Niệm khúc cuối, cho một người vừa nằm xuống…
tienducchauson
09/12/2023
Diễn Đàn Bạn Đọc
596 Views
Nghe tin anh đi xa, em nghĩ, có lẽ, cả Châu Sơn cũng chẳng mấy ai phải ngỡ ngàng. Vì anh nằm xuống, đến mùa xuân tới đây là thứ 9. 9 năm để anh nằm trầm mặc, ngâm ngợi trong thầm lặng về thân phận kiếp người, cũng quá đủ để anh tìm thấy chút ánh sáng cuối đường hầm, và rồi anh quyết định buông bỏ thân phận làm người.
Buông bỏ thân phận làm người, quả thật không dễ dàng một chút nào. Đoạn trường, ai có qua cầu mới hay được. Cha ông ta nói quả không sai: sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật.
Em thân quen anh, không chỉ qua giềng mối thông gia, mà chúng ta còn sinh hoạt với nhau trong “nhóm nội dung” làm tuồng thương khó, thời cha Võ Quốc Ngữ năm 1989. Anh đã góp ý cho kịch bản vở tuồng được hợp lý và sống động hơn. Xem ra, anh là người đa tài, lĩnh vực nào anh cũng “chóp bu” vào được. Anh đã từng diễn kịch thời Đoàn Huynh trưởng, rất có chất hài tiếu.
Về văn chương, anh có viết bài “Tinh yêu giới trẻ choai choai…” với bút danh “Chôm chôm”, đăng trong Đặc San Dưỡng Sinh, bằng văn phong trào lộng đầy chất phóng sự, cũng gây tiếng vang một thời cảnh báo cho giới trẻ!!
Rồi đến văn nghệ mùa xuân, chính anh cũng là biên đạo vũ cùng với anh Quang (Bộ Đội) trong vũ điệu Khờ Me, Apsara. Kể cả những lần sau, khi không có anh Quang, anh đã biên đạo và tập cho nhóm: Liên, Thơ, Oanh, Tiến, Hạnh… đi hội diễn tại Đại hội Thánh Nhạc Hà Lan. Và sau nữa là nhóm 240… Qua đó mới thấy được tài thao lược của anh.
Nhưng có lẽ đáng nể phục anh hơn cả là, một Thiếu úy (VNCH) mà anh vẫn tồn tại mãi được trong chế độ (XHCN) với vai trò Phó chủ nhiệm HTX xe khách Phường Thành Công. Anh kể, dù là Phó chủ nhiệm, nhưng anh luôn phải thay mặt chủ nhiệm để đối đầu với các cơ quan công quyền: TP, Tỉnh với muôn vàn khó khăn. Qua đó, mới thấy được cái bản lĩnh dày dạn của anh.
Con người anh Tiến tính vốn hiền hòa và xuề xòa. Sống lạc quan với nụ cười luôn nở trên môi. Ngay cả việc cả thể, đón dâu cháu mà cũng vẫn chậm trễ, khiến người nhà lo sút vó, vậy mà anh vẫn bình tâm, cười lạc quan: Chuyện đâu còn đó mà lo chi. Nhưng nghe đâu, khi vào công việc hành chánh thì rất chuẩn mực nghiêm túc. Anh cũng là một tay hài tếu gây cười một cách nhẹ nhàng.
Vậy mà cuộc đời anh vẫn cứ ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh… Nhưng qua đó mới thấy người hiền thê của anh, qua bao sóng gió cuộc đời vẫn thủy chung và cùng chung một mái chèo để đưa con thuyền gia đình anh đến bến đỗ, con cái thành đạt như ngày nay. Chính chị Lê Thị Lài đã từng mến phục anh để nói: “Trong đời tôi, chưa bao giờ nể phục người đàn ông nào, ngoài anh Tiến nhà tôi”.
Mặc dầu anh Tiến nằm bất động, nhưng anh vẫn nghe đấy! bằng chứng là khi tôi và chị Hồng ra thăm anh, qua lời thăm hỏi của chị Hồng, anh đã xúc động và trào nước mắt nhiều lần.
Có lẽ, cả Châu Sơn đều nể phục chị Lài qua 9 năm trời, khi anh nằm miệt mài bất động trên giường bệnh. Nhưng chị vẫn luôn tươi cười để đùa tếu: Bé nhà mình bữa này ngoan lắm chú ơi! Ăn uống xong là ngủ một mạch.
Đó là đức hạnh của người phụ nữ, là lòng thủy chung, là sự tận tụy của lời đoan hứa ngày hôn lễ: Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Khi khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mỗi ngày suốt đời em. Bằng một tấm lòng hy sinh cao cả và kiên trung chịu đựng với nhau như thế, lúc này, mới thấy được giá trị vàng ngọc của lời thề đoan hứa trong ngày hôn lễ đáng trân trọng là dường nào!!!
Lời cuối cho anh, trước khi tiễn biệt…
Nguyện xin Chúa giàu lòng nhân từ, sớm đưa linh hồn Gioan Baotixita về hưởng dung nhan vinh phúc trên quê trời.
Một người em – Nguyễn Văn Kính