CHÂU SƠN – MỘT THÁNH ĐỊA BẤT KHẢ XÂM PHẠM!!!
tienducchauson
20/02/2021
Diễn Đàn Bạn Đọc
854 Views
Mới đó mà giỗ 1 năm cho người bạn Antôn Nguyễn Thế Hùng. Với Hùng, GX Châu Sơn như một thánh địa bất khả xâm phạm…Hãy nghe nỗi lòng của một người đi xa nói về Châu Sơn…
Chỉ sống vỏn vẹn với Châu Sơn 30 năm (1956 – 1986), mà lại sống trong hoàn cảnh hết sức éo le, bi đát và khốn khổ. Trong “Châu Sơn đối với tôi”, Nguyễn Thế Hùng đã tự sự: “Mẹ tôi mất lúc tôi lên 3, thiếu vắng hơi ấm và những lời ru ngọt ngào của mẹ, tôi lớn lên bằng những chắt chiu cơm áo và tình thương, có lẽ không tròn đầy của bố tôi trong cái cảnh gà trống nuôi con trong những năm đầu sau khi mẹ tôi mất, của Dì cùng họ hàng lối xóm, bởi lẽ chỉ đến năm tôi lên mười, bố tôi cũng lại ra đi.”.
Anh viết tiếp: “Trong ký ức của tôi, mang theo là một tuổi thơ với ngày 1 buổi đến trường, một buổi chăn bò với ít nhiều cái mặc cảm của một đứa con sớm mồ côi cha mẹ, mới 7 – 8 tuổi đã phải đi cuốc rẫy, bên cạnh những nỗ lực vươn lên để có thể bù đắp phần nào thiệt thòi của tuổi thơ, để hòa đồng với bè bạn cùng trang lứa, không thiếu những cảnh đùa nghịch của tuổi thơ trong cái giản đơn và sự thiếu thốn của cuộc sống Châu sơn…Nhưng vẫn đem lại niềm vui cho những đứa đầu trần, chân không dép, quanh năm chỉ biết lăn mình với đất cát…”.
Cộng thêm với 15 năm sau năm 1975. Năm 1978 Lấy một cô giáo thuộc loại “bát văn” để bước vào một cuộc chiến chống lại đói nghèo khổ cực vào thời hậu chiến, quả là một sự cam go và truân chuyên không bút sách nào tả xiết. Lương giáo viên bèo bọt, ba cọc ba đồng, làm sao để nuôi đàn con thơ, “Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi” theo vợ Trần Tế Xương nữa trời ạ!!
Rồi hai vợ chồng phải bon chen tất bật đi buôn mật, đi hôm về trầm (tránh công an Xã). Sau rồi ra lò đường ly tâm, làm ăn quần quật, lấm lem cả thân người: “mặt mày trông chẳng còn ra hình tượng người ta nữa” (Ngắm 15 sự thương khó).
Năm 1986, có chút vốn rồi ra phố, giã từ một miền quê đất đong đầy gian nan, nhục nhằn và cam khổ của một thời…
Vậy mà khi nào nói về Châu Sơn, trong mắt của Hùng luôn trìu mến và thân thương như là một mảnh đất thánh thiêng, một thánh địa bất khả xâm phạm. Tôi không hiểu sao? Một mảnh đất chất chứa nhiều khổ đau tủi nhục của thời hậu chiến với Hùng, lại trở nên linh thiêng với Hùng như thế! Quả là nhà thơ Chế Lan Viên đã giải mã điều kỳ diệu đó: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
Và quả là miền đất Châu Sơn đã biến thành tâm hồn trong con người Hùng từ bao giờ rồi. Mỗi lần ăn nhậu với bạn bè người Châu Sơn, Hùng luôn gợi nhớ về con người, cảnh quan, cha xứ, các linh mục đồng hương…
Nhớ ơn những người bước đầu lập trại Châu Sơn thời 1956 với tăng lều..nhà tranh vách đất…với bao gian nan khó khăn của các tiền nhân như các ông: Quãng, Tuệ, Mân, Phong, Đức (Tích), cố Hiển…Về HĐGX có các ông: Công, Hóa (Tài), cố Hảo, cố Điểm…
Đặc biệt, về Châu Sơn lần nào, việc đầu tiên với Hùng là thăm lại nghĩa trang, thắp nén hương cho thầy mẹ và ông bà ngoại. Đây là việc Hùng luôn làm gương để dạy dỗ con cái phải luôn nhớ về cội nguồn. Và không thể không lên tượng núi Chúa Kitô Vua. Với Hùng, Núi Ki Tô Vua luôn là biểu tượng cao đẹp và là thánh địa của GX Châu Sơn.
