CỦA CHO KHÔNG BẰNG CÁCH CHO!!!

Trong những lúc trà dư tửu hậu, tôi và ông bạn lão niên thường tranh luận ba xàm ba láp để thi vị hoá cái tuổi già vô vị, đang dần trôi đi trong sự nhàm chán của mọi ngày như mọi ngày.

Nói là chuyện ba xàm ba láp, vậy chứ cũng có khi nghiêm túc và cũng có khi quyết liệt ăn thua đủ, giận nhau bỏ về chứ chẳng phải tám chuyện vớ vẩn chim trời mây nước đâu…

Đang ngồi thơ thẩn thẫn thờ, như chưa tìm ra được đề tài để tranh luận, thì bỗng đâu một bà lão đi vào quán chào mời mua vé số…Thấy thân già tội nghiệp, tôi rút mấy đồng tiền lẻ vừa đúng một vé số cho bà. Bà lão xua tay, rồi bỏ đi một cách giận dỗi. Ông bạn bảo, ông làm như thế là xúc phạm bà ta rồi. Sao lại xúc phạm? Người ta đi bán vé số chứ có đi xin đâu. Ông cho bà ta như thế có phải là khinh dễ bà ta không? Nghe vậy, tôi đuổi theo bà và xin lỗi, rồi mua cho bà 5 tờ vé số. Bà lão vui vẻ ra mặt và cám ơn rối rít….Kể ra, để chuộc lại cái lòng tốt nửa vời mà phải mất tiền 5 tờ vé số, nghĩ cũng hơi bị oan, nhưng nghĩ lại, được một bài học quý giá, tưởng cũng rẻ chán!!!

– Phải chi lúc nãy ông mua một tấm vé rồi tặng bà ta, bà ta sẽ cầm tấm vé và cám ơn ông rối rít cho xem. Chính lòng thương xót nửa vời của ông đã làm tổn hại lòng tự trọng của bà ta, vì đã cho không phải cách. Cha ông ta đã chẳng nói: của cho không bằng cách cho là thế đấy!!

Quả vậy. Tôi đã thấy có một bà Việt kiều vào bệnh viện, cầm một xấp tiền gặp ai cũng cho vung vít, nhưng cũng có người từ chối không lấy. Có người còn lên tiếng, tôi đâu phải ăn xin mà bà làm thế!? Nhưng cũng hành động từ thiện tương tự như thế, có bà nhà giàu hảo tâm lại bỏ tiền vào phong bì, rồi trao tận tay: tôi có chút quà biếu bác, bác cầm cho tôi mừng…Cả bệnh viện ai cũng cám ơn rối rít và khen bà ấy tốt bụng.

`     Thực ra, đối với người nghèo, tiền bạc ai mà chả thích, ai mà chả cần, nhưng là con người, ở bất kỳ vị thế nào, họ cũng đều có lòng tự trọng nhất định.

Lần nọ có một ông bạn ở Mỹ về – người bạn đó rất thân với tôi hồi trước. Vợ tôi bảo, bác ấy lâu ngày về thăm quê, sao anh không đến thăm bác ấy cho phải tình bạn bè. Tôi bảo, ông ấy về chả đến thăm mình, đang không đến thăm ông ta, sợ hàng xóm bêu rếu: thấyViệt kiều về rồi xum xuê, mong kiếm quà cáp tiền đô!! Nhục lắm bà ơi! Đó là lòng tự trọng bị tổn thương. Một sự sĩ diện cần có. Vợ tôi lại bảo: mình bạn bè sống với nhau bằng cái tình, sao lại sợ tiếng thị phi.

Ngờ đâu, hôm sau, ông bạn đến và xin lỗi, mình về mà bận rộn lu bu nhiều việc, không đến thăm cậu được, thật có lỗi với vợ chồng cậu lắm! Qua những lời xin lỗi đó, tôi cảm thấy hổ thẹn với bạn mình, vì mình đã nhỏ nhen và so đo với bạn. Đúng là lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử. Quả là vợ tôi nói đúng.

                 Cuộc sống muôn hình vạn trạng không biết đâu mà lường để ứng xử cho phải cách. Lần khác cũng có ông bạn Việt kiều về, tôi xum xoe tới thăm hỏi. Ra về, ông ấy cho tôi một bịch quà to tướng. Nghĩ bụng, vợ tôi sẽ mừng lắm đây! Ai ngờ, vợ tôi bảo, vậy mà anh cũng nhận quà được ạ! Ông ấy muốn cho quà, thì phải đến nhà mình mà cho, chứ sao lại cho tuỳ tiện cho như thế, hoá ra mình đến xin người ta sao? Cho như vậy, bất quá là bố thí cho người nghèo, nhục lắm! Phải nói tôi đắng họng vì những lời của bà ấy. Tôi bảo với vợ: họ đưa quà cho mình, chẳng lẽ mình không lấy thì bẻ mặt họ sao bà…

                 Vợ tôi bảo: ông chẳng nhớ lần mình cho một đứa cháu ở miền bắc vào chơi mấy cái áo quần còn mới đó sao? Cũng vì thật lòng, nghĩ thời sau 75 ngoài đó khổ nên mới cho! Ai ngờ con cháu từ chối khéo: Cám ơn bác, bác cứ để đó, hôm sau ra về con tới lấy ạ! Và thậm chí nó chẳng dám tới chào ra về đấy ông!

                 Ông lại không nhớ ạ! Lần mình cho người dân tộc một bao quần áo, còn mới cáu, gấp mười lần thứ họ đang mặc, vì nghĩ họ nghèo khổ, mình chia sẻ cho họ. Vậy mà hôm sau họ vất đầy rẫy mình đó sao.

                 Một vài lần như thế, nên những lần sau, chúng tôi rất đo đắn khi cho ai quà tặng, cũng như khi nhận quà của ai…Thật không dễ một chút nào.

         Quà tặng của người cho, phải xem người nhận có thích hoặc có nhu cầu cần thiết không? Nếu họ thừa mứa, thì xem ra việc tặng quà cho họ chẳng có gì giá trị và thích thú cho họ. Nhiều khi quà tặng không cần phải đắt tiền cầu kỳ hoặc giá trị, nhưng độc đáo, lạ mắt. Tuy nhiên, người nhận cũng nên có sự lịch sự tối thiểu, nếu như món quà đó mình có thừa hoặc không thích, thì có hai cách: nhận và cám ơn, vì phép lịch sự. Cách thứ hai: cám ơn lòng tốt của bạn rất nhiều, nhưng nhà mình cũng đã có thứ này rồi, bạn để món quà này tặng cho kẻ khác vậy. Dù là thông cảm cách mấy, tâm lý của người tặng bị từ chối sẽ không lấy gì làm vui là lẽ thường tình.

       Nhưng tựu trung, người cho và người nhận phải có cái tình và cái tâm, là biết trân trọng nhau. Món quà, chính là cái tâm chân tình của mình trao tặng cho người khác, thì người nhận sẽ vui và trân trọng lại cái tình người cho trao ban.

                 Quả là cha ông ta nói đúng: của cho không bằng cách cho là thế đấy!

       Châu Sơn choa

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

CÁO PHÓ: ÔNG PHÊRÔ PHẠM ĐỨC CẢNH (Khang)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …