Thời sự – Ấm nước mới, Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta… Phần I
tienducchauson
29/11/2023
Ấm Nước Mới
576 Views
Ấm nước mới làng ta, thông thường là xóm luân phiên nhau nấu; xóm đông người có thể hơn cả tháng mới đến lượt. Vì địa bàn rộng cách nhau 200 -300 m, nên thường đi xe máy uống nước. Về sau phát xuất ra ấm nước thường trực, ngày nào cũng nấu tại một tụ điểm như nhà ông: Hồng (Khâm), Dung (Hạnh), Hảo (Đức), Phương ( Cửu),… Có người mỗi sáng đi uống nước mới luân phiên mấy tụ điểm uống mới đã.
(Hình ảnh minh họa)
Sáng mai, cơm xong ngậm tăm là trực chỉ ấm nước mình quen uống… Lúc này lại có thêm người đồng hương ở TP vào góp mặt ấm nước mới, nên càng đông vui. Uống được vài tuần nước, câu chuyện bắt đầu nổ ra rôm rã, hết chuyện trên trời đến dưới đất, chuyện thời sự Ucraina đánh đấm với Nga thơi bời khói lửa. Gần đây là chuyện thời sự nóng hổi của Israel với Hamas – Palestine… Chuyện làng xóm, đến chuyện không đâu vào đâu…
Một hôm có người khơi chuyện xưa Châu Sơn:
– Các ông có còn nhớ thời lập cư của Châu Sơn ta nữa không?
– Thế hệ sinh trước 54 ở Bắc vào Nam thì có lẽ nhớ, chứ những người sinh sau 54 thì có thể không.
– Trong ấm nước này, phần đa là U 60, 70, 80… Vậy tui đố các ông, những ai là “Khai quốc công thần” đi tiền phong tìm đất định cư cho người Châu Sơn ta??
Khi câu hỏi được đặt ra, ấm nước mới bắt đầu xôn xao bàn tán… kẻ đoán người này, người đoán kẻ kia… Khi mọi người đang bàn cãi nhau, thì một câu hỏi khác được đưa ra:
– Các ông có biết Ban Định Cư thời đó là những ai không??
– Biết chứ sao không biết. Rồi cũng chỉ kể ra lõm bõm được vài ba người…
– Thế các ông có biết, ai là người chết đầu tiên khi lập cư trại không?
– Cái này thì hơi căng đấy nha! Các câu hỏi chưa được giải đáp thì tiếp câu khác:
– Ai là người bị sân lạc đạn xợt đầu bởi lính tập ở sân bắn?? Và sân bắn ngày xưa ở đâu??
Câu đầu tiên, có người kể ra các ông: Trần Mân, Trần Duy Thận … nhưng hai cái tên sau thì không ai nghĩ ra? Lý do, vì những vị này lão làng vào thời đó và mất sớm! Đó là Cố Lưu Cầm, Cố Trần Hiển. Phải nói lại, ngày 4 người được cử lên Cao nguyên DarLac thăm dò tìm đất định cư cho đoàn người di cư đang bơ vơ tại Mường Mán; Họ cảm thấy thất vọng khi đi đến Đức Minh, Trung Hòa, Hà Lan… đều chậm chân, vì các làng trại đó đã định cư ổn định và không còn mảnh đất hoang sơ nào cho người dân ta cắm dùi nữa. May mắn làm sao! Gặp được cha Nguyễn Viết Khai, giới thiệu cho nhóm 4 người tìm về dòng Châu Sơn. Sau đó nhà dòng đã đồng ý nhượng lại và tặng luôn tên gọi Châu Sơn cho chúng ta.
Ban Định Cư có vẻ dễ hơn, nên ấm nước có thể kể ra các ông: Nguyễn Văn Quãng, Trần Văn Trị, Đậu Quang Tín, Trần Mân… Ấm nước chỉ kể được 4 người, có người kể tên ông Nguyễn Tuệ, nhưng thực ra là cố Nguyễn Tuệ cha của ông Tuệ. Ban Định Cư có nhiệm vụ quy hoạch vườn nhà và đường đi ngang dọc… để cấp cho các gia đình.
Người chết đầu tiên khi lập trại là người Yên Phú, vì trong ấm nước có người Yên Phú, nên họ dễ dàng kể tên: Trần Thị Tứ – vợ đầu của ông Nguyễn Huyến, chết năm 1957, chôn ở tại khu vực Mã Tổ.
Người nào bị lạc đạn thì, dường như không ai biết. Đó là anh Trần Bằng (thời đó còn trẻ) bị đạn siết qua đầu, do anh kể lại. Cũng chính vì sự cố này, mà sân bắn khi lập trại ở vị trí nhà thờ bây giờ, được LMQX Nguyễn Đăng Khoa xin với chính quyền di dời sân bắn vào khu vực sát núi Cư Ebur như sau này. Còn gọi là ngã ba Sân Bắn.
Lúc này thì mặt trời lên cao, quá ngọn sào mất rồi! Ấm nước mới cũng dần “tản cư”, nên câu chuyện “Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta…” đành phải dang dở…
Hẹn gặp lại. Hồi sau phần II sẽ rõ!!!
Châu Sơn choa