Yên Phú ta ơi! Thênh thang một lối về…
tienducchauson
11/08/2018
Diễn Đàn Bạn Đọc, Tâm Tình Người Viễn Xứ
432 Views
Dọc theo con đường làng Thọ Ninh, chân rảo vài bước là sang đến làng Yên Phú. Yên Phú là một giáo họ trực thuộc GX Thọ Ninh. Về địa lý, Yên Phú ở liền kề Thọ Ninh, gần như không có một ranh dưới nào cách biệt. Giống như ở Châu Sơn ta: thôn 2 và thôn 3 cũng chỉ cách nhau một đường ngang.
Nhưng giữa Yên Phú và Thọ Ninh lại hoàn toàn khác biệt nhau. Như đã kể trên, đường làng Thọ Ninh nhỏ hẹp và vòng vo quanh co, thì trái lại đường làng Yên Phú rộng thoáng hơn và đường ngang lối dọc, có vẻ ngay ngắn đường đi lối lại hơn Thọ Ninh. Ngay cả vườn tước cũng rộng hơn và thoáng đãng hơn. Nhà cửa lề lối ngăn nắp hơn Thọ Ninh.
Tôi tự hỏi tại sao hai làng ở sát kề nhau, mà quy hoạch của hai làng lại trái ngược nhau như thế!??? Đôi khi cuộc sống có những điều vô lý, nhưng lại rất hợp lý trong thực tế mà chúng ta không lý giải được.
Chỉ tản bộ mấy bước là thấy cao cao tháp đơn nhà thờ giáo họ Yên Phú với chóp trụ dung dị và mộc mạc như người dân Yên Phú. Nhưng khuôn viên nhà thờ lại khá rộng lớn. Mới đây, nhờ cha xứ thương lượng với chính quyền để người dân có phần ruộng sau lưng nhà thờ cúng vào, cơi nới khuôn viên có đến gần cả mẫu đất. Giáo dân Yên Phú vừa mới thi công hút cát từ sông lên để phủ lấp đất ruộng nâng cấp lên cho bằng sân cũ nhà thờ.
Lần đầu về thăm Yên Phú năm 2005, đã thấy một Yên Phú nhà cửa vườn tược khá tươm tất và ổn định. Có thể những mái nhà tôn chen lấn với mái nhà ngói đã sậm đỏ màu và tường vôi vựa cũng đã xuống sắc theo với thời gian. Nhưng hầu như ở Yên Phú vào thời điểm 2005 không còn mái nhà tranh nào còn lại.
Lần thứ 2 tôi đến thăm vào năm 2011 thì Yên Phú đã khởi sắc hơn nhiều rồi. Những ngôi nhà mới được thay cho những ngôi nhà ngói cũ xuống cấp. Các bờ tường đã được xây dọc theo bờ rào, tạo nên cho khu vườn được kín đáo hơn.
Dạo bước vào giữa làng, có người Yên Phú hỏi thăm: “các ông ở mô đến đây?”. “Dạ, nhà con ở GX Châu Sơn trong Nam ra đây ạ!”. “Bà con trong Nam ta khoẻ cả chứ mấy ông”. “Dạ, cám ơn ông, bà con ta trong đó an lành cả!”. Họ đôn đả mời chúng tôi vào nhà uống nước rồi thân quen hỏi chuyện. Một ông cụ cao niên hỏi: “các ông ở Châu Sơn trong nớ có biết cố trùm Chương, cố Hương Trường, ông Nhân, ông Lễ không?”. “Dạ, nhà con biết các cố ấy khi sinh thời”.
Một người chỉ tay: “nhà cố trùm Chương ở vườn ni nì”. Vốn đã nghe tiếng nhà cố Trùm Chương có một ngôi nhà ngói 5 gian rất lớn, bây giờ lại được tận mục sở thị. Ngay cả nhà ông nội tôi, cũng có ngôi nhà 5 gian ở Cầu Khóng, nhưng xem ra chỉ cổ kính với bộ gỗ lim mà thôi chứ không lớn bằng.
Một ông độ tuổi 70 có chòm râu bạc hỏi: “trong nớ các ông có biết đàng cánh cố Lan (Thiện), bà Gôi, ông Thi…không!”. “Dạ, những người này chẳng những chúng con biết mà con thân quen nữa là đàng khác”. Tôi hỏi thăm về cuộc sống dân tình, về mùa màng…Họ bảo cuộc sống ngoài này còn khó khăn lắm! Ruộng nương ít ỏi, năng suất chả bao nhiêu, nhưng được một điều là nhàn hạ.
Xem ra ở cùng một làng quê, nên kẻ đi người ở lại đều thân thương với nhau. Con người Yên Phú tính dễ hoà đồng thân thiện.
Cũng giống như Yên Phú ở Châu Sơn, ở ngoài bắc họ nuôi gấu, và cũng nuôi nai, tuy không nhiều như Yên Phú ở Châu Sơn. Đã từng có một thời người Yên Phú là một trong những giáo họ ở Châu Sơn, có số lượng nai nhiều nhất GX.
Và lần này năm 2018, Yên Phú đã thay da đổi thịt hẳn. Những ngôi nhà mê mái Thái mái Tây chen lấn nhau bên những mái nhà trệt cấp 4 mới mọc lên, làm cho làng xóm khang trang hơn. Đường đi lối lại bê tông sạch sẽ, ra vẻ một phố thị hơn là miền quê. Có lẽ, Yên Phú là làng quê bức phá về xây dựng nhà cửa và đường sá lên hàng đầu so với ba giáo họ Thọ Ninh, Kẻ Tùng, Đồng Tràng ở Miền Bắc.
