Ai biết chăng? Nỗi khổ tâm của cha phó!!!

Tôi chưa thấy cha phó nào về giáo xứ mà luôn trăn trở và thao thức để khổ tâm với giới trẻ thanh niên như cha Giuse Nguyễn Thanh Tâm.

Ngày cha về GX, người ta thấy hình ảnh một con người hao gầy và nhỏ con, nhưng bước đi xoắn xoái nhanh nhẹn, có cảm tưởng “lăng xăng như kẻ mới đến”.

Vừa mới về là cha đã quy tụ được đội quân trẻ em thiếu nhi vào phòng cha, để phát kẹo bánh…Thế là buổi đầu cha đã thu phục thiếu nhi qua kẹo bánh. Cũng tốt thôi, cứu cánh biện minh cho phương tiện ấy mà. Vì vậy phòng cha phó luôn đông vui trẻ em. Rồi có những lúc cha dạo bước chung quanh khuôn viên GX, gặp các em, cha thường trò chuyện và đùa vui với các em thiếu nhi một cách rất cởi mở và hoà đồng. Làm mục tử mà hoà đồng thân thiện được với các em như thế thì thật đúng là mục tử nhân lành.

Phải nói cha phó là con người hoạt bát, lanh lợi, xông xáo và rất có cái tâm với GX. Trong nhà thờ đọc kinh không đều và thấp giọng, cha liền nhắc nhở khéo: Làm ơn nhờ các bà các chị bắt giọng hát và đọc kinh cao lên một chút, cho rập ràng rôm rã cho thanh âm vui nhà thờ lên, và cho các ông bớt cực nhọc phải lạch bạch dưới thấp. Đồng thời không là nguyên nhân khiến con em chúng ta sau này theo thói quen đọc thấp giọng.

Với trẻ em thiếu nhi cha cũng thường xuyên nhắc nhở: các con đi nhà thờ để làm chi hè? Và rồi cha yêu cầu các em trả lời. Có em trả lời: Đi nhà thờ xem lễ, đọc kinh cầu nguyện. Cha phó động viên: xin cộng đồng cho một tràng pháo tay. Thế là cả nhà thờ vỗ tay lên rộn ràng. Các con đã đồng thanh cất cao tiếng hát lời kinh chưa? Có tiếng trả lời: chưa! Đó, trong nhà thờ chúng ta từ đầu tới giờ có một quỷ câm, nó đang cám dỗ chúng ta im lặng, đừng mở miệng ca tụng Chúa. Nhưng nó lại khuyến khích chúng ta ra ngoài vui chơi thoải mái nói tục và nói bậy. Vậy thì các con hãy đồng thanh cất cao giọng để đọc kinh, hát, thưa đáp trong thánh lễ cho đều và cho mạnh lên nghe chưa. Như thế Chúa Giêsu sẽ đuổi con quỷ đó ra khỏi nhà thờ này. Thế là thánh lễ bữa đó được các em cất cao giọng rào rạt râm vang cả nhà thờ.

Thông thường sau bài phúc âm, cha phó thường đặt ra những câu hỏi để các em trả lời. Buổi đầu các em còn rụt rè bỡ ngỡ nên chưa mấy em dám trả lời. Nhưng rồi dần dà các em quen dần và tranh nhau trả lời ấy chứ! Những câu trả lời xuất sắc sẽ được động viên bằng tràng pháo tay và có phần thưởng của cha phó, sau thánh lễ các em trúng thưởng sẽ vào nhà cha phó nhận quà. Có lẽ cũng nhờ thế mà các em được kích thích để tranh nhau trả lời. Những câu hỏi đáp về bài phúc âm của cha phó, chẳng những có ích cho các em mà còn đem lại cho người lớn ôn lại nội dung của bài phúc âm. Ngoài ra còn có những giải thích bổ ích về ý nghĩa của các ngữ cảnh trong phúc âm…

Còn những em khai tâm chưa được rước lễ, cha phó cho tham gia thánh lễ bằng cách xếp hàng lên để cha đưa hai tay úp lên đầu và đọc lời: “xin Chúa chúc lành cho con”, một cách rất trân trọng. Động thái này, cũng gây phấn khởi cho các em đi tham dự thánh lễ đông đủ hơn.

Nhờ những câu hỏi đáp sau thánh lễ và động thái cha phó đặt tay chúc phúc cho các em nhỏ, đã tạo sự kích thích cho các em đi lễ ngày càng đông hơn. Tuần nào các em vắng mặt nhiều, cha phó nhắc nhở cha mẹ hãy luôn động viên các con em đi lễ sáng. Chính cha phó cũng nhân đó mà nhắn nhủ cha mẹ cần phải làm gương đi lễ sáng thì mới có thể bảo con cái được chứ.

Đối với các anh chị trưởng và các anh chị GLV (hợp đồng) cha phó luôn đồng hành trong sinh hoạt Thiếu nhi. Ngoài ra cha thường tuần vẫn bồi dưỡng giáo lý cho các anh chị trưởng và GLV. Thứ năm hằng tuần, sau thánh lễ sáng, cha phó thường đồng hành với các anh chị trưởng uống cà phê ở Hoa Sữa. Nơi đó, cha con trao đổi tâm tình vui vẻ, và chia sẻ những sinh hoạt trong trưởng, để củng cố đoàn, nhưng vui vẻ và phấn khỏi hơn cả là được uống cà phê chùa cha phó bao.

Đồng hành và sinh hoạt bên Thiếu nhi và Cộng đồng trưởng xem ra cha con tâm đầu ý hợp, vui vẻ và đầm ấm biết bao. Chẳng bù cho khi cha phó sang tiếp cận và đồng hành với giới trẻ Thanh niên thì xem ra nhiêu khê và gai gốc (góc) hơn nhiều.

Tiếp xúc với cha phó Giuse, cha cho biết: Lực lượng thanh niên bị một tổn thất khá nặng nề là, con số anh chị trưởng bên thiếu nhi rất lớn! Hiện nay con số Thanh niên chỉ khiêm tốn 127 người. Và tham dự thánh lễ vào nhà thờ chỉ được hơn một nửa. Cha ước mong, phải chi các anh chị trưởng cũng tham gia học giáo lý bên Thanh niên thì con số sẽ đông vui và có khí thế hơn. Hiện nay vẫn bị tình trạng chồng chéo giữa các đoàn thể với nhau là điều đáng tiếc.

Khi được hỏi: Cha có nhận xét gì về giới trẻ thanh niên và các anh chị GLV phụ trách Thanh niên như thế nào? Cha cho biết: các anh chị GLV: rất nhiệt tình, rất năng nổ, chịu hy sinh và hết lòng quan tâm các em…Ngoài ra, cha phó rất mừng vì thấy nền tảng giáo lý của anh chị GLV rất vững vàng, ham học hỏi và cầu tiến, nhất là luôn làm gương sáng trong trong đời sống đạo đức qua Thánh Lễ và kinh nguyện. Tuy nhiên chương trình dạy giáo lý chưa rõ ràng lắm, cần phải điều chỉnh và tìm một giáo trình mới để dạy lâu dai.Trong khi các em thanh niên lại tỏ ra hờ hững và vô tâm trong việc học giáo lý, và xem việc học là một thứ xa xỉ không cần thiết. Khuyết điểm chung của giới trẻ là sống thiếu ý thức, thiếu sự trưởng thành, thiếu tinh thần trách nhiệm, sống ù lì vô cảm và trì trệ theo tính bầy đàn…Cha phó luôn nhắc nhở giới trẻ: Hãy sống trở thành một viên đá xây tường, dù chỉ là một viên đã nhỏ để xây dựng đoàn thể Thanh niên và GX, chứ đừng làm con sâu mọt đục khoét trong bức tường đó. Ý nghĩa của một viên đá nhỏ, nghĩa là không cần phải làm những chuyện to tát, mà chỉ xin được ý thức những việc nhỏ như: đừng vất rác bừa bãi và hãy cúi xuống lượm rác quanh nhà thờ, hãy đi tham dự thánh lễ đúng giờ, và hãy vào nhà thờ để tham dự thánh lễ một cách sốt sắng để được ơn ích, nếu không, đứng ngoài nhà thờ, hút thuốc, trò chuyện, bấm điện thoại thì chẳng những không được ơn ích gì, mà con mắc tội trọng (ko biết có trọng hay ko nữa…), vì tham dự thánh lễ ngày chủ nhật chẳng nên.

Cha phó cho biết: Xem ra (cũng có không ít) người lớn mà chẳng làm gương cho con cái noi theo, có người khi thánh lễ đọc đến kinh tin kính mới hớt ha hớt hoảng chạy tới nhà thờ với một bộ đồ đi rẫy. Cha phó hỏi: Chứ (anh) ông đi mô mà ăn mặc lôi thôi lếch thếch như thế này (như ri)? Thưa cha đi lễ ạ! Sao đi lễ mà trễ quá vậy? Nếu trễ thì hãy đi thánh lễ khác với trang phục tươm tất đang hoàng chứ ai lại đi dự tiệc thánh mà ăn mặc xoàng xỉnh như thế thì thiếu tôn trọng bí tích Thánh thể là bất kính đấy!! (khá nhiều người lớn tứ các bậc phụ huynh ngòi ngoài, ghế còn trống mà mời không vào. Cha kêu mời thanh niên vào nhà thờ làm sao được khi có không ít người lớn đứng ngoài, thậm chí đứng rất xa nhà thờ)

Khi được hỏi: cha có thường quan tâm để đi lại trong những giờ học giáo lý của Thanh niên không? Có chứ! Muốn tiếp cận với giới trẻ, chúng ta cần phải đồng hành và cần sự mở lòng, để biết các em thao thức những gì, cần những thay đổi nào cho phù hợp với cuộc sống của giới trẻ.

