Lời trần tình gửi thầy Bùi Văn Tuyên – Nhân 35 năm, ngày thầy đi xa…
tienducchauson
23/10/2021
Diễn Đàn Bạn Đọc
1,159 Views
Thầy thân mến,
Sau cái năm lớp Nhất đó, thầy trò chúng ta đều rời mái trường Tiến Đức, để mỗi người đi vào những lối rẽ riêng. Chúng em ra thị xã học đệ nhị cấp, còn thầy thì đi làm thông dịch viên, sau sang quân đội…rồi về làm Xã trưởng, Chủ tịch hội đồng giáo xứ…Những nẻo đường thầy chọn đi, chắc không ít chông gai của đường đời ấy, mà dường như thời gian đó, chúng em mải mê học hành để không hề hay biết. Vì không mấy khi thầy trò chúng ta gặp được nhau để hàn huyên tâm sự.
Cuộc sống trôi đi của dòng chảy vô thường…
Phải đợi đến 75, khi miền Nam tan đàn sẻ nghé, để mọi người từ khắp mọi nẻo đường đất nước quy hồi cố hương, chúng ta mới có dịp gặp gỡ nhau. Nhưng rồi cuộc sống tất bật khó khăn và nặng mùi bầu khí đe dọa của thời cuộc, khiến thầy trò chúng ta cũng chẳng mấy khi gặp lại nhau.
Cho dầu cuộc sống có khó khăn, có trắc trở đến mấy, nhưng những lần gặp thầy, bao giờ thầy cũng nở nụ cười nhẹ nhàng, nhưng không kém phần duyên dáng trên khuôn mặt niềm nở tươi vui: Kính đó ạ! Sao, dịp này có gì mới không? Vẫn bình thường vậy thôi thầy ạ! Có sáng tác nào mới không? Bây giờ lùi đầu vào rẫy nương còn đâu mà sáng tác và tối tác nữa hở thầy. Thôi thì, gặp thời thế, thế thời phải thế Kính ạ!
Phải nói, trong cuộc sống, em học ở thầy rất nhiều. Khi còn đi học ở cấp Tiểu học, là người thầy, nhưng em thấy cung cách thầy khác hẳn những người thầy khác. Dù là một ông thầy giáo trường làng, con người thầy vẫn toát ra cái chất nghệ sĩ, dù rằng áo quần thầy vẫn tươm tất và nghiêm chỉnh. Có lẽ, cái chất nghệ sĩ biểu hiện qua ánh mắt và nụ cười của thầy. Bởi nhìn thầy, người ta như bị thu hút ngay với nụ cười xởi lởi đầy thân ái…Ánh mắt của thầy trìu mến và thân thương chi lạ!!
Ngoài ra, cách giao tiếp của thầy hết sức nhã nhặn, lịch thiệp vừa đủ để cho cái tình thân nhen nhóm vào đó, mà không mất đi cái hòa nhã đời thường. Con người thầy, dáng vóc vốn đã “mình hạc xương mai”như một thiếu nữ, thì khuôn mặt thầy lại càng khả ái hơn. Hèn chi mỗi khi thầy hóa thân vào một cô thôn nữ: Răng mà em hằn rầy a ri…thì không chê vào đâu được. Vai diễn của thầy đã “để đời” và đã trở thành thương hiệu vào thời đó. Không ai có thể nhập vai hơn thầy được.
Trông người thầy nhỏ dẻ là thế, vậy mà cái “đô” của thầy, khi đóng vai diễn nữ, tìm cho ra khổ đo vừa người thầy cũng không phải là dễ. Chạy đôn đáo mới tìm mượn được áo quần của cô Tân (Mân) là to nhất làng. Hồi đó, O Tân Mân nhà ta người đẫy đà và có cái bộ ngực đồ sộ “khủng”, không kém nữ diễn viên B.B Brigitte Bardot nổi tiếng ở Pháp là bao.
Mà đúng là thầy có cái chất nghệ sĩ tiềm tàng trong người, để khi hóa thân nhập vai, thầy diễn một cách hết sức xuất thần tự nhiên, khiến khán giả không nghĩ thầy diễn nữa. Chẳng những thế, thầy còn là đạo diễn cho chúng em trong vở kịch “Ngày về nương bóng Chúa”. Một vở kịch ngâm thơ lục bát theo âm hưởng dân ca Quãng Bình. Nội dung rất kịch tính và đầy ý nghĩa. Kể ra, thầy trò ta cũng khá liều lĩnh để dám diễn vở kịch thơ, khi bọn em chỉ mới 12, 13 tuổi…Kịch thơ, bản chất nó chứa đầy tính nghệ thuật sân khấu cao, lại rất kén người xem.
