Ngày hội lớn!
Lễ mừng 50 năm !!
Núi Chúa Kitô Vua Vũ Trụ!!!
Đợi chờ để có được ngày 50 năm kỷ niệm Núi Chúa, khiến cho cả GX những ngày qua sống trong tâm trạng khấp khởi, nô nức, mong được sớm đến ngày hành hương lên Núi Chúa.
Và rồi giờ G đã điểm…
Ánh dương vươn vai thức dậy rạng rỡ, sau những ngày ngủ vùi trong mây mù ảm đạm của những cơn áp thấp nhiệt đới. Tất cả hứa hẹn một ngày hành hương Núi Chúa tươi đẹp.
Tại Giáo xứ, trên mọi nẻo đường ngang dọc xe cộ tấp nập, người chạy ngược kẻ chạy xuôi lo các dịch vụ. Các bà, các chị lo chợ búa mua sắm cho gia đình bữa ăn trưa trên Núi Chúa. Cảnh chợ đầu làng buổi mai bỗng tập nập, rộn ràng hơn mọi ngày. Các ông phụ huynh tụ lại xóm nước mới để rủ nhau lên đồi. Còn các bạn trẻ cũng tụm ba, tụm bảy thanh nam nữ tú quần là áo lượt chuẩn bị cho ngày lễ hội…Con nít tung tăng đó đây chạy nhảy, chí chóe gọi nhau í ới….Tráng niên thì khỏi phải nói, mấy ngày nay họ đã lo chu tất cho ngày lễ hội lớn của họ rồi.
Tất cả đã chuẩn bị cho một cuộc hành hương lịch sử, hoành tráng nhất, chưa từng có trên mảnh đất GX Châu Sơn.
Trên mọi nẻo đường thôn xóm, người người bắt đầu hành trình xuất phát từ nhà, với hành trang vai mang ba lô, tay cầm những túi xách lỉnh lỉnh đồ đạc, tay bế, tay dắt con cái, bồ đoàn thê tử đang lần lượt đổ về hai con đường B và C xuyên suốt làng, nhập lại con đường Đoàn mới tân tạo, để xe máy và người đi bộ cùng nhau hướng về Núi Chúa trong niềm vui thánh.
Những khuôn mặt hồ hởi, rạng rỡ đang xoăn xoái bước đi trong tâm trạng rạo rực chen lấn tiếng cười nói phấn khởi. Con đường rộng 7 mét ngày thường trông thoáng đãng là thế, mà hôm nay sao thấy chật hẹp chen lấn người đến vậy! Gần đến chân núi, là một trạm dừng chân, để các xe máy rẽ phải vào một khu vườn cây trồng tỏa bóng mát. Đây là một bãi đậu khá lớn và lý tưởng, có thể chứa được hàng ngàn xe máy.
Từ đây, mọi người bước vào một lộ trình lên Núi Chúa bằng một thoải dốc với bóng cây phủ mát trông đẹp mắt và thơ mộng chi lạ! Con đường này ngày xưa là lối mòn nhỏ hẹp, khúc trắc, men theo vách núi đi lên với chẳng chịt dây rừng và lau lách trông rất hoang sơ. Mỗi năm đều được tân tạo lại, có năm dùng xe ủi cơi nơi mặt bằng rộng thoáng thêm. Nhưng năm nào Đoàn tráng niên cũng phải công tác sửa sang, đào mương rãnh thoát nước, phát bờ cây cỏ, mới có được con đường như hiện nay.
Nếu so con đường này với Đồi Đức Mẹ Giang Sơn, thì mặt bằng con đường Giang Sơn đổ bê tông đẹp hơn, dốc đồi cũng cheo leo hơn, Đài Đức Mẹ vẫn hoành tráng hơn Châu Sơn. Nhưng nếu là du khách hành hương có tính du lịch sinh thái thì Châu Sơn thi vị hơn. Con đường sỏi đá thô mộc, cho chúng ta một cảm giác núi đồi thiên nhiên hơn. Rừng cây của chúng ta không cổ thụ bằng Giang Sơn, nhưng tươi trẻ và mượt mà hơn. Đường lên Núi Chúa của chúng ta có cung bậc cảm xúc hơn, vì có những đồi dốc cao không thua kém, rồi tiếp đó là những thoải đường bằng phẳng…nối tiếp nhau.
Chúng tôi xin trích bài viết “Lối về một rẻo cao” của tác giả Di Tĩnh Đắc để hành trình lên núi Chúa.
Từ chân núi lên đến đỉnh đồi tượng đài Chúa Kitô Vua phải đi bộ một quãng đường gần 2 km khá cực nhọc, vất vả, nhưng cũng không kém phần thú vị và ngoạn mục cho khách hành hương.
Đường lên núi Chúa quanh co
Trèo lên tụt xuống cheo leo núi đồi
Mở đầu là một thoải dốc nhẹ nhàng như nắn gân thử sức khách hành hương, để tiếp bước đến là một triền dốc cao hổn hển đến bở hơi tai. Ở đoạn dốc cao này, khách hành hương nào chưa quen leo dốc, tưởng nên tìm cho mình một cây gậy để chống đỡ lần từng bước lên.
Rất may cho khách hành hương, bởi phía trước là một cánh rừng thoai thoải “cỏ hoa chen đá, lá chen hoa”, với làn gió nhẹ xào xạc cành lá thoáng vi vu bên lũ chim rừng đùa vui hót ca, bỗng xao xác đến ngơ ngác giật mình, ngỡ đâu bóng tình nhân dập dìu hò hẹn đó đây.
Cuộc hành trình lại tiếp diễn một quãng đường rất đỗi thi ca Hồ Xuân Hương: “Một đèo, một đèo, lại một đèo…mà mỏi gối chồn chân vẫn muốn leo”.
Ngày nay, đường lên núi Chúa đã mất đi vẻ mỹ quan hoang sơ của nó, vì không biết nhà nước vô tình hay cố ý đã “ngăn sông cấm chợ”, bởi một bức tường thành chắn ngang lối đi lên, trông rất phản cảm!!Vì thế, ai muốn đi lên núi Chúa, phải qua “một khung cửa hẹp”, có bộ đội đứng gác, làm mất vẻ cảnh quan tự nhiên núi đồi.
May mắn thay, một khoảng lặng trước mặt với đồi hoa cỏ dại, bờ núi lau lách như vẫy gọi để tiễn khách hành hương trước khi lên đến hạng mục các công trình thổ cư của các toán Tráng niên. Một hành trình căm go cuối cùng như để thử lòng kiên nhẫn của khách hành hương, bằng một triền đồi cao, dốc đứng cheo leo, thoạt nhìn đã thấy rụng rời chân tay. Người yếu bóng vía, xin rẽ lối phải vòng đồi cù theo đường cứu hộ để đi lên.
Từ đây nhìn lên, các bạn sẽ thấy một tổng quan khá hoành tráng:
Lên đến nơi đây, bước hụt hơi
Tam cấp thẳng tắp, léo lên cao
San sát thổ cư, nhao xuống đồi
Lan can ai đứng, dựa tần ngần
Trời mây non nước, chạnh lòng ai
«Một mảnh tình riêng, ta với ta»
Ai về xứ Châu, xin ghé lại
Thăm «Tiểu Trường Thành», Tráng niên xây.
Đời người là một cuộc hành trình, nhưng không mấy khi có được một cuộc hành trình hào hứng, đầy tự tin và biểu dương khí thế để vững bước lên núi Chúa như thế.
Từ dưới nhìn lên, giống như là một ngọn thủy triều người đang dâng lên, dâng lên cao mãi…Rồi đổ tràn sóng lớp lớp người ra hai bên thổ cư của 19 toán. Những thổ cư đã dần lên lều bạt đủ màu sắc rực rỡ. Có lẽ, chưa bao giờ người ta chứng kiến được cảnh sang trọng, đẹp tuyệt vời của núi Chúa như hôm nay.
Lên đến Núi Chúa, mọi người đã thấm mệt vì phải trải qua một đoạn đường dốc đồi cheo leo, nhưng khi trông thấy quang cảnh diễn ra hết sức hoành tráng với đô hội người người về đây tham dự thánh lễ, khiến cho niềm vui phấn khởi, như tiếp sức để lướt thắng mệt mỏi, vững bước lên những tam cấp thẳng tắp lên núi Chúa một mạch. Rẽ một lối ngang với những bậc tam cấp cuối cùng để lên khuôn viên Tượng đài Chúa Kitô Vua…Một dòng chữ đón chào con dân: « NGÀY HỘI VỀ NGUỒN – KỶ NIỆM 50 NĂM NÚI CHÚA 1963 – 2013 ».
Từ đây, tầm ra tầm nhìn xuống:
« Nhìn trời mây nước mênh mông
Làng quê san sát phố phường nhấp nhô
Kìa trông mái ngói đỏ tô
Giáo đường sừng sửng vươn cao giữa làng
Xa xa nương rẫy ngút ngàn
Cà, Tiêu cây lá tươi xanh một mầu
Ai về thăm lại xứ Châu
Phải lên núi Chúa, không đâu sánh bằng » (Di Tĩnh Đắc)
Bỗng đâu, đội kèn đồng tấu vang dậy giữa đất trời bài « Hành khúc Kitô Vua » đã dẫn nhập vào thánh lễ. Một giọng nam trầm ấm đã nhã ngôn với lời văn mượt mà, đẹp và long lanh như giọt sương mai trên non ngàn.
“Ngày ấy xa lắm rồi, khi Châu Sơn mới tròn 7 tuổi. Đức cố GM Giuse Trịnh Chính Trực và giáo dân “khai hội đăng sơn”, mở đường lên núi Chúa xây dựng tượng đài Chúa Kito Vua Vũ Trụ trên đỉnh núi này, một đỉnh cao ít dấu chân người và núi rừng còn bạt ngàn sâu thẳm…Thế mà nửa thế kỷ trôi qua, nhanh như giòng nước xa nguồn, thời gian xếp lớp thành kỷ niệm, tháng ngày chồng chất như rêu phong trên từng phiến đá thầm lặng, bỗng đến ngày «rừng núi khoác áo hội, chim muông ngơ ngác nhìn”. 50 năm dừng nghỉ một chặng đường, bản giao hưởng “Thiên đài núi ngọc” vang xa, ngợi ca tình trời, cảm tạ tình đất.
Khởi đi từ mùa hè năm 1963 núi Chúa thành linh sơn thánh địa, đã quy tụ nhiều thế hệ, bao lớp người lên hành hương cầu nguyện, hình ảnh tượng đài Chúa Kito Vua đã in đạm trong tim, chảy hoa trong máu của mỗi người Châu Sơn và bà con giáo dân các vùng lân cận.
Bão tố cuồng phong, mấy mùa khói lửa
Người nối người vui trẩy hội Hông Ân
Hàng hàng lớp lớp hoa nến chen chân
Đây núi Chúa niềm tin và hy vọng….
Hôm nay, dừng chân tại cột mốc 2013, nhìn lại quá khứ với những dấu ấn thời gian in đậm tình yêu phụ tử và sự quan phòng của Thiên Chúa, một chút hoài niệm trong tâm tình tạ ơn ĐỨC VUA VŨ TRỤ và tri ân các bậc tiền nhân.
Trên đỉnh cao núi Ngọc, dưới đôi tay nhan từ của thánh tử chí ái, cái mênh mông của đất trời như nâng hồn lên hướng về vương quốc tình yêu. Nhìn làng quê phố thị xa mờ, thấy cánh đồng “ruộng một bờ xôi” mà thêm lòng tạ ơn Thiên Chúa và mến yêu quê hương xứ sở, vì “quê hương này là nhà chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con người” (Trần Ngọc Hạnh)
Tiếng hát rộn ràng và đầy hân hoan của ca đoàn Thánh Tâm vang lên: “Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên. Chúng tôi vui mừng sung sướng triền miên….” dẫn đưa chúng ta vào thánh lễ tạ ơn Núi Chúa 50 năm.
Cha Gioan chủ tế khơi mào:
“Hôm nay, từ trên Núi Chúa, đã cho chúng ta thấy toàn cảnh Tp một cách hoành tráng. Tất cả mọi người từ già tới trẻ đã không quản gian nan vất vả trèo đồi cheo leo, hy sinh những công việc bề bộn đến với Núi Chúa trong sự nghiêm trang để tỏ lòng kính tôn Chúa Kitô Vua. Tôi mong rằng: chúng ta cũng đừng tục hóa ngày lễ thánh thành lễ hội. Xin các anh 19 toán Tráng niên, trong niềm vui tại các thổ cư cũng đừng lạm dụng ngày lễ để tục lụy quá chén…khiến cho người ngoài có cái nhìn sai lạc và phản cảm với chúng ta là điều không hay. Chúng ta cũng mừng lễ trong trật tự an ninh…để ngày lễ được trọn vẹn”.
Hôm nay chúng ta đến đây để tôn sùng Chúa Kitô Vua, nhưng trong quá vãng, chúng ta đã từng tôn sùng tiền tài, danh vọng…Một lần nữa chúng ta thống hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
Mặc dầu quang cảnh rộng lớn phân tán, từng nhóm ở các góc cạnh, nhưng tâm hồn mọi người đều hướng về lễ đài để Thánh lễ diễn ra trong bầu khí nghiêm trang sốt sắng.
Sau thánh lễ, cha Gioan đã bất ngờ giới thiệu một nhân vật quan trọng hàng đầu trong GPMBT mà từ lúc nãy đến giờ vẫn chưa lộ diện. Đó là Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản. Mọi người hết sức ngạc nhiên và vỗ những tràng pháo tay nồng nhiệt đón chào ngài. Vẫn cái dáng hoạt bát, với con người thân thiện, và bằng giọng Quãng Bình nhẹ nhàng dễ thương, Đức Cha chia sẻ:
Hôm nay tôi rất vui mừng được GX mời lên đây, nhân kỷ niệm 50 năm Núi Chúa. Núi Chúa được xây dựng do ý tưởng của Đức Cha Cố Giuse Trịnh Chính Trực. Nghĩ về Đức Cha, tôi luôn cảm phục, vì ngài là một người có tầm nhìn xa, sâu rộng. Khi còn làm cha sở GX cha đã lo xây dựng Thánh đường, Nhà giáo lý, Nghĩa trang…và một điểm hành hương Núi Chúa để thỏa mạn được nhu cầu tâm linh của giáo dân. Tôi xin chia sẻ với anh em mấy điều như sau:
1. Tôi cảm tạ Chúa đã cho chúng ta một người cha Trịnh Chính Trực nguyên LMQX, có một tầm nhìn lớn.Tôi cũng cám ơn anh chị em GX Châu Sơn, cho dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng luôn gìn giữ bảo tồn, tân tạo lại Núi Chúa, để có được một Tượng đài như ngày hôm nay.
2. 10 giờ mới dâng thánh lễ ở Núi Chúa, tôi nghĩ trời nắng và định đem một chiếc dù thật to để che mưa nắng. Nhưng rồi tôi nghĩ, tại sao mọi người chịu được, mà mình lại không cùng chia sẻ nắng mưa với anh em. Nhưng không ngờ, lên đây có những hàng cây che tỏa bóng mát.
3. Cách đây 2 ngày, tôi thấy trên TV, tổ chức quốc tế các nước du lịch tâm linh đã khuyên ông Bộ trưởng du lịch nước mình: Nước ông muốn cho du lịch bền vững, các ông phải đưa du lịch tâm linh vào. Ông Bộ trưởng hứa: Năm nay VN sẽ tập trung là năm du lịch tâm linh quốc gia. Ngay cả khi anh em làm ăn khó khăn, anh em tìm đến khung trời tâm linh cao thượng sẽ thấy thư thái tâm hồn…
Ở bên Pháp, tháp Effel mỗi năm có 2 triệu khách du lịch, thì nhà nguyện của dòng(?) nọ…cũng có 2 triệu khách và đặc biệt điểm hành hương Đức Mẹ Lộ Đức có đến 6 triệu du khách mỗi năm. Điều đó cho thấy nhu cầu tâm linh rất lớn và cần thiết đối với con người. Tôi tự bảo: Thế bây giờ các ông mới biết ạ! Phải không anh em? (Tiếng vỗ tay vang lên tán đồng).
Anh em có biết tại sao nhà nước lại tạo điều kiện thuận lợi cho điểm Hành hương Thác Mơ Bình Phước không? Vì nó thu hút được khách du lịch đến hành hương Thác Mơ và tiện thể sang điểm du lịch Bà Rá của nhà nước.
4. Chúng ta có quyền mơ ước một ngày nào, Núi Chúa Châu Sơn cũng sẽ là một điểm du lịch tâm linh thu hút 400 ngàn giáo dân GPBMT. Bởi nơi đây có khung cảnh đẹp, nơi thờ tự tôn nghiêm. Tại sao không? (Tiếng vỗ tay rộn rã…). Tôi đang mắc nợ Châu Sơn, vì từ khi về đến nay, tôi mới lên đây được 2 lần, trong khi Đức Mẹ Giang Sơn, có khi mỗi năm tôi lên 8 lần.
Một lần nữa, tôi xin cám ơn quý cha, quý đoàn Tráng niên đã làm nên một điểm hành hương tốt đẹp như thế này.
Sau đó, Cha Antôn cũng được mời ra trình làng trong tiếng vỗ tay của giáo dân chào ngài, trước lúc ông Chủ tịch HĐGX đọc lời cám ơn.
15 đường thánh giá được tiếp nối và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa. Nhưng từ đây mở ra lễ hội ăn mừng 50 năm kỷ niệm Núi Chúa. Lúc này, từ trên lễ đài, đông đúc đoàn người đổ xuống như dòng chảy vào 19 thổ cư.
Và một cuộc liên hoan ngoài trời bắt đầu…Đức Cha Vinh Sơn cũng hết sức bình dị để cùng hòa nhập vào cuộc vui…
« Ai về giáo xứ Châu Sơn mà quên không ghé thăm núi Chúa, tưởng đáng tiếc lắm ru!
Ai lên núi Chúa nhìn cảnh quan hoành tráng công trình xây dựng của Đoàn Tráng niên mà không xao động cảm cảnh, tưởng phải là người vô cảm chẳng?
Ai đứng trên núi Chúa nhìn xuống một miền quê hiền hoà và phong cảnh hữu tình mà không xôn xao một nỗi niềm, tưởng phải là một người vô tâm lắm ư!
Và khi ra về khách hành hương không khỏi tiếc nuối:
Bước chân xuống thấp nghe sao bồi hồi
Chim về tổ ấm núi đồi
Ta về dâu bể cuộc đời trầm thăng
Khi nào rũ hết bụi trần
Ta lên núi Chúa thênh thang cõi lòng” (Di Tĩnh Đắc)
Ghi nhận Châu Sơn choa
Tuyệt vời Châu Sơn. Hy vọng có cơ hội dự một lễ Kitô Vua ở Núi Chúa. Nhìn hình ảnh quá bồi hồi xúc động. Năm nay có cả Chủ chăn giáo phận nữa thì còn gì bằng. Vui hơn nữa khi thấy nguyên cha phó Giuse bình luận. Mong đọc bài cha phó viết. hihihihi
Kính.