HÀ LAN, nỗi nhớ trong tôi!!!

        Mỗi khi nhớ về Hà Lan, trong tâm tưởng tôi thường nghĩ về một miền đất đầy thơ mộng “Phố núi cao, phố núi đầy sương…Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em, đời còn dễ thương…”(PD). Một miền đất lãng mạn, mênh mang sương khói, bàng bạc trong cái se lạnh của bầu trời “Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông…”. Đất trời Hà Lan, quả là thơ mộng và lãng mạn có thừa. Thế con người Hà Lan thì sao?

          Nhớ lần đầu tiên, tôi biết đến một người Hà Lan với dáng người hao gầy, trắng trẻo của một thư sinh dài lưng tốn vải…Với nụ cười xuề xòa của một con người xềnh xoàng, lên học và ở trọ tại Châu Sơn những năm 64 – 65. Sau này đi lính Không quân, nhưng vẫn cái tác phong lè phè như bè cạn nước. Đó là anh Phạm Đức Thành (Tín).

          Nhớ một thời ra phố học trường Hưng Đức, thân quen những người bạn Hà Lan: Bích, Lan (chết), Hiếu, Lý…học trò nhà quê lên phố thị, nên vẫn còn giữ nguyên “hương đồng gió nội”, chân chất, hiền hòa và chăm chỉ học hành. Ở ngôi trường đó, còn có một ông thầy dáng nghiêm nghị của nhà tu xuất, có đôi mắt tinh anh, và nụ cười nhẹ nhàng khá duyên dáng…Thầy dạy tôi Pháp Văn lớp Đệ Tứ Hưng Đức; Đó là thầy Nguyễn Hữu Thanh.

          Sau sang học trường Bồ Đề, tôi lại gặp một người trắng trẻo, phong độ, mỗi sáng chở vợ – cô Bê, tới trường dạy. Nghe đâu, ông này có cái memmory tuyệt chiêu lắm, bê nguyên tự điển Pháp – Việt học thuộc, xin bái phục!!! Đó là ông Đậu Hoàng Mai.

          Nhớ lần đụng độ đầu tiên với người Hà Lan, suýt đánh nhau vỡ đầu, nếu không có một người bạn can ngăn: gà cũng một mẹ gốc Vinh chớ hoài đá nhau. Hắn cũng học Bồ Đề như tôi, nhưng thấy tôi nhỏ con và láu cá thì gây chuyện, nhưng tôi cũng chẳng vừa gì!! Sau này, hai đứa chơi thân với nhau mới lạ chứ! Đó là Nguyễn Thái Đoàn. Nghe đâu sau 75 bị bệnh nan y qua đời. Cho tôi gửi lời phân ưu tới chị Hà, dù rất muộn màng.

          Nhớ thời đó, không thể quên được cái ông Thiếu úy, mới ra trường, được chọn về Phân chi khu Xã Eaneh Châu Sơn. Đây cũng là một tay học hành tài tử, đi học dắt cạp quần chỉ với một cuốn tập, viết ngược viết xuôi tất tật tần các môn vào đó… Hình như “thông minh vốn sẵn tính trời” nên học lao khao là thế, nhưng vẫn đạt học sinh xuất sắc. Ngoài ra, còn là ông vua đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, và có cái trí nhớ vanh vách các nhân vật, nghe kể lại cũng sướng tai. Đó là anh Sơn Ba rọi, Nguyễn Minh Sơn.

          Nhớ cái ban nhạc Lam Giang lần đầu tiên “đem chuông đi đánh xứ người” lưu diễn ở GX Châu Sơn, trong đó có anh Quý (trống) anh Điền guitar (Mỹ). Nhưng ấn tượng nhất vẫn là cô nàng mặc áo thun bó sát và quần pat ống loe, “guậy cấp 10” với bài “Beautiful sun day…”. Sau này về Sài Gòn, tình cờ gặp lại trong một tiệc cưới, mới được biết đó là Ngọc Cẩm. Bữa đó, hai đứa song ca bài “Tình khúc cho em” của Lê Uyên Phương, nghe du dương và tình tứ của “một cặp đôi hoàn hảo”. Nếu tôi không nhỏ con và cô nàng không chân dài thì không biết chừng, vận mệnh có thể đổi khác lắm đấy chứ!!?

          Về Sài Gòn học Đại học Văn khoa, tôi quen biết anh Hương, dân “ta ru” CVK. Con người hao gầy và hiền khô, học trên tôi hai năm…Sau này làm chủ tịch HĐGX Vinh Đức. Ở xóm bà Rược, Bắc Hải, tôi còn biết đến một con người trắng trẻo, đẹp trai, dáng tây ra phết, nhưng phải cái cốt cách đạo mạo của bậc mô phạm, sau đi Mỹ. Đó là anh Bùi Đức Hiển. Sắp giải phóng, lại gặp một sĩ quan Không quân, đang học ở Mỹ nửa chừng bị giải thể khóa học về nước; đó là AC Tường. Một chảng lính trẻ không quân, hào hoa, thế mà thời cuộc đã biến thành một lão nông tri điền, hiện đang là Chủ tịch HĐGX Vinh Đức (2014).

          Đó là những NGƯỜI HÀ LAN đã đọng lại trong tâm tưởng, mà tôi từng quen biết một thời trước 75. Có lẽ, ngần ấy người tôi thân quen, chưa đủ làm bộ sưu tập để quy chiếu ra tính cách chung của NGƯỜI HÀ LAN!?

          Phải sau 75, tôi mới biết thêm đôi điều về con người, GX, làng mạc Hà Lan hơn.

          Chầu lượt vẫn là cơ hội để các giáo xứ gặp gỡ và giao lưu với nhau…

          Nhớ mùa chầu lượt đầu tiên, tôi đến Hà Lan vào những năm đầu thập niên 80…

           Đến đồi Chư Bao, một làn sương mù pha màu sữa, tan loãng khắp trời, cứ ngỡ đâu đây là trời Đà Lạt “Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ” (HMT). Trời vào xuân rồi mà gió vẫn cứ lồng lộng, càng làm cho “cái rét đầu đông, khăn em hiu hiu gió lạnh” (TQH).

         Từ trên đồi nhìn xuống, thâu tóm tầm nhìn GX Vinh Đức trong màn sương mờ lãng đãng, nổi lên sừng sửng mái ngói tô đỏ của ngôi Thánh Đường GX Vinh Đức. Con đường quốc lộ 14, như làn ngôi, rẽ đôi bờ, hai bên thôn xóm với nhà cửa lô nhô san sát nhau…Về địa lý, Hà Lan ở giữa một miền đồi nương toàn đất đỏ Bazan bao la ngút ngàn, nên thuận tiện cho việc phát triển cây trồng cà phê, tiêu…một cách đại trà.

            Nhớ ngày đó, cuộc sống thời hậu chiến còn muôn vàn khó khăn và gian nan, nhưng vẫn không đánh mất được tập quán lễ hội chầu lượt của người dân GP Vinh để, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, “chầu lượn” trên tuyến đường quốc lộ…Nhưng “tinh thần hiếu khách” của NGƯỜI HÀ LAN mới đáng nói.

              Thú thực, tôi và anh bạn cũng chỉ dự định đi một vòng “chầu lượn” cho biết Hà Lan rồi về. Không ngờ, vào nhà nào cũng được mời mọc chiếu cố tận tình: “Mấy chú chẳng mấy khi lên chầu lượt, ở lại dùng bữa với nhà tui cho vui. Dân ta cả chứ ai xa lạ vô đó!”. Trong ba làng di cư: Trung Hòa, Hà Lan, Châu Sơn, nếu nói đến lòng hiếu khách, có lẽ, Hà Lan phải đứng đầu. Với họ, người xa lạ vào GX, thoáng chốc sẽ biến thành thân quen trong sự hòa nhã và thăm hỏi thân thiện. Có vẻ như người Châu Sơn và người Hà Lan rất “hạp nhãn” để chơi với nhau rất thân thương. Có lẽ, cũng nhờ mối quan hệ giao lưu này mà các “chàng trai Hà Lan” đã có dịp để “anh đưa nàng dìa dinh” những “cô nường Châu Sơn”!??

            Nhớ ở Hà Lan, tôi có mấy nhà bà con như: ông bà cụ Hương Cử (chết), có cha Vĩnh dòng CCT. Ông Tuyên (chết) người Kẻ Tùng, đeo kiếng “đít chai”…Chị Kim Anh, có các cháu Dũng, Thanh…Nhưng rồi ham vui, đi với bạn bè mà quên cả bà con. Mà dường như ở Hà Lan, ai ai cũng là bà con ta cả, nên ăn nhậu ở đâu mà chả được. Nhưng thân thương nhất vẫn là anh chị Thành – Vân (ở Mỹ). Chị Vân hát nhạc trữ tình đắm thắm, sâu lắng…chi lạ! Nhớ lần đó, chầu lượt ăn cơm nhà anh, chỉ mấy con cá rô rán, nhưng ấm áp nghĩa tình biết bao!

