Từ xa xưa, cha ông ta vẫn có thói quen gọi: đi nhà thờ, đi lễ, hoặc đi xem lễ. Cách gọi này, phần nào đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi giáo dân chúng ta. Có lẽ, cũng từ cách gọi đó, đã hình thành khái niệm đi lễ trở thành tục hoá đời thường như việc đi xem: Phim, cải lương, tuồng chèo, ca kịch, bóng đá…Và điều này được phân định rõ hai mối tương quan: cha làm lễ và giáo dân xem lễ, giống như cha là một diễn viên diễn xuất, giáo dân là khán giả đến xem, chỉ có điều khác với đi xem ca kịch …là không phải mua vé mà thôi.
Phải chăng vì văn hoá xem lễ như vậy, khiến người giáo dân tỏ ra hời hợt, thụ động trong việc đi dâng thánh lễ? Vì vậy mà một số người tham dự thánh lễ buộc Chủ nhật, hụt trước thiếu sau… Lúc cha giảng thì quay ra hút thuốc, nhìn trời trăng mây gió, hồn để chốn nao…Cha ra làm lễ một lúc, thì con mới vào, cha chưa kịp chúc ra đi bình an thì con đã về rồi.
Đã từng có Linh mục Việt kiều ngạc nhiên trước hiện tượng: Văn hoá ôm ở VN!! Cái gì cũng ôm được: Xe ôm, Karaoke ôm, bia ôm, cà phê đèn mờ ôm, chè ôm, cả đến đi nhậu thịt chó cũng ôm…Chưa hết, dâng lễ thánh thiêng như thế mà vẫn tục hóa ra được thánh lễ ôm mới là chuyện lạ! Đó là chuyện hai anh chị ngồi trên xe máy, ôm ấp nhau cùng xem lễ, điều này không hiếm thấy ở TP.
Có lẽ, phải chờ đến Công đồng Vaticanô II, mới đưa việc đi nhà thờ, đi xem lễ lên một tầm ý nghĩa mới cho cộng đồng giáo dân: đi tham dự thánh lễ. Tham dự khác với đi xem là dự phần vào thánh lễ, chứ không là một quan sát viên đi xem một cách bàng quan. Động thái này xem ra tích cực và chủ động hơn cho giáo dân, vì sự hiện diện của giáo dân là một thành phần không thể thiếu được trong thánh lễ, để cùng với chủ tế, người đại diện giáo dân dâng thánh lễ, chứ không mang tính thụ động đi xem lễ như ngày xưa.
Ngày nay, áp lực công việc cũng nhiều, học hành cũng quá tải, và giải trí cũng lắm trò, khiến cho lớp trẻ xao nhãng, ít quan tâm đến việc tham dự thánh lễ ngày thường, mà ngay cả việc tham dự thánh lễ ngày Chủ nhật cũng chưa ổn nữa là…
Một số giới trẻ xem việc đi lễ như một thói quen, một sự miễn cưỡng, đi cho được việc, để khỏi lỗi phạm giáo luật bắt buộc, hoặc giả không đi, bố mẹ rầy la, vợ con làm mình mẩy, khó dễ mà phải đi…Thành ra, vào dâng lễ mà lòng trí còn để chốn nao, đầu óc còn vướng bận đến công ăn việc làm, đến cái hẹn đi nhậu mà các bạn đang chờ mình, hoặc ý trung nhân nhắn tin hẹn hò, làm cho phân tâm, còn đâu lòng trí tập trung để hiệp dâng thánh lễ sốt sắng và thành tâm nữa đây!
Ngay cả Đtdđ, họ cũng không biết ý thức để chế độ máy im lặng…Nhiều khi tiếng máy reo, ồn ào làm ảnh hưởng đến mọi người đang xem lễ. Rồi cứ ra vào gọi điện thoại…mất cả sự trang nghiêm trong thánh lễ.
Cuộc sống đang ngày càng bộn bề lo toan, càng rối rắm trăm chiều suy tư, lẽ ra, chúng ta phải biết tìm một khoảng lặng cho mình, để quên đi những ưu tư, muộn phiền cuộc đời. Và thánh lễ là một khoảng lặng rất quý giá, làm lắng đọng tâm hồn, để chúng ta có thể gần gũi, trao đổi tâm tình với Chúa, bởi Chúa đã từng nói: “hỡi những ai gánh nặng yếu nhọc, hãy đến cùng ta, vì gánh của ta thì êm ái, ách của ta thì nhẹ nhàng”. Nếu chúng ta biết tựa nương và tín thác vào Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ được thảnh thơi, an bình, để quẳng gánh lo đi, bởi có lời chép rằng: “Các con đừng lo lắng ngày mai sẽ ăn gì, mặc gì, vì ngày mai sẽ có ngày mai lo, ngay cả con chim ngoài đồng không tích trữ kho lẫm, mà ngày ngày vẫn no đủ vui chơi ca hát”.
Thánh lễ luôn là một khoảng lặng quý giá trong cuộc sống, để chúng ta tiếp nhận năng lượng ân sủng Chúa Kitô, làm hành trang ra đi bình an, như lời chúc của Linh mục chủ tế cuối lễ.
Thành Tín