Tản Mạn Về Mùa Chay

 1ea804dbf6a45ba977293c237ecc1b08_L

Hai mùa phụng vụ có cùng chung một ý lực: sám hối và đón chờ ơn Cứu Độ, nhưng cảm quan và thời gian lại có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau.

Mùa Vọng đến với chúng ta vào những ngày đông giá rét, trời mây u ám, nhưng không làm nguội lạnh đi trong tâm thức chúng ta những cảm xúc: rạo rực, phấn kích để mong đón nhận một mùa Chúa Giáng sinh đem lại cho chúng ta niềm an vui và tâm hồn lành thánh. Phải chăng, thời điểm đó, niềm vui đã hoà quyện vào nỗi hân hoan đón mừng ngày tết dương lịch, như câu chúc mừng trên danh thiếp: Merry Christmas and Happy New year.

Trái lại, mùa chay đến với chúng ta trong cái không khí oi bức, ngột ngạt, trời nắng gay gắt, giống như đặt con người trên chảo dầu, mồ hôi đến chảy mỡ. Rồi những buổi ngắm nguyện: 15 Sự Thương Khó, Ngắm Rằng…đã khiến cho tâm thức chúng ta nhuốm màu: tang tóc, buồn sầu, ủ ê…như chính phụng tự trong nhà thờ cũng phủ màu tím buồn thảm.

 

Có lẽ, vì vừa mới trải qua bầu khí ăn tết rộn ràng, vui xuân nô nức trong tưng bừng: hoa thắm khoe sắc, bánh chưng thịt mỡ dưa hành béo ngậy, rượu nồng thắm môi với muôn lời chúc tụng, tán dương nhau, niềm vui chưa thoả dạ, cuộc vui đang dang dở, phải bước vào phụng vụ mùa chay với thứ tư lễ tro, nhắc nhở con người từ bụi đất, sẽ về với tro bụi. Và, bài hát Cát bụi của cố nhạc sĩ họ Trịnh càng thêm não lòng: “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi, xin úp mặt bùi ngùi, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”. Phải chăng, vì thế mà mùa chay luôn là nỗi ám ảnh muôn thủa với giáo dân, để chúng ta thường ăn chay trong tinh thần đối phó hơn là tâm thành ý nguyện?

Chuyện kể rằng, ngày xưa ăn chay ở ngoài Bắc – GP Vinh, giáo dân bỏ chợ búa, đồng ánh, công việc nhà…để đối phó với cái đói, vì phải giữ chay. Có người giữ chay, trùm mền ngủ cả buổi sáng, và thi thoảng thò đầu ra hỏi, “đã đến giờ cơm chưa bay…” rồi lại đắp chăn ngủ tiếp. Chẳng những thế, lại còn trợ chay bằng bát nước chè xanh thêm đường ngọt lịm, hay một miếng cơm cháy, hoặc một củ khoai lang luộc…Đừng nói là ở ta, ngay cả bên trời Âu, trước thứ tư vào mùa chay, còn có “thứ ba béo” để mọi người ăn uống no say phủ phê đến lúc nửa đêm, bước sang ngày chay mới tàn tiệc.

Giữ chay câu nệ hình thức đến mức, có người bị chửi rủa, bèn ôn tồn đáp lại: “thôi, vì mùa chay tau nhịn, chứ hết mùa chay rồi, mi biết tay tau”. Cũng có người nấn ná tránh dịp tội cho qua mùa chay, để cho được việc “xưng tội một năm ít là một lần, trong mùa phục sinh” như giáo hội quy định, rồi sau đó lại “vũ như cẩn” tính nào tật nấy!

Chuyện một cha phó xứ kể lại thời còn sinh viên: thông thường chỉ học đến 10 giờ khuya là đi ngủ. Bữa đó, đám bạn ở cùng nhà lấy làm lạ, tại sao bữa ni thằng nớ nảy gở, thức khuya rứa trời? Có biết đâu, đến gần 12 giờ đêm, lục cục nấu nước sôi pha gói mì lót dạ để đối phó với bữa chay ngày mai…Cha tâm sự: “bây giờ nghĩ lại, thấy xấu hổ, vì bản thân mình giữ chay hình thức và giả dối như bọn Biệt phái, Pharisiêu…”.

