38 năm, trở về…
Niềm vui ngày hạnh ngộ!!!
Cái ngày 75 đã mờ xa lâu lắm rồi! Nhưng mỗi lần hồi ức lại, tưởng vẫn như mới ngày hôm qua…
Ngày ấy, làn sóng đỏ như một cơn hồng thủy, triều dâng càn lướt ào ạt vào phía nam như một cơn cuồng phong bão tố…
Lúc bấy giờ, người miền nam kinh hoàng, hoảng loạn tưởng như đến ngày hủy diệt nhân loại!!! Đúng như Nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định: “Chúng ta giải phóng để đem lại độc lập tự do hạnh phúc đâu không biết, nhưng gieo tai họa cho hàng triệu người khốn cùng đau khổ…”.
Gia đình ly tán….Và câu chuyện của 38 năm về trước “tưởng rằng đã quên” theo dòng chảy thời gian “hãy để ngày ấy lụi tàn”, nay bỗng trở về trong niềm vui hạnh ngộ…
Thế hệ của tôi cách xa anh ấy đến 14 năm, nhưng tôi vẫn nhớ rõ hình bóng anh: Một con người hiền hòa, đằm thắm, kiệm lời, dễ mến. Dáng người cao hao gầy, nước da trắng trẻo, kèm thêm một cặp kiếng càng làm cho anh ấy ra dáng thư sinh, hơn là một quân nhân Địa Phương Quân VNCH. Đã thế, khuôn mặt anh lại khôi ngô tuấn tú đẹp trai, chắc là nhiều cô gái chết mê…
Sáng nào đi làm cũng chạy chiếc honda 67 trong bộ quân phục là lượt ủi hồ láng cóong, càng tâng cái dáng bảnh bao của một anh quân nhân thêm vẻ hào hoa.
Và ở một miền quê nọ, có một cô thôn nữ đến tuổi cập kê, cũng xinh xinh, cũng hây hây má đỏ môi hồng, ăn nói mặn mà dễ thương. Cũng tóc mai sợi ngắn sợi dài, cũng nụ cười duyên dáng bên ánh mắt mộng mơ, e ấp bên mái tóc thề thả gió tung bay…
Và bỗng đâu, ông tơ bà nguyệt thả “sợi tóc vương chân người”.
Nhưng muốn gì thì gì, tất cả cũng đã manh nha từ câu chuyện thời sự của một ông già Đại Đội Trưởng Nghĩa quân ở thôn xã, đã tiếp cận với một chàng quân nhân Địa Phương Quân về làng công tác “chiến dịch ấp Chiến Lược”. Cả hai cũng vì công việc quốc gia, bỗng đã biến ra việc riêng tư của nhân duyên.
Chàng quân nhân ấy, về nhà người lính già Nghĩa quân đại đội trưởng, và “phút đầu gặp nhau, tinh tú quay cuồng…”. Để rồi cả hai bên “bốn mắt nhìn nhau trìu mến” tiếng lòng đã chạm tơ tình, êm ả và đẹp tựa bài thơ.
Chàng và nàng đã bén duyên nhau trăm nhớ ngàn thương…để đi đến cái ngày sánh duyên thành hôn với nhau năm 1967. Và phải chăng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi vẹn câu thề” của thi sĩ nào đó?
Không, tình vẫn đẹp lắm! Để 8 năm sau “thiếp đã 5 con cùng chàng”.
Và ngày ngày, khi chàng đi làm ở Tiểu khu, Phòng 4 – Tiếp Liệu Quân Lương…Thì nàng ở nhà chợ búa nuôi năm đứa con thơ…Cuộc đời yên vui và êm ả biết bao, thì bỗng đâu mây mù giông bão kéo tới…
Làn sóng đỏ đã cuộn phăng tất cả, để nhuộm đen miền nam trong sự thất trận thảm sầu tang tóc. Bầu trời ảm đạm với bao ngút ngàn đau thương của một trời bi ai, mà không bút sách nào tả xiết!!!
