GIỖ ĐẠI TƯỜNG ĐỨC CHA TRỊNH CHÍNH TRỰC

Giỗ Đại Tường

ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC

ct

Một cái chết,

làm thức dậy hồi ức về MỘT NGƯỜI CHA

Posted Sun, 25/09/2011 – 22:45 by athu

      Tiếng chuông đổ ngắt quãng, rời rạc…vào lúc 11 giờ 30 vào trưa ngày thứ sáu 23.09. 20011 chỉ làm cho người giáo dân nghĩ rằng: một người nào trong làng chết, nhưng người giật chuông quá vội vàng hoặc không quen giật, nên tiếng chuông nghe lổ đổ…Có điều đặc biệt là, tiếng chuông sau đó đổ liên hồi rất lâu, khiến đứa con tôi ngạc nhiên bảo: “Hình như cha nào chết hay sao mà chuông đổ liên hồi không dứt khác lạ lắm ba ạ!”. Tôi bảo: “chỉ có Đức Cha chết, các giáo xứ mới báo chuông mà thôi”. Một lúc sau, cái tin Đức Cha chết đã loan khắp giáo xứ Châu Sơn.

      Từ cái chết đó, bỗng làm thức dậy hồi ức trong tôi về một người Cha…

        Cái ngày 10.03.1960 bỗng tràn về trong tôi. Mặc dầu lúc đó tôi còn bé nhỏ lắm, chỉ mới học lớp tư (tức lớp 2 bây giờ), nhưng ký ức về hình ảnh một người Cha lần đầu tiên về giáo xứ vẫn còn đọng lại: Một thân hình hộ pháp của người lính tây khố xanh to cao. Nước da trặm đen với mái tóc ca rê, càng làm Cha khoẻ khoắn và rắn rỏi thêm. Người Cha đã thô mộc lại mặc áo chùng thâm vải đã bạc màu, càng làm con người Cha thêm dung dị và bình dân hơn. Thú thực, hình ảnh ban đầu của Cha không mấy hợp nhãn với tôi lúc còn bé! Bởi trẻ con vẫn thích cái gì bóng đẹp, dễ nhìn. Và ngay cả giáo dân Châu Sơn lúc đó, vẫn có tính cục bộ để mong muốn một ông cha người Trung “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, nên đâu đó có tiếng xì xầm “Lại một ông cha bắc kỳ nữa đây!”.

         Rõ ràng là buổi đầu Cha về GX không được sự đồng cảm của người giáo dân cho lắm! Cũng dễ hiểu thôi, bởi một bên người Bắc ăn nói lịch lãm, thanh thoát, tâm tính sâu sắc và, một bên người Trung ăn to nói lớn, tính tình thô mộc, bảo sao hai bên có sự hoà hợp và đồng cảm được.

         Chỉ mấy ngày sau, giáo dân thấy bóng dáng một trung niên cao khềnh trong bộ đồ bà ba màu nâu sòng, đi đôi cuốc mộc cọc cạch, đĩnh đạc bước vào cổng nhà ông Hoá (Tài), trong tiếng chó sủa inh ỏi, vì là người lạ mặt. Cả xóm đang uống nước mới, nhìn ra lấy làm lạ và tự hỏi: “Cha đi mô mà lạc vào đây, hay Cha đi kiếm nhà ông trưởng ban hành giáo?”. Mọi người còn đang bỡ ngỡ, thì Cha đã lên tiếng: “Chào các ông, xóm uống nước mới vui quá, cho tôi nhập xóm với!”. Tiếng “Lạy Cha” rân vang và kèm với lời mời: “Nhà con mời Cha vào uống nước ạ!” . Cha vào ngồi uống nước và gợi chuyện rất tự nhiên, nhưng xóm uống nước, ai cũng nín khe, phần vì hồi đó các cha là bậc cao quý đối với giáo dân và ít khi giáo dân được gần gũi, bây giờ tự nhiên lại cùng ngồi uống nước mới một cách bình dân thân thương đến thế, bảo ai không e dè. Ngay cả các cha đồng hương người Nghệ Tĩnh vẫn chưa có sự thân thương và gần gũi với dân mình, làm sao ông cha người Bắc lại có thể dễ dàng để ngồi chơi uống nước đấu láo với giáo dân như vậy được, chắc phải có điều gì nghiêm trọng lắm đây!

