Khi chết, ai cũng mong muốn về cõi thiên đàng, hay niết bàn, hay tiêu diêu miền cực lạc. Mong muốn là thế, nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến hành trang sửa soạn cho một chuyến đi xa về cõi miên trường.
Có một câu chuyện phim “ngưỡng cửa thiên đàng”. Bộ phim đơn giản, nhưng chứa đựng ý nghĩa đầy nhân bản sâu sắc. Một chàng thanh niên chơi đàn cello trong dàn nhạc hoà tấu ở thành đô, dàn nhạc bị giải thể vì không có khán giả.
Thất nghiệp về quê, Daigo phải làm nghề khâm liệm người chết, trước khi đưa vào quan tài. Một cái nghề chẳng lấy gì làm tốt đẹp, mà ban đầu chính Daigo cũng hãi hùng khi đối diện với những thây người: có những kẻ chết an lành, thảnh thơi tưởng như đang mơ ngủ. Có kẻ chết tức tưởi oan khiên, mắt còn trợn tròng tưởng như đang tự hỏi tại sao tôi chết? Có kẻ chết trong sầu thảm, mắt trũng xuống với những nỗi thống khổ hằn sâu khoé mắt. Rồi có những người chết thối rửa cả mấy ngày…bốc mùi tanh tưởi. Có kẻ giận đời, ghen tình bèn treo cổ tự tử…Tất cả những khuôn mặt đó, đều được Daigo trang điểm phấn son, cạo sạch da mặt và thậm chí còn cạo sạch lông vùng kín…Sau đó, thi hài được mặc trang phục đẹp đẽ một cách trang trọng, như để tái tạo lại hình ảnh con người đẹp nhất khi còn sống. Sự khâm liệm làm đẹp đó, tưởng như làm mới cho con người thường hằng để chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa thiên đàng.
Nghề khâm liệm, một cái nghề mà ai cũng kinh tởm. Chính bạn bè đã nói với chàng bằng cái giọng mỉa mai: mày mà cũng làm cái nghề đó ạ! Hãy kiếm lấy một cái nghề khác đi. Ngay cả Mika, vợ của Daigo cũng quay lưng lại để bỏ chàng ra đi. Nhưng Daigo đã hành nghề bằng với tâm huyết của đời mình, bằng một sự trân trọng đầy kính cẩn trước kẻ sắp bước vào ngưỡng cửa thiên đàng như lòng hằng mong muốn.
Sau cô vợ đã hồi tâm quay lại. Một lần Mika theo chàng đến tẩm lượm một xác chết. Cô ấy xúc động, vì việc tẩm lượm của chàng đầy thành kính, đầy tinh tế, cũng như rất linh thiêng giữa người sống và kẻ chết…khiến cho thân nhân của người chết cũng rất mãn nguyện trong phút đưa tiễn.
Bộ phim đã nói lên vẻ đẹp nhân bản gắn kết giữa ngưới sống và người chết…Dường như việc làm nhân nghĩa của Daigo đã được trả công quả…
Chàng đã được gặp lại người bố khi đã chết, mà tưởng rằng cả đời Daigo rất oán giận bố, vì người bố đã ruồng bỏ mẹ con chàng để đi theo người đàn bà khác, khi chàng lên 6 tuổi.
Trước giờ đưa bố chàng vào quan tài, chàng đã mủi lòng để xin được tự tay khâm lượm cho bố một cách tươm tất, tẩn mẩn tỷ mỷ như để báo đáp lại công ơn sinh thành cho bố mình. Mika và Daigo cảm động bật khóc thương cho số phận hẩm hiu của bố.
Bộ phim ngưỡng cửa thiên đàng của Nhật ngẫu nhiên được chiếu trên TV vào tháng linh hồn, cũng gợi ý cho ta nhiều điều: Hãy làm điều tốt đẹp nhất cho người chết, để tiễn họ vào ngưỡng cửa thiên đàng với một sự tôn kính đầy trân trọng. Hãy xoá bỏ ranh giới hận thù với nhau, bởi nghĩa tử là nghĩa tận. Từ cái chết, khơi gợi cho chúng ta về một cõi vĩnh hằng mà ở đó, phải có một đấng toàn năng để luận xét công quả và tội lỗi khi còn ở dương thế!
Với người công giáo chúng ta, đã có một người cha giàu lòng xót thương luôn chờ đợi chúng ta ở ngưỡng cửa thiên đàng ngày về của đứa con hoang đàng. Mỗi người chúng ta cũng nên sửa soạn hành trang tươm tất cho ngày về gặp người cha già trong sự ăn năn thống hối vì đã lỗi phạm với người cha mình…
Thiên Lương