Giới trẻ xuống cấp đạo đức, Trách nhiệm này thuộc về ai???

 Thông thường mỗi khi các cha trẻ về GX làm cha phó, cha chính xứ thường giao cho cha phó phụ trách về Đoàn Thiếu nhi và giới trẻ (Đoàn Thanh niên và Đoàn Thanh tráng niên). Cha phó nào mới về cũng sốt sắng để bắt tay vào mục vụ và đồng hành cùng các em thiếu nhi, còn giới trẻ thì dường như cha phó nào cũng “kính nhi viễn chi”. Có lẽ, phần vì mới lãnh nhận chức linh mục nên khi về GX còn nhiều bỡ ngỡ để “quen việc nhà mạ lạ việc nhà chồng” là khó tránh khỏi, sau nữa việc phụ trách tiếp cận với giới trẻ thanh niên quả là không đơn giản một chút nào để các cha phó trẻ buổi đầu thường ngại ngùng tránh né, vì ngại va chạm. Bởi các ngài cũng từ thanh niên mới qua tuổi trưởng thành cũng dư biết tính tình của thanh niên: ngoài sự nhiệt tình, trẻ trung, sôi nổi thì còn lắm cái nông nổi, cái bướng bỉnh, cái ngông cuồng, cái liều lĩnh, cái chầy lười, cái cứng đầu khó bảo…để khó có thể tiếp cận, khó hoà đồng và khó khắc phục nổi. Đó cũng là đặc tính chung của Thanh niên ở bất cứ thời nào và bất cứ nơi nào chứ không riêng gì thanh niên ở GX Châu Sơn ta đâu.

Từ khi cha Gioan về chính xứ đến nay cũng đã gần 10 năm, trải qua hết mấy đời cha phó ấy chứ, mà dường như không mấy cha phó dám dấn thân đồng hành cùng giới trẻ…Có được cha phó Giuse Trần Đình Ngọc, trước khi rời GX đã ra một quyết định khá táo bạo nhằm đối phó với Thanh niên đi lễ trễ bằng cách cho đóng 4 cửa Đông Tây Nam Bắc khuôn viên GX trước giờ thánh lễ 5 phút.

Chương trình hành động này đã được các giáo lý viên hưởng ứng tích cực. Các cửa đều được đồng loạt đóng. Và kết quả buổi đầu được xem là khá khả quan. Một số thanh niên nam nữ và kể cả người lớn đi lễ trễ cũng đành ngậm ngùi đứng ngoài song cửa ngó vào, để tiếc nuối vì đã đi lễ không đúng giờ, đành phải quay về nhà. Những tuần sau đó, giới trẻ và người lớn cũng đối phó với biện pháp đóng cửa để đi sớm hơn. Nhưng rồi chiến dịch này cũng chỉ một thời gian thử nghiệm nhằm mục đích tạo thói quen cho giới trẻ đi tham dự thánh lễ đúng giờ, chứ chẳng lẽ cứ đóng cửa cả đời vậy hay sao. Nhưng rồi hết hạn định của chiến dịch thì đâu lại vào đó, rồi cũng vũ như cẩn mà thôi.

Đó chỉ mới là biện pháp đối phó việc tham dự thánh lễ trễ mà thôi. Còn việc giới trẻ tham dự thánh lễ đứng ngoài nhà thờ thì botay.com vì căn bệnh trầm kha này đã quá lâu năm rồi.

Còn đâu thời hoàng kim của giới trẻ nghiêm túc trong việc đi học giáo lý đông đủ, đi xem lễ đúng giờ và chịu vào trong nhà thờ để xem lễ. Thực ra, muốn tạo được khuôn phép đó cũng không dễ dàng một chút nào.

Nhớ hồi đó có cha phó GB (HQL) và cha chính An Tôn (VTL) và anh trưởng ban phụ trách Giới trẻ là anh (PVL) cùng quyết tâm đồng hành với giới trẻ bằng nhiều biện pháp. Để thúc dục các em đứng ngoài mà vào được trong nhà thờ là rất khó. Vì các em viện đủ lý do: nhà thờ không còn chỗ, đi lễ trễ nên ngại lên hàng bàn quỳ giữ nhà thờ…Có những em được mời vào nhà thờ nhiều lần nhưng vẫn cứ lì lợm không vào, vì vậy em khác cũng phân bì để đứng ngoài nhà thờ xem lễ.

