Đẹp biết bao, Đông Tràng nhà anh họ ơi!!

  • Hai lần trước về Hà Tĩnh mà chưa ghé thăm Đông Tràng được, lòng những nô nức mong muốn được về Đông tràng một lần cho biết, nhưng vì không có duyên cớ gì để đi, thứ nữa cũng cách xa Đức Thọ cả hàng chục cây số, nên đành lỡ hẹn.

Trước đó, một anh bạn người Châu Sơn đã có lời khen: GX Đồng Tràng tiếng là ở Hương Sơn mạn ngược núi rừng, nhưng làng Đông Tràng chiếm cứ một vùng đất bằng phẳng và tình làng nghĩa xóm thắm đượm lắm! Điều đó càng làm cho tôi đau đáu một nỗi niềm mong muốn để ghé thăm Đông Tràng.

May mắn thay, lần này về quê dự đám cưới với trọng trách của một ông bác là buộc phải lên GX Đông Tràng để rước cháu dâu về giáo họ Yên Đông. Nhờ nhân duyên hai cháu Cao Cường và Minh Trang nên ông bác mới được ăn theo để ghé thăm Đông Tràng.

Yên Đông kết nối Đông Tràng

Cao Cường duyên thắm Minh Trang đẹp ngời

Thế là chiếc xe bon bon rời thị trấn Đức Thọ để vào con đường 8 lên Hương Sơn.

Một lộ trình dài 17 cây số…Đây là con đường có cảnh quan đẹp nhất đất nước VN mà một bài viết về Hương Sơn đã hết lời ca ngợi. Quả thật ai có đi thăm thú qua đường này mới thấy lời khen không sai.

Tiếng là lên miền rừng núi, nhưng thấy xe đi qua những quãng đường lượn vòng êm ru như đang lã lướt điệu luân vũ trên những đường cong uốn lượn theo lưng đồi. Hai bên đường, những phố thị sầm uất nối liền nhau, cho thấy một vùng đất giàu tiềm năng kinh tế đang chổi dậy một sức sống mạnh mẽ. Đó đây những làng quê thấp thoáng hiện ra xa gần trong những miền núi rừng trùng điệp. Những cánh đồng ruộng men bên đường, mùa này đã gặt xong trơ gốc rạ lúa chét xanh mởn đang nhú lên màu mạ non. Tất cả đã đan dệt vào nhau làm nên một bức tranh thổ cẩm đa sắc màu. Rồi những đường dốc thoai thoải du dương như ru ta vào cõi mộng êm đềm…

Chiều xuống thật thấp, những đám mây trắng xóa sạ xuống, quàng vai bá cổ lên những đồi núi. Xa xa những dãy núi mờ ảo chồng lên nhau đi mãi không hết. Thi thoảng xe qua những nhịp cầu với dòng nước trong xanh in bóng những núi rừng nhao xuống mặt nước, trông như một bức tranh thuỷ mạc đẹp chi lạ!

Mải mơ màng với bức tranh sơn thuỷ thiên nhiên để quên rằng xe đi lễ cưới nhà trai đã đến GX Đông Tràng khi nào không hay…Nhà gái ở trên con đường bê tông khá thoáng rộng để dẫn vào cổng sau nhà thờ. Từ đây đã cho thấy những con đường ngang với những bờ tường chạy dọc theo với những hàng chuối cao, những cây xoan chấp chới ra đường như đón chào quý khách nhà trai.

Có lẽ đến đây, xin cho phép tôi được nói qua một chút lễ cưới ở GX Đông Tràng…Chiều tối hôm đó, một thánh lễ cưới rất long trọng, có được sự hiện diện đầy vinh dự của Đức Cha Phaolo Maria Cao Đinh Thuyên và hai cha đồng dâng lễ (không phải là thánh lễ đồng tế, kẻo bà con hiểu lầm). Tôi lấy làm lạ là từ bài dẫn nhập lễ, bài giảng của Đức Cha luôn gợi những viễn cảnh ngặt nghèo khó khăn, những gam mầu eo sèo đen tối mà đôi hôn nhân sẽ phải đối mặt, chứ không cao rao những viễn cảnh trăng mật êm đềm đẹp đẽ… Đúng là các vị chân tu đã linh hướng và dự báo trước cho đôi hôn nhân những eo sèo khó khăn để đôi hôn nhân biết trước mà dự phòng cho đời sống hôn nhân, “ngày sau sỏi đá vẫn còn có nhau” như thông điệp của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi gắm.