Hùng luôn nhắc nhở về những bậc cha chú có trình độ học vấn cao như: Giáo sư Ngô Đức Diệm, GS Trần Văn Khôi…Lớp sau đàn anh có Bác sĩ Đậu Quang Lương, Giáo sư đại học Đậu Quang Giáo, Tiến sĩ Đậu Quang Đại (Thảo)…
Các nhà kinh tế như: Trần Đình Châu, Phó TGĐ Exsimbank. Thạc sĩ QTKD Nguyễn Anh Võ. Thạc sĩ Giám đốc công ty vấn Asia Trần Văn Hiền… Đậu Văn Sinh nhà doanh nghiệp thành đạt tại Mỹ, Lưu Thị kim Hương nữ doanh nhân có tiếng ở BMT, Trần Đình Dụng (Ban) nhà kinh doanh cà phê….
Về âm nhạc có cha Ân Đức, lớp con cháu có Sơ Trần Ngọc Minh Sa, Trần Ngọc Hy, Trần Thể Hiện…Đây là những người thầy, người anh chị mà Hùng luôn đề cao để mong muốn con cái: Duyên Hảo, Duyên Hoàng…noi theo để học đàn organ.
Nhớ những người cùng thời buôn mật cam khổ như O Cát, bà Phùng, bà Trọng, bà Thông, vợ chồng Hồng (Luyện), anh em Huân, Hạnh, Hợi…
Và kể cả các nghệ sĩ nhà vườn như các bác: Trọng Thi, Ngọc Hạnh, Ngọc Huyên, Ngọc Minh, Cao Đình Minh, Ngọc Huân…đều được Hùng cho vào danh sách tài năng của GX.
Nói chung, Hùng luôn trân trọng về những người có tài năng đã đóng góp cho GX như các chức sắc Hội đồng, ban ngành đoàn thể trong GX Châu Sơn, và xem đó như một nét điểm tô cho GX Châu Sơn. Và dường như họ là những con người mà Hùng luôn đề cao với vợ con khi nói về Châu Sơn…Thậm chí Hùng luôn “tuyên truyền” và có khi còn “nhồi sọ” cho vợ con để làm mẫu mực noi theo…
Hùng vẫn thường ngày theo dõi tin tức trên trang web Tiến Đức Châu Sơn. Thi thoảng Hùng gọi về và luôn thăm hỏi: Châu Sơn có gì mới không bác? Nhất là những thời kỳ làm đường Vành Đai, Hùng luôn quan tâm theo dõi diễn tiến qua điện thoại. Hùng tỏ ra rất mừng khi Châu Sơn trời cho có con đường vành đai đi xuyên qua làng…
Phải nói Hùng là “con đĩa ký ức”, Hùng bám vào ký ức để sống những năm tháng cuối đời. Châu Sơn gần như là cái phao cứu sinh cho Hùng, khi cuộc sống Hùng tỏ ra bế tắc…và miền quê hương ấy đã “cứu rỗi” Hùng trong những năm tháng đó! Phải chăng vì thế mà Hùng luôn nhớ về Châu Sơn một cách quay quắt nồng cháy như thế! Phải chăng nhờ có một ký ức đĩa đói về con người, cảnh quan….Châu Sơn, để Hùng luôn có được một tình yêu quê hương đầy lưu luyến, đầy tình thân và đầy trìu mến như thế?!
Bây giờ Hùng đã đi xa rồi, những năm tháng tới, ai là người sẽ hỏi thăm về Châu Sơn thế nào? Có ai chết không bác? Anh ấy, cô ấy, ông ấy…bây giờ ra sao rồi???
Một người đã xa rời Châu Sơn, mà lòng vẫn luôn cánh cánh nhớ về cội nguồn Châu Sơn, để trong tim luôn da diết một nỗi nhớ khôn nguôi, tưởng người Châu Sơn chúng ta cũng nên trân quý, vì chính anh ấy đã khơi gợi cho mỗi người Châu Sơn chúng ta một đôi điều suy nghĩ về “một tình yêu Châu Sơn”!!!
Hùng vẫn thường hát lời ca này như một niệm khúc cuối về miền đất Châu Sơn: Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người. Tạ ơn ai đã cho tôi cuộc sống này…(TCS)
Một người bạn – Nguyễn Vĩnh Căn