My kéo xe hàng đến quầy tính tiền, ngang qua hàng hoa đang khoe sắc. Mắt cô chợt dừng lại chỗ những đóa loa kèn đỏ đang hé nụ. Khoảng ít hôm nữa chúng sẽ nở những bông hoa to, màu nhung đỏ thẫm rực rỡ. Cô dừng lại chọn vài củ hoa bỏ vào giỏ. Mỗi khi nhìn thấy loài hoa này cô lại nhớ về ông ngoại và những mùa tết ở Việt Nam. Ông thường cẩn thận đếm ngày, đào củ hoa và vùi nó vào những chiếc bình sứ tròn đẹp đẽ. Đến tết trên bàn tủ trà của ông ngoại, hoa này sẽ nở đỏ thắm, đẹp vô cùng bên cạnh mai, đào, lan, lay ơn đỏ và cúc vàng.
Hằng năm bên này tết đến là lúc thời tiết trở lạnh nhất, đất trời bước vào giữa mùa đông giá rét. Ban đêm sương giăng dày đặc che phủ cả lối đi. Mỗi sáng thức giấc sương trắng đã đông thành băng giá trên cành cây và trên những thảm cỏ úa màu. Trên lối đi những viên đá đóng băng vỡ vụn lộp cộp dưới đế giày. Bầu trời hiếm khi có nắng, chỉ một màu xám xịt. Cây cối không còn một chiếc lá, gầy trơ xương lạnh lẽo. Chỉ còn những hàng thông là vẫn còn màu xanh bất chấp tuyết sương. Trong cái giá rét đó, My sẽ ra sau vườn chọn một cành mận, hay ra trước ngõ chọn chặt một cành đào có dáng đẹp đẽ. Thoáng nhìn qua, những cành này gầy trụi lá như những bó củi khô, nhưng nhìn kỹ chúng chi chít những búp mầm đang ủ đông, chờ mùa xuân nắng ấm sẽ bung nở. My cẩn thận bỏ chúng vào một cái bình gốm cao đẹp đẽ. Treo lên đó những món đồ nhỏ xinh màu đỏ, vàng.
Các chú trong làng có kinh nghiệm chăm hoa chỉ cho cô bí quyết đổ nước hơi ấm vào, thay nước mỗi ngày để hoa mau nở. Ít ngày sau, từ cành đào mận gầy đó, những bông hoa đào màu hồng xinh xinh bắt đầu hé nở. Chúng vừa trông như mưa hoa lất phất vừa trông như những vì sao lấp lánh ban đêm. Đào đã có, My cũng muốn tìm mai cho đủ bộ. My ra vườn chặt một bó cây Hoa Đầu Xuân tên là Forsythia ở cuối góc vườn. Loài hoa này thường mọc thành những bụi cao lớn. Chúng cùng với hải đường thường nở sớm nhất khi thời tiết bắt đầu ấm lên nên được xem là những loài hoa báo hiệu mùa xuân. So với mai ở nhà, hoa Đầu Xuân, thường được gọi là mai Mỹ, trông rực rỡ chẳng thua, thậm chí còn nhiều hoa hơn. Chúng nhỏ bông hơn nhưng nở chi chít từ gốc đến ngọn, một màu vàng nắng vô cùng rực rỡ. Tuy vậy nó cũng không thể mang đến cho người ngắm cùng cảm xúc như ngắm những cánh mai vàng ở Việt Nam được.
Mai đào đã có đủ, My ra chợ mua về những chậu cúc vàng, bó lay ơn đỏ nữa là đủ không khí hoa Tết. Sau khi cẩn thận lo phần hoa đón xuân. My sẽ bắt đầu đi chợ, chọn loại nếp hạt dẻo nhất, đậu xanh, thịt heo, hành đỏ về để nhờ mẹ gói bánh. Hàng năm tết đến, mẹ của My vẫn giữ thói quen gói bánh tét, bánh chưng và chia cho con cái, ăn không hết thì bỏ tủ đá ăn dần trong năm. Mỗi lần ăn đem hấp chín lại vẫn xanh thơm mùi bánh, rất ngon. Con, cháu rất thích xem bà gói bánh và nghe nhạc xuân Việt Nam. Vừa gói bánh vừa kể chuyện ngày xưa lúc đón Tết ở Việt Nam, lúc còn ông, còn bà, còn cha. Bánh được gói xong sẽ được cẩn thận chất dọc đứng vào nồi và đem nấu trên bếp gas ở gian bếp phụ ở ngoài trời.
