Bỏ lại sau lưng một mùa thu hoạch cà phê thất bát, vất vả với phơi phong, xay xát, và chưa kịp cho cà phê vào kho lậm, thì mùa tưới tắm cà phê, tiêu… lại bắt đầu vào mùa khô… Và cho dù có bận rộn bù đầu đến mấy, thì nhà nhà, người người đều nô nức để đón một mùa Giáng sinh đang từng ngày kề cạnh.
Đúng như lời bài hát: “trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa đấng cứu chuộc…” của tinh thần mùa vọng. Mặc cho bầu không khí se lạnh của những ngày đông, mặc cho những cơn gió lạnh hắt hiu buồn, cũng không làm nguội đi cái ngóng đợi một mùa giáng sinh đến trong tâm hồn mỗi người.
Mỗi năm, cứ độ Chúa Nhật tuần 3 mùa vọng, cha chủ tế mặc áo lễ màu hồng, với chủ đề: “Anh em hãy vui lên trong Chúa Trời…”, thì người người nhà nhà đều hồ hởi phấn khởi, soăn xái bắt tay vào làm hang đá. Thế là khắp xóm làng nổi lên những hang đá…
Khác với những hang đá truyền thống ngày xưa (1956 – 1990), phải bỏ công ra sức ra rất nhiều để chuẩn bị cho hang đá: chặt le (tre), chẻ lạt cho sẵn, kiếm bao giấy xi măng để làm thành từng tảng đá ghép lại, kiếm pin để hoà màu đen cho màu đá, kiếm vôi để làm viền đá, tô màu tuyết trắng, kiếm lá dừa, lá cọ, tranh lợp… Để làm nên một hang đá như ngày xưa, việc trang trí cũng thật công phu.
Ngày nay, việc làm hang đá đơn giản hơn, với những vật dụng có sẵn như tăng, bạt, lưới (phơi và hái cà phê). Để làm khung hang đá thì tận dụng thang sắt hái tiêu 4, 5 mét dựng lên. Rồi những đồ trang trí trưng bày điện: bóng đèn đủ màu sắc, đủ kích cỡ, những giây kim tuyến, bông tuyết, những giải lụa, những bức hình cảnh quan Noel, Ba vua cưỡi lạc đà, những bức tranh làng mạc phủ tuyết rơi…. Tất cả đều có bán sẵn đủ chủng loại, chỉ cần có tiền là xong ngay.
Hang đá xưa và nay, về chất liệu có khác nhau, tuy nhiên về mặt thể hiện thiết kế kiểu cách thì không khác nhau là mấy: Cũng lều tranh, cũng hang đá, cũng cỏ rơm… Có chăng, bây giờ hang đá lung ảo về đêm hơn ngày xưa, nhờ sự đa dạng phong phú của ánh đèn điện làm hang đá rực rỡ, lung linh kỳ ảo và hấp dẫn hơn. Đổi lại hang đá ngày xưa, trông ban ngày, cổ kính, hang đá trông thật hơn.
Trước đây hang đá mang tính gia đình, mỗi gia đình làm một hang đá nhỏ cho riêng nhà mình, điều đó tạo nên một sự đa dạng, phong phú, nhưng hang đá chỉ thiết kế nhỏ gọn trong một góc riêng.
Bây giờ hang đá gia đình ít đi, để nhường cho những hang đá lớn hơn, công phu hơn của các Toán Tráng Niên, đặt ở cạnh đường, phô diễn cho người qua lại một mỹ quan: cảnh đẹp thăm thú vui mắt; hòa theo tiếng nhạc Giáng sinh thánh thót ngân vang các bài thánh ca: Đêm Đông, Jingle bells, Cao cung lên… làm rộn ràng vang vọng từ mọi góc đường xóm làng, tạo nên hiệu ứng mùa Giáng sinh riêng biệt, độc đáo, không thể lẫn với mùa nào được. Ngay cả những người khác tôn giáo cũng rất hồ hởi để đổ xô đi tham quan hang đá các xứ đạo hàng đêm.
Hang đá ngày nay, làm thành một bức tranh hoạt cảnh với cây rơm, cối đá xay, dòng khe suối nước chảy róc rách, có con cò đi ăn đêm, có cả chim kêu vươn hót… Nhìn chung hang đá ngày nay trông rất hoành tráng, cầu kỳ và lung linh với những trang trí ánh đèn điện đủ sắc màu làm cho hang đá thêm huyền ảo…
Hang đá là biểu tượng cho cái nôi giáng sinh của mỗi tâm hồn. Chúng ta trang hoàng làm đẹp cho hang đá ngoại diện đã đành… Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên, sửa sang, chăm chút lại cho hang đá nội tâm của mình được thanh cao, thánh thiện hơn, để xứng đáng rước Chúa ngự trong mỗi tâm hồn chúng ta vào mỗi dịp Giáng sinh. Ban Thời Sự TĐCS