Có lẽ những nghi thức đám cưới hỏi xin cũng không khác trong Nam là mấy, nên tôi xin mạn phép để nhanh chân tham quan một vòng GX Đông Tràng vậy. Vì những lùm chuối cao ngất, nên khó lòng hình dung khái quát về làng Đông Tràng được, nên tôi phải trở ra khuôn viên nhà thờ để ghi nhận…

Tôi lấy làm ngạc nhiên khi GX Đông Tràng chỉ có khoảng hai ngàn giáo dân với 5 giáo họ, mà xây nên được một nhà thờ hoành tráng đến thế!! Ngôi nhà thờ xây dựng năm 1991, là một phiên bản của Nhà Thờ Đức Bà (Sài Gòn); Tổng thể ngôi nhà thờ là một gam màu vàng tươi với hai tháp vươn cao lên trời xanh, càng làm cho ngôi nhà thờ đã bề thế lại thêm lẫm liệt. Nhưng nhà thờ không phải là ông Thánh An Tôn ngự trị như tôi tưởng, vì người Đông Tràng vốn rất mộ mến ông thánh An Tôn, mà là Tượng Đức mẹ bồng Chúa Giêsu với tước hiệu Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.

Mặt tiền nhà thờ hướng ra phía bờ đê nên hơi bị thất thế, bởi bờ đê Sơn Châu cao, ngăn tầm nhìn từ xa. Nhưng đứng ở bờ đê này lại nhìn thấy toàn bộ ruộng nương của dân làng. Những bãi cỏ trâu bò gặm nhẵn thín chạy dọc phía ngoài bờ đê. Những rẫy nương dường như mới thu hoạch xong, trơ khô lại gốc rạ. Và ở tầm xa, những dàn mướp, bí bầu thấp lè tè đang mùa cho thu hoạch. Những rẫy nương ở đây dường như tựa đầu vào núi rừng xanh thẳm.

Chung quanh khuôn viên nhà thờ, những hàng cây xi xanh rờn, càng làm cho nổi bật màu vàng rực rỡ của ngôi thánh đường lên. Bên cạnh là hoa viên Đức Mẹ, với toà lầu đài xinh xắn, có bệ tháp chạm trổ khá kỳ công, sơn màu vàng cam, tô son đỏ sẩm, làm tôn màu áo xanh da trời của Đức Mẹ nổi bật lên hẳn. Những hàng ghế bài trí bên những chậu cây cảnh bon sai càng làm cho hoa viên Đức Mẹ trông hoà hài đẹp mắt hơn.

Buổi tối lễ cưới ra, tôi tới hoa viên này và thấy mấy o nhà mềnh đang ngồi chơi, tôi bèn hỏi:ở ngoài này, người Đông Tràng có còn nói những tiếng đặc trưng của Đông Tràng như: anh họ, nhà mềng, năng (răng), cân gấy (con gái)”. “Có chứ bác! Nhưng cái câu “Lên cái rộc bổ cái hết đau” thì thế hệ nhà con không hiểu bác ạ!”. Thì ra tiếng mẹ đẻ thì ở bất cứ nơi nào cũng giống nhau.

Nhà thờ giáo xứ Đông Tràng cách con sông Ngàn Phố 250m theo hướng Đông Bắc, cách đường 8B, 700m theo hướng Đông Nam. GX Đông Tràng thuộc Thôn Đông, Sơn châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Đi dạo vào làng xóm một vòng…Dường như những mái nhà tôn, mái nhà ngói bị khuất lấp vào những bờ chè mận hảo, cây lộc nước, cây chùm ruột, cây đu đủ, cây soan mọc lên tự nhiên và chen lấn nhau trong vườn. Đặc biệt là cây chuối hột được trồng đại trà trong vườn để cho hưu hay trâu bò ăn vào mùa nắng hạn…

Tôi rẽ vào thăm một gia đình ông bà nọ…thấy chuồng bò, chuồng hưu được nuôi trước nhà giống như ngày xưa người Đông Tràng ở Châu Sơn vẫn nuôi như thế. Người Đông Tràng sống dung dị, mộc mạc và hiền hoà như núi rừng hoang sơ. Tôi hỏi hai ông bà: “Ông bà có quen biết ai Đông Tràng ở Châu Sơn không ạ?”. “Biết chứ! Ông Hiệp, ông Xuân Mười, ông Diện…”. Ông cho biết, làng Đông Tràng hồi di cư 54 có chừng 200 gia đình, thì có đến 140 gia đình đi Nam, nên mối bà con thân thuộc là rất gần gũi nhau”.

Đi một đoạn đường nữa, gặp một anh trung niên tôi hỏi chuyện: “Ở đây người dân làng mình sinh sống ra sao anh?”. Anh cho biết: “dân làng ở đây kinh tế chủ yếu là chăn nuôi: Trâu, bò, hươu. Còn trồng trọt thì có: Lúa nước, hoa màu, cây ăn quả (Cam bù, chanh, mít, bưởi,…). Tôi lại hỏi: “ở đây có phong trào đi lao động nước ngoài không anh?”. “Dường như chẳng có mấy người đi”. Xem ra cuộc sống của người Đông Tràng dung dị và chỉ bám vào đất đai ruộng nương là chính.

“Anh ở ngoài này có bà con ai ở Châu Sơn không?”. “Có chứ, bà Khánh, ông Sự và nhất là cánh ông Trần Ngọc Hân, con cháu phục vụ giáo xứ từ ca đoàn đến đàn nhạc nhà thờ. Ông Huân và Chị Hương là ca trưởng Châu Sơn nhiều năm nay. Đặc biệt là cha Ân Đức một nhạc sĩ Công giáo nổi tiếng trong và ngoài nước”.

Ra ngoài này, tôi mới biết quê mẹ của cha Phao lô Cao Văn Luận là Đông Tràng, quê cha là Thọ Ninh. Sau gia đình lên lập nghiệp ở Đông Tràng, nên dường như cha Luận lớn lên ở Đông Tràng là chính, kể cả sau ngày cha thụ phong linh mục, cũng về ăn mừng tại Đông Tràng.

Đàng trong Châu Sơn ngoài cha Ân Đức Trần Ngọc Hoan là nhạc sĩ có tiếng tăm với 12 CD nhạc thánh ca được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước, còn có cha GB Nguyễn Huy Bắc, được giáo phận gửi đi du học Phi Luật Tân. Hiện nay, cha làm giám đốc ở trung tâm mục vụ Giáo phận BMT.

Về Đông Tràng tôi chợt nhớ tới ông Phạm Tuyên, Chủ tịch liên đoàn thanh niên Công giáo, sau bị kết án tử hình cùng với Tổng thư ký Mạnh Trọng Niệm người Cầu Khóng trong vụ án Hưng Yên. Đó là hai cái chết oan sai, mà nhà nước đã bức tử người công giáo chân chính. LĐTNCG chỉ hoạt động với mục đích: phụng vụ Chúa và hội thánh mà thôi.

Nhìn chung Đông Tràng đàng trong và đàng ngoài có cuộc sống khá tương đồng nhau. Hiện nay, hình ảnh mái nhà thấp lụp xụp, có rèm che và cây cối rậm rạp, vật nuôi ở kề cạnh với nhà tạo nên một sự đầm ấm yên vui của Đông Tràng ngoài Bắc, cũng giống như Đông Tràng Châu Sơn thời mới di cư.

Nguyễn Vĩnh Căn

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Như một lời chia tay!!!

Sáng nay bầu trời có chút nắng hiếm hoi xuất hiện sau cả tuần mưa …