Rèn cho trẻ kỹ năng quan sát

Rèn cho trẻ kỹ năng quan sát

TT – Quan sát là phương thức học hỏi quan trọng của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với vốn kinh nghiệm và hiểu biết còn hạn chế, trẻ chưa thể xây dựng phương pháp tự quan sát có hiệu quả, mà cần được người lớn hướng dẫn để có thể chủ động đối mặt với các vấn đề, giải quyết chúng độc lập.

aaa

Chị Hà (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) phàn nàn: “Gia đình tôi thường cho con đi tham quan danh lam thắng cảnh hay các khu vui chơi giải trí. Nhưng thằng bé nhà tôi năm nay hơn mười tuổi mà mỗi lần đi chơi về, hỏi thế nào chỉ trả lời qua loa, đại khái rằng rất thú vị. Cha mẹ có hỏi tiếp mấy chi tiết nhỏ xem con có chú ý không, thằng bé nói không để ý. Rồi sau đó lại quên hết trơn hết trọi”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, trẻ biết chủ động quan sát tỉ mỉ các sự việc chủ yếu được học tập và rèn luyện từ phía gia đình. Như vậy, để trẻ biết quan sát và vận dụng hiệu quả vào cuộc sống thì các bậc cha mẹ cần lưu ý mấy vấn đề sau:
1. Giúp trẻ xác định mục đích quan sát rõ ràng
“Một đứa trẻ biết quan sát sẽ thu thập được các chi tiết cơ bản, cần thiết nhất của sự vật, hiện tượng và ghi nhớ sự tồn tại, trật tự, nhất là các mối liên hệ bề ngoài giữa các chi tiết đó.”
Trong thế giới muôn màu có hàng loạt đối tượng khác nhau. Người biết quan sát sẽ không nhìn vào tất cả những đối tượng đó mà phân nhóm chúng vào những chủ đề theo sự quan tâm (mục đích) của mình, đồng thời biết gạt bỏ những chi tiết, đối tượng không liên quan. Như vậy, nếu vạch ra mục đích quan sát càng rõ ràng, trẻ càng tập trung chú ý; sự quan sát càng tỉ mỉ, tinh tế, hiệu quả quan sát càng cao. Chẳng hạn, như khi cho con đi thăm vườn bách thú, nếu cha mẹ không nói rõ mục đích, yêu cầu của việc quan sát thì dù có đầu tư cả buổi, khi về nhà trẻ cũng chẳng thu hoạch được gì cụ thể, những dấu ấn của buổi tham quan như thế cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Do đó, trước khi đi đến địa điểm cần quan sát, cha mẹ định hướng giúp trẻ xác định rõ mục đích đi tham quan là đạt những điều gì, thậm chí yêu cầu trẻ quan sát tỉ mỉ, chi tiết một con vật cụ thể trẻ thích rồi mô tả lại cho mọi người nghe, như thế trẻ sẽ hứng thú khám phá và thu hoạch những điều bổ ích.
2. Tạo hứng thú, kích thích tính tò mò, thích khám phá của trẻ
Cần kích thích lòng mong muốn hiểu biết, bồi dưỡng hứng thú quan sát cho trẻ, giúp trẻ thấy được ý nghĩa, lợi ích của việc quan sát. Biện pháp kích thích khéo nhất chính là đặt câu hỏi. Việc đặt câu hỏi vừa gợi mở, vừa củng cố lại những kinh nghiệm trẻ từng lĩnh hội, giúp trẻ thấy việc quan sát, tìm hiểu thế giới thật thú vị, có ý nghĩa thiết thực và là cách học tập chủ động, không áp lực.
3. Giúp trẻ huy động vốn sống
Hướng dẫn trẻ vận dụng những kinh nghiệm có được trước đây vào quá trình quan sát. Từ đó, trẻ xác định được mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng mà trẻ đã nhận biết trước đó. Vì vậy, cần tạo cho trẻ biết liên hệ theo sự gần gũi không gian, sự đồng dạng, theo môi trường tồn tại, hoặc theo quan hệ nhân quả. Chẳng hạn, khi trẻ chuẩn bị thăm một khu vườn, cha mẹ hướng dẫn trẻ xem xét, phân nhóm cây theo kích thước cao hay thấp, theo loài như thân leo hay thân cỏ, có điểm khác gì so với cây thân gỗ…
Cùng quan sát với trẻ, cha mẹ khéo léo cung cấp cho trẻ những kiến thức mới về vấn đề trẻ quan tâm, giúp trẻ nâng cao vốn hiểu biết cho bản thân. Mức độ, khả năng quan sát của trẻ còn phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn, vốn hiểu biết của trẻ. Các trẻ có kiến thức nông cạn, thiếu hiểu biết thực tiễn, khả năng quan sát tất nhiên sẽ hạn chế. Cùng quan sát một hiện tượng, có trẻ có thể phát hiện được rất nhiều đặc điểm, tìm ra được nhiều điều mới lạ, nhưng có trẻ chỉ trình bày được mấy chi tiết đơn điệu, nhàm chán khiến trẻ không muốn tiếp tục quan sát.
4. Người lớn sẵn sàng trả lời câu hỏi và khuyến khích trẻ hỏi
Trong quá trình quan sát thế giới xung quanh, trẻ thường có những vướng mắc và đặt ra nhiều câu hỏi rất thú vị. Chẳng hạn như “Tại sao con nhện lại không bị dính vào tơ của nó?” hay “Tại sao tảng băng rất nặng nhưng lại nổi được trên mặt nước?”, “Giọt sương từ đâu đến?”, “Sao lại gọi là sao Bắc Đẩu?”, “Cá có ngủ không?”… Trước những câu hỏi kỳ quặc, thậm chí là hoang đường của trẻ, các bậc cha mẹ nên tìm cách trả lời nhằm thỏa mãn trí tò mò của trẻ. Ngược lại, nếu bậc phụ huynh nào thiếu kiên nhẫn hoặc không trả lời có thể sẽ khiến trẻ mất hứng, làm tổn thương dẫn đến nguội lạnh hứng thú quan sát và suy nghĩ của trẻ với sự việc xung quanh.
5. Cha mẹ khuyến khích trẻ biết kết hợp quan sát với suy ngẫm những vấn đề trẻ quan tâm
Nếu trẻ chỉ thu thập thông tin đơn thuần mà không xử lý thì sẽ rất khó vận dụng trong các tình huống bất ngờ xảy ra sau này, khiến trẻ không nhận ra được ý nghĩa thiết thực của việc quan sát. Vì vậy, cha mẹ cùng với việc bồi dưỡng cho con thói quen biết quan sát còn cần chỉ dẫn trẻ biết cách tích cực suy nghĩ những vấn đề trẻ nhìn thấy.
Cha mẹ có thể thường xuyên kiểm tra năng lực quan sát của trẻ. Nếu có sự tiến bộ, cha mẹ nên khen ngợi, động viên kịp thời khi trẻ đạt được những kết quả như mong muốn. Khi trẻ có biểu hiện còn đơn giản trong quan sát các vấn đề xung quanh, cha mẹ cần khéo léo định hướng. Chỉ có như thế, năng lực quan sát của trẻ mới ngày càng tinh tế, nhạy bén.
ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
 aaa
 

Check Also

Tiền bạc có thể mua cả triệu thứ, nhưng tiền bạc không mua nổi một thứ!!!!

Xin hãy ghi nhớ, bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày Trên …

Hai mảnh đời – Hai thái độ sống!!!

Cơn gió chiều mùa Thu Sài Gòn nhảy nhót trên những ngọn cây cao vun …