Trước ngày đi, tôi loáng thoáng nghe: tập thể ban nhóm và ban giáo họ Giuse bàn tính làm một chuyến du lịch Phong Nha, Kẻ bàng. Lòng tự nhủ, có lẽ đây là ước mơ lâu nay sắp thành hiện thực chăng? Thấy tôi đăng ký đi, ra vẻ ngần ngừ, có người hỏi:
– Năm nay bao nhiêu rồi?
– Cũng đã xem xem tuổi thất thập.
– Ước chừng tuổi thọ còn được bao nhiêu nữa? Cứ cho thêm 30 vừa đủ 100 tuổi đi.
– Làm gì mà tới. Giỏi lắm chừng mươi lăm năm nữa là tỏi thôi.
– Liệu năm tới hay tháng sau bị tai biến thì có còn cơ hội để đi nữa không? Khả năng này của tuổi già rất là cao, thậm chí là đứt bóng luôn đấy chứ!
Thấy lời hù doạ ghê quá, đành phải tranh thủ đi ngay, bèn đăng ký gấp với ban Trị sự GH Giuse dưới dạng khách đi ké…
Ngày hẹn đã đến (23.04.2019). Sau thủ tục đọc kinh cầu bình an trước tượng đài Thánh Giuse, Đoàn người khẩn trương lên xe Bắc tiến…Xe gắn máy lạnh, rộng rãi và thoáng mát, đủ để chứa 42 người…
Xe vẽ một lộ trình qua những làng mạc rẫy nương phố thị Daklak, rồi lên “phố núi cao, em PleiKu má đỏ môi hồng…”, để rẽ vào đường Trường Sơn với đồi núi chập chùng cheo leo. Những đồi trọc khoác áo màu xanh hoa lá chen lấn lối đi, tạo nên những gò đồi khúc co ẩn chứa nhiều điều rủi ro. Những núi đồi bạt ngàn rừng cây Bạch đàn phới phới trong gió như vẫy chào. Xe vào đèo Lò xo hiểm trở với những khúc quanh gấp gáp, tưởng như hai xe nghịch chiều sẽ nổ tung…Có những lúc xe chậm chạp giống như con mèo rón rén chờ chực con mồi, rồi bỗng đâu nhao ra với sức rướn như vồ chụp…Có khi xe chạy êm ả lã lướt như khúc luân vũ.
Rồi như một con sâu chiếu, xe cuốn mình ngót một lộ trình dài con đường Trường Sơn. Xem ra cũng khá ngoạn mục, đủ tạo cho du khách muôn cung bậc cảm xúc của một bản giao hưởng “Vượt Trường Sơn” để rồi trở ra Đà Nẵng với “TP đáng sống”. Qua hầm Hải Vân thăm thành phố “Chiếc nón bài thơ” Huế…Trở ra thành phố cổ Quảng Trị rồi mới đến “Quảng Bình ta ơi! khoan khoan hò khoan…”, thì cũng vừa sáng…
Buổi sáng ở Phong Nha, gió nhẹ lên cao…Nắng nhàn nhạt như màu hạ trắng, nhưng lại chuyển tải trên vai sức nóng lan toả khắp bầu trời Quảng Bình. Điều đó càng thôi thúc sự háo hức của mọi người như muốn vào cuộc du cảnh ngay. Mọi người xúm lại chụp một vài tấm hình chung lưu niệm, rồi xuống bến đò.
Bến đò buổi mai hôm ấy, ghe cập bến tập nập rộn ràng đông vui như mở hội. Những cô gái Quảng Bình trông dân dã, chân quê với giọng nói dễ thương: “en ơi en! En lên ghe em nì!!”. Có tiếng nhại lại: “Em nói chi en nỏ hiểu”. “Quê em Quản Bìn nói rứa đó en!”. Phe ta: “Em đã có khi mô sắp mìn dưới chân Đức Mẹ chưa? Cô gái ngớ ra chẳng hiểu mô tê chi cả! Phe ta được dịp cười no bụng…
Ghe khởi động và nhẹ lướt trên giải lụa ngọc bích trải từ sông Son chạy dài mênh mang tới tận chân núi. Mũi ghe chấp chới rẽ sóng, gợn nước nhấp nhô lan dần xa đến tận bến bờ.
Xa xa, thấp thoáng những khóm tre trĩu nặng tình quê, ấp ủ những mái nhà tô ngói đỏ. Bỗng đâu, tháp cao giáo đường nhô lên giữa những dãy núi sừng sững đứng, như che chắn cho dòng sông hiền hoà chảy mãi chảy mãi đến vô tận…Phải nói, núi ở đây trông rất đỗi dị dạng của những con vật như: con voi nằm gục đầu, những chú cún đùa nhau…Hình người thiếu nữ gối đầu lên đá tảng, ngã người nằm nhô lên đôi gò bồng đảo trông rất đỗi quyến rũ!!
Đây đó, một vài ghe neo đậu giữa dòng chảy, để những cô gái nghiêng mình dùng những cây tre khuấy động dưới lòng sâu, vớt những rong rêu dùng để nuôi cá lồng. Bên những vách núi, những đàn dê đang tung tăng leo trèo cây lộc non. Chúng tôi, những người ở vùng cao Tây Nguyên, ngồi như ngây ra giữa một vùng sông nước quá đỗi hữu tình…Núi non và sông nước như hoà quyện vào nhau, vẽ nên một bức tranh sơn thuỷ, thơ mộng và lãng mạn chi lạ!!!
Giữa dòng chảy ngọc bích long lanh ấy, đất trời như giao duyên với nhau làm một. Cái phút giao hoà đó, ôi đẹp làm sao!! Lòng chúng tôi chùng xuống những cảm giác thư thái và thanh thoát để quên đi những bon chen tất bật của cuộc sống đời thường. Bỗng đâu, chợt thấy như mình tan loãng huyền đồng vào cõi đất trời, để không còn phân định nổi, ta là đất trời hay đất trời là ta…
Chỉ đến khi ghe chạy gần tới cửa động mở ra…thì chợt tỉnh ra mới biết: ta vẫn là ta, đất trời vẫn là đất trời…Từ vách đá vôi trắng xoá một màu thẳng đứng và cheo leo, cửa động hé mở ra một phần nghiêng mái núi, chỉ để vừa đủ một vài chiếc ghe ra vào…
Tất cả mọi chiếc ghe xuồng vào động Phong Nha, đều phải tắt máy nổ, để những cô gái đưa nhẹ mái chèo ghe vào trong. Dòng nước ngọc bích sóng sánh dần trôi dạt chiếc ghe trôi vào hang sâu, mà ở đó sẽ làm cho chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác!!
Lúc này, vòm trần mở ra một khoảng không gian gồ ghề lồi lỏm của vách đá vôi kết tinh từ bao đời. Những hang động tiếp nối nhau cả một đỗi dài 1,2 km. Có khi ghe lướt vào những khoảng tối không gian mờ ảo, làm cho ta có cảm tưởng như lạc vào cõi u minh huyền động. Rồi bất chợt loé sáng lên, mở ra một không gian rất đỗi bàng hoàng với những kiến trúc hang lèn rất độc đáo, mà tưởng trí óc con người giàu tưởng tượng cũng không thể nghĩ ra mô hình để kiến tạo lên một chuổi hang động hoành tráng và kỳ vĩ như thế.
Đi sâu vào hang động mới thấy được sự xâm thực mãnh liệt của nước dòng chảy sông Son và nước mưa hàng triệu năm đã kỳ công đục khoét thành những đường hầm, giếng sâu, sông ngầm…tạo nên vách đá dựng đứng với những hình ảnh biết bao kỳ diệu…Những nhủ đá thạch động kỳ công hàng triệu năm mới hoàn thành được kiết tác vô tiền khoáng hậu có một không hai.
Tôi sẽ trở lại mô tả hang động trong lần tham quan động Thiên Đàng sau. Ở đây, chỉ xin mở ngoạch để nói vài dòng về những cô gái chèo thuyền dịch vụ trên sông Son.
Mỗi ghe thuyền dịch vụ chở 12 khách du lịch tham quan có giá là 360 K một lần. Mỗi ghe có hai người phụ trách chèo lái. Ghe chạy một quãng đường vào đến hang động là 12 km cả đi về, thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ. Vào đến cửa động, hai người lại phải tự tay bơi chèo vào con lạch ngoằn ngèo vào ra có chiều dài 1,2 km khoảng mất 1 giờ đồng hồ. Xem ra cũng rất vất vả để bươn chải mái chèo, rồi còn phải nhanh tay luồn lách những ghe thuyền đi ngược chiều. Sau đó, trở ra tham quan động Tiên Sơn chụp hình vui chơi khoảng gần 1 tiếng nữa mới trở về.
Lao động gần cả 3 tiếng đồng hồ, trừ chi phí xăng dầu, nhà dịch vụ chỉ trả cho hai người số tiền 250 K. Tính ra một buổi, công mỗi người chỉ được 125 K. Mỗi tuần chỉ có hai chuyến, vì có đến trên 400 ghe thuyền, nên lượt đi sẽ rất ít. Đời sống người dân nơi đây rất khó khăn, chỉ bám vào dịch vụ ghe thuyền, lồng cá, và chăn nuôi dê ở núi, nên thu nhập cũng chỉ khiêm tốn mà thôi.
Du lịch tham quan thăm thú thiên nhiên cũng làm cho tâm hồn con người ta thư thái tĩnh tại với đất trời. Tấm lòng bỗng cảm thấy như nở hoa để thêm phấn chấn yêu đời hơn!!!
Châu Sơn choa