KHÔNG CỦA RIÊNG AI
Đó là một ngày lễ hội vui vẻ. Lòng người nô nức. Gia đình đoàn viên. Xa gần hội ngộ. Tinh thần hớn hở. Thế mà, sau cùng, lại trở thành một ngày buồn. Hung khí đã vung lên. Máu vọt ra. Có người chết. Có người đi tù. Tất cả đều sụp đổ. Một trời thống khổ nghiệt ngã bao trùm, lịm vào nhau nỗi buồn vô hạn. Ai đó bàng quan tự hỏi: Những sự tình khốn nạn ấy, liên can gì đến tôi?
Có đấy, bạn ạ! Nếu bạn biết rằng, trong tất cả những biến dạng tiêu cực trên đời, chúng ta đều có phần đóng góp, vô tình hay hữu ý, tác động vào cho đầy tràn them cái chén phiền muộn của đời người
Bạn có thể không đồng ý. Song, vấn đề rất đơn giản. Bởi quần thể con người, là những sinh vật có mối tương quan với nhau rất chặt chẽ. Một là tất cả. Tất cả là một. Đó không phải là khẩu hiệu hay sáo ngữ suông, nhưng hàm ý rất sâu xa. Không cần phải giải thích tính nhất thể của nhân loại từ góc độ thần học, hoặc luận trình tính thể ấy theo quan điểm tôn giáo. Thần học, triết học, tôn giáo học, nhân văn học v.v…, không phải là những hệ thức gì ghê gớm, độc quyền của mấy con mọt sách, ảo tưởng vo tròn ra chân lý, đóng gói được ánh sáng. Đó là những điều rất giản dị, hết sức bình thường, gần gũi trong cuộc chiến phàm trần, cần phải được uyển chuyển, hòa hợp với đời sống, làm sáng tỏ những góc khuất tối tăm của tội lỗi, phân lập rõ nét hơn ranh giới mập mờ giữa thiện và ác. Những kiến giải sặc mùi sách vở từ xưa nay, người ta đã nói và nghe với nhau nát bét ra rồi, mặc dầu, nói và nghe đó, cũng chỉ là nói và nghe với nhau cho vui mà thôi, cóc đi đến đâu!
Ở đây, chỉ cần nhìn vào thực tiễn minh chứng, sẽ thấy ngay tính đại đồng tương tác. Không một hành vi, lời nói nào mà không có ái lực nhất định vào cuộc sống, tốt hay xấu. Bạn làm hang giả? Sẽ có nhiều người lãnh đủ. Bạn phá rừng? Sẽ gây lũ lụt khắp nơi. Bạn chạy xe ẩu? Tai họa cho tha nhân không lường được v.v…
Tính liên đới này còn vượt cả thời gian, qua cách nói cha ăn mặn, con khát nước. Đời cha ăn mặn sao không khát đi mà đời con lại phải gánh chịu, kể cũng lạ thế đấy!
Bạn sẽ nói, đó là những lập đề khá cụ thể, dễ chấp nhận. Nhưng những điều tồi tệ xảy ra ở đâu đâu, cái gì cũng dính dáng đến tôi làm sao được? Thế mà có đấy, bạn ạ! Bởi vì, tội lỗi giờ đây không còn là chuyện cá nhân. Một gã nhà quê thiếu giáo dục, ít hiểu biết, sống trong hoàn cảnh cùng cực trăm bề, giữa một thế giới phi nhân, vô đạo, dâm đãng, xa hoa, tương lai bế tắc, họ hang coi rẻ, bạn bè kênh kiệu, chòm xóm khoe khoang v.v…, sớm muộn gì cũng gây án! Luật pháp trần thế chỉ có thể kết tội trong giới hạn truy cứu, không thể nào gom hết mọi tác nhân, nguyên cớ ra mà xét xử. Vài quan niệm truyền thống đầy lạc hậu cổ lỗ sĩ, vẫn dựng lên một pháp đình của đấng tối cao, cũng hành sự như thế. Nhưng từ nguyên lý hợp sinh, đối với thượng đế, một kẻ bị tuyên án ném vào chốn hủy diệt, thì toàn bộ xã hội, nếu không muốn nói là cả thế giới này, không ai là vô can, cùng bị hủy diệt chung với nó.
Đừng hỏi thăm nhau mãi. Những lời thăm hỏi xoen xoét đầu môi chót lưỡi, nặng tính tò mò lắm chuyện, chỉ tổ khoét thêm vào nỗi đau kiếp phận. Đừng chia buồn nữa, vì lòng ai cũng trĩu buồn. Hãy đề thì giờ mà xám hối. Xám hối cho bản thân, cho nhiều người, cho cả nhân loại điên khùng của chúng ta, những kẻ luôn tự tay làm ra cho cuộc sống muôn vàn hệ lụy, suốt đời chỉ thích ngồi vào ghế quan tòa luận tội kẻ khác, mấy ai còn ý thức được, rằng mỗi trọng phạm hình thành, từng cá nhân trong thế tục đều có phần lỗi, đều phải mang lấy trách nhiệm nặng nề trong những tội lỗi đó!
Nguyễn Cao Nguyên.
Đón xem chuyện dài Ông Ba Bị.
Hồi một: Tào Lao Ký Sự.
Hoàn toàn đồng ý với tác giả. Luôn có sự liên đới không thể tách rời giữa cá nhân và cộng đồng, giữa một và tất cả. Bài Viết là sự thức tỉnh cho thái độ dửng dưng của con người trước cái ác, trước đau khổ của người khác. Đặc biệt đây là sự lên án nghiêm khắc thái độ nhẫn tâm của những kẻ hả hê trước tội lỗi của người khác.
Nhưng bài viết muốn nói đến chuyện buồn nào của Châu Sơn thế ?
Đây là một bài viết nghiêm túc, chỉ có điều là, thuốc đắng không ai muốn uống nên khó đã tật mà thôi.