TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ
Đúng 9 tháng trước lễ Sinh nhật là lễ Truyền tin cho Đức Mẹ (25-3/25-12).
Truyền tin là biến cố hết sức quan trọng. Nếu không có biến cố Truyền tin, thì cũng sẽ không có biến cố Sinh nhật, Phục sinh.
Hội Thánh mừng biến cố truyền tin bằng thánh lễ trọng thể, với phụng vụ phong phú. Nhiều lời cầu nguyện. Nhiều đoạn Thánh Kinh. Nhiều bài giảng dạy. Nhiều cuộc tĩnh tâm, hội thảo và thánh ca.
Những người con bé nhỏ của Đức Mẹ sẽ không bỏ qua lễ trọng này. Họ mừng lễ với tất cả tấm lòng bé nhỏ. Chia sẻ tấm lòng bé nhỏ của mình về Mẹ của mình cũng là một cách mừng lễ. Dưới đây là một thứ chia sẻ.
Trong biến cố truyền tin, Đức Mẹ bỗng chốc trở nên khác thường.
1/ Mẹ là một tình yêu dâng hiến
Đức Tổng lãnh thiên thần Gabriel chào kính Đức Mẹ bằng một lời hết sức mới lạ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28).
Thế nào là đầy ân sủng? Và thế nào là Thiên Chúa ở cùng bà? Thiết tưởng sẽ không sai, nếu có ai hiểu đầy ân sủng là đầy tình yêu của Chúa. Nhất là khi lại thêm: Thiên Chúa ở cùng bà, mà “Thiên Chúa chính là tình yêu” (1 Ga 4, 8).
Tin vui đầu tiên, mà Đức Mẹ nhận được từ Đức Tổng Lãnh thiên thần là: Đức Mẹ được Chúa chia sẻ chính sự sống của Người là tình yêu của Người cho Đức Mẹ.
Tin đó không phải là lời chào chúc, mà chính là một chứng thực. Thực Thiên Chúa tình yêu đang ở trong Đức Mẹ. Thực Đức Mẹ đang được đón nhận một nguồn tình yêu lạ từ Thiên Chúa.
Đức Mẹ không những tin, mà còn cảm được mình đã thuộc về Chúa. Tình yêu Chúa bao phủ Mẹ. Tình yêu Chúa biến đổi Mẹ. Mẹ trở nên một tình yêu từ Thiên Chúa tình yêu.
Tin ấy được cảm nhận như một cái nhìn mới, đem lại hạnh phúc ngập tràn. Bên cạnh hạnh phúc sâu xa, cái nhìn mới ấy cũng cho Đức Mẹ hiểu những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa.
Những gì mà thánh Phaolô sau này mô tả trong “Bài ca đức mến” chắc cũng đã được Chúa cho Đức Mẹ thấy một cách nào đó, ngay lúc Mẹ được trở nên một tình yêu tuyệt vời của Chúa.
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu… hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4-7).
Đặc biệt, những dâng hiến đến cùng, mà sau này Chúa Giêsu sẽ thực hiện, chắc cũng được Chúa cho Đức Mẹ thấy trước.
Như vậy, tình yêu nơi Đức Mẹ trong biến cố truyền tin là một tình yêu dâng hiến. Dâng hiến như Chúa Giêsu dâng hiến. Vì mến Chúa Cha và vì thương nhân loại.
Nhận thức đó không làm cho Đức Mẹ tự hào chút nào. Trái lại, nó đã làm cho Đức Mẹ nên khiêm nhường tự hạ.
2/ Đức Mẹ là một tình yêu khiêm hạ
Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được diễn tả vắn tắt bằng câu trả lời: “Xin vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38).
Lời “xin vâng” lúc đó của Đức Mẹ mở đường cho cả một cuộc đời đầy những từ bỏ. Một phần nào đó, Đức Mẹ biết trước những đau đớn về các từ bỏ của Chúa Giêsu trên đường cứu độ.
Thánh Phaolô viết về Chúa Cứu Thế: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn từ bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8).
Tinh thần khiêm hạ đã luôn đi kèm tình yêu dâng hiến. Nơi Chúa Giêsu là thế. Nơi Đức Mẹ cũng vậy.
Sự khiêm nhường tự hạ làm đẹp cho việc dâng hiến. Hơn thế nữa, nó còn có giá trị cứu chuộc các linh hồn.
Dâng hiến mà không khiêm nhường tự hạ có thể được người đời cho là việc anh hùng, nhưng không có thể được Chúa cho là việc đạo đức có giá trị cứu rỗi.
Nhìn ngắm tình yêu dâng hiến đầy khiêm nhường tự hạ nơi Đức Mẹ, những người con bé nhỏ của Đức Mẹ sẽ rất hân hoan vì những bé nhỏ thấp hèn của mình.
3/ Một tình yêu phục vụ