           Ngày ấy, tuy hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng hễ lên chầu lượt Hà Lan, ăn nhậu là chuyện nhỏ, không phải tính toán…bia bọt sa la la. Tôi nhớ, những năm người dân Hà Lan “vỡ nợ” vì phong trào đổi xe Suzuki, giá cà xuống thấp, không trả được nợ, đành phải “quá giang vô rẫy ở”. Vậy mà đến mùa chầu lượt, vẫn cứ vui chơi ăn nhậu thoải mái, tưởng như chẳng có chuyện gì xảy ra.

           Sau này “ăn quen bén mùi”, tôi vẫn thường đi chầu lượt…và quen biết thêm nhiều người Hà Lan: anh Phạm Anh Sơn (Tín), dân Lê Bảo Tịnh, nghe đâu 17 tuổi làm ca trưởng hợp xướng ca đoàn GX với: Dòng sông Bến Hải! Bái phục! Bây giờ thì bách nghệ: họa đồ, quán trọ, quán nước Thảo Nguyên…Thêm một con người đằm thắm và kiệm lời là anh Bình, trường Sư phạm Bổ túc Cao nguyên….

            Mới đây, quen biết thêm anh Lê Đình Quý. Một con người ăn nói bộp bạp, trực tính, thẳng như ruột ngựa…Nhưng được cái lành tính. Ở Hà Lan, tôi còn quen biết một nhà giáo dạy văn…Tốt nghiệp Thạc sĩ và dạy văn ở Đại học Văn Hiến…Từng viết truyện ngắn trong Tập San Hiền Mẫu (Hà Lan). Đó là nhà văn Đặng Quốc Minh Dương. Một nét văn giàu tính nhân văn, pha chút tếu táo đầy duyên dáng…

            Những người con dâu Châu Sơn “thuyền theo lái, gái theo chồng” về Hà Lan có các chị: Lài (Thư), Phượng (Bích), Thanh (Sự), Phượng (Thọ), Dung (Khóa), Hoa (Khóa), Ngọc (Thư), Viện (Nghi), Thiên Thư (Hạnh), Phi Anh (Châu)….

Nhưng nặng nợ ân tình nhất vẫn là, anh chị Trọng – Hoa, người Kẻ Tùng, lúc nào lên chầu lượt cũng tiếp đón ân cần và chu đáo lắm! Sau này, thân tình với MC Ngọc Cẩm, là người có năng lực tạp kỹ: ca, vũ (nhảy), văn, MC…đủ cả, nhưng sao lại “một thiên bạc mệnh”, “để từng người tình, bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ…” (TCS).

           Sau khi hồi ức “nỗi nhớ về Hà Lan”, từ đất trời đến con người và những sinh hoạt…Lúc này đây, có lẽ, cũng phần nào nói được đôi điều về NGƯỜI HÀ LAN!!

           Phải nói, NGƯỜI HÀ LAN tính tình rộng rãi, phóng khoáng, nhưng vẫn giữ được nét chân quê. So với người Châu Sơn thì người Hà Lan ít tính phô trương hơn. Phải chăng, vì thế mà nhà cửa của người Hà Lan ít phô diễn hơn? Tiếng là chân quê, nhưng tinh thần của người Hà Lan lại đô thị hóa hơn các GX gần TP như Châu Sơn, Trung Hòa…Chỉ một đường quốc lộ mà biết bao nhiêu hàng quán cà phê, quán phở, quán nhậu…

Người Hà Lan ít nhiều, vẫn có thói quen “cà phê cà pháo, cơm hàng cháo chợ mỗi sáng”, một đặc trưng của người dân thành phố. Ngay tại Hà Lan, chí ít phải có ba quán phở. Tôi đã từng đi ăn sáng ở một quán, được gọi là “quán chờ” vì đông khách nên phải ngồi chờ…Một quán nhậu tại gia (ông Minh) – Hội quán Minh Đức, sâu trong xóm, ai vào gọi mới làm món thịt thỏ, thịt chim bồ câu…nhậu lai rai cả ngày cũng khá đông khách. Ở Hà Lan, các phong trào chơi cầu lông, tenis, sân bóng mini, cờ tướng…khá rầm rộ. So với những sinh hoạt ăn nhậu quán sá, chơi cầu lông, Tennis thì Châu Sơn còn thua xa…