Người chiến binh thất trận đó, đắng cay để tâm sự “anh không thể đội trời chung với bọn đỏ! Nhắm mắt lại thì thôi, chứ mở mắt ra là thấy lòng căm thù chất ngất…”.
Và ngày ra đi, anh chẳng dám nói lời chia phôi với người vợ và năm đứa con thơ dại, mà đứa con gái út hãy còn quá bé bỏng, cũng chỉ vừa mới 6 tháng tuổi. Làm sao để anh nỡ lòng nói câu biệt ly, khi anh biết rằng: “ra đi là chết trong lòng một ít…”.
Hình ảnh buổi chiều hôm anh ra đi, với chiếc xe đạp vẫn còn đọng lại trong đôi mắt người thiếu phụ khi kể lại: “Anh ấy bảo rằng, lên thăm chú em ở cây số 5 trước nhà thờ Lộ Đức…”. Và buổi chiều đó, đã trở thành một buổi chiều định mệnh, để mãi mãi anh không còn trở về nữa…
Người vợ trẻ trở về miền quê ngoại, để tháng ngày tần tảo lam lũ với đôi vai gầy cuốc đất nuôi con, với hy vọng chờ đợi một ngày nào đó, người chồng sẽ trở về…
Ngày đó, sau 75, một cuộc phá sản toàn miền nam đã khiến cho cuộc sống cheo leo khổ cực, gian nan vất vả đến cùng cực! Một người tự thân nuôi mình là đã khó, vậy mà một thiếu phụ còn son trẻ nuôi 5 đứa con thơ dại vào cái thời đó, quả là quá khó, để không bút sách nào tả hết nỗi truân chuyên dâu bể của cảnh đời hậu chiến.
Tôi vẫn nhớ rất rõ về chị: Hình ảnh một phụ nữ mặc áo lao động thô mộc, cán cuốc đè vai gầy, đi lao động rẫy nương phải trèo đèo lội suối vào tận trong CuôcKnia thì cơ khổ biết là dường nào!!! Nhưng chị vẫn trò chuyện vui tươi được với mọi người mới là lạ! Một điều mà tôi nghĩ là, các con chị phải luôn cánh cánh trong lòng công lao biển trời của chị trong những ngày tháng cơ cực đó, mà chỉ một minh chị gánh chịu, kể cả khi những đứa con đã lớn khôn, nhưng chị vẫn không nỡ lòng bắt con đi làm như những đứa trẻ khác cùng thời. Có người hỏi chị: “Sao chị không cho các cháu đi làm cho vui và đỡ cực nhọc?”. Chị tươi cười đỡ lời: “Các cháu hãy còn nhỏ dại lắm! Hơn nữa đang tuổi chơi, tuổi ăn học, làm sao bắt các cháu đi rẫy dầm mưa giải nắng cho đành!”.
Tôi biết người mẹ đó, còn che giấu niềm cay đắng trong tận đáy lòng, để gậm nhấm nỗi đau cho riêng mình, với nỗi lòng chờ chồng trong tuyệt vọng tháng ngày…
Ngày tháng cứ xa đưa cái ngày chồng ra đi mãi, để nỗi chờ mong tháng ngày cũng chỉ là vô vọng…Vì nếu như anh ấy còn sống và vượt biên đi bên kia, thì cũng đã có tin tức về rồi…
Những năm gần đây, các nhà ngoại cảm đã làm được những việc tâm linh hết sức phi thường, ngoài dự cảm mong đợi của con người. Đó là việc truy tìm và phát hiện ra mồ chôn của những người chết lâu năm, để người nhà tìm lại những hài cốt của thân đưa về cho ấm lại tình “người chết nối linh thiêng vào đời”.
Chị và các con chị cũng đã từng hai lần lên đường đi tìm mộ anh ấy! Nhưng rồi kiếp nạn chưa hết, nên vẫn vô vọng để trở về tay không. Sao mà số kiếp anh ấy long đong đến thế hả trời!!!