Một ban trật tự được lập ra, HĐGX uỷ quyền cho đoàn Phụ huynh phụ trách…Bước đầu khá suôn sẻ, nhưng rồi sau đó đã có một vài tráng niên đi lễ đứng ngoài, khi được mời vào đã lên tiếng sừng cồ, và thậm chí còn đấm vào mặt người phụ trách…Bảo ai mà kham cho nổi. Từ đó đoàn phụ huynh ngại ngùng để trả lại cho HĐGX. Rồi đến đoàn Tráng niên phụ trách, cũng rút lui vì bất lực trước những tráng niên đứng ngoài xem lễ, làm gương mù gương xấu cho các em…Không mời được các ông tráng niên thì làm sao mời được các em vào…

Dù không được thành quả như lòng mong muốn, nhưng phải nói giới trẻ thời đó khá nghiêm túc trong việc học giáo lý và tham dự thánh lễ khá đông đủ. Có lẽ, một phần cũng nhờ cha chính xứ An Tôn luôn quan tâm và luôn gần gũi để hổ trợ và động viên GLV và những người phụ trách…Ngoài ra cha luôn có biện pháp răn đe: Báo cho cha mẹ biết những sai phạm, rao tên giữa nhà thờ, không học giáo lý đầy đủ, sẽ bắt học lại giáo lý hôn nhân, khi đến tuổi lấy vợ lấy chồng…

Đến bây giờ thì giới trẻ đã xuống cấp trầm trọng quá rồi. Rất nhiều em bỏ tham dự thánh lễ chiều thứ bảy dành riêng cho giới trẻ mà không đi lễ bù. Đó là chính các em trong các cấp với nhau cho biết. Mà có đi tham dự thánh lễ cũng không chịu vào trong nhà thờ.

Có người bảo: Giới trẻ xuống cấp là vì cha chính xứ khoán trắng cho cha phó mà không hề gần gũi để quan tâm và  động viên giới trẻ. Với con người đạo đức, ngài cho rằng: giáo dục dựa vào đức ái là mời gọi chứ không cần phải bức bách,  không cần phải răn đe và cần dùng biện pháp mạnh. Phải chăng vì thế mà giới trẻ được đà xuống cấp nghiêm trọng?? Thực ra không hẳn là thế. Chính cha cũng đã nhiều lần có lời nặng nhẹ với giới trẻ, mỗi khi cha thấy những dãy bàn quỳ dòng giữa trống hoác trống huơ… Nhưng rồi giới trẻ vẫn cứ tính nào tật nấy.

Chẳng lẽ qui trách ban Huấn giáo và các anh chị giáo lý viên?? Nói quả đáng tội, BHG và anh chị GLV cũng đã đau đầu khi các em xuống cấp đạo đức chứ không phải các anh chị không quan tâm đến các em đâu. Biết bao nhiêu biện pháp các anh chị đưa ra: Vắng mặt thì gọi đến cho cha mẹ biết. Nhưng rồi nhiều khi cha mẹ cũng thờ ơ để khoán trắng cho các anh chị, và chính cha mẹ cũng cho biết là bất lực với con cái. Nhiều cha mẹ cho biết: chính chúng tôi cũng không biết con mình có đi lễ hay không nữa, thì hết biết!!! Thực ra, cái trách nhiệm lớn lao nằm ở nơi cha mẹ, vì cha mẹ có nhiều thời gian gần gũi để quan sát và kiểm soát con mình nhiều hơn là cha xứ, BHG và các anh chị GLV. Đổ trách nhiệm giới trẻ xuống cấp đạo đức cho giới thậm quyền giáo dục thì cũng oan cho họ lắm!!

Nhưng rồi tiên trách kỷ thì hậu mới trách nhân được. Chính giới trẻ các em cũng phải tự trách chính mình mới đúng. Vì trong khi mọi người muốn làm điều tốt, điều đạo đức cho các em mà các em không có thiện chí cộng tác cùng với các anh chị GLV để cầu tiến cho bản thân mình, thì ai có thể làm điều tốt cho các em được nữa đây???

Với cái đà xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của giới trẻ như hiện tại, thì nguy cơ của việc đạo đức hoặc đi tham dự thánh lễ, giờ đây chỉ còn là biện pháp đối phó nữa mà thôi.

Đã đến lúc cần phải báo động đỏ cho chính cha mẹ, để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn lại con đường đạo đức cho giới trẻ, nếu không, tương lai đạo đức của giới trẻ sẽ nguy cơ bỏ đạo, bỏ nhà thờ là rất khả thi…

Châu Sơn Choa

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …