Hãy trân quý những giá trị cổ kính
tienducchauson
01/03/2022
Diễn Đàn Bạn Đọc
327 Views
Nhân loại, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bao giờ cũng trân quý muốn gìn giữ và bảo tồn những giá trị cổ kính từ vật chất cho đến đạo đức, tinh thần. Vì thế, khắp nơi trên toàn cầu các quốc gia, các chính quyền đều hô hào bảo vệ và tôn tạo những công trình hay danh lam thắng cảnh này một cách rất nghiêm túc và đã tôn những vật thể này lên thành các KỲ QUAN THẾ GIỚI. Thậm chí đã ban ra những quy định quốc tế trong việc gìn giữ, chăm sóc các bảo vật này.
Song song với sự trân quý các vật thể thực tế ấy, nhân loại cũng rất chú ý đến việc bảo trọng các giá trị phi vật thể có tính trừu tượng thiêng liêng như tôn giáo, văn hóa, đạo đức và nhân phẩm nhất là đối với trẻ em là các mầm non tương lai của xã hội.
Ấy vậy mà vào ngày 21/11/2021 tại cuộc hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD&ĐT” do ủy ban Văn hóa Giáo dục tổ chức, Giáo Sư Trần Ngọc Thêm (trường ĐHKHXH Đại Học QG TPHCM đã đăng đàn và sau một hồi giải thích vòng vo với nhiều lý chứng áp đặt đã khẳng định bằng một câu xanh rờn : “Cần chấm dứt sử dụng câu TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”.
Đúng là một câu khẳng định gây chấn động cả nước. Và nó đã làm cho mọi người dân, từ già đến trẻ xôn xao, bàng hoàng. Người ta không hiểu sao một vị GS với danh vị cao sang, bằng cấp đầy mình đáng kính như vậy, lại muốn phá bỏ đi một định lệ, một truyền thống tốt đẹp đã in sâu vào tâm khảm mỗi con người của đất nước Việt Nam thân yêu này. Câu khẳng định đó chẳng những đã làm cho người dân bình thường nghi ngại xì xào mà đến các bậc trí thức, các bậc học giả phần đa cũng không đồng tình và đã có những phản biện chê trách.
Riêng tôi, cũng xin chia sẻ với GS một vài điều, gọi là “lời quê chắp nhặt dông dài vài câu”.
Thưa Giáo Sư,
Tôi chỉ là một ông già nhà quê bình thường mà người ta thường gọi cho có vẻ là “lão nông tri điền”, năm nay đã bước vào độ tuổi U80, không một bằng cấp, không một danh vị nào cả. Nói như thế để biết rằng nếu đem tôi và ông ra so sánh thì quả là rất … rất khập khiễng. Bởi ông là hòn núi cao, còn tôi chỉ là mô đất bên đàng, ông là ngọn đuốc chiếu soi, còn tôi là tro tàn le lói. Có chăng tôi chỉ được cái già hơn, nhưng mà đa già thì đa dại.
Dẫu biết là vậy, nhưng tôi cũng xin đóng góp một vài ý kiến với ông trong bài tham luận mà ông đã từng phát biểu.
Ông cho rằng: xã hội muốn phát triển thì cần phải có con người sáng tạo (đúng). Để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động (rất đúng). Mà muốn con người chủ động thì cần phải chấm dứt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo (đây là điều gây tranh cãi).
Ông giải thích thêm: quan niệm trọng lễ, coi lễ làm đầu không còn thích hợp nữa. Không thể có tư duy phản biện được khi còn trọng lễ nghĩa. Rồi ông nhấn mạnh thêm bản tính phục tùng, nguyên lý trọng lễ mục đích đào tạo người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động, khép kín, bảo thủ thiếu sáng tạo.
Thưa Giáo sư,
Chỉ vì lập luận chữ lễ làm cản trở tư duy, làm con người thụ động mà bỏ đi một cả một tập quán, một phong cách tốt đẹp ư? Tại sao lại phải hiểu chữ lễ một cách thụ động như thế nhỉ? Bản chất của “Tiên học lễ, hậu học văn” là học làm người trước khi học kiến thức. Học nhân cách, đạo đức trước khi học dụng thuật. Điều này đã được cha ông, tiên tổ ta khả dụng qua nhiều đời, nhiều thế hệ rồi mà.
Kiến thức tốt mà nhân cách không có thì sẽ tạo ra những kẻ phá hoại chứ làm sao đưa nhân loại lên một tầm cao mới. Cứ như Giáo sư quan niệm thì xã hội này sẽ sản xuất toàn những con robot tài giỏi không cần cảm tính nhân văn và chúng sẽ sáng tạo ra những điều quái gỡ, phi tưởng cả sao?
Giáo sư cho rằng ở các nước như Nhật – Mỹ hay Phương Tây họ không cần “Tiên học lễ, hậu học văn” nên họ có nhiều sáng tạo, nhiều phát minh đi trước thế giới. Không đâu Giáo sư ơi ! Họ có cả đấy. Mà họ có “Tiên học lễ, hậu học văn” theo cách của họ. Chẳng hạn như nước Nhật, họ có cả một chương trình giáo dục rất nghiêm khắc bắt buộc con em họ phải thực hiện một cách rất nghiêm túc. Hay chẳng hạn, ở Phương Tây, nước Ý đã có quyển sách Tâm Hồn Cao Thượng của tác giả Edmond de AMICIS ra đời cách đây gần 150 năm là cuốn sách gối đầu giường của mọi công dân Ý, trong đó dạy cho các em thiếu nhi cách học làm người một cách rất sâu sắc và tế nhị.
Giáo sư lại còn cho rằng câu “Tiên học lễ, hậu học văn” nó xuất phát từ Nho giáo, bảo vệ chế độ phong kiến, mà chế độ này chỉ cần người dân biết lễ nghĩa, biết trên dưới là đủ chứ không cần một xã hội phát triển dân chủ và sáng tạo. Thực ra thì đất nước ta ảnh hưởng Khổng – Nho là điều rõ ràng không ai có thể chối cãi vì hoàn cảnh lịch sử ta nó như thế nên bèn chịu thôi. Nhưng nói rằng câu “Tiên học lễ hậu học văn” là ảnh hưởng của Nho gia thì có lẽ hơi ôm đồm vì thực ra khi tra Google thì (hình như) nó mới có khoảng thời gian đầu Triều Nguyễn mà thôi.
Sau cùng để mạnh miệng cho sự khẳng định của mình, Giáo sư còn đem Bác Hồ ra để chứng minh là Bác thường nói tài trước đức sau. Hoặc Bác nói tìm người tài đức chứ không phải tìm người đức tài. Tôi nghĩ đó là cách nói thuận miệng mà thôi, bởi trong một lần nói với thanh niên, học sinh Bác đã đặt ra một vấn đề rất cụ thể và cần thiết: phải tu dưỡng rèn luyện để có Đức, có Tài. Và Bác đã nói:
* Có tài mà không có đức là người vô dụng.
* Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó.
Thấy chưa, khó nhưng vẫn có thể làm được !!!
Vậy thì thưa Giáo sư, tiên vàn hãy để yên vị “Tiên học lễ, hậu học văn”.Và hãy trân quý những giá trị cổ kính.
NGÀI VẪN THẾ