Và trời chẳng phụ lòng người. Bỗng đâu…
Nhà ngoại cảm nổi tiếng là thầy Nghiệm, ở tận Đà Nẵng, chẳng những là người Công giáo, mà thầy còn làm HĐGX lâu năm. Bây giờ về hưu, thầy chỉ tâm huyết giúp thân nhân tìm người chết mà thôi. Số là thầy lên Hà Lan, vừa truy tìm mấy mộ cho thân nhân xong, thầy gọi lên Châu Sơn và người nhà đã họp bàn để quyết đưa chồng, cha về trong chuyến đi này.
Ông Hải người tài xế luôn đồng hành lái xe đưa thầy Nghiệm đi truy tìm mộ người chết, cũng đã lên đường với bốn người con ra đi…
Tất cả sự việc xẩy ra, giống như được lập trình cài đặt trong tâm trí của thầy Nghiệm. Khi người nhà báo cho thầy qua điện thoại, tên họ, tên thánh, năm sinh của người bị mất tích 38 năm…Thầy đã cho biết một cách tường tận, nơi chốn ông ấy chết có 7 nấm mồ. 7 người này bị đạn bắn chết, nằm phơi thây khô đen và được những người dân đi rừng gần đó chôn cất tử tế, nhưng rất cạn. Đó là địa điểm Long Điền, Bà Rịa, Vũng Tàu. Khi dẫn người thân lên ngọn đồi cao, vượt qua bao dốc đồi gai gốc cheo leo, thế mà thầy vẫn băng băng vượt trước như không có gì cản trở, khiến những người theo sau vất vả, nhưng lòng đầy thầm phục sự tỏ tường của thầy để đến chính xác ngay 7 ngôi mộ. Thậm chí thầy còn cho biết, ông nhà khi đi có mang theo kiếng và chết vào đúng ngày 21/09/1975…Và ở đây còn có một viên Đại Úy người Nha Trang, mà theo chị nhà cho biết là Đại Úy Dũng Trưởng phòng cùng đơn vị với chồng chị.
Ra đi thứ tư ngày 18/09 đến thứ sáu tìm được mộ. Theo người nhà kể lại, khi đào lên thấy hài cốt đã hoai ra tro đất, theo dáng một hình người cao.
Đúng thứ sáu, 20/09 hài cốt đã cùng thân nhân trở về nhà.
Và thứ bảy ngày 21/09/2013 là đúng giỗ 38 ngày mất. Một sự trùng hợp đến kỳ lạ.
Và người con của giáo xứ đã trở về gia đinh sau hơn 38 năm trời xa cách.
Đó là ông: MARTINÔ LÊ TRUNG HIẾU sinh năm 1938.
Nguyên quán: Tuy Phước – Bình Định, thuộc GP Quy Nhơn.
Mất ngày 21/09/1975 tại Long Điền – Bà Rịa – Vũng Tàu
Sau 4 ngày về sum họp với vợ con trong kinh nguyện của bà con thân thuộc và bạn bè lối xóm, ông Martino Lê Trung Hiếu đã được đưa vào gia mộ của nghĩa trang GX Châu Sơn.
Xin thắp một nén hương tưởng niệm đến ông, và nguyện xin Chúa nhân từ, sớm đưa linh hồn về hưởng dung nhan Ngài.
BĐD xin thông báo cho bà con Châu Sơn trong và ngoài nước chia sẻ niềm vui hạnh ngộ cùng với gia đình bà Trần Thị Sinh và các con cháu.
Ông Martino đã lưu lạc 38 năm, bây giờ mới trở về quê lòng đất mẹ GX Châu Sơn.
Xin quý bà con cùng hiệp ý cầu nguyện, để linh hồn Martino sớm về cõi vĩnh phúc.
Nguyễn Văn Kính – một người hàng xóm