Share
Sáng nay bầu trời có chút nắng hiếm hoi xuất hiện sau cả tuần mưa tầm tã có làm cho ngày cuối thu đỡ heo hắt hơn một chút. Ngoài cửa sổ những chiếc lá cuối cùng của mùa thu đang dần rơi rụng nhường chỗ cho mùa đông giá rét với những hàng cây gầy xơ xác. Con đọc tin nhắn của mẹ “con ơi chú Vĩnh mất rồi”. Con lặng người, lòng chùng xuống, một nỗi buồn thương xót xâm chiếm tâm hồn.
Từ phương xa con xin cúi đầu gửi lời chào từ biệt chú, người con rất đỗi kính yêu. Ngoài bố con ra, con gọi chú là người thầy đầu tiên của con. Vì từ lúc 5 tuổi con đã bắt đầu được chú dạy đánh vần, làm toán, rồi học chính tả. Chú nổi tiếng nghiêm khắc, học trò hay bị dọa hoặc bị ăn roi thiệt nếu không thuộc bài. Vậy mà bao năm tháng học với chú con chưa bị dọa hay bị ăn roi lần nào. Chẳng hiểu sao khi nào con cũng nghĩ chú có thương con đặc biệt hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác hồi đó. Con cũng không biết điều đó có đúng không nhưng ý nghĩ đó theo con từ khi con còn nhỏ cho đến khi con lớn lên tung cánh vào đời, rời xa thôn xóm cũ.
Mỗi khi xa nhà, ngoài nỗi nhớ gia đình, người thân khi nào con cũng nhớ về chú với những điều thương yêu và kính trọng nhất. Có một giấc mơ thường xuyên lặp đi lặp lại với con nhiều lần. Con thường nằm mơ thấy đã lâu lắm rồi con bỏ lớp học của chú, chú cứ chờ ở đó, và con mang vở đến học lại nhưng rồi quên hết bài, và lại bỏ lớp tiếp. Giấc mơ đó cứ thỉnh thoảng xuất hiện trong đêm, có lẽ là để nhắc nhở rằng lâu rồi con không về thăm xóm cũ, thăm chú.
Hình ảnh chú mỗi buổi chiều thường ngồi bên hiên nhà nhìn mông lung ra ngoài đường cứ in sâu tâm trí con. Những khi đó con từ bên kia hàng rào nhà bà ngoại nhìn sang thấy thương cảm, tự hỏi sao đời chú buồn heo hắt quá. Và hình như không có ai muốn làm khuấy động thế giới của chú mỗi khi chú ngồi bên hiên nhà nhìn ra xa xăm, nghĩ ngợi điều gì.
Hình ảnh đó thoáng như một bức tranh buồn, như một mặt nước tĩnh lặng bên trên mà dậy sóng ở lòng sâu. Đó là cảnh đời một người lính sau ngày trở về không còn lành lặn, cả thể xác và tâm hồn đều thương tổn. Khi con còn nhỏ, con chỉ nghe người lớn kể rằng chú để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Rằng khi trẻ chú rất khôi ngô, tuấn tú và rất lãng tử. Khi trở về sau chiến tranh với đôi nạng gỗ, chú chôn chặt những ước mơ, hoài bão và cả tình yêu của tuổi trẻ. Nhưng với lòng tự trọng và ý chí mãnh liệt chú đứng dậy, là người tuy tàn nhưng không phế. Chú trở thành ca trưởng ở nhà thờ, sớm hôm đi bộ với đôi nạng gỗ đến tập hát cho ca đoàn, dâng lời cảm tạ Chúa.
Ban ngày chú trở thành ông giáo trường làng, làm nghề gõ đầu trẻ, bao năm tháng chở những chuyến đò học sinh qua sông. Chúng con lớp này đến lớp khác trở thành học sinh của chú. Nhiều trong số đó lớn lên trở thành người tài, một số ở lại làng trở thành những người cha, người mẹ thầm lặng đầy yêu thương.
Bao ước mơ dang dở thời trẻ chú đặt lên cháu chắt của chú. Có đứa thành công, có đứa gãy cánh giữa đường cũng không ít nỗi buồn chất lên trong ánh mắt chú. Chú tận tụy với con cháu, với các ca viên, với cha mẹ, anh em, họ hàng, với các học sinh và chú cũng là một người bạn tâm giao của bố con. Khi nào về nhà mà không thấy bố thì mẹ cũng bảo “lên nhà chú Vĩnh tìm bố con về”.
Chúng con hay nói đùa là “bạn đời của bố”, ý là người bạn cả đời thân. Từ lúc đói nghèo đến khi đủ đầy, ánh mắt yêu thương và sự kính trọng của bố mẹ dành cho chú khi nào cũng đầy tràn. Còn chú thì dành rất nhiều tình cảm cho bố và mẹ. Đó là một tình bạn rất đỗi dịu dàng, xoa dịu bớt những buồn đau, lo lắng của bố mẹ trong suốt những năm tháng long đong. Khi gia đình con phải đi xa làm ăn, nếu có về quê, bố con cũng phải ghé thăm chú liền.
Khi bố con mất, chú rất buồn, thường nói rằng “thương Chương quá Chương ơi”. Nỗi buồn nhân thêm vì phải chia tay người bạn một đời thương mến mà không được tiễn đưa nhau đoạn đường cuối. Bố mẹ con và chú biết nhau từ thanh xuân tươi đẹp, cùng nhau trải qua chiến tranh khói lửa, an ủi, nâng đỡ nhau thời bao cấp đói nghèo. Cuộc đời những người như họ chông chênh theo dòng lịch sử của đất nước nhưng chưa bao giờ ngừng thương yêu và hi vọng. Họ cứ như loài hoa ngũ sắc bên hàng rào vẫn cố gắng tỏa sắc bốn mùa bất chấp thời tiết nắng nóng hay mưa gió.
Con lớn lên xa nhà, có khi đi rất xa và rất lâu đến tận 10 năm mới trở về. Trước khi lập gia đình, con hay đi đi về về và mỗi lần như thế đều ghé chú trò chuyện. Mỗi lần gặp lại, chú từ xa đã cười thật tươi “con về rồi đó à?”. Con kể đủ thứ chuyện của con khi xa quê cho chú, chú kể về các cháu chắt của chú trong đó hay nhắc nhất là chị Giao. Cuối buổi chia tay thường khi nào chú cũng nói “con đi đường bình an nha con”.
Những lần thăm chú trở thành ký ức thân thương trong nhiều điều đẹp đẽ mà con lưu giữ về xóm làng. Năm nay con đã trở về quê sau 10 năm xa cách. Làng quê xưa giờ thành phố thị, con có chút gì đó hụt hẫng thoáng qua. Con đi ngang nhà chú đôi lần và không còn bắt gặp hình ảnh chú ngồi bên hiên nhà lúc chiều tối nữa. Một sáng con gặp chú ở ngoài đường khi con ngồi trên xe chạy qua. Chú cười thật tươi “con về rồi à?”. Con vội vàng nói với lại ” dạ, chiều con vào thăm chú sau ạ. Con phải đi công việc tí”. Rồi chiều lu bu con chẳng vào được. Hôm trước khi bay, con qua nhà thăm chú thì lại chỉ có bà ở nhà, không gặp được chú.
Vậy là từ đó không bao giờ còn được gặp lại. Con khi xưa thương cảm, tiếc cho cuộc đời chú rất nhiều, chú giống như một cái cây đang lớn sung sức thì bị đốn ngang thân gãy mất, đôi chân khuyết một bên mãi mãi. Con giờ đây tuy rất buồn phải nói lời tạ từ vĩnh biệt chú nhưng con tin Chúa sẽ bù đắp những thiệt thòi của chú lúc ở thế gian này mà ban cho chú Thiên Đàng.
Chắc giờ này chú đã tìm lại được đôi chân trọn vẹn, và có lẽ chú cũng đã gặp lại bố con để kể chuyện uống nước mới ngày xưa. Hai người đã đi qua một khiếp làm người nhiều cay đắng, long đong xen lẫn những hào quang ngắn ngủi. Tấm gương chú để lại đó là chú chưa bao giờ khuất phục số phận mà vẫn không ngừng vươn lên, giữ vững đức tin làm người công chính đến trọn cuối con đường. Hoa ngũ sắc giờ này chắc vẫn nở lặng lẽ bên hàng rào, nếu có ai đó dừng lại ngắm kỹ sẽ thấy loài hoa đó thật rực rỡ làm sao.
Thanh Hương (USA)