Trời mùa đông có khi tuyết rơi trắng xóa ngoài vườn, nhìn nồi bánh chưng sôi ục nước trên bếp lửa, mùi lá chuối thơm “Nghe xôn xao như chiều ba mươi tết, bên hiên nhà mẹ nấu bánh chưng xanh”. Ngoài bánh chưng, bánh tét, mẹ sẽ cẩn thận làm những món truyền thống khác như giả cầy, thịt ngâm chua ngọt để quấn bánh tráng ngày tết, dưa món, củ kiệu và một số đồ tráng miệng. Các người mẹ của Châu Sơn thường rất khéo lo liệu và giỏi giang bếp núc nên tết đến thì dù xa quê vẫn đầy đủ hương tết quê nhà.
Song song với việc chuẩn bị tết trong nhà thì ông bà, các con ai có giờ buổi tối hoặc cuối tuần sẽ tham gia hoạt động gói bánh chưng, bán bánh ở nhà thờ. Tiền thu được sẽ đem vào hoạt động xây dựng nhà Chúa. Một số khác sẽ tham gia hoạt động chuẩn bị Tết ở nhà thờ. Mỗi người mỗi việc, từ ẩm thực cho đến văn nghệ cây nhà lá vườn. Chủ yếu là có hoạt động xum họp ngày tết và để cho thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống năm mới của người Việt. Tết bên này không được coi là ngày lễ của đất nước cho nên mọi người vẫn phải đi làm, đi học, đi thi.
Mặc dù vậy, mọi người Việt Nam và dân nhiều nước Châu Á vẫn tổ chức những lễ hội để đón tết vào dịp cuối tuần xung quanh tháng tết để tiếp nối truyền thống ngàn năm. Người Châu Sơn hải ngoại vẫn duy trì những phong tục mừng tết như xưa nhưng đơn giản gọn nhẹ hơn. Thường thì họ sẽ họp đại gia tộc hàng năm vào một ngày trong dịp tết, và luân phiên nhau đại diện tổ chức. Mặc dù sống chung trong một thành phố hoặc ở thành phố lân cận nhưng cả năm họ hàng nhiều khi cũng không gặp được nhau.
Đời sống vội vã cứ cuốn người người theo công việc, con cái, cơm áo gạo tiền qua ngày qua tháng, muốn gặp nhau nhiều khi phải hẹn trước rất lâu. Nên Tết là dịp để anh em, họ hàng đến gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Quan trọng nhất là để con cháu sinh bên này tiếp nối truyền thống gia đình. Người đại diện tổ chức năm đó sẽ lo những món ăn chính và chương trình vui xuân gặp gỡ cho bữa họp mặt Tết. Những gia đình đến dự cũng sẽ thêm theo vài món ăn để góp thêm hương vị ngày xuân, và mang theo quà mừng tuổi cho các bậc cha mẹ, cô chú, bác.
Những ai đã lập gia đình cũng sẽ chuẩn bị bao lì xì đỏ cho các trẻ em. Tiền lì xì bên này không đặt nặng vì chỉ là tiền may mắn cho vui, đồng $2 mới hay $5 đã là đẹp và vui rồi. Các cháu sẽ xếp hàng chúc mừng năm mới và nhận lì xì. Giữa không khí rộn ràng đón Tết xa quê, những người con đã mất mẹ hay mất cha như My sẽ có thêm một nỗi buồn thiếu vắng trong lòng.
Hằng năm, My lấy hoa mai giả gắn trên một cành mận rồi ra mộ thăm người. Có năm tuyết phủ kín che mộ người, nhìn rất đỗi cô đơn. Khi sống người thường rất coi trọng Tết. My đặt cành mai vàng lên mộ người, nói lời cầu nguyện rồi lái xe về. Cô trở về nhà, cho con trai mặc bộ đồ giữ ấm bên trong rồi mặc cho cậu thêm bộ áo dài trẻ con bên ngoài và nói “nào con trai, ta đi qua nhà bà ăn Tết thôi”.
Lê Thị Thanh Hương – Washington state