Những tháng đầu khi cha phó mới về, có lẽ cha sẽ rất đỗi ngạc nhiên khi thánh lễ giới trẻ mà những dãy bàn quỳ giữa bị trống hoác như đám rừng bị cháy trụi ở giữa nhà thờ. Đâu rồi các thanh niên nam nữ? Cha mời thanh niên vào nhà thờ bằng một giọng hết sức ân cần: Xin mời các anh chị vào những dãy bàn quỳ đã dành riêng cho thanh niên chúng ta…Dăm lần bảy lượt, rồi thanh niên vẫn ù lì không chịu vào ngồi các dãy bàn quỳ quy định. Những lần sau cha ôn tồn bảo: cha thiết tha mời các anh chị hãy nhanh chóng vào nhà thờ, vì thánh lễ đã bắt đầu rồi….

Sáu tháng đầu khi cha mới về, cha phó hết sức kiên nhẫn để mời gọi giới trẻ: Tôi rất mong anh chị hãy tự trưởng thành, để trân trọng lời mời gọi của tôi, như chính tôi đã từng trân trọng mời gọi các anh chị. Có lẽ cũng đôi chút động lòng để các anh chị lác đác bước vào dãy quỳ một cách uể oải…Đặc biệt bên nữ đã có sự chấp hành tốt hơn.

Sau nhiều lần nhắc nhở không có kết quả, thế là cha phó quyết định xông trận. Đầu thánh lễ, cha lảng vảng dạo bước trước nhà thờ để mời gọi giới trẻ vào. Nhưng rồi cứ sôi nước miếng hết mời hết nhóm này, rồi lại sang tóp khác, thế mà giới trẻ cứ quanh quẫn lần lựa đứng ngoài không chịu vào nhà thờ. Có đôi anh chị nể nả cha để bất đắc dĩ vào nhà thờ. Những lần như thế, cha phó hầm hực lắm! vì bao nhiêu thiện chí mời gọi của cha bị giới trẻ bỏ ngoài tai. Có lẽ khi cha bước ra làm lễ, lòng vẫn còn ấm ức… Tôi cứ tưởng những lúc bức xúc như thế, cha phó sẽ hét toáng lên chứ! Có vào không thì bảo, để tôi đóng cừa nhà thờ luôn. Nhưng rồi cha cũng biết tiết chế để mời gọi: Xin mời các anh chị vào trong nhà thờ, bàn ghế đang trống rỗng, Chúa vẫn chờ đợi các anh chị đấy! Thanh niên chúng ta là một gia đình, Chúa là người cha đang dang tay mời đón chúng ta vào, nỡ lòng nào các anh chị lại phụ lòng Chúa…Hôm nay bài phúc âm về người cha nhân từ, chúng ta hãy noi theo gương đứa con hoang đàng mà trở về cùng Chúa. Chúa chính là hình ảnh người cha đang đón chờ chúng  ta đó. Hôm đó, dường như giới trẻ thấy tội nghiệp cha phó để vào nhà thờ khá đông.

Những thánh lễ chiều thứ bảy gần đây, có lẽ cha phó đã cấm vận không cho đưa ghế ra ngồi ngoài nhà thờ, cùng với sự động viên của cha phó, bỗng đâu giới trẻ đã vào khá kín chỗ trống. Nhưng liệu không biết điều tốt đẹp này kéo dài được bao lâu? hay chỉ là cơn sóng dâng tràn lên một đợt cao trào rồi phẳng lẳng như cũ thì thật đáng buồn và đáng tội nghiệp cho cha phó nhà ta.

 Tôi chưa thấy cha phó nào lao tâm khổ tứ với giới trẻ như cha phó Giuse chúng ta. Có lẽ, muốn có được kết quả như lòng mong đợi của cha phó, trước căn bệnh trầm kha của giới trẻ GX, chúng ta cần phải có sự tiếp tay đồng bộ của các ban ngành, cha mẹ, các giáo lý viên… hổ trợ và cần nhất là lời cầu nguyện cho giới trẻ: biết trưởng thành, biết ý thức, biết có trách nhiệm hơn đối với đời sống đạo đức của chính bản thân mình thì, (và ý thức xây dựng cộng đoàn Giáo xứ) may ra mới có được một phép màu đưa giới trẻ về quỹ đạo của con đường đạo đức của một người Kitô hữu chân chính, sống với đức tin vững mạnh đủ sức chèo chống giữa dòng đời đây chao đảo này.

Nguyễn Vĩnh Căn

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …