Tâm tình người viễn xứ về quê ăn tết
…Tôi về Ban mê thăm gia đình, thăm Mẹ già và với mong ước được hưởng chút không khí mát lạnh của mùa đông Tây nguyên: trời như đang vào cuối mùa đông, đã qua lâu rồi quãng thời gian nhộn nhịp thu hoạch cà phê, các nẻo đường cũng đã vơi đi sắc vàng của loài hoa dại. Những đám hoa dã quỳ hai ven đường đã qua một mùa sung mãn, gieo rắc khắp nơi sắc mặt trời ấm áp, đang dần thu mình lại và bung nốt những nụ xanh cuối cùng.
Những chuyến xe chạy qua tung mù bụi đỏ, cỏ lá ven đường ngập trong màu nâu thẫm, những đợt gió khan lạnh, hoang dại từ phía đông thổi về từng đợt rào rạt như xé toang bức tường thành màu xanh của cánh rừng cao su rộng lớn biến tất cả thành bức ảo với tông màu nhợt nhạt: những thân cây gầy trơ xương nhánh, vừa qua đợt cạo mủ, phô bày những vết thương đồng dạng, nhìn chằm chằm vào thẳm xanh u tịch xao xác. Tất cả như nhắc nhở tôi : Tết quê nhà đang đến gần, hương vị ngày xuân đang phảng phất đâu đó… và như mọi năm, tôi không thể và không có lý do để phải xa rời quê nhà những ngày đầu xuân sum họp.
Đất khách, quê người dưng, dù có muôn điều vui thú lạ lẫm để cuốn hút mời gọi, nhưng vẫn không che khuất được cái tiết trời oi ả hầm hực, khắc nghiệt. Cái nóng ngoài thân không phải là cái nóng đủ khả năng đọa đày con người mà phải là cái oi bức tận tim óc, len cả vào tâm hồn, cả trên những tâm sự đơn côi đang cố mà mang đi đốt cháy trong cái ồn ào khói bụi của thành phố nơi phồn hoa đô thị tôi đang sống.
Dẫu biết trước mắt mọi người là những phố phường phồn hoa, tráng lệ, muôn màu muôn sắc lạ. Người ta lại sợ mình ngã lòng mà say mê vật chất mới lạ đó rồi quên đi những thứ mộc mạc, giản dị của quê hương.
“Sài Gòn”, hai tiếng giờ đã chẳng còn xa lạ và bỡ ngỡ với tôi như ngày nào, nhưng giờ đây khi tôi chuẩn bị bước vào ngã rẽ của cuộc đời với cái tuổi xế chiều, tôi lại cảm thấy sao mình vẫn còn lạ lẫm với nơi xứ quê người này. Lạ lắm con đường tôi vẫn hằng đi mỗi chiều thứ bảy hay chủ nhật, lạ lắm những ngôi Thánh Đường mà tôi đã có dịp tham dự Thánh Lễ. Phải chăng cứ mỗi khi bước đi trên một chặng đường mới của cuộc đời tôi lại phải bắt đầu lại những bước đi tập tễnh đó sao? Không, tôi không muốn như thế, tôi muốn tìm cho mình cảm giác an toàn và thân quen, dù chỉ là một lời động viên từ quê nhà.
Chẳng tìm đâu ra những người thân yêu nơi đó, vì nơi đó chỉ là những nguồn vui chợt thoáng qua, và dường như tôi chỉ bắt gặp những con người lặng câm đứng đó: người chơi vơi, trơ trọi, lẻ loi, như toàn thân uể oải và choáng ngợp giữa đời kẻ tha hương lẻ loi; người đi tìm cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhưng chưa gặp được hạnh phúc vì hạnh phúc dễ tìm đâu khi chung quanh là những người xa lạ; người ngày đêm mơ về những phút đi hoang thời thơ ấu thủa học trò trường làng Tiến Đức, từng lang thang trên những con đường xóm nhỏ ở quê nhà. Tết quê mình sao đẹp thế, giữa những cành mai và hoa cúc vàng nơi mảnh đất quê hương nở đầy với hương sắc tràn vào từng nhịp rung cảm của tâm hồn kẻ tha phương.
Tiếng nhạc du dương lạ tai ở quê người dù xôm tụ đến mấy cũng không thể trổi mạnh hơn khúc nhạc quê hương đang nhen nhóm lại lửa cho ấm lòng mỗi khi xuân đang đến gần.
Từ những câu hát mang âm điệu trầm buồn và da diết, Xuân trên quê người như gieo vào lòng tôi một nỗi nhớ miên man, có lẽ là do tôi đang sống tâm trạng của những người xa quê, thấy xót xa khi nghĩ đến những cảnh Tết rộn rịp người qua trong cái tâm trạng và nỗi buồn xa xứ. Rồi họ ngồi ở phương trời đó mà nhớ về quê hương. Quê hương với vòng tay ấm áp yêu thương vẫn dang rộng đôi tay chào đón người năm cũ, những khúc hát ân tình trầm lắng như thầm nhắc những con tim buồn đừng mất đi niềm hi vọng ở quê hương!
Từ những con phố dài, dân cư đông đúc, người chen chúc nhau như kiến tìm mua những món hàng thượng vàng hạ cám, từ xa xỉ đến bình dân, hầu như thứ gì cũng có, nhưng nghĩ lại rõ ràng vẫn thiếu: thiếu cánh mai vàng, thiếu những ngọn lửa bập bùng trong gió đông và những đêm thức gần trắng bên nồi bánh tét, thiếu sự háo hức đêm 30 đón chờ Giao Thừa, thiếu bánh chưng thơm mùi lá chuối xanh bọc bên ngoài, thiếu món dưa hành chua chua ăn vào không thấy ngán, thiếu cả mùi vị nồng nồng từ món dưa chua, thiếu hình ảnh hội tụ con cháu với những đứa bé trong bộ quần áo mới rực rỡ, theo sau cha mẹ đi mừng tuổi ông bà những ngày mồng Tết, thiếu cả những bầu khí linh thiêng và những tâm tình tạ ơn trong thánh lễ những ngày đầu năm cầu bình an cho năm mới, chút ngâm ngùi vì vắng mặt những người thân đã khuất trong ngày lễ kính nhớ tổ tiên, tri ân và xin ơn trời cho mưa thuận gió hòa, gia đình thịnh đạt an vui, thánh hóa công ăn việc làm…., thiếu lắm, thật nhiều, cho dù không còn nữa, pháo đỏ nổ rang rảng, giòn tan như ngày xưa.
Không ít những gia đình ở quê nhà vắng con hoặc người thân trong những ngày đầu năm: những liên lạc qua điện thoại dường như chưa đủ với họ cho dù những phương tiện truyền thông hiện đại, những trang Web… đã giúp rút ngắn khoảng cách địa lý, được tâm sự với con cháu cách xa vạn dặm, được nhìn thấy từng khuôn mặt, nụ cười, dòng nhắn nhủ dù ngắn gọn nhưng còn quá đỗi xúc động, bởi lẽ chỉ phút chốc ngắn ngủi sau đó thôi, người thân của mình không còn hiện diện bên cạnh nữa….
Hôm vừa rồi gặp lại một em cựu sinh viên Châu Sơn đang làm việc cho một công ty đa quốc gia tại Sai gon, em cho biết vừa về Châu Sơn dự một đám cưới người thân, bản thân em cũng ngạc nhiên và ngán ngẩm cho tình trạng bia rượu và ăn uống của người Châu Sơn hôm nay: khoảng 60 bàn khách mời, cộng với trên dưới 40 bàn người nhà và người giúp, bữa tiệc đã tiêu hết 230 thùng bia, nếu chia đều ra, mỗi bàn 10 người cũng đã uống hết 2,3 thùng, và dĩ nhiên không phải tất cả khách mời đều uống bia. Cứ lấy con số nhân với giá bán, sẽ có được số tiền mà gia chủ phải bỏ ra để mời khách.
Về Châu Sơn lần này, gặp vài người bạn, còn được biết trong mỗi bữa “nhậu”, mỗi người uống hết 8 – 10 chai là chuyện bình thường. Dường như việc tụ tập như thế đang trở thành một trào lưu. Có lẽ vấn đề hông chỉ ở chỗ chi nhiều hoặc chi ít tiền cho khoản bia, mà là tửu lượng đã rất đáng ngại, rồi “tần số” cứ tăng dần, tụ họp nhậu nhẹt bất kể vì lý do gì, lan tới mọi góc xóm: một trận đá bóng dù thắng hay thua cũng kéo theo một bữa nhậu với vài chục két bia. Không đâu xa: đợt lễ Giáng Sinh vừa qua, các xóm họ ua nhau làm hang đá, khởi sự làm hang đá cũng tự động kéo theo một bữa nhậu với hàng chục két bia và 4 -5 tiếng đồng hồ tán đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Một con số có lẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người, bởi đó là những con số khó có thể tìm đâu ra bất cứ nơi đâu, dù là ở Saigon, Việt Nam, hoặc nước ngoài.
Những bữa “nhậu” như thế chắc chắn sẽ làm vơi đi những đồng tiền còm cõi góp nhặt từ bao công sức mồ hôi của mỗi gia đình để trang trải cho bữa ăn hàng ngày, làm eo hẹp thêm khoản tiền học phí cho con cái, khiến nếp nhăn trên vầng trán và khóe mắt của những người mẹ, người vợ thêm sâu và làn tóc đã chuyển màu theo thời gian và năm tháng lại thêm nhanh ….
Với cung cách và thói quen sinh hoạt không được đánh giá cao, thậm chí là phản cảm, đang rất phổ biến ở xứ nhà hiện nay, không biết rồi sẽ đi tới đâu, lớp con cháu sẽ nghĩ như thế nào? Hoặc sẽ nhanh chóng thích nghi và học đòi theo cha mẹ, lớp đàn anh và cứ thế mà tiếp tục. Không có tiền ư? vay mượn nóng và cha mẹ sẽ giải quyết? lấy cắp café mùa thu hoạch? ăn cắp vặt? Và như thế, những lời kêu gọi sẽ chia cho người nghèo trong giáo xứ những dịp lễ, Tết, liệu có còn có đầy đủ ý nghĩa của nó nữa hay không?
Sai gon Xuân Quý Tỵ 2013 – Trần Văn Hiền
Đó là một thực tế buồn của nhiều người Châu Sơn. Đọc những con số thấy phát khiếp. Càng thương thêm cho những cuộc đời bất hạnh ở bên cạnh những con người dửng dưng.