          NGƯỜI HÀ LAN có tiếng yêu thích ca hát, nên “vừa hay hát, lại vừa hát hay”. So với lớp trẻ, thì giới Trung niên và giới Hiền mẫu có vẻ lấn sân hơn về ca nhạc hát trong đám cưới, nhất là nhạc vàng và nhạc lính trước 75. Vì thế mà NGƯỜI HÀ LAN phát triển dàn nhạc rất sớm, từ những năm cuối thập niên 70, thiên niên kỷ trước. Những người có công lớn phát triển dạy nhạc: Organ, Guitar…cho GX Hà Lan, phải kể đến gia đình ông Hoàng Đại Kính, Hoàng Đại Minh…

         Nhớ cánh đàn ông, thân người đề đặm, ăn mặc giản dị, nhưng tươm tất. Tính người hòa nhã, thân thiện, chân chất. Nhớ cánh phụ nữ dáng người nụ nằn, da dẻ hồng hào…Con gái Hà Lan có chút “em Pleicu má đỏ môi hồng”, “nụ nằn và duyên dáng của cô gái xứ sở Đà Lạt sương mù”. Nếu xét về tiêu chí “mình hạc xương mai” của cụ Nguyễn Du thì e rằng, chưa hội đủ, nhưng với “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” thì con gái Hà Lan có thừa.

            NGƯỜI HÀ LAN có tiếng phóng khoáng, vì thế mà hệ lụy “cờ bạc tam khoanh” là khó tránh khỏi. Cứ hễ sau mùa hái cà phê cho đến tết và ra giêng là “mùa ăn chơi” của NGƯỜI HÀ LAN. Nghe đâu, năm nào cha xứ cũng răn đe “cấm chơi cờ bạc”, thế mà cứ “vũ như cẩn”. Tiếng là thế, nhưng thực ra cũng chỉ một số tay chơi nào đó thôi, chứ không thể vơ đũa cả nắm, cả làng Hà Lan được, phải tội chết!!! Lúc này, dường như phong trào cờ bạc đang dần lắng xuống…Phải chăng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn!!??

            Hào phóng là “bản năng gốc” của NGƯỜI HÀ LAN, nó còn là mặt nổi của tính sĩ diện, vì vậy NGƯỜI HÀ LAN khó tránh khỏi bi lụy do tính sĩ diện. Viết về NGƯỜI HÀ LAN mà quên mất một đặc tính “liều lĩnh và táo bạo” thì chưa phải là NGƯỜI HÀ LAN. Liều lĩnh trong cờ bạc đã đành, mà còn táo bạo trong công việc kinh doanh. Làm ăn phất lên cũng nhiều, mà sập tiệm vỡ nợ cũng không ít. Ngay bên nông nghiệp: NGƯỜI HÀ LAN dám bỏ vốn ra hàng ngàn trụ tiêu, và bỏ tiền mua tiêu giống Châu Sơn về trồng hàng loạt một cách nhẹ nhàng, chứ không như người Châu Sơn, đo đắn tính trước sau, và thường không dám mạo hiểm trong công việc làm ăn lớn.

             Viết về NGƯỜI HÀ LAN không thể quên một vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Hà Lan có rất nhiều người con xuất chúng mà người viết không dám kể tên ra, vì sợ phiến diện không kể hết được thì oan cho tài năng đó lắm! Mà hình như, rủi thay, “tiên tri không được sủng ái tại quê nhà” thì phải!??

            Xin được chọn ra 4 nhân vật tiêu biểu ở 4 phương diện xã hội, tôn giáo, nghệ thuật mà người viết cảm thấy mặt diện nỗi trội.

           Người có cái intelligent – trí tuệ, tư duy nhạy bén và logic, phải kể đến là linh mục Phao Lô Đậu Văn Hồng, từng du học Pháp với văn bằng Tiến sĩ triết học. Ai đi tu Chủng viện KonTum vào thập niên 60 sẽ biết trình độ học vấn lỗi lạc của ngài. Ngài đã từng là giáo sư Đại chủng viện Sao Biển, Huế, Học viện thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam…Nghe đâu, trước đây ngài đã từng có triển vọng cho một đề cử Bishop (Giám mục). Ngài viết nhiều sách suy tưởng cao siêu về Triết học và tôn giáo: Triết học tôn giáo – Dẫn vào hữu thể luận –  Triết sử Tây Phương- Tìm về cội nguồn – Bí tích Thánh thể và đời tận hiến….Ngoài ra ngài còn dịch sách: Huấn Từ Của Đức Gioan Phaolo II Ngỏ Với Các Linh Mục…

             Nhân vật thứ 2 không thể bỏ sót được là anh Lê Đình Hiền. Một con người ở độ tuổi lục tuần mà vẫn còn “mục diện thư sinh”. Anh Hiền là người nổi tiếng về “Kinh bang tế thế”. Vào cái thời khó khăn bao cấp nhà nước mà anh vẫn có thể len lỏi để làm kinh tế với Công ty xây dựng cầu đường. Sau rồi mở cây xăng dầu, Saloon Auto. Lúc này đây, lại góp mặt trong ban Quản trị Trường Hoàng Việt – Một trường có tiêu chuẩn đạt quôc tế mà khó có trường nào trong nước qua mặt được. Nghe kể chuyện làm ăn táo bạo và liều lĩnh của anh, tại hạ xin ngã mũ bái phục!!

            Nhân vật thứ 3, tiêu biểu cho hoạt động Chính trị…Nghe cái tên cũng đã thấy khiếp vía rồi. Dám ra mặt chống đối nhà nước bằng hành động và những bài viết đanh thép phê phán Đảng và bộ máy nhà nước quan liêu cửa quyền, sách nhiễu người dân…để đòi lại nhân quyền cho người dân. Đây phải được gọi là người đàn bà thép, với một bản lĩnh đấu tranh kiên cường…Một hình ảnh của Hai Bà Trưng thời đại mới. Đó là chị Huỳnh Thục Vy. Thật đáng nể!!!

           Nhân vật thứ 4 là hai chị em Bolero Phương Anh, Phương Ý…sinh hoạt âm nhạc. Phương Anh Bolero  từng có tên trong Bách khoa toàn thư Wikipedia. Là ca sĩ hát nhạc Boléro được giới trẻ yêu mến và bình chọn vào Top 10 nghệ sĩ được yêu mến nhất năm 2018 và Ca sĩ hát nhạc Trữ tình âm hưởng dân ca được yêu thích nhất năm 2018 tại Giải Mai vàng lần thứ 24. Giải đồng của cuộc thi Thần tượng Bolero (mùa 1) năm 2016. Không kém cạnh với bà chị, Phương Ý đã đoạt giải Quán quân Thần tượng Bolero 2019. Từng được người hâm mộ tặng cho danh hiệu “Ngọc Nữ Bolero”.

           Ở Hà Lan, còn rất nhiều “nhân kiệt” nữa, mà rủi thay người viết chưa được hân hạnh biết đến, nếu có bị bỏ sót, rất mong quý vị “nhân kiệt” lượng thứ.

              Nhớ trước đây, một thời, NGƯỜI HÀ LAN từng truy tìm mua “con lai”, và cả “con không lai”, đánh lừa Mỹ và Nhà nước ta trắng mắt. Cũng nhờ diện con lai và diện vượt biên mà NGƯỜI HÀ LAN “quá giang” sang Mỹ hơi bị đông! Nghe đâu có hẳn một làng Hà Lan ở bên Mỹ!?

             GX Hà Lan thuộc “hợp chủng giáo họ” quy tụ gồm: 18, 19…giáo họ? Điểm mạnh là phong phú, muôn sắc màu đua chen, giáo họ nào cũng muốn nổi bật lên. Nhưng nhược điểm là tính cục bộ, co cụm, dẫn đến sự thiếu đoàn kết trong GX.

                Những cảm nhận về NGƯỜI HÀ LAN trên đây, chỉ là “một góc nhìn nhỏ”, mang tính chủ quan và cảm tính của người “cưỡi ngựa xem hoa”, nên thiếu sót và sai lệch là khó tránh khỏi. Nếu có điều gì phật ý, rất mong quý bà con Hà Lan lượng thứ cho người viết.

Nguyễn Vĩnh Căn – GX Châu Sơn

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …