CÔNG TRÌNH LÁNG NHỰA ĐƯỜNG C THÔN 2 VÀ 3 – Phần II
tienducchauson
14/03/2014
Thời Sự Châu Sơn
128 Views
CÔNG TRÌNH LÁNG NHỰA
ĐƯỜNG C THÔN 2 VÀ 3
Phần II
Sau khi điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với thực địa con đường C…và lập lại kế toán thu ngân cho các hộ hai bên đường…
Sáng thứ sáu, ngày 22/11/2013, bên nhà thầu đã bày bàn thờ cúng rênh rang với hương khói và lễ vật hoa quả, để khấn xin cho công trình đường C được thi công và hoàn thành một cách xuôi chèo mát mái tốt đẹp. Có điều lạ là, làm đường C cho dân đi nhà thờ, mà bên Chùa (Phật) lại cúng vái hương khói, phải chi lấy tiền cúng đó, xin một thánh lễ bình an thì hiệp nhất được giữa bên đạo và bên Phật làm một thì hay biết mấy. Làm như thế thì khi hoàn thành được, bên nào hưởng đây? Mà khi bị rủi ro, ai gánh chịu? Thôi thì hai bên Chùa và Nhà thờ cùng chia sẻ vậy.
Con đường C có độ dài khoảng 1 cây số (983.80 mét), thẳng tặp từ dưới lên đầu làng, tài xế xe ủi có thể vừa lái xe vừa ngủ gật cũng chẳng sai lệch. Nói thế thôi, chứ tài xế mà ngủ quên, có mà lật nhào xuống mương!!?
Cúng quẩy là thế ,nhưng cũng phải đến mấy ngày sau mới ra quân đồng bộ. Hai xe ủi là lượt lên xuống, san lấp, ủi những gò cao để lấy lại mặt bằng chung. Đường ngang phía trên nhà thờ (tuyến đường bà Kỳ và ông Nam) được chiếm lĩnh làm khu trung tâm vật liệu công trình gồm : đổ cát đá, xi măng, sắt thép…Và một bộ phận khác không kém phần quan trọng cũng khẩn trương thi công: đúc các tấm bê tông để bắc qua mương rãnh các đường ngang.
Phải nói 2013 là năm Châu Sơn được mùa đường. Có người lấy làm lạ hỏi: Tại sao Châu Sơn không làm mía mật mà lại được mùa đường ? Thưa là đường sá đấy ạ, vì trong một năm mà Châu Sơn có đến 4 con đường được tiến hành thi công: Đường vành đai, Đường liên thôn (trục lộ từ tượng đài Thánh GB chạy tới tiếp tuyến Tỉnh lộ 5 qua thôn 6), Đường C thôn 2 và 3, Đường Giải phóng (con đường này ngày xưa tên gọi là đường vành đai cắt ngang đường tỉnh lộ 5 ở đầu làng trước tượng đài Đức Mẹ).
Nhưng qua thi công, xét thấy con đường C có tiêu chuẩn chất lượng khá cao, gần giống với đường vành đai, chỉ thua là bên láng nhựa và bên đổ nhựa bê tông nóng mà thôi. Thua cũng là phải, vì đường vành đai thuộc kinh phí cấp quốc gia. Nếu so sánh các con đường đã và đang thi công, thì con đường C hơn hẳn, kể cả con đường Giải phóng cấp TP, và nếu đường C có thua đường Giải phóng là hẹp hơn 1 mét (5mét láng nhựa ĐGP và 4 mét láng nhựa Đường C).
Sau khi xe ủi là lượt xong, tiếp đến hai hạng mục cùng thi công đồng bộ : Đổ lề bê tông và đào mương máng ở các ngã tư. Bê tông lề có kích thước cao 30 cm và chiều rộng là 20 cm. Các mương rãnh ban đầu thiết kế 12 mét, bây giờ đi vào thực tế chỉ còn 6 mét.
Thời gian thi công hai hạng mục công trình này khá lâu, có đến gần 2 tháng. Và sau đó, xe chở vật liệu liên tục đổ đá loại 1 – 2 vào lòng hai bờ lề đường C. Lúc này, việc lưu thông trên con đường C khá khó khăn, vì các đống đá được rải dày kín mặt đường; lối rẻ vào nhà cũng bị các bờ lề bê tông đổ cao gây cản trở, đành phải đắp mô từ trong ra đường và từ ngoài vào. Xe ủi lại được huy động để gạt những đống đá trải dài ra, để rồi chú rùa (xe lu) gà gật chậm chạp lên xuống cán đá cho nén xuống.
Vào đến dịp tết thì con đường C đã được hình thành với bờ lề bê tông thẳng tặp từ đầu làng cho đến cuối, các tấm đan bê tông cũng đã được ráp bắc ngang qua các mương máng ngã tư, tạo thành mặt diện của một con đường mới khác lạ, và xe đi lại cũng có phần êm ái hơn. Chỉ có điều là, lưu thông từ các đường ngang qua đường C vẫn còn bị cấm vận, vì chưa giải tỏa được các ống cống cũ đào lên còn để ngỗn ngang, gây ắc tắc đi lại.
Thấy tiến độ thi công mau chóng như thế, ai cũng nghĩ, ra tết độ vài tuần là có thể trải thảm nhựa. Nhưng đến khi đổ đá lượt hai cho đầy lòng đường phủ tràn bờ lề bê tông, rồi xe lu cứ miệt mài lu đi lu lại cho gồ lưng rùa, mới thấy thi công phần nền, quả là không đơn giản một chút nào.
Có một điều là, bộ phận vận động công trình của xã và thôn đã được lập ra, nhưng chẳng mấy khi thấy lai vãng trên đường. Hay là chỉ lập ra cho có ban bệ. Nhưng cũng có người bảo, đã có ban giám sát chuyên môn rồi, chứ thực ra dân mình có biết chi đâu mà giám sát với vận động, thì cũng như người mù xem voi. Thôi thì phó mặc cho ban giám sát, vì họ có trình độ chuyên môn và có máy móc thực nghiệm, do nhà nước thuê giám sát hẳn hoi rồi.
Không biết ban giám sát thế nào, nhưng cứ thấy xe ủi cày xới lên, rồi cán lại, giống như con nít chơi đồ vậy. Có nhưng khúc đường xới lên, xe lu cán lại đến 3 lần, khiến cho người dân sốt ruột : nhà thầu mà làm rênh ranh tốn công như thế, còn ăn chi hả trời ?!! Khi được hỏi, tại sao các anh không có một quy trình đổ đá, cán ủi và lu một cách đồng bộ, để cứ phải làm đi làm lại như thế, có phải lãng phí công cán không? Nhân viên giám sát trả lời : việc thi công này không thể có quy trình hẳn hoi được, phải lu xong, kiểm tra lại độ nén mới biết được đạt hay không.
Có khi nước tưới nhiều quá, nhão mặt đường, phải cày xới lên phơi khô, rồi lu nén lại, cũng có khi các khối đá khô quá, không có độ kết dính, cũng phải xới lên tưới nước, rồi san lấp lại, mới lu nén được.
Và không phải mẻ đá nào cũng có độ kết dính giống nhau, nên phải thi công thực tế, rồi sau đó mới giám định được kết quả : đạt hay không đạt. Kể ra, làm cái anh nhà thầu thi công thời này cũng lắm nhiêu khê, chứ không thể làm ẩu tả, vì đã có máy móc: cân, đong, đo, đếm với các thông số cho phép quá rõ ràng, chứ không phải làm bầm bù như ngày xưa, chỉ nghiệm thu phiên phiến, cho xong việc.
Khi chúng tôi lên bài này, chiếc xe lu và chiếc xe nện rung chuyển cả nhà, mái tôn kêu lập cập tưởng như động đất, nhà sắp sập đến nơi. Dường như phần thi công mương rãnh, lề đường và đất đá đã được lu nén một cách ổn thỏa. Trong những ngày này (10 – 14/03) chỉ thấy xe lu rà đi rà lại một vài nơi nữa thôi. Có lẽ, chỉ còn chờ trải thảm nhựa nữa là hoàn thành con đường C.
Phần người dân chúng tôi cảm thấy, chưa có một công trình nào được thi công kỹ lưỡng và công phu như thế. Phải chăng vì lúc trước nhiều công trình thi công dối trá, mà bây giờ ban giám sát phải kiểm tra kỹ lưỡng như thế !!??
Khi được hỏi: Tại sao con đường này lại có tiểu chuẩn lượng cao hơn con đường giải phóng, là huyết mạch của TP? Giám sát thi công chỉ trả lời: Do kinh phí đầu tư của từng con đường, cho phép nhà thiết kế định ra tiêu chuẩn chất lượng, ngay cả con đường A và đường E sắp được thi công, sau khi con đường C hoàn thành, thì tiêu chuẩn chất lượng cũng không thể bằng con đường C này được. Cùng một tuyến đường dọc vào thôn 2 mà mỗi con đường lại có những chất lượng khác nhau ??!! Đúng là việc nhà nước làm, có trời mới biết được.
Châu Sơn choa