hồn con trông đợi Chúa ..
Và cũng vì hình tượng của nai hiền từ,hồn nhiên và dễ thương như thế nên nhiều người( nhất là các cô gái) thường hay “ giả nai” để được tin yêu trìu mến.
Nói như vậy để biết nai đã thâm nhập vào đời sống con người từ rất lâu bằng những hình ảnh đẹp đẽ và thân thương.
Và nhất là đối với người Châu Sơn, nai là vật nuôi rất gần gủi chỉ đứng sau đám anh chị em lục súc mà thôi.
Quả vậy, không phải từ bây giờ, mà đã lâu lắm rồi, trước cả khi người Đông Tràng,Thọ Ninh,Yên phú, Kẻ Tùng di cư lưu lạc vào miền đất hứa Châu Sơn, ở ngoài quê hương đất mẹ người ta đã có cái thú nuôi nai rồi. Có lẽ xuất phát từ ban đầu, nai là một con vật nuôi cảnh. Những gia đình phú ông, khá giả nuôi nai trong nhà như một cảnh trưởng gỉa học làm sang. Trước sân nhà là một hòn non bộ nước chảy róc rách với những chậu cảnh Bon Sai, sau nhà là một chuồng nai ba bốn con (tùy theo độ khá giả của từng nhà) lượn đi lượn lại tạo nên cảnh sung túc, trù phú của gia đình. Nuôi một vật nuôi như một cảnh hưởng nhàn, hưởng nhàn mà có lợi nhuận.Và lợi nhuận đó là những cặp nhung nai màu hồng quân béo múp, thơm ngon đem lại sức khỏe, da dẻ hồng hào cho chủ nhân. Đó mới là điều lý tưởng.
Ngay từ thuở ban đầu ở Châu Sơn cũng vậy. Nuôi nai như chỉ để làm cảnh trang trí trong nhà, chưa ưu tư đến nguồn lợi nhuận. Vả lại cuộc sống thời ấy cũng tạm no đủ và an nhàn nên chẳng ai nghĩ đến chuyện tích cóp làm giàu (Ta có thể điểm qua danh sách như cố cụ Uy, cố Xuân ở xóm ngoài hay ở xóm trong như ông Toại, ông Diện v.v.). Nhưng rồi hiệu quả của thực tế cộng với hoàn cảnh éo le của cuộc sống sau năm 75 đã kích động cái tham vọng kiếm tiền bằng mọi phương cách đã khiến nuôi nai trở thành một cái nghề “có ăn mà nhàn thân”. Kể từ đó nuôi nai trở thành một cái nghề, một công nghệ. Một cái nghề thanh cao và lợi nhuận cũng cao.
Và cái nghề nuôi nai này lên đến đỉnh điểm trong khoảng hai thập niên 80,90 thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ 21.Giai đoạn này giá nhung nai đắt như tôm tươi và nhung đắt kéo theo vật nuôi cũng đắt như… tôm tươi. Nguyên nhân này không biết có phải do “quái chiêu” của mấy chú Chệt( ba Tàu) muốn phá giá “ chư hầu” (!!!) hay không chẳng ai biết cả? Tuy nhiên,với tôi, tôi cho rằng có sự tiếp tay của “ phe ta” rất nhiều trong sự cao giá của nhung nai. Thường thường đến ngày sinh nhật, ngày lễ giỗ chạp của gia đình Sếp (các vị quan tai to mặy lớn) hay để mua quan bán chức cầu vinh thì không gì bằng quà cáp cho Sếp một cặp nhung nai. Nó vừa có giá trị nhãn tiền lại vừa có giá trị về cuộc sống buồn vui đời Sếp. Giá trị bồi dưỡng của nhung nai chắc hẳn mọi người ai cũng đều đã biết: Sếp uống vào bà xã Sếp sẽ khoái tỷ ngay!!!.Cho nên, giá cả của nhung nai cao mấy cũng nào có sá gì. Miễn sao Sếp bằng lòng. Mà Sếp thì bằng lòng đứt đuôi con nòng nọc chứ còn gì nữa?
Và than ôi! cái món quà cáp hiền lành này bỗng dưng trở nên cội nguồn độc dữ làm sao? Từ nó đã phát sinh một căn bệnh thời đại hiểm nghèo: BỆNH THAM NHŨNG. Đúng vậy, một cặp nhung nai làm mặt phủ lên những phong bì dày cộm cán là đầu mối mọi tội lỗi khiến lòng dạ con người trở nên vô lương tâm bòn hút tiền bạc của nhân dân đói khổ lầm than. (Không biết người Châu Sơn có mang tội gián tiếp tiếp tay tham nhũng không nhỉ? Nếu nói theo kiểu triết lý: phương tiện biện minh cho cứu cánh hay cứu cánh biện minh cho phương tiện thì chắc Châu Sơn cũng có ít nhiều liên đới vậy).
Thôi, hơi lan man quá rồi, xin trở lại cái đề tài thú nuôi nai của chúng ta nhé. Chính vì giá nhung nai tăng nên phong trào nuôi nai bước lên đỉnh cao. Và nguồn nai từ khắp nơi đã đổ về Châu Sơn. Có những nguồn nai nhập từ Khuê Ngọc Điền hay Rừng lạnh. Có những con nai chở từ Bình Dương hay ngoài Bắc vào. Có nghĩa là từ khắp mọi miền đất nước. Nai nhà thuần hóa hay nai rừng cũng được tất. Và các tay thợ rừng giỏi giang, lão luyện được dịp rình mò khắp núi thẳm rừng xanh săn nai về bán, tạo nên một thị trường hỗn độn. Có những con nai mới lọt lòng mẹ cũng được mua về cho bú sữa ngoài. Người ta liều như thế đấ , mà có khi lại được việc. Liều như thế giá rất rẻ mà chỉ sau ba bốn tháng trở thành nai con giá 15 đến 20 chục triệu ai mà không ham. Hay có trường hợp của ông Đậu quang Hậu mới thật ly kỳ. Vì lầm chẳng biết ông mua một con nai con trở thành một con hươu nhưng cứ để vậy nuôi. Ít tháng sau không hiểu vì một duyên cớ nào giám đốc vườn Bách thú Saigon đến tham quan và phát hiện đây chính là con hươu đầm lầy một trong những động vật quý hiếm thuộc sách đỏ. Vậy là sau đó có cuộc thương lượng đổi hươu đầm lầy lấy hai con nai trung niên bắt từ sở thú về. Ông Hậu chẳng những được lợi nhiều mà còn được nổi tiếng nữa (chẳng vậy mà sau này còn được đài truyền hình đến phỏng vấn và quay phim mục sở thị nhiều lần).
Rồi nuôi nai như trở thành một dịch giây chuyền. Anh nuôi, tôi nuôi, nhà nhà cùng nuôi.Vào khoảng năm 2005, có một lúc nào đó,chúng tôi thử làm một phép tính mới thấy số nai Châu Sơn đã lên đến gần 1000 con ( lúc đỉnh điểm con số đó phải hơn rất nhiều).Chỉ riêng một con đường ngắn Phúc Lộc TÙY nối liền giữa hai xóm Yên Phú và Kẻ Tùng cũng đã có gần đến 100 con.
Nhưng thử hỏi chất lượng của nhung nai có đáng đồng tiền bát gạo như người ta bỏ ra hay không? Câu hỏi đó xem ra có vẻ thừa bởi vì chất lượng lộc nhung đã được tôn lên hàng thứ nhì trong tứ đại danh dược: SÂM- NHUNG – QUẾ – PHỤ cơ mà. Và lộc nhung là đoạn sừng non mới mọc,là tinh túy của con nai tiết ra nên nó có giá trị dinh dưỡng rất cao. Theo y học cổ truyền, lộc nhung là một trong những loại thuốc quý hiếm chuyên trị những cơ thể suy nhược, tăng cường sinh lực, bổ thận, tráng dương, ích khí (Ở đây vì giới hạn của một bài ký nên không thể tán rộng mà quả thật tác giả có biết gì đâu mà tán cơ chứ !!!).
Chắc nhiều người sẽ cho rằng nai cho ra sản phẩm quý như thế ắt sẽ ăn toàn “cao lương mỹ vị”? Không phải đâu, lầm to rồi đấy, nó không ăn “cao lương mỹ vị” mà trái lại nữa là khác. Người ta thường nói có con nai trong nhà như có một giỏ rác vậy. Nghĩa là nó rất dễ nuôi. Hầu như nó ngốn đủ các loại thực vật: rau, cỏ, hoa, lá; tranh, lác, rơm, rạ hay đủ các loại trái cây xanh …Trong các loại thực vật đó món ăn khoái khẩu nhất của nai vẫn là cỏ cho nên nhà nào cũng bon chen trong vườn nhà hay rẫy gần một ít cỏ tây. Loại cỏ này có nhiều chất bổ dưỡng dễ trồng,mau tốt.
