Cuộc đời con người ta thật ngắn ngủi, mới vừa sinh ra đã khóc oa oa…Đời người như “bóng câu qua cửa…”, thoắt chốc đã đến ngày nằm xuống để người thân khóc thương tiếc nuối: anh hỡi, anh hôi…
Bốn chữ gói trọn đời người của vòng Kim cô: Sinh – Lão – Bệnh – Tử đố ai mà thoát khỏi cái nợ nhân sinh này, kể cả các bậc thánh nhân siêu quần như Đức Chúa, Phật Thích Ca Mâu Ni…đến Mahomet đạo Hồi cũng đều tỏi cả.
Cố nhạc sĩ Y Vân lại rút ngắn đời người bằng bài hát: 60 năm cuộc đời, chia làm 3 giai đoạn: 20 năm đầu sung sướng không bao lâu, 20 năm sau sầu cao vời vợi, 20 năm cuối là bao…
Quả đúng như Đức Phật nói: Đời là bể khổ. Thánh vịnh cũng đã xác lập: Đời sống con người chóng qua như cỏ cây… Sách Giảng viên phũ phàng viết: “Phù vân nối tiếp phù vân. Thế gian tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,1). Nhà thơ cổ điển: Nguyễn Gia Thiều ngậm ngùi để viết một câu rất chí lý: “Trăm năm còn có gì đâu? Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Xem ra, thật hỡi ơi! Thân phận con người được sinh ra trên đời với bao nghiệt ngã đắng cay để rồi trắng tay ra đi.
Ngẫm nghĩ cuộc đời: 20 năm đầu cha mẹ sinh thành dưỡng dục chăm nuôi bú mớn, lo cho con ăn học…Đến khi trưởng thành lập gia đình “sung sướng không bao lâu”, sau đó phải lao đầu vào cày ải tất bật vất vả với nợ cơm áo gạo tiền. Đến khi gầy dựng được cửa nhà, danh vọng, tiền tài có của ăn của để…thì lại cho con cái ăn học để không thua chúng kém bạn…Rồi khi con cái trưởng thành, lại lo lập thất cho chúng có nhà cao cửa rộng…Cái vòng luẩn quẩn này, Karl Max cho rằng: “con người bị vong thân kinh tế”.
Đến khi “nhìn lại mình, đời đã xanh rêu..” như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết. Những tưởng đến tuổi “ngũ thập niên tri thiên mệnh” hay qua đến “ tuổi lục thập nhĩ thuận” thì nợ tang bồng trắng trắng vỗ tay reo để an hưởng tuổi già với thú điền viên vui tuế nguyệt, như để bù lại cho những năm tháng cuộc đời khổ ải thì, bỗng đâu, hỡi ơi!!!
Một thân xác bị đọa đày khổ ải hơn nửa đời người, làm sao mà tránh khỏi ủ bệnh bấy lâu nay?? Triệu chứng kém ăn, da bủng, mắt vàng, bụng trướng…Đi khám bệnh viện Tỉnh báo cho biết bị bệnh nan y, nửa tin nửa ngờ, bèn lên gấp Sài Gòn khám cho chắc ăn…
Thôi rồi một đóa trà mi!!!(ND) Bác sỹ rỉ tai cho người nhà: bác nhà bị ung thư di căn rồi! về nhà bác thích gì thì cứ chiều cho ăn uống thoải mái. (Ngã bệnh rồi thì sức đếch đâu mà ăn với uống cơ chứ!). Lâu lắm là một năm, còn không thì 6 tháng là đứt bóng. Bệnh này vô phương cứu chữa. Người nhà cầm bệnh án giấu kín, rồi nín khe không cho bệnh nhân biết. Chỉ trả lời qua quýt: bệnh người già ấy mà…Về nhà bồi dưỡng là khỏe thôi.
Chỉ đến khi người bệnh thấy phải đi xạ trị, hóa trị thì cũng đoán là mình đã bị ung thư rồi, chẳng sống được lâu nữa. Thế là người nhà chạy đôn chạy đáo, đưa đi khấn hết cha Long, rồi đến cha Diệp. Lúc này ai bày cho thầy nào, thuốc nào cũng đều tìm đến… Đúng là kẻ có bệnh thì vái tám phương. Con người ta khi đối diện với cái chết thì ra sức vùng vẫy để được cứu sống.
Cuối cùng rồi cũng trắng tay ra đi…Người nhà bèn phải đăng ký xe giường nằm “độc khách hành” với Giáo họ. Thôi thì đành phải ngậm ngùi để giã từ người thân để hai tay buông xuôi, che lấy “của quý” rồi thẳng tiến ra nghĩa trang giáo xứ với câu khẩu hiệu: “an nghỉ nơi đây, chờ ngày sống lại…”.
Đúng là hết thầy hết thuốc, bó tay với liệu pháp hóa trị, xạ trị thì, chỉ còn Giáo họ trị nữa là xong phim mà thôi…
Thương thay kiếp phận con người
Trần gian một thoáng cuộc đời mây trôi
Ra đi tay trắng buông xuôi
Thôi thì thôi thế phận người đành thôi
Nguyễn Vĩnh Căn