     Một lúc sau thì mọi việc cũng được giải mã hết sức đơn giản với những lời thăm hỏi của Cha đến bà con về: mùa màng, trỉa vại, thu hoạch… và về đời sống con cái gia đình từng người…khiến mọi người thở phào nhẹ nhỏm và cảm thấy bắt đầu có chút thiện cảm với Cha. Người ta lấy làm lạ là, tại sao một người “dân rau muống” không có thói quen uống nước mới, lại dễ dàng hoà nhập và nghe hiểu được tiếng nói thô mộc của người “dân cá gỗ” chứ! Quả thật là giáo dân Châu Sơn hơi bị bất ngờ với một ông Cha Bắc kỳ ban đầu nhìn tướng mạo dị cảm, mà càng về sau lại càng thân thương và đầy thiện cảm đến thế!

       Thế là sáng nào, hình ảnh một người Cha với hành trang vai mang chiếc radiô hát rân vang, và một túi đầy lạc rang thả bộ vào xóm, uống nước mới. Chỉ vài ngày sau tiếng lành đồn xa “không ngờ ông Cha Bắc kỳ lại dễ hoà đồng và đầy thân thiện với giáo dân đến thế”. Người giáo dân khó tính cách mấy, cũng phải ngã mũ kính nể và cảm mến một người Cha luôn hết mình lo lắng cho đời sống giáo dân!

     Về kinh tế, vừa về giáo xứ, Cha đã chạy vạy một máy phát điện thắp sáng cho nhà thờ, hồi đó đang khó khắn lắm! Điều mà Cha luôn thao thức là, mong muốn cho kinh tế GX phát triển lên tầm cao. Vì thế, Cha đã xoay xở để tậu hai chiếc máy cày thay trâu bò, để nhờ sức máy mà người dân có thể canh tác trỉa vại được nhiều diện tích và thu hoạch được nhiều hoa màu: lúa, ngô, khoai, đậu, lạc…hơn. Mùa gặt về, thấy người dân cứ phải dùng cối giã gạo vất vả cả đêm để có gạo nấu ăn, Cha đã sắm hai máy xay lúa đặt ở đầu làng và cuối làng cho người dân tiện đi xay. Phải nói, Cha là người có đầu óc thực tiễn và cầu tiến! Cha chẳng bao giờ phô trương giáo điều, lý thuyết, mà chỉ tìm cách hiện thực được điều Cha mong muốn cho giáo dân được đạo đức hơn, cuộc sống khá khấm dồi dào kinh tế hơn, là Cha mãn nguyện.

       Về giáo dục, Cha rất quan tâm đến con em để xin nhiều sách vở, bút mực của ngành giáo dục phát triển Cao Nguyên, để phân phát cho các em đang còn thiếu thốn. Cha xin nhiều bơ sữa, bột mì, pho mát của quỹ Unesco để bồi dưỡng thể lực cho con em đang thiếu dinh dưỡng. Về thể dục, Cha chú trọng đến các môn chơi bóng đá, đi chơi dã ngoại, tập thể dục mỗi sáng…Vào dịp nghỉ hè, Cha khuyến khích con em lao động nương rẫy giúp cha mẹ. Cha quan niệm: “Một tâm hồn lành mạnh trong một thể xác cường tráng”. Bản thân Cha rất ham thích lao động. Thường ngày, Cha hay ra sân nhà trường để đào lỗ trồng các cây phượng, cây bàng…và cây ăn trái ở vườn cây. Mùa nắng Cha thường quây nước lên, rồi xách tưới tắm cây trồng rất chuyên cần.

       Về đạo đức, Cha đem phong trào Thiếu nhi Thánh thể áp dụng vào GX. Cha thành lập hai nhóm Ấu và nhóm Thiếu.

      Ngoài ra, Cha còn lập hai Đoàn: Thiếu nhi nam và Thiếu nhi nữ, sinh hoạt tối Chủ nhật và có thánh lễ riêng sáng thứ năm mỗi tuần. Cha tổ chức học hỏi giáo lý, Bổn, Kinh theo sách Kinh GP Vinh. Vào mùa chay, Cha thường tổ chức thi giáo lý và phát thưởng. Bản thân Cha cũng rất đạo đức. Những lúc tản bộ trên sân nhà thờ hay sân trường, không khi nào cha rời bộ tràng hạt. Cha quan niệm: “Cầu nguyện là phương thế đạo đức tích cực nhất mà ai cũng có thể làm được”.
       Với tầm nhìn xa, Cha luôn đi trước thời đại. Cha khuyến khích người dân thay đổi cây trồng nông nghiệp sang cây trồng công nghiệp: Ca cao, Cà phê để phát triển lâu dài. Cha đã từng lặn lội vào khu vực tây bắc Cư Ebur mà người ta quen gọi là “vùng 700 mẫu” để tìm đất, mở rộng diện tích cho giáo dân canh tác thành những trang trại. Tiếc rằng thời cuộc không cho phép Cha thực hiện điều mong muốn.
Về mặt thờ tự xây dựng giáo xứ: Năm 1963 Cha cho đặt tượng Chúa Kitô Vua trên núi Chư Ebur. Thời đó việc leo lên đỉnh núi là rất gian nan vất vả để đem tượng Chúa và cát đá lên. Nhưng rồi được sự ủng hộ của toàn giáo dân, Cha đã huy công tác để đem tượng Chúa lên dựng một cách an toàn. Nhờ đó, sau này Đoàn Tráng niên mới có cơ hội xây dựng núi Chúa lên cơ ngơi hoành tráng như bây giờ.

      Hiện nay, núi Chúa rất được nhiều quan khách kể cả nhân viên cán bộ nhà nước và các giáo xứ khác xa gần lên tham quan thường ngày.
Một tiểu hoa viên với tượng Đức Mẹ ban ơn ở đầu làng, một đồi Canvê tượng Thánh Gioan Baotixita ở ngã ba ngõ vào xóm trong (bây giờ là thôn 3). Cha xây dựng thêm hai lớp học và một nhà xứ thật khang trang. Trong khi Cha đang dự định xây dựng ngôi thánhđường mới để thay ngôi nhà thờ ván đã xuống cấp thì, Cha có bài sai ra nhận giáo xứ Thánh Tâm.

     6 năm ở giáo xứ Châu Sơn không phải là ngắn ngủi với một linh mục, nhưng ngày Cha ra đi, mọi người giáo dân cảm thấy tiếc nuối vì Gx đã vắng bóng một người cha đáng kính, đầy yêu thương và biết bao trìu mến. Mà tiếc nuối cũng là phải thôi, bởi trong 6 năm đó, cha đã chung tay đóng góp nhiều công trình lợi ích cho giáo xứ và cải thiện đời sống kinh tế giáo dân đáng kể.
    Đó chính là cha Giuse Trịnh Chính Trực – linh mục quản xứ Châu Sơn, sau này là cha Chính giáo phận BMT và là Giám đốc Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh.
    Ngày 15.08.1981 Ngài được tấn phong làm Giám Mục Giáo Phận BMT.
    Năm 2000, Ngài về hưu tại Toà giám mục. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, tưởng Ngài không qua khỏi, thế mà Chúa đã để Ngài sống đến bây giờ mới gọi về.
    Nếu được tóm gọn về con người của Cha, chúng con xin dâng tặng Cha 10 chữ Ngọc: Đạo Đức, Bình Dị, Thân Thiện, Thực Tiễn, Cầu Tiến

    Phải nói giáo xứ chúng con rất vinh dự, vì có được một người Cha đầy phẩm chất thánh thiện và đáng quý, về chung sống với giáo xứ chúng con. Trong suốt sáu năm đó, chúng con đã học được nơi Cha rất nhiều điều bổ ích: nhất là sự thánh thiện, giản dị, bình dân, hoà đồng và tin yêu hết mọi người.
     Chúng con xin chân thành cám ơn Cha, vì Cha đã đóng góp công sức lớn lao cho Gx, để làm nền tảng xây dựng lên một giáo xứ trù phú như ngày nay.

     Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban tặng cho Giáo phận chúng con Một – Người – Cha -Ưu – Tú và Đạo Đức vào bậc nhất. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho Cha, vì sự nghiệp lớn lao mà Cha đã đóng góp cho Giáo phận và giáo xứ Châu Sơn chúng con.

      Nguyện xin Thiên Chúa đưa Cha về cõi vĩnh hằng, hưởng phúc đời đời bên Chúa Cha Nhân Từ.

     (Bài viết này đã được đăng trên web GPBMT 23/09/2011)

Nguyễn Vĩnh Căn – GX Châu Sơn

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG PHÊRÔ PHẠM ĐỨC CẢNH (Khang)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

CÁO PHÓ: ÔNG AN TÔN ĐOÀN QUANG VĨNH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …