Mảnh đất Hà Tĩnh đón những đứa con sau 50 năm ( 1955- 2005) trở về quê mẹ, vào một buổi sáng thức giấc sau một đêm hè oi bức và ngái ngủ. Xe dừng lại ngã ba Bãi Vọt, lúc trời mờ sáng. Chưa kịp xuống xe, đã nghe giọng nói thân quen Hà Tĩnh: của ta, của ta…các anh đi mô, về mô… Đó là tiếng xôn xao của cánh xe ôm. Họ chào mời rất đôn đã và dễ chịu, chứ không hàm hồ lôi kéo như ở trong Nam. Từ một quán cóc bên đường, giọng một cô gái khá dễ thương chào mời: các anh vô đây, vô đây đi, ngồi nghĩ uống nước khôông mất tiền mô. Thân thiện và cởi mở đến thế là cùng. Một sự khởi đầu rất tốt đẹp và đầy thiện cảm.
Một cuộc hội ngộ quá muộn màng và ngoài sức mong đợi, chỉ có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới diễn đạt nổi những cảm xúc mãnh liệt và thiêng liêng đó trong lời ca: Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng, trời rộng biển xanh, sông gấm nối liền một vòng tử sinh.
Một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc và nước mắt của người ở lại, với bao biến cuộc thăng trâm dâu bể và người về với bao nhung nhớ, xót xa và ngậm ngùi thương đau cho những mất mát của cuộc sống và những người thân quen đã đi xa, mà:
Ngôn vô tận, ý chẳng hết
Tình chỉ nhìn, thấu hết tâm can
Mọi trí tưởng tượng kém cỏi trong tôi về một miền quê Hà Tĩnh sụp đổ trong một buổi sáng mùa hè. Trời êm, gió nhẹ đưa mây ngàn trắng xoá lên cao, để rồi nhẹ buông rơi một giải lụa xanh từ cõi non ngàn xa xăm, dạt sóng biếc nhấp nhô thuyền trôi về đâu mênh mang một cõi, tình ơi là tình.
Bến ở đó, mà sao thuyền không đậu, cho lòng ta sóng cứ mãi ngây ngất. Ta ngồi đây mà hồn phách xiêu lạc chốn phương nao. Bên bờ sông, những rặng tre xanh quấn quýt phủ mịt mờ làng quê xa, chỉ còn nhô lên những ngọn tháp cổ Giáo Đường vẳng tiếng chuông ngân vang. Bến nước con đò năm xưa còn đó, mà người thiên cổ đâu chăng tá?
Ớ Thọ Ninh, ớ Yên Phú, chỉ cách một bến đò mà sao xa cách đến thế, hay ngàn năm nước trôi lạc mất lối về. Ai làm dòng sông bên bồi bên lở, cho nhân duyên lỡ bến vạn sầu thiên thu. Bất ngờ, tôi reo lên ngây ngô như một đứa trẻ: Đẹp quá! ôi quê tôi đẹp quá! Chợt nắng chói loà, lung linh ánh vàng chấp chơi trên giải ngân hà, cứ trôi mãi, trôi mãi …bến bờ vô tận. Tôi thả hồn chảy mãi, chảy mãi theo dòng chảy, mà không sao bắt kịp, mới hay rằng: lòng ta sao quá hẹp, để không đong hết nỗi mênh mang một cõi đất trời.
Ta đã về với mênh mông sông nước biển trời lai láng tình quê. Ta đã về với bến đò xưa phủ bóng tre già, tình nhân trẻ hẹn hò lưu luyến một thửa đợi chờ dưới trăng mờ. Ta đã về, trên dòng sông La ngày xưa trai gái, võng tiếng hò đưa câu ví dặm.
Ta về đây, trên bờ đê cỏ non xanh thẳm cho tuổi thơ thả diều, đá dế, cưỡi bò trên cánh đồng quê. Ta về đây, dưới luỹ tre làng nơi chôn rau cắt rốn. Ta về đây, nơi mảnh đất Tiên Tổ nằm xuống cho hoa nở nhân sinh trong mỗi tâm hồn người.
Và con người là cả một đặc sản tinh tuý của miền quê Hà Tĩnh: chân chất, dung dị, mộc mạc, hiếu khách, thân thiện và hiền hoà như dòng chảy sông La. Chúng tôi, những người di cư 54, và hơn 50 năm, không còn được tắm gội nước nguồn sông La, cũng như không còn được hít thở khí trời Hồng Lĩnh.
Có lẽ, cái nguyên bản tự tình miền quê đầy tính nhân văn, như hương đồng gió nội đã bị bay đi ít nhiều.
(Trích trong bút ký “Một chuyến du bắc” năm 2005)
Nguyễn Vĩnh Căn