Còn một điều này tôi chưa nhắc tới mà nếu không nhắc tới khi viết về thú nuôi nai sẽ là một thiếu sót lớn. Thà rằng không viết có lẽ sẽ hay hơn, bởi đây mới là cái thú vị hay ho của người nuôi nai. Đó là mùa cắt nhung nai. Cắt nhung nai là một công việc thú vị và cũng lắm công phu. Nghề chơi cũng lắm công phu mà. Nếu nhà bạn định sáng mai cắt nhung, tối hôm trước phải chuẩn bị sẵn sàng nhiều thứ. Nào là mời xóm chòm hay bà con thân cật. Nào là chuẩn bị dây chạc để trói nai. Nào là sẵn sàng rượu thật nhiều để hứng huyết nhung khi cắt mà phục vụ anh em bà con được mời đến chung chia niềm vui.
Thế rồi sáng mai, thường là rất sớm, khi ông mặt trời mới mắt nhắm mắt mở rọi những tia nắng vàng đầu tiên xuống trần gian, chủ nhà đã phải lật bật dậy nấu một nồi nước chè xanh thật to để những người được mời hôm trước đến chờ giờ…hành động. Giờ hành động lại tùy thuộc vào khách hàng đã hẹn trước. Và khách hàng thường là những đàn em quà cáp cho Sếp như đã nói ở đoạn trên hay những tay siêu cò xuyên việt thu gom đem đi Hà Nội hoặc Saigon thậm chí là cả Trung quốc để tiêu thụ.
Cuối cùng giờ G cũng đã tới.Tất cả lục tục vây kín quanh chuồng, nhưng chỉ cần năm sáu tay lực lưỡng có kinh nghiệm chiếm lĩnh “đấu trường” thôi. Còn “đám đông” ở ngoài để hò hét cổ vũ, bình loạn và kéo dây khi chân nai đã vào tròng. Khi nai đã ngã và bị đè cứng, lập tức một một “tay tổ” sẵn sàng cầm cưa để cắt nhung. Nói là “tay tổ” vì tay này rất kinh nghiệm, biết cưa chính xác điểm nào và nhất là cú liếc cuối cùng phải khéo léo làm sao để nhung nai không bị sướt. Sau đó đến màn rửa rượu và hứng huyết nơi vừa cắt. Có những con nai sung cho ta cả một tô rượu huyết đặc. Và tô rượu huyết đậm đặc đó sẽ được pha chế thành nhiều chai rượu để chốc nữa làm cho “cuộc vui” thêm hoành tráng.
Chỉ gián đoạn khoảng mươi lăm phút để sửa soạn, chủ nhân đã có lời mời khẩn khoản mọi người vào tham dự “cuộc vui”. Và cuộc “cuộc vui” là những đĩa mồi thơm phức dùng để đưa cay cho những chai rượu nhung bổ dưỡng vừa pha chế. Cuộc vui càng lúc càng tăng theo tiếng nói cười tở mở của mọi người và đôi khi còn kéo dài suốt cả buổi…
Còn cặp nhung vừa cắt, ngay lập tức được đem cân và giao cho khách hàng. Thông thường,một con nai sẽ cho ta (không kể giai đoạn cắt chìa vôi và vài năm đầu ) mỗi năm ba bốn ký lộc nhung, tuy nhiên có những con nai quý có thể sản xuất lên đến sáu bảy ký một năm. Với giá mười triệu một ký hay nếu trúng mánh còn cao hơn nhiều, nhà nào có hai ba con như thế thì quả thật là ngồi mát ăn bát vàng.
Tuy nhiên, thời vàng son xưa cũ đã lùi vào dĩ vãng mất rồi. Giá lộc nhung càng ngày càng rớt và người ta không hiểu nguyên nhân do đâu?Có người lý giải: ngày xưa khi các Sếp mới ở rừng ra còn suy dinh dưỡng người ốm o gầy mòn nên rất hám những chất bồi dưỡng cao cấp nhưng bây giờ các Sếp đã mập mạp hồng hào nhồi mấy thứ đó vô chỉ tổ dẫn đến tình trạng cao huyết áp hay nhồi máu cơ tim mà thôi, cho nên đám đàn em không còn mua để làm quà biếu Sếp nữa. Có người lại cho rằng do đòn phép của mấy chú Chệt gây phong trào rồi bỏ rơi để lũng đoạn kinh tế Việt Nam chơi .
Nhưng dù với lý do nào đi chăng nữa, thiết nghĩ các nhà có trách nhiệm cũng nên nghiên cứu để “giải tỏa vấn đề” vì đây là nguồn dược liệu quý hiếm. Đừng để lãng phí tài nguyên quốc gia.
NGÀI VẪN THẾ.