Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, thú thật mình không biết viết gì về Hường đây? Bởi bản tính của Hường vốn kín đáo và quá kiệm lời, để không mấy khi tâm tình chuyện trò, ngay cả với các bạn nữ. Cuộc sống của Hường sống lặng lẽ và khép kín cho riêng mình như một ốc đảo… Dường như Hường chỉ âm thầm sống với cõi riêng lòng mình!?
Những lần họp bạn, Hường thường hay thoái thác lý do: bận rộn công việc, hoàn cảnh neo đơn… chỉ để vắng mặt. Mà nếu có tham dự thì Hường cũng lặng lẽ chọn cho mình “riêng một góc trời”, để âm thầm gặm nhắm những suy tư mà chẳng ai biết được Hường, đang nghĩ gì? Dường như Hường ngại tiếp xúc với đám đông, ngại lời chào hỏi, ngại sự đối thoại…??
Có lẽ, cũng vì thế mà nhớ có lần, mình muốn phỏng vấn để khai thác đời tư của Hường: “Những lần họp mặt như thế, Hường cảm thấy thế nào?”. Ai cũng vỗ tay động viên Hường: Trả lời! Trả lời đi Hường!! Mãi một lúc dè dặt, Hường đứng lên trong sự bối rối: “Mình chẳng biết chi để nói cả! Anh em thông cảm cho mình”. Tôi hỏi tiếp: “Hường cảm thấy có vui không?”. “Vâng, vui ạ!”. Lúc này, trên khuôn mặt của Hương đã thấp thoáng niềm vui lan tỏa. “Hường có tâm tư nguyện vọng gì không, nói ra cho bạn bè nghe với?”. Hường đo đắn một lúc rồi nói: “Hoàn cảnh nhà mình con đông nên khó khăn lắm, không được thong dong như các bạn đâu. Hơn nữa, con người mình cũng vốn quê mùa, cục mịch không được bặt thiệp như các bạn. Vì thế nên mỗi lần các bạn mời họp mặt, mình cảm thấy rất ái ngại…”.
Nói rồi Hường sụt sùi… Những giọt nước mắt lăn dài trên má, dường như tưới tắm cho sự héo hon lâu ngày, đã khiến cho khuôn mặt Hường được tươi tắn lại. Không khí buổi họp mặt chùng xuống hẳn. Ai cũng lặng người đi trong cảm xúc ngập tràn… mênh mang một nỗi cảm thông cho Hường. Nỗi lòng Hường nói ra như một dòng chảy của con sông khô hạn lâu ngày, nay bỗng òa vỡ những nỗi niềm sâu kín trong lòng…Phút mở lòng hiếm hoi của Hường được mọi người rất trân quý.
Thú thật, lúc ấy nơi khóe mắt mình cũng cay sè… Mình cảm thấy như có lỗi với Hường, vì đã vô tình chạm đến nỗi niềm thầm kín trong Hường. Phải nói, cả lớp không ai ngờ, Hường lại sống với mặc cảm tự ti với bạn bè như thế! Từ đó về sau, mình không bao giờ dám làm phiền Hường nữa.
Con người Hường vốn hiền lành, có chút lót lét và bẽn lẽn càng làm cho Hường thêm đáng thương. Chút dịu dàng trên khuôn mặt hao gầy buồn chảy ở khóe mắt, khiến cho Hường phảng phất nét sầu muộn. Dường như Hường chưa bao giờ làm mất lòng ai. Tuy Hường ít nói, nhưng Hường lại có nụ cười nhẹ nhàng và lỏn lẻn luôn nở trên môi, dường như muốn xóa tan đi nét sầu muộn trên khuôn mặt Hường.
Mình nhớ có lần ở lớp Nhì… Vào cuối giờ, thầy Chấp bắt Hường đứng lên trả bài: “Muốn biết tiền vốn khi biết tiền bán được và tiền lãi phải làm sao??”. Tính Hường vốn đã nhút nhát, thấy thầy cầm thước xuống bàn là sợ hết hồn rồi, nên ấp a ấp úng…Thầy đập thước kẻ cành cạch xuống bàn và quát: “Nói! Nói mau!!!”. Hường cứ đơ người ra lặng thinh không đáp. Thế là thầy quất cho Hường mấy thước…Hường bật khóc. Cả lớp ai cũng xanh mang và sợ hú vía, sợ thầy hỏi đến phiên mình thì khốn. Sau này, thầy biết tính Hường nhút nhát nên thầy không bao giờ bắt trả bài Hường nữa.
Cuộc đời trôi đi trong nhọc nhằn của thời kỳ hậu chiến, để mỗi người chỉ biết lo cho gia đình mình chưa xong, còn hơi sức đâu mà quan tâm đến người khác.
Đến khi Hường bị đau nặng với căn bệnh nan y thì lớp mới được biết, nhưng rồi cũng chẳng làm gì được hơn cho Hường, chỉ biết an ủi vỗ về và cầu nguyện cho Hường gặp thầy gặp thuốc.
Những ngày đó, trông Hường thảm hại lắm! Con người của Hường vốn đã hao gầy, nay lại bị căn bệnh tháng ngày bào mòn, đã làm cho con người Hường ra tiều tụy. Khuôn mặt vỏ vàng của Hường ngước nhìn bạn bè, nước mắt chảy quanh… Hường thều thào: “Em cám ơn các anh các chị đã tới thăm em trong phút giây cuối đời này… Em rất cảm kích và biết ơn các anh các chị…”. Trong căn phòng lặng lẽ đó, bỗng có tiếng sụt sùi của những người bạn gái…
Đáng thương thay! Hường ra đi trong giai đoạn đất nước còn vô cùng khó khăn (2004). Thuốc men và chế độ chăm sóc của bệnh viện cũng sơ sài lắm! Nếu phải thời bây giờ thì có lẽ, Hường đã không phải xa bạn bè sớm thế!
Âu cũng là số phận Chúa đã an bài!!? Bằng lòng đi Hường nhé!
“Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa… Có nhiều khi, từ vườn khuya bước về, bàn chân ai rất nhẹ, tựa hồn những năm xưa” (TCS).
Những gì mà Hường đã phải chịu khổ đau và thiệt thòi cho số phận hẩm hiu trong cõi đời dâu bể này, hy vọng Chúa sẽ ân thưởng cho Hường niềm hạnh phúc bất diệt trên cõi vĩnh phúc nước trời, nơi không còn nước mắt và thương đau.
Cầu xin Chúa đưa bạn vào lòng ấm êm của người cha nhân từ Abraham.
Một người bạn lớp 64 – 65 Tiến Đức