Ra Yên Phú mà không tới xem cây ngô đồng 100 năm tuổi, tưởng như chưa tới vậy. Có người kháo thế, bảo sao tôi không tới chứ! Cây ngô đồng cao khoảng 10 m này nằm cuối làng Yên Phú nơi bến sông La. Cây toả một vòng tán với cành lá xum xuê, có đường kính khoảng 20 mét. Đó là cây cổ thụ có từ đời cha ông còn tồn tại lại, nhưng thân cây không quá lớn như điều dự tưởng, khoảng hai người ôm.
Ngôi nhà thờ cũ ở gần trộc bến sông La, bị lũ lụt sụp lở đến nền nhà thờ nên phải dời nhà thờ vào phía trong ruộng. Mảnh đất này đã xây dựng thành một tượng đài Đức Mẹ bồng con với tà áo dài thướt tha. Tình cờ lên mạng, thấy` một bài viết về GX Thọ Ninh trong trang web GP Vinh, tôi đã bắt gặp tấm hình quý hiếm về nhà thờ Yên Phú thời năm 1955 mà dường như bây giờ đã thất truyền để chẳng còn mấy ai lưu giữ được.
Về thăm Yên Phú, tôi chợt nhớ đến một người cha rất ấn tượng. Có lần đọc trong quyển gia phả họ Đậu, có cha Phê Rô Đậu Quang Lĩnh, là một người đấu tranh chống Pháp, sau bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Cuối đời cha về GX Cái Mơn và tạ thế ở đó! Cha có tầm ảnh hưởng lớn chẳng những trong phận Vinh, mà còn cả bên thời thế! Đã có thời trường Đậu Quang Lĩnh là trường lý đoán của Giáo phận Vinh. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng có thơ khen lòng kiên vững đấu tranh chống Pháp của cha. Hiện nay có trường PTCS Đậu Quang Lĩnh tại Xã Đức Long, TT Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Tưởng cũng nên nhắc lại cha Phê Rô Nguyễn Công Minh Yên Phú đàng trong Châu Sơn. Cha là một con người thiên năng thông minh và sâu sắc, là một pho sách tự điển sống kiến thức. Khi mới thụ phong linh mục, GP BMT đã dự định gửi cha đi du học Pháp, nhưng tiếc thay, cha đã bị “vòng kim cô bệnh tật kiềm toả” cho đến chết.
Yên Phú và Thọ Ninh như hai anh em sinh đôi, cùng nằm bên dòng chảy sông La, nên mọi thiên tai lũ lụt đều đồng cam cộng khổ với nhau. Có những năm lũ lụt dâng cao, người dân phải leo lên chạn nằm để tránh con nước hồng thuỷ cuộn cuộn như thác đổ cuốn trôi hết gia súc, của nả…bảo sao mà người dân làm ăn giàu có lên được.
Tuy nhiên, bình thường những khi không lũ lụt, con sông La trông rất hiền hoà và dạt dào gợn sóng biếc xanh, nước trôi lờ lững, trông rất thơ mộng. Nhưng phải nói, đứng ở tầm nhìn Yên Phú ngược lên dòng sông La mới thấy được sự thi vị và lãng mạn của con sông này. Nhìn lên là cầu Thọ Tường bắc qua sông La như nối liền nhịp bờ vui xôn xao giữa đôi miền dân cư. Nhìn sang bên kia sông, những rặng tre xanh nghiêng bóng thấp thoáng mờ xa bóng giáo đường: Bùi Xá, Yên Đông, Nghĩa Yên, Yên Trung…như ấp ủ một tình quê lai láng.
Dòng nước mát sông La như một dòng sữa ngọt ngào không bao giờ vơi cạn, đã nuôi dưỡng tâm hồn người dân quê bao tình đậm đà mến thương của một miền đất địa linh nhân kiệt.
Trộc bến Yên Phú…Đứng ở cuối làng, từ bờ sông Yên Phú nhìn lên cầu Thọ Tường thì tầm nhìn có thể thâu tóm hết các trộc bến từ Yên Phú cho tới Thọ Ninh rõ mồn một.
Có lẽ lúc này cũng nên có một lời giải thích cho thế hệ trẻ sinh trong Nam biết: thế nào là trộc bến? Trộc bến là nơi con đường làng thông ra tiếp giáp với dòng sông để người dân làng sinh hoạt: tắm gội, giặt giũ, bơi lội, gánh nước và neo đậu ghe thuyền. Trộc bến thường phải bạt một góc 30 độ từ đường làng xếp bậc tam cấp xuống tiếp giáp dòng nước để người làng lên xuống sinh hoạt cho thuận tiện. Thông thường, mọi con đường làng đều thông ra sông với một trộc bến. Và trộc bến thường được mang tên gọi của nhà nào ở gần đó, ví như: trộc bến Cố Thông Đoan, trộc bến Nhà Thờ, trộc bến cây Gạo…Xem ra, đường đi lối lại bê tông cùng với cây xanh trong vườn, đã làm cho làng xóm Yên Phú xanh sạch đẹp chẳng khác nào phố thị. Ngay đến nhà cửa Yên Phú miền Bắc cũng khang trangvới nhà mê mái Thái, mái Tây sầm uất hơn hẳn Yên Phú trong Nam rồi. Tuy nhiên cuộc sống và con người của Yên Phú hai miền khác nhau là mấy. Mặc dầu đời sống kinh tế không phải là nổi trội, nhưng con người vẫn nhàn nhã phong lưu. Cuộc sống an vị kiểu “lão giả yên chi” “thủ thường hơn trác lạc”…đã làm nên một Yên Phú sống đời an cư lạc nghiệp.
Nguyễn Vĩnh Căn