Châu Sơn đang bùng nổ với phong trào “Xuất Ngoại”!!???
tienducchauson
11/04/2023
Diễn Đàn Bạn Đọc
449 Views
Từ khi con đường vành đai 10.3 rẽ giữa làng Châu Sơn chia thành đôi bờ: Xóm Ngoài và Xóm Trong (2016), đã làm cho cục diện cuộc sống của người dân có phần thay đổi.
Vào những năm 2016 – 2022 cơn sốt nhà đất lên đến cao trào đã biến đất Châu Sơn thành tấc đất tấc vàng. Con Đường Vành Đai có phép mầu như một cây đũa thần đã khiến nhà đất, thổ canh, thổ cư đến vườn rẫy…cũng theo nhau lên giá vùn vụt.
Và khi người dân có của ăn của để “rung rỉnh xu hào” sẽ tác động đến tư duy ý thức: người ta không còn bằng lòng an cư lạc nghiệp ở xứ Châu nữa, mà mong muốn an cư ở một miền đất có cuộc sống cao hơn VN.
Và “Miền Đất Hứa” đầu tiên phải kể đến là đất nước “Cờ Hoa”. Hoa Kỳ được xem là đất nước văn minh và tiên tiến bậc nhất thế giới, ngay cả người dân Châu Âu còn mơ ước nữa là người Châu Sơn ở VN. Nhưng giấc mơ nhập cư đất nước Mỹ không phải là dễ, mà là quá khó với chính sách cấm cửa dân nhập cư một cách chặt chẽ.
Theo ông Đậu Văn Sinh – người Châu Sơn, một người dân muốn nhập cư vào nước Mỹ, phải có vài triệu USD vốn để mở mang kinh doanh mới được chính phủ Mỹ cho phép nhập cư. Có thể nói, đó là con đường “Đại ngạch”, với vốn liếng lên đến 30 tỷ VNĐ thì quả là quá tầm với người dân ta. Một con đường đi chính thức “Đại ngạch” khác, rất được người Châu Sơn ta vận dụng; Đó là đi theo diện bảo lãnh HO hay đoàn tụ gia đình. Cha mẹ bảo lãnh con cái, con cái bảo lãnh cha mẹ hoặc anh chị em. Hồ sơ làm cả chục năm, chờ sái cổ, vậy mà có khi phỏng vấn, trái khoáy cũng bị đánh rớt chỏng vó chứ chẳng chơi đâu.
Đến nay, nhờ diện vượt biên sau 75, diện con lai, diện HO, diện đoàn tụ… người dân Châu Sơn đã có hằng trăm gia đình quy tụ ở trên đất Mỹ. Rồi từ đó phát sinh thêm diện kết hôn lấy vợ lấy chồng…Dần dà một thời gian dài, thế hệ con cháu về kết hôn ở Châu Sơn, không khéo kéo hết người Châu Sơn sang Mỹ đấy chứ!
Biết để nhập cư vào nước Mỹ quá khó, người Châu Sơn cũng biết cách vận dụng bằng đường “tiểu ngạch”, xin đi du lịch rồi ở lại, đi du học rồi kết hôn với Việt kiều Mỹ để hợp thức hóa việc ở lại Mỹ.
Những năm gần đây, phong trào “Xuất dương” đi nước ngoài bùng nổ với các nước…
Đi du học Úc hoặc đi lao động ở Úc cũng được người dân ta chọn lựa; Bởi công việc làm ăn khá thuận lợi và khí hậu của nước Úc khá tương đồng VN. Hơn nữa việc đi về VN rất gần gũi và thuận tiện.
Đi du học và lao động ở Nhật cũng là một miền đất mà người Châu Sơn hướng đến, vì đó là một đất nước văn minh tiên tiến hàng đầu Châu Á, chúng ta vừa lao động vừa học tập người Nhật cũng là điều tốt.
Nhưng cao trào hơn hết là đi Canada. Ở đất nước này, mở ra nhiều hướng cho người dân: Có thể đi lao động kiếm tiền, hoặc đi du học và vừa có thể nhập cư. Hiện nay đi xuất ngoại Canada đang lên cơn sốt…Biết người dân Châu Sơn đang náo nức nhập cư Canada với bất cứ giá nào, thậm chí là chi phí mỗi người nhập cư Canada lến đến 1 tỷ rưỡi VNĐ 1 người, khiến ông Đậu Quang Đại đã có loạt bài chỉ dẫn rất chi tiết về việc nhập cư Canada với chi phí rất nhẹ…Nhưng cũng có nhiều người sang đó, và thấy được những khó khăn, những rào cản ngôn ngữ, và khí hậu hết sức nghiệt ngã…Cuộc sống đơn lẻ và cô quạnh, như đi kinh tế mới, đã khiến nhiều người nhắn với người nhà khoan đã sang…
Châu Sơn đang dần có khuynh hướng xuất ngoại, trong khi việc nhập nội Việt Kiều bên bờ đại dương về là rất ít. Đến nay chỉ mới có ba gia đình về Châu Sơn theo diện hưu trí ở quê nhà.
Có người bảo: dân ta sang bên đó làm lại cuộc đời, phải ra sức cày ải rất vất vả mới đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống ở bên Mỹ. Người dân ở Châu Sơn cuộc sống tuy không cao, nhưng được cái nhàn nhã, phong lưu đi uống nước mới vô tư. Tuy thế, có thấy mấy ai bỏ nước Mỹ về VN đâu, mà chỉ thấy dân ta đang đua nhau xuất ngoại ngày một nhiều.
Có người bảo: Việt kiều về nước làm lại cuộc đời cũng không dễ một chút nào. Ngày ra đi Mỹ, bán nhà đất chẳng được mấy đồng, lúc này về nước, nhà đất rất đắt đỏ, đắt một gấp 20 lần chứ không phải đơn giản. Cho nên họ không chọn về VN cũng là có lý do của họ.
Bài viết này không nhằm cổ vũ cho “sự ra đi” hoặc “sự trở về”, mà chỉ phản ánh phần nào góc nhìn của cuộc sống thực tế của người Châu Sơn ta mà thôi.
Châu Sơn choa