Tôi thầm nghĩ, đạo Công giáo chúng ta được xem là tôn giáo ăn chay ít ngày và nhẹ nhàng nhất, thế mà tinh thần giáo dân chúng ta ăn chay không bằng tín đồ các đạo khác. Tín hữu đạo Hồi, ăn chay cả tháng Ramadan, trong tư thế phải quỳ cầu nguyện từ mờ sáng cho tới lúc tắt mặt trời, mới được dùng bữa. Bên Phật tử ăn chay niệm Phật cả tháng trời, chỉ ăn đậu hủ và rau quả…có khi còn xuống tóc phát thệ…Bên đạo ta chỉ có hai ngày chay, thế mà giáo dân giữ chay một cách nhọc nhằn, và hình như chỉ giữ theo hình thức bên ngoài cho khỏi phạm luật giáo hội là an tâm.

Cũng chính vì tinh thần ăn chay câu nệ hình thức, mà vào đầu mùa chay, thư tư lễ tro, cha xứ đã nêu lên tinh thần ăn chay không cần phải quá câu nệ hình thức bề ngoài. Giữ chay, không ăn một miếng ngon, không bằng từ bỏ những thói hư tật xấu: ganh ghét, nói hành, bỏ vạ, cáo gian người khác…Giữ chay không ăn một miếng thịt, không bằng từ bỏ những thú vui: cờ bạc, rượu chè, hút sách…Giữ chay không uống một chén rượu bia, không bằng bỏ đi những khao khát dục tình trái phép, bỏ đi cách làm tiền bất chính…Giữ chay cốt là để thương cảm nỗi niềm với Chúa trong mùa thương khó mà Chúa phải gánh chịu vì tội lỗi chúng ta. Mùa chay cũng là dịp soát xét lại bản thân chúng ta, đã bao lần lỗi phạm đến Chúa, bao lần xúc phạm đến anh em…để thành tâm sám hối, chừa cải, cho tâm hồn luôn được thanh thoát, thảnh thơi trong lương tâm đạo đức Công giáo, và để sống xứng đáng làm con Chúa, một Kitô hữu giữa đời thường.

Mệnh  lệnh “Hãy xé lòng đừng xé áo” trong bài đọc thứ tư lễ tro vào mùa, cũng cho chúng ta thấy được tinh thần ăn chay, phải toàn tâm, toàn ý trong tận đáy lòng, và hãy xé lòng ra mà chừa bỏ những tính hư nết xấu, chứ không phải là hành động xé áo bên ngoài, nhằm phô trương cho mọi người thấy: Tôi đang ăn chay đây quý vị ơi! Đó là tinh thần ăn chay hời hợt, giả dối, hình thức của bọn biệt phái, Pharisiêu, mà ngày xưa Chúa từng cảnh báo là một lũ giả hình!

Tình cờ qua mail, có Linh mục bạn gửi cho tôi bài tản mạn mùa chay: Mượn cách pha trà để nói lên tinh thần ăn chay, bằng cách ướp đời mình như ướp xác trà khô trong tách nước sôi, để tâm hồn tinh lọc ra hương vị đậm đà hạnh phúc đời mình.

Tôi không biết rõ bài thơ tiếng Anh dưới đây của ai? Nhưng muốn ghi lại, để mỗi người đọc và ngâm ngợi, có thể sẽ tâm đắc được một điều gì ý nghĩa về mùa chay.

 

traLife is like making tea

Boil your ego.

Evaporate your worries.

Dilute your sorrows

Filter your mistakes and,

Get tastes of happiness

Sống như chuyện pha trà

nấu sôi “cái tôi”

Bốc hơi điều lo lắng

Pha loãng những muộn phiền

Thanh lọc những lỗi lầm và,

Nếm hương vị của hạnh phúc

Mùa chay về, để mỗi người chúng ta quay về dòng sông thánh linh năm xưa, tắm gội thân xác nhơ bẩn, và giặt lại chiếc áo thánh linh trắng trong ngày rửa tội, đã bị dòng đời làm hoen ố những dấu vết tỗi lỗi, ngỏ hầu múc kín nguồn Ân sủng cứu độ Chúa Kitô, để sống lại con người mới, trong Chúa Phục Sinh.

Nguyễn Văn Kính

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …