Nhân 65 năm ngày thành lập trại Châu Sơn, BBT xin đăng đàn trang Sử thi: CHÂU SƠN, ĐẤT NỞ HOA NHÂN SINH của tác giả Di Tĩnh Đắc là một tác phẩm bằng những vần thơ lục bát, ghi nhận chiều dài lịch sử của người Châu Sơn, kể từ ngày lập trại cho đến ngày nay.
Trong tác phẩm, tác giả Di Tĩnh Đắc đã dựa trên những thời kỳ Quản xứ của quý linh mục chính phó xứ, để vẽ nên một bức tranh toàn cảnh đầy biến động, qua những thăng trầm lịch sử của đất nước, nhưng cũng không quên thêu hoa dệt gấm với những câu thơ lục bát, mô tả tổng thể về một miền quê Châu Sơn với: Làm ăn kinh tế mùa màng, đời sống sinh hoạt xã hội, đời sống văn hoá, đời sống tâm linh…
Đắc biệt có những hình ảnh tư liệu quý hiếm về thời lập trại của người Châu Sơn.
Tất cả được thâu tóm vào tác phẩm sử thi này, để vẽ nên một bức tranh đầy sắc mầu thổ cẩm của một miền quê Tây Nguyên đầy nắng gió…
Tác phẩm dài 710 câu thơ lục bát, chia làm 5 phần:
Phần I : Lịch sử sang trang, Trời mới đất mới
Phần II : Miền quê mới, Một thuở yên vui
Phần III: Quê hương ơi! Trải qua một cuộc bể dâu
Phần IV: Châu Sơn, Một miền quê lớn dậy
Phần V : Một miền quê, Đất nở hoa nhân sinh
SỬ THI,
CHÂU SƠN, ĐẤT NỞ HOA NHÂN SINH
PHẦN I: Lịch sử sang trang, Trời mới đất mới
Dòng đời nước chảy mây trôi
Bể dâu vinh nhục khóc cười vần xoay
Gẫm suy muôn sự tại ai?
Nhân sinh một cõi kiếp người đa đoan
***
Nước Nam chinh chiến bao lần
Giặc Tây đô hộ ngót gần bách niên
Ngờ đâu Cách Mạng vùng lên
Toàn dân kháng chiến Điện Biên lẫy lừng
Mồ chôn giặc Pháp muôn trùng
Việt Minh lên nắm chính quyền trong tay
Ruộng đồng cải cách làm ngay
Đảng toan độc đoán ra tay bạo hành
Đem ra đấu tố dân lành
Nghĩa tình tan tác xóm làng điêu linh
Kiếp người dâu bể cùng đinh
Nhà tan cửa nát gia đình tan hoang
Gặp khi hội nghị hiệp thương (1954)
Geneve hiệp định đôi đường phân ly
***
Triệu người miền Bắc ra đi
Vào Nam tìm chốn đổi đời nương thân
Sông La lịch sử sang trang
Kẻ Tùng, Yên Phú, Đông Tràng, Thọ Ninh
Cùng theo dòng chảy ra Vinh
Ba Lan, tầu Mỹ hành trình vào Nam
Ra đi lòng những mênh mang
Quê cha đất tổ muôn phần luyến lưu
Tre già rủ bóng chiều thu
Người đi kẻ ở lệ sầu chia ly
Ngậm ngùi đành đoạn chia phôi
Câu hò ví dặm buông lời nhắn đưa
Đừng quên quê cũ làng xưa
Nhớ về Hà Tĩnh quê nhà người ơi
***
Một chiều bến cảng đổi đời
Xuân Trường lều bạt tạm thời dừng chân
Bơ vơ giữa chốn Sài Thành
Phồn hoa đô thị vẫn đang ngẩn ngơ
Đường đời còn lắm nỗi lo
Tháng ngày trôi nổi đợi chờ định cư
Cuộc đời như lá mùa thu
Vèo trôi gió thoảng về đâu phận người
Ngược ra Mương Mán tạm thời
Ruộng đồng cằn cỗi đông người nương thân
Đang khi lòng những phân vân
Có người mách bảo lên miền Cao nguyên
***
Sau đêm bàn tính thiệt hơn
Bàn đi tính lại chỉ còn liều thân
Các ông Hiển, Thận, Cầm, Mân
Bốn người tình nguyện ngược miền Ban Mê
Bước đầu còn lắm nhiêu khê
Thăm dò thực địa tưởng về tay không
Cha Khai giới thiệu lại dòng
Châu Sơn khổ hạnh là dòng Xi Tô
Nhà dòng đồng ý nhường cho
Ruộng đồng nằm giữa quanh co lối vào
Cao nguyên đồi núi hoang sơ
Đàn chim bay tới miền cao đại ngàn
Suối reo lau lách xanh rờn
Thắm màu đất đỏ vẫn còn nguyên sinh
Bốn người khấp khởi trong mình
Quay về Mương Mán báo tin mọi người
Dân làng phấn khởi mừng vui
Họp hành bàn tính chuyển dời lên mau
***
Đợt đầu tháng tám mùa Thu (08.1955)
Nhằm ngày hai sáu định cư chốn này
Đất lành chim đậu sum vầy
Muôn người Nghệ Tĩnh về đây quây quần
Dân làng nối kết tình thân
Mới lên lều trại ngỗn ngang bộn bề
Mọi người hăng hái chẳng nề
Chặt cây đốn gỗ đem về trại trang
Buổi đầu vạn sự khởi nan
Dựng xây giáo xứ đồng tâm chung lòng
Thủ tục lập trại ông Phong
Giấy tờ hành chính lo xong tên làng
Đầu tiên tên gọi Thọ Tràng
Tên làng ghép bởi Đông Tràng Thọ Ninh
Cùng chung một giáo phận Vinh
Chung niềm nắng ấm tâm linh chan hoà
***
Vừa vào cấp phát dư thừa
Lương thực gạo thóc cũng vừa một gian
Cuộc đời no ấm bình an
Định cư ban mới ruộng vườn phân ranh
Các ông Trị, Quảng, Tuệ, Mân
Hai thầy Sâm, Thể đồng tâm cùng làm
Chỉ đường xe ủi thẳng băng
Thổ cư đường sá dọc ngang thẳng hàng
Phân chia giáo họ rõ ràng
Xóm ngoài chiếm cứ đầu làng Thọ Ninh
Nắng mai ngời sáng lung linh
Trải dài vào tận làng mình xóm trong
Nối liền ba họ đồng hương
Đông Tràng, Yên phú, Kẻ Tùng sát nhau
Trong ngoài cách bởi chiếc cầu
Về sau ông Tuệ là cầu gọi tên
Cửa nhà kèo cột dựng lên
Mái tranh vách đất nứa phên tạm thời
Ngô khoai lúa tốt xanh tươi
Được mùa giáo xứ yên vui mọi nhà
Gặp khi mưa nắng thuận hoà
Mọi người hăm hở được đà khai hoang
Nương đồi bờ cõi mở mang
Rẫy Chung, Mă Ngạc, Nhà Vàng lan nhanh
Ruộng bà Lan, (bà) Hạnh tốt xanh
Cơm no áo ấm yên lành giáo dân
Lúc này Tổng thống về thăm (1957)
Ban lời phủ dụ trấn an dân làng
***
Bây giờ đến việc tinh thần
Cha Trương Cao Khẩn trình dâng Giám toà
KonTum Giám Mục những là
Bài sai Linh mục Đăng Khoa về làng (1956)
(GB Nguyễn Đăng Khoa)
Con người mảnh dẻ hiền lành
Nói năng nhỏ nhẹ Quảng Bình tình thân
Bước đầu khởi sự gian nan
Việc đời việc đạo muôn vàn khó khăn
May mà phụ tá cha Bân (1957)
(Phê Rô Nguyễn Văn Bân)
Sau về giúp xứ hai năm gần tròn
Thổ cư định vị vừa xong
Nhà thờ gỗ ván thưng vòng theo sau
Giáo dân kinh nguyện sớm chiều
Nghĩa trang cũng được ưu tư lập thành (1957)
Nhà trường Tiến Đức nghèo nàn
Ban đầu phên nứa mái tranh ba phòng
Sau ra vườn trẻ mái tôn
Cho đàn con trẻ xóm trong học hành
Dựng xây nền móng hoàn thành
Cha Khoa rời khỏi Châu Sơn một chiều
Ngài đi giáo xứ buồn ru
Cha Bân Hiệu trưởng vô tư mặc lòng
Con người bình dị khiêm nhường
Sống đời thánh thiện giữa dòng đời trôi
***
Đầu xuân năm chín (1959) bài sai
Có cha Trí Thức được sai về làng
(GB Nguyễn Trí Thức)
Con người tên gọi xứng danh
Học hành uyên bác soạn thành sách, chương
Diễn ca, Thánh hoá đại cương
Quan tâm giới trẻ tâm hồn, đức tin
Lập đoàn Thánh Thể Nghĩa Binh
Thiếu nhi Chim (non) Trúc (non) phân minh hai đoàn
Bài ca mến Chúa soạn thành
Tập cho giới trẻ xóm làng hát ca
Sáu mươi cha xứ chia xa (1960)
Mọi người tiếc nuối xót xa tiễn ngài
Di Tĩnh Đắc
Hình Cha Trương Cao Khẩn
Hình ảnh Ban Dịnh Cư các cố ông: Trần Hiển – Lưu Cầm – Trần Duy Thận – Trần Mân – Nguyễn Tuệ – Trần Văn Trị – Nguyễn Văn Lan – Nguyễn Văn Hoa – Đậu Quang Tín – Trần Ngọc Phong.