Lễ Vu Lan của Phật Giáo
Và đạo hiếu của người phương Tây
Dường như dân tộc nào trên thế giới cũng thế, người ta đều đề cao lòng thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ, của hậu bối đối với tiên tổ. Nhưng dường như chỉ có dân tộc Việt Nam mới đưa lòng hiếu thảo lên thành lý tưởng mang màu sắc tôn giáo, trong đó, đạo hiếu không bị chối bỏ và qua đó, người Việt Nam đã xây dựng một đạo làm nền cho tín ngưỡng và phong tục của mình, đó là đạo hiếu.
Ở phương Tây, không có tục thờ tổ tiên, không có bàn thờ tổ tiên trong nhà, chữ hiếu cũng không được nâng lên thành “đạo”, nhưng không vì thế mà không có ngày dành riêng để nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ. Bằng chứng là họ có ngày (Mother’s day) vào ngày Chúa Nhật tuần thứ hai trong tháng 5, và ngày dành cho cha (father’s day) là ngày chúa nhật tuần thứ ba trong tháng 6.
Ngoài ra, tháng mười một vẫn là tháng dành riêng để cầu nguyện cho những người đã qua đời, và được coi là mùa Vu Lan báo hiếu của người phương Tây
Theo giáo lý nhà Phật, lễ Vu Lan là ngày hội cho những người con báo hiếu. Tại Việt Nam, vào ngày rằm tháng bảy hàng năm, nhiều người từ khắp muôn nơi đến lễ ở các Chùa như là ngày hội của việc báo hiếu. Tiếng chuông chùa như thúc giục mỗi tín đồ đến quỳ lạy trước Phật đài, với tất cả lòng thành kính cầu xin từ bi của Tam Bảo cứu độ cho ông bà cha mẹ được giải thoát. Thường thì nhìn những bông hoa cài trên áo mỗi người, ta có thể nhận biết được gia cảnh của mỗi người con: bông hồng tượng trưng cho mẹ, giải nơ tượng trưng cho cha. Họ đứng xếp thành bốn dãy trong lễ đường theo hoàn cảnh của mình: dãy cha mẹ vẫn còn với hoa Hồng nơ xanh; mẹ còn cha mất: hoa hồng nơ trắng; mẹ mất cha còn: hoa trắng nơ xanh; mẹ cha không còn: hoa trắng, nơ trắng…
Điều đặc biệt là mùa tháng bảy Vu Lan, rất nhiều người ăn chay trọn tháng, để gọi là báo hiếu ông bà cha mẹ. Những ngôi Chùa quen thuộc trở thành nơi hội tụ của mọi người đốt hương cầu cho ông bà cha mẹ đã khuất cũng như còn sống.
Với Phật tử, đạo làm con đối với cha mẹ là nghĩa vụ của cả một đời, nghĩa sinh thành phải trả xong.
Với người tín hữu Công giáo, phụng dưỡng thảo kính cha mẹ là một trong 10 giới răn Chúa Giêsu truyền dạy. Ngài đã chẳng nói : “Thiên Chúa dạy: ‘Ngươi hãy thảo kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử’. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thảo kính cha mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ Lời Thiên Chúa” (Mt 15, 4- 6) sao?. Nói về nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, sách Huấn Ca chỉ rõ: “Thiên Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con…. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà của con cái bền vững, lời nguyền rủa của mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. …. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, phải bị Thiên Chúa nguyền rủa.” (Hc. 3,1-16).
Ngọt ngào lắm những lời ru của mẹ bằng lời ca dao : “Chim xa rừng còn thương nhớ cội. Người xa người tội lắm người ơi”! Sự hy sinh của mẹ cha thầm lặng, nhưng sâu thẳm, có biết chăng bao nhiêu thứ cha mẹ đã phải hy sinh chỉ để cho con có được những điều tốt đẹp nhất, mà mãi sau này người con mới hiểu.
Ðạo hiếu đã thấm sâu vào lòng người Việt Nam, đến nỗi mọi việc hệ trọng trong gia đình cũng không thể không có sự hiện diện của cha của mẹ, khi buồn hay cả những khi vui, cha mẹ vẫn là những người chia sẻ với con nhiều nhất. Báo hiếu đâu chỉ dừng lại ở nhang đèn kính nhớ trong những ngày lễ giỗ, mà còn dạy con cái báo hiếu ngay khi cha mẹ còn sống : thăm nom sớm hôm, chăm sóc miếng ăn, nước uống lúc tuổi chiều xế bóng.
Báo hiếu đâu chỉ thể hiện bằng một món quà gửi tặng mẹ cha, hoặc những cánh thư thăm hỏi, và cũng không chỉ là những ngày thắp nhang kính nhớ. Báo hiếu đó là cả cuộc đời, cả một tấm lòng của người con với cha mẹ, đó chính là đạo làm con.
Đã có không ít những người con, vì lý do tất bật chiều hôm lo cơm kiếm áo, hay vì một lý do nào đó, đưa cha mẹ vào trong trại dưỡng lão: đa số người Việt, đặc biệt ở Việt Nam, không coi đó là điều đúng với “Hiếu Ðạo”. Tiếng chê trách vẫn còn đó: “Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày”, hay “Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày”. Tôi đã có dịp ghé thăm rất nhiều nhà dưỡng lão ở Pháp: một thực tế phũ phàng khi chứng kiến những giọt nước mắt tủi hờn của các cụ ông cụ bà lớn tuổi được con cái đưa vào viện dưỡng lão với lý do cha mẹ của họ sẽ được chăm sóc tốt hơn, phòng ốc sạch sẽ, tiện nghi đầy đủ hơn, phương tiện y tế hoàn hảo, y tá, hộ lý trực ngày đêm…; nhưng không, họ không cần những tiện nghi đó! Họ cần được thăm hỏi, cần được thấy mặt con cháu, họ cần được nghe tiếng “ba”, tiếng “mẹ”, “bà nội”, “bà ngoại”… hơn là những tiện nghi hiện đại sẵn có và những bàn tay gần như vô cảm săn sóc họ mỗi ngày làm công việc bổn phận của mình mỗi ngày và hưởng lương, họ khóc vì cảm giác bị bỏ rơi, vì con cháu họ do bận vướng công việc ở xa, quá lắm mỗi năm chỉ ghé thăm một đôi lần.…
Với cha mẹ còn sống thì thế. Còn với ông bà cha mẹ đã khuất thì sao?
Tôi đã tham dự 5 – 7 đám tang người công giáo ở Pháp và cảm thấy mủi lòng cho thân phận làm người : gia đình có người thân qua đời, họ như cố giấu được chừng nào hay chừng đó, kể cả với xóm giềng; xác người thân không đưa về quàn tại nhà riêng mà giao khoán hết cả cho dịch vụ công cộng, không có lễ an táng, chẳng có đọc kinh, không bàn thờ, không nhang khói,…; đám tang trông thật giản dị, không chiêng trống, không ai mang khăn tang, chẳng hề nghe một tiếng khóc, chỉ vài ba chục người thân đưa tiễn ra nghĩa trang, cứ như là đám tang của một em bé mới sinh bên mình vậy. Cũng một kiếp người mà nơi này nơi kia khác hẳn nhau. Biết làm sao được, bởi lẽ đó là nét văn hoá riêng của mỗi vùng, mỗi dân tộc.
Người ta vẫn nói phần lớn người công giáo ở các nước phương Tây chỉ tham dự thánh lễ 03 lần trong đời là Rửa Tội, Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức. Tuy nhiên, dù không có bàn thờ tổ tiên trang nhà, di ảnh cũng chỉ được treo một nơi nào đó trên tường nhà như muốn giữ lại hình ảnh người thân, nhưng mồ mả tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân dường như vẫn có một chỗ đứng nào đó trong tâm thức của họ: hoàn toàn không có các lễ giỗ như bên Việt Nam, nhưng ngày qua đời của người thân, những ngày tháng 11 vẫn được họ dành riêng để tưởng nhớ, để “cầu nguyện” cho những người thân đã khuất; và trong những ngày này, mộ phần người thân (mà hầu hết có đặt thánh giá trên bia mộ, vì có đến 95% người Pháp nhận mình là công giáo) được vệ sinh lau chùi sạch sẽ, hoa tươi được thân nhân còn sống mang vào nghĩa trang phủ đầy các ngôi mộ.
Chưa có dịp tham dự đám tang ở những nước Châu Âu khác, nhưng vào thăm các nghĩa trang và tìm hiểu, được biết gần như không có sự khác biệt trong tâm thức của người sống đối với thân nhân đã qua đời ở các nước phương Tây. Tôi cũng chưa hề nghe nói đến thánh lễ tại Nghĩa Trang để cầu cho các tín hữu đã qua đời ngày 2 tháng 11 như ở Việt Nam, dù nhiều người vẫn biết đó là ngày lễ kính nhớ và cầu nguyện cho Các Đẳng Linh Hồn, nhưng một điều chắc chắn là tháng 11 vẫn được coi là mùa Vu Lan báo hiếu của họ.
Ai sinh ra làm người, nếu không từ giã cuộc đời quá sớm, đều phải chứng kiến cái chết của những người thân yêu của mình. Là người Công giáo mang trong mình dòng máu Việt Nam, nếu người Việt Nam đặt chữ hiếu lên hàng đầu, thì người Công giáo Việt Nam lại càng phải sống trọn vẹn nghĩa đạo hiếu. Hiếu thảo là trách nhiệm không thể thiếu của người Công giáo, và tháng 11, tháng kính nhớ các đẳng linh hồn là dịp để ta ý thức lại bổn phận thảo hiếu của mình, và sự ý thức này đặt trên nền tảng của giới luật Thiên Chúa ban. Còn nhớ những bạn học và nhiều đồng nghiệp của tôi cho rằng người Công giáo quên mất nguồn cội và không biết kính nhớ những người đã khuất.
Bởi vậy, những dòng chữ mạo muội tìm hiểu về ngày Vu Lan này cũng chỉ nhằm mục đích cùng giúp hiểu thêm những gì đã và đang ăn sâu trong lòng người Việt Nam hôm nay, với ước mong trong tháng kính nhớ tổ tiên của người Công Giáo, khi mùa báo hiếu lại về, đạo hiếu không bị chối bỏ hoặc bị đặt qua một bên bỏi nó làm nền tảng cho niềm tin và phong tục của người Việt mình.
Trần Văn Hiền
Tháng kính nhớ các đẳng linh hồn 2013.
Đây là một bài viết nên đọc, vì tác giả cho chúng ta thấy được góc cạnh của hai nền văn minh Âu Á về hiếu đạo, để chúng ta biết được sự khác biệt của hai bên
Thiên luong