Còn đâu người anh rể lớp 64 – 65 Tiến Đức!!! Tưởng nhớ 30 ngày anh ra đi!!!
tienducchauson
04/11/2019
Diễn Đàn Bạn Đọc
622 Views
Cuộc sống vẫn trôi đi như một dòng chảy hờ hững giữa muôn vàn tất bật bộn bề lo toan …Và cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền đã cuốn cuộn ta vòng xoáy để không có thời giờ ngợi nghĩ về nhau, về bạn bè. Đúng như cha ông ta nói: Đèn nhà ai rạng nhà nấy.
Rồi bỗng một hôm, ta nghe điều dị thường trong cuộc sống, mà dường như ta không muốn tin. Nhưng điều đó đã trở thành sự thật một cách đắng lòng.
Có một chàng trai với cuộc đời phiêu bạt từ Vạn Lộc – Nghệ An, gạt nước mắt để theo dòng chảy lịch sử vào Nam…trôi dạt về mảnh đất Hà Lan thân thương để “xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương. Ta cùng lo chạy từng lưng cơm áo che thân tàn”, của buổi đầu lập cư (lời của bài du ca của Nguyễn Đức Quang).
Rồi như cây xanh lớn lên, chàng trai đã trổ mã để tìm nửa mảnh đời thân thương của mình. Anh ấy viết trong kỷ yếu của lớp:
Chuyện xưa kể rằng, trên tiên giới ấy (Châu Sơn) có nhiều cô nàng đẹp mỹ miều…Và số là tôi phải lòng một cô gái trong lớp niên khóa 1964 – 1965 của lớp học Tiến Đức Châu Sơn ngày xưa.
Năm 1972 chuyện tình đó đã “thành sự”. Cô nàng dạy Tiểu học Tư thục Thánh Tâm (BMT). Thế là tôi phải theo cô nàng dời dinh lên BMT. Câu chuyện tình đang đẹp với hai quả tim vàng xây đắp hạnh phúc, thì hỡi ơi!
Biến cố 75, gia đình tôi phải trở về quê nội ở Hà Lan, với thời kỳ hậu chiến cuộc sống đầy gian nan vất vả…Nhưng rồi số phận vẫn chưa để yên.
Năm 1980, gia đình tôi bị xếp vào diện đi kinh tế mới, nên phải dời cư về Châu Sơn – quê ngoại. Đúng là trai dời din,h gái sinh nở…Cuộc sống bao cấp với muôn vàn khó khăn. Vợ chồng chúng tôi chỉ tỵ nạn ở quê ngoại được 12 năm…Rồi lại phải về quê nội để mong được an cư.
Sau những năm tháng bôn ba xứ người, cuối cùng gia đình tôi cũng đã có bến đỗ an bình với quê nội Hà Lan A. Mặc dầu cuộc sống chưa thật khá giả lắm, nhưng xem ra cũng đã ổn định gia thất với 8 người con: 5 trai 3 gái. Ba đứa con đã lập gia đình…Phải nói là tôi rất đội ơn Chúa đã quan phòng cho gia đình tôi vượt qua bao truân chuyên trong cuộc đời phiêu bạt để tìm về nơi quê nội an cư lạc nghiệp…
Mới ngày nào còn nghe anh chia sẻ trong kỳ họp lớp…Vậy mà sáng nay, bỗng nghe tin anh đột ngột ra đi sau một cơn đột quỵ. Không ai nghĩ tướng mạo anh, dẫu ở tuổi 74 nhưng trông còn rất phong độ: với thân người đề đặm, khuôn mặt nở nang vuông tượng và đẹp lão với mái tóc bạc trắng…Nhiều khi trông anh bệ vệ giống như một Đại biểu quốc hội, hay một quan chức cao cấp nhà nước…Với diện mạo như thế, vậy mà sao anh lại nỡ vội ra đi!
Đó là anh Phê Rô Nguyễn Thế Sự – sinh 1945. Hiện gia đình cư ngụ ở Hà Lan A.
Anh tuy là một người anh rể của lớp 64-65 Tiến Đức chúng tôi, nhưng trong lớp ai cũng quý mến anh. Vì con người anh vốn hiền hòa, tính tình vui vẻ hồn nhiên và vô sự lắm! Dẫu cách biệt chúng tôi gần cả chục tuổi, nhưng anh luôn hòa đồng, niềm nở tay bắt mặt mừng thăm hỏi chúng tôi như một người bạn đồng trang lứa.
Những lúc họp lớp, anh vẫn tham gia ca hát từng bừng với những ca khúc: 60 năm cuộc đời…Anh là lính đa tình…Chẳng những hát mà anh còn nhún nhảy trông rất yêu đời và như làm sống lại tuổi thanh xuân, đã khiến cho cả lớp chúng tôi như trẻ lại tuổi hai mươi với anh trong các ca khúc anh hát.
Anh đúng là một nhân tố khơi nguồn cảm hứng cho lớp chúng tôi.
Khi chúng tôi – anh Cao Đình Đức và tôi, đến nhà anh ở GX Vinh Đức – Hà Lan: thăm viếng phúng điếu và thắp cho anh một nén hương tiễn biệt…trông cảnh nhà khá thương tâm. Chị Thanh, vợ anh Sự, mù cả đôi mắt, đã thương khóc anh đến lã người. Những đứa con gái khóc anh thảm thiết, nghe đến não lòng…
Nghe kể: Người dân Hà Lan ai cũng thương mến anh, vì con người anh rất nghĩa tình, đôn đả và luôn vui vẻ với hết mọi người. Người ta kể, anh sống với vợ con nghĩa tình như bát nước đầy. Một mình anh phải cáng đáng chuyện chợ búa chi tiêu trong gia đình, vì chị Thanh bị mù mắt, chỉ ngồi một nơi chứ không thể trông coi việc nội tướng trong gia đình được nữa.
Người ta bảo: sự ra đi của anh là một sự thiệt thòi lớn lao cho chị Thanh, vì lấy ai để chở chị đi nhà thờ, đưa tận nơi về tận chốn? Lấy ai để lo chi tiêu chợ búa, cơm bưng nước rót cho chị nữa đây? Và hơn hết, chị đã mất đi một bờ vai nương tựa an tâm cho suốt đời mình.
Chúng tôi những người trong lớp cũng rất tiếc nuối cho sự ra đi của anh. Rồi những bữa họp lớp sẽ thiếu vắng tiếng hát khơi động niềm vui cho tuổi già cả lớp! Còn đâu lời ăn tiếng nói tếu táo đầy hóm hỉnh gây cười cho lớp!
Cả một trời yêu bao giờ trở lại…(NQN)
Đành phải ngậm ngùi nhìn anh ra đi mà không thể níu kéo nổi, thì niềm tiếc thương về anh sẽ là khôn nguôi…
Anh ra đi, để lại khoảng trống vắng trong gia đình vợ con anh đã đành, mà lớp chúng em cũng mất đi một niềm vui của lớp.
Cầu chúc cho anh về bên Chúa trong ân sủng và bình an của Đức Kitô.
Tưởng nhớ 30 ngày mất của anh
Anh Sự – Một con người sống “vô Sự” là thế! Mà tiếc rằng, bây giờ đã thành “hậu Sự” mất rồi.
Một người em trong lớp 64-65 Tiến Đức Châu Sơn