Vở diễn đó đã gây được tiếng vang trong lòng mọi người dân ta thời đó. Đến nỗi, sau đó, em đi đâu cũng bị gọi là “tên VC gian ác”. Có lẽ đó là dấu ấn lớn nhất của lớp chúng em thời đó, mà thầy là người có công dẫn dắt và đạo diễn, để diễn vở đó thành công tốt đẹp hơn lòng mong đợi.
Phải nói, thầy Tuyên trình độ văn hóa không mấy cao, nhưng kiến thức về văn hóa nghệ thuật, thầy có tầm nhìn khái quát cao. Anh văn, thầy cũng đủ sức để làm thông ngôn. Viết lách thầy cũng chải chuốt văn hoa. Âm nhạc, điện ảnh, diễn viên, hội họa… thầy khá am tường. Thầy làm MC cũng đầy lời lẽ văn vẻ, và dẫn đưa câu chuyện rất tinh tế và khéo léo…
Gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp của thầy trò mình một thời…Nhưng cũng không xóa nhòa được cái thời hậu chiến, khi hai thầy trò ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, với muôn vàn bức bối của một cuộc đổi đời không ai mong muốn.
Ngã rẽ cuộc đời sau 75, khi các trò thì bị lùa như bầy đàn vào nông trường đào đất, đắp đập, khai kênh mương thủy lợi…thì Thầy phải vai ba lô, để ngậm ngùi giã từ vợ con trong nước mắt sụt sùi của người thiếu nữ, tuổi đời hãy còn xuân xanh…khi biết mình ra đi cải tạo, một chốn mà hứa hẹn dữ nhiều hơn lành, với bao viễn cảnh bức bách đầy khổ hận đau thương là khó tránh khỏi.
Ngày đó, khi thầy ra đi rồi, để lại vợ dại con thơ, bơ vơ giữa một trời dâu bể muôn vàn truân chuyên và nhục nhằn của cuộc sống, mà không bút sách nào có thể tả siết. Và có lẽ, trong trại cải tạo thầy cũng đã đong hết bao nhiêu nỗi đắng cay tủi hờn của thân phận một tên tù tội khi một đất nước thất trận và thua cuộc.
Ngày về, thầy lại nhẫn nhục để làm một phó thường dân Nam bộ…trong “thế thời phải thế” của hiện trạng áp bức “đá đằn trên cỏ”. Để ngày ngày cùng với vợ lên rẫy nương…bình dị như một người nông dân.
Tháng ngày lặng lẽ trôi đi trong sự nhục nhằn, nhưng rồi hữu xạ tự nhiên hương, thầy được mọi người thương mến, rồi được bầu lên làm thôn trưởng…Nhưng chính cái ngôi vị này đã đưa anh đến sự yểu mệnh sau này…
Thời thế những năm 85 cũng đã bớt đi những căng thẳng giữa người dân và chính quyền. Điều đó đã tạo điều kiện cho nhóm thân hữu chúng em, những người “bất phùng thời” như: Huân, Hạnh, Trọng, Kỳ, Kính, Tiến, Liên, Dũng, Lập, Hồng… có dịp ngồi lại hàn huyên tán chuyện rôm rã với nhau. Phải nói thầy Tuyên nhà ta xứng đáng là cánh chim đầu đàn của nhóm, từ phong cách nói chuyện lôi cuốn đến sự tinh tế trong cách ứng xử với mọi người. Điều cấm kỵ nhất đối với thầy là, chuyện chính trị, chuyện bình luận xuyên tạc cán bộ…Cũng phải thôi, vì thầy mới cải tạo về mà lị!!!
Nhìn con người thầy nhũn nhặn là vậy, nhưng khi cần phải thẳng thắn rạch ròi thì thầy cũng không chừa ai đâu. Nhớ lần khi thầy làm ban thôn, có tổ chức đêm văn nghệ mừng xuân. Thầy nhờ em góp tay đệm đàn. Điều này dường như là một sự thách thức và qua mặt “đức ngài”, vốn thường đứng ra tổ chức văn nghệ trong GX. Trước đêm văn nghệ, thầy bị “đức ngài” trù dập gây khó dễ. Thầy thẳng thắn trả lời với “đức ngài”: chẳng lẽ, cha muốn con khi nào cũng xông hương cha như một pho tượng đồng chăng? Cha không sợ sự xông hương “xu nịnh” sẽ làm tượng đồng bị nám đen hay sao? Cuộc hiệp thương giữa hai bên không xong. Sau đó, cha gọi em vào để “khủng bố”. Trước khi vào, thầy dặn em thế này thế kia cho êm đẹp. Đức ngài vòng vo tam quốc một lúc rồi chỉ ra những khuyết điểm của em…Mục đích là để em không hợp tác đêm văn nghệ cho vỡ trận…Em cũng không vừa: Nếu để vạch lá tìm sâu như cha, con có thể viết một quyển sách dày về cha. Ngài tỏ ra sững sờ, trước sự phản kháng mạnh mẽ của em. Em bỏ ra khỏi phòng trước sự ngỡ ngàng của cha.
Đêm văn nghệ sau đó, vẫn diễn ra một cách bình thường…
Sau này em với thầy vẫn tâm đầu ý hợp với nhau trong những câu chuyện thời thế và xã hội…Nhưng thời gian đã không cho phép kéo dài được lâu nữa rồi!
Thầy đột ngột ra đi sau một cơn bạo bệnh, giống như bị bức tử, vì áp lực công việc Hợp tác xã rất rối ren vào lúc giao thời đó.
Thầy ra đi vào cái tuổi 43, quả yểu mệnh, khi chưa đi đến nửa đường đời…
Phải nói, cái chết của thầy được mọi người mến thương và tiếc nhớ lắm!
Vào năm 1986, một đám tang dài rồng rắn, có kỷ lục người đưa tang trải dài từ nhà thờ cho đến cổng nghĩa trang. Ngay cả đến bây giờ, con số giáo dân trong GX tăng gấp đôi, cũng chưa mấy đám tang phá được kỷ lục: có số lượng người đưa tang đông như thế!
Thầy được người làng yêu thương bao nhiêu, thì dường như nỗi đau thương lại đổ ập lên gia đình thầy bấy nhiêu. Cái chết của thầy, chính là “thảm họa” cho gia đình thầy vậy. Bởi thầy chính là chỗ dựa duy nhất cho gia đình…Nay cột trụ đó đã bị gãy đổ đã kéo theo bao hệ lụy.
Vợ thầy, ”tóc nàng hãy còn xanh…”. Và rồi những đứa con của thầy: “có em chưa biết nói…”. Thậm chí là có đứa con còn đang được cưu mang trong chị. Có những đứa con hãy còn quá non nớt để chưa biết hết nỗi khốn khổ của sự mô côi cha, để rồi sau đó, chị em đã phải tự ôm ấp lấy nhau và nương tựa vào người mẹ ốm yếu, thì đong đầy biết bao nhiêu khổ đau cho vừa đây!!??
Cảm cảnh cho cái chết của thầy, em đã viết bài hát: “Niệm khúc cuối cho anh”
“Anh ra đi có người vợ hiền nhớ thương. Anh ra đi có người mẹ già nhớ mong. Ra đi khi đàn con còn thơ dại. Anh ra đi những người bạn nhắc tên anh. Anh ra đi khung trời này vắng bóng anh”. Bài hát này cũng gây xúc động cho nhiều người tham dự đọc kinh tuần 7 vào thời đó.
Những ngày tháng sau đó, người ta thấy một góa phụ yểu lã đi làm rẫy, và leo đẻo theo sau là đứa con gái vác chiếc cuốc còn dài hơn người…thì truân chuyên đo biết mấy cho vừa. Rồi những đứa con anh cũng được nuôi lớn dậy với những tháng ngày vun trồng cà phê, những đêm thức trắng trên nương rẫy để tưới tắm…Rồi cũng theo nhà làng mật mía che chảo…mà mật mía đong được bao ngọt bùi mà nỗi đắng cay và cơ cực cả một trời đong không hết…
Cuộc đời đi qua những giông bão tơi bời đó, đã khiến cho chị phải lâm bạo bệnh, và ngày theo thầy đã không còn xa nữa rồi!?? Để rồi, cuối cùng đàn con lại mồ côi đến lần thứ hai, thì đau thương biết là dường nào hả thầy, thầy có thấu chăng thầy??
Nhưng cũng may còn có Chúa đoái thương, để bây giờ con cái thầy cũng đã cây cao bóng dài. Cây khế mà gia đình thầy trồng năm xưa với muôn vàn khổ đau, bỗng đâu giờ đây, có con quạ đến ăn và bảo: “ăn một quả trả ngàn vàng, may túi ba gang đem mà đựng”.
Hóa ra, những khổ đau đường đời của vợ con của thầy đã được Chúa trả công bội hậu, để cho con cái thầy lúc này, được hưởng hạnh phúc sung sướng với thiên đàng trần gian Mỹ quốc!!!
Thôi nhé thầy! Thế là những lời trần tình em viết về thầy đã có bến đỗ…để những lời này có thể hạ cánh an toàn, khi nhìn thấy những đứa con của thầy mạn nguyện trong cuộc sống. Thế là vui rồi phải không thầy!
Cầu chúc thầy ở chốn ấy, được hưởng trọn niềm vui tràn ngập trong ân sủng và bình an của Chúa Kitô. Amen!!!
Một người học trò của thầy năm xưa…
Nguyễn Văn Kính – học sinh lớp 65